Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 475
Số lượt truy cập: 72881105

Quảng cáo
NGƯỜI LÍNH CỦA TƯỚNG GIÁP 12/21/2013 10:13:40 PM
Đất nước Việt Nam luôn tự hào về lịch sử bốn nghìn năm văn hiến. Trong hành trình đi lên cùng đất nước, lớp lớp thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương để làm nên đất nước tươi đẹp, đàng hoàng hôm nay.Trong đội quân cứu nước hùng hậu ấy, tôi muốn nói đến một người lính trong muôn vạn hùng binh của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng-người lính thương binh Nguyễn Thọ Lân. Đó là người lính của Cụ Hồ, người lính của tướng Giáp, là niềm tự hào của thế lớp con cháu về thế hệ cầm súng đã sống và chiến đấu để làm nên đất nước hôm nay.

*Chí làm trai dặm nghìn da ngựa:

Sinh ra ở vùng quê nghèo Hoa Thủy trong một gia đình bần nông nhưng ông được gia đình cho ăn học đến nơi đến chốn. Những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, ông luôn đau đáu về tội ác của đế quốc Mĩ đã giày xéo lên mảnh đất quê nhà. Thêm vào đó, bố ông là liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp, nỗi đau và niềm tự hào ấy đã hun đúc trong ông về chí làm trai thời chiến để đền trả nợ nước thù nhà. Mậu Thân 1968, chiến thắng của quân ta đã cỗ vũ quân dân cả nước và dập tắt tham vọng của kẻ thù. Lúc bấy giờ, Nguyễn Thọ Lân là cán bộ của ty tài chính ở Quảng Bình. Một tương lai rộng mở của người cán bộ trẻ đã được chuyển hướng theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Ông viết đơn tình nguyện vào chiến trường trong khi hai anh đang trực tiếp chiến đấu ở ngoài mặt trận. Với lí do có hai người thân đang tại ngũ, cấp trên không duyệt đơn của ông. Nhưng với lòng nhiệt thành và quyết tâm lớn, cấp trên đã kí duyệt sau nhiều lần trả đơn. Tiếng gọi non sông đã thôi thúc người thanh niên trẻ Nguyễn Thọ Lân gia nhập vào đoàn quân hùng mạnh với khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Vào chiến trường, ông được biên chế vào đơn vị C4D45 Tỉnh đội Quảng Bình, chuyên về súng chống tăng B41, hoạt động tại mặt trận Quảng Trị. Trong thời gian từ năm 1968 đến 1972, ông đã lập được nhiều chiến công, được tặng nhiều bằng khen và huân huy chương các loại. Ông xem đó là dấu son chói ngời trong quãng đời binh nghiệp. tâm sự với chúng tôi-lớp con cháu thời bình, ông hãnh diện về sức mạnh của tuổi trẻ thời đạn lửa: “Tình yêu tổ quốc của lớp trẻ lúc ấy vô cúng mạnh mẽ và thiêng liêng, không những ông mà còn rất nhiều người đồng chí đồng đội đến từ mọi miền quê đất nước đều quyết chí chiến đấu quên mình. Có thể nói đó là khí thế hào hùng của cả non sông”. Tâm sự với chúng tôi, ông cũng nhiều lần xúc động bởi các đồng chí đồng đội lần lượt ngã xuống, có những người còn rất trẻ, tuổi chưa đến đôi mươi. Ông còn nhớ như in những đêm gối ba lô trên đầu vượt Khe Sanh-Ba Lòng cho kịp giờ ra trận, những đêm truy kích giữa rừng cho đến gần sáng…Kí ức về thời đạn lửa cứ dội lên trong ông với niềm tự hào bất tận hòa lẫn với niềm xúc động sâu xa. Kỉ niệm đời binh nghiệp thật nhiều và kỉ vật nào đối với ông cũng quý. Ông cho chũng tôi xem những kỉ vật đời lính mà ông cẩn trọng cất giữ đã hơn bốn mươi năm. Nào bi đông, nào ca nhôm máy bay, lưỡi lê, hộp đựng lương khô…tất cả đều phủ màu năm tháng nhưng đối với ông nó vẫn còn như vừa mới hôm qua. Mỗi kỉ vật là một bức tranh về cuộc chiến và thấm đẫm bao giọt nước mắt của chính ông. Đưa tay cầm chiếc ca nhôm tự chế, ông xúc động nghẹn ngào: “ Đây là chiếc ca ông cho người đồng đội uống ngụm nước cuối cùng trước khi anh ấy từ giã chiến trường sang bên kia thế giới bởi vết thương quá nặng”. Chúng tôi không hiểu nó nặng đến mức nào nhưng hình như ông không cầm nổi nữa, ông lại cất nó ngay ngắn vào chiếc tủ con đã sờn màu.

Trận chiến mùa hè đỏ lửa năm 1972 ở Quảng Trị, nhiều chiến sĩ của ta đã hi sinh, ông cũng bị thương nặng. Đang thế xung phong thì không may ông trúng đạn của địch, bàn chân trái bị văng ra chỉ còn gân treo lơ lửng. Ông cố gượng đứng lên nhưng đồng đội đã kịp ôm lấy ông và đưa về hậu cứ trị thương. Sau đợt phẫu thuật, bàn chân ông đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường. Xương thịt là của mẹ cha nhưng tự do cho tổ quốc là ước mong thiêng liêng của mẹ, ông đau đớn không phải vì vết thương thể xác mà hận mình không được cùng sát cánh đồng đội để tiêu diệt kẻ thù. Chí làm trai thời chiến của người cộng sản không cho phép ông lùi bước nhưng tình thế quá bắt buộc nên ông phải tạm dừng chân. Đó là chí khí oai hùng của một thời vất vả mà thế hệ trẻ chúng tôi không bao giờ hiểu hết, chỉ biết ngưỡng vọng và kính cẩn nghiêng mình trước những hi sinh thầm lặng của thế hệ cha ông. Lại nói về người lính bị thương, bất đắc dĩ mới rời chiến trường, ông trở lại hậu phương với Huân chương kháng chiến hạng hai do Nhà nước trao tặng. Không chịu khuất phục trước mất mát, ông lại tiếp tục cống hiến cho đất nước những gì có thể. Ông lại được vào làm việc và trở thành Trưởng phòng Hành chính-Vật tư-Tài vụ của Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em tỉnh Bình-Trị-Thiên. Từ sau năm 1993, ông về nghỉ hưu an dưỡng tuổi già.

*Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa:

Người lính năm nào trở lại quê hương với một cơ thể không lành lặn, một phần cơ thể của ông đã gửi lại chiến trường. Sau bao nhiêu năm chiến đấu và cống hiến, ông lại sum vầy bên cháu con và hưởng hạnh phúc của cuộc sống giản dị đười thường.Người lính thương binh đã ngoài 70 tuổi lúc rảnh rỗi lại trồng vài chậu hoa, cây cảnh. Ông còn là thành viên của CLB thơ Đường Kiến Giang-Lệ Thủy. Các con của ông bây giờ đều đã khôn lớn và thành đạt, trong đó có thầy giáo Nguyễn Thọ Sinh đang cống hiến cho mái trường rẻo cao Lâm Thủy. Nhìn những tấm huân huy chương treo trên tường, ông tự hào chỉ cho chúng tôi xem về truyền thống gia đình cách mạng. Cha ông là liệt sĩ, anh trai là liệt sĩ, một anh nữa đang bị nhiễm chất độc da cam. Một người bây giờ có một cuộc sống khác nhau nhưng đều được gói gọn trong bảng huân huy chương treo trang trọng tại phòng khách. Ông cẩn trọng gắn tiếp huy chương của mình sau những chiến tích của cha và các anh để nối tiếp truyền thống anh hùng. Đó là máu, máu của Việt Nam không có gì đánh đổi được. Ông thường nói đùa với con cháu : “Ông bây giờ không phải là người thương binh có vết chân tròn trên cát mà là người lính có dấu chân dài trên đá”. Đó cũng là sự thực bởi ông đang dùng bàn chân giả bằng gỗ để chiều chiều dạo bước trên quê hương qua những con đường có nhiều đá moọc. Ngọt bùi không quên lúc đắng cay, ông thường kể về mình và đặc biệt rất ngưỡng mộ tướng Giáp. Dù trong quãng đời binh nghiệp, ông chưa từng lần nào được gặp mặt người anh cả nhưng tinh thần của tướng Giáp luôn vang dội đến tai từng người lính, trong đó ông càng tự hào hơn vì mình là đồng hương của Võ Đại tướng anh hùng. Ngày Đại tướng ra đi, cả non sông nghẹn ngào đưa tiễn, ông cũng ra tận Vũng Chùa-Đảo Yến để đón Đại tướng về đất mẹ. Xúc động trước nỗi đau lớn lao, ông lặng lẽ xin nén hương về lập bàn thờ cho Đại tướng ngay ở nhà mình. Đến nhà ông hôm nay, mọi người đều kính cẩn trước màn thờ Đại tướng được đặt trang trọng ở ngay gian chính. Ngày ngày, ông đều thắp hương cầu nguyện cho Đại tướng ở bên kia thế giới. Ông cũng làm nhiều bài thơ thể hiện tình cảm của người con dân tộc và của người lính đối với Đại tướng. Xin được trích hai bài thơ trong nhiều bài của ông để bạn đọc cùng đồng cảm:

Bài thứ nhất:

Ngày Quý Mão, ba mươi tháng tám

Bác ra đi giông tố bão bùng

Trời buồn trời cũng tuôn mưa lớn

Đất khóc lai láng nước tràn trề

Cỏ cây heo hắt, chồi rụng lá

Bạn bè con cháu nước mắt trào

Vĩnh biệt tiễn đưa tướng đại tài

Về nơi chín suối mong Bác nhớ

Thưa với Bác Hồ cháu con ngoan

Dương trần đng thế vào hội nhập

Thề diệt hết loài sâu bọ hung

Bài thứ hai:

Từng đoàn truy điệu kính hương hoa

Chan chứa đôi mi lệ ướt nhòa

Cờ rủ thành rừng vào viếng Bác

Binh quân từng khối đến thăm cha

Năm châu bè bạn thật thương xót

Cả nước toàn dân đau diết da

Đưa tiễn cữu linh về xứ sở

Rước hồn anh cả đến quê nhà

Một mùa xuân nữa lại sắp đến, xin chúc người lính thương binh luôn mạnh khỏe, mãi là tấm gương sáng của thế hệ cháu con. Xin mãi tự hào về người lính Cụ Hồ, người lính của tướng Giáp. Họ đã tô điểm thêm cho trang sử vẻ vang, hào hùng của đất nước Rồng Tiên. Lớp trẻ hôm nay xin kính cẩn nghiêng mình trước những hi sinh mất mát của thế hệ cha ông một thời rực lửa. Tự hào non sông Việt Nam đổi mới, mỗi chúng ta càng tự hào về người lính đã chiến đấu vì độc lập tự do cho hôm nay và cho cả mai sau.

Hoa Thủy tháng 12 năm 2013

Lê Văn Thuần



21_12_2013_NLCTG_1.jpg
Người thương binh bên bàn thờ lập riêng cho Đại tướng


21_12_2013_NLCTG_2.jpg
Niềm vui đời thường của người thương binh


21_12_2013_NLCTG_3.jpg
Huân huy chương của gia đình



Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com