Nếu ai đó có dịp đi qua thôn tôi (Lê Xá - Mai Thủy) vào 2 ngày mồng 1 và mồng 5 tháng Tư (âm lịch) không khỏi băn khoăn tự hỏi: Sao đi qua chỗ nào của thôn cũng thơm mùi nhang khói? Xin thưa! Cách đây 64 năm, thực dân Pháp đã dã man sát hại 83 cụ phụ lão và nông dân quê tôi nên trong hai ngày này hầu như nhà nào cũng thắp hương tưởng nhớ người thân đi xa mãi không về.
Lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung, quê tôi nói riêng được ghi bằng máu và hoa. Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, lòng người dân Việt Nam vui mừng, hân hoan chưa được bao lâu thì thực dân Pháp được sự giúp đỡ của đế quốc Anh quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ta càng nhân nhượng nhưng thực dân Pháp càng lấn tới. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta trong cả nước, trước tiên là nhân dân Hà Nội, đứng lên kháng chiến. Và đêm 19 tháng 12 năm 1946, tiếng súng kháng chiến bắt đầu.
Ở Quảng Bình, sau khi đánh chiếm tỉnh Thừa Thiên, thực dân Pháp lập tức cho quân tiến công đánh chiếm thị xã Đồng Hới. Ngày 30 tháng 3 năm 1947, chúng cho quân chia làm hai hướng tấn công Lệ Thủy. Hướng thứ nhất triển khai từ Huế ra theo hai mũi, một dọc theo quốc lộ số 1 đánh từ Quảng Trị ra và mũi khác theo tuyến đường sắt từ ga Sa Lung đánh xuống. Hướng thứ hai cũng chia làm hai mũi, một mũi theo quốc lộ số 1 đánh từ Đồng Hới lên và mũi thứ 2 theo đường sắt đánh từ ga Mỹ Đức xuống. Ngoài ra, chúng còn cho ca nô triển khai theo đường sông đánh thăm dò khu vực các làng bên sông. Như vậy, địa bàn Lệ Thủy đã bị bao vây theo thế gọng kìm.
Thực hiện âm mưu "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh", thực dân Pháp mở nhiều cuộc hành quân càn quét đẫm máu để dồn dân, bắt lính, vơ vét tài sản của nhân dân, nhằm cô lập lực lượng kháng chiến. Huyện ta lúc đó có 98 thôn thì địch đã lập được chính quyền 20 thôn. Đến tháng 6 năm1948, toàn tỉnh có 173 thôn trong số 245 thôn địch đã lập được hội tề.
Như thế có nghĩa là năm 1947 - 1948, thế của địch rất mạnh. Để đối phó với âm mưu của địch, bộ phận chủ lực của ta rút lên đóng ở Bang - Rợn (chiến khu của huyện) nhằm xây dựng lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài, bộ phận còn lại bám dân, đấu tranh với giặc. Giặc càn, bắn giết, bắt bớ, vơ vét của cải, phá hoại mùa màng. Quân ta từ căn cứ đêm đêm mang bom tự chế về đặt ở những vị trí trọng yếu để phục kích chặn giết giặc.
Khoảng 8 giờ ngày 30 tháng 3 (âm lịch) năm 1948, ở hố đường ông Kìa thôn Lê Xá - Mai Thủy tiếng bom nổ rung trời chuyển đất. Một tên quan Pháp và 5 tên bảo vệ đi theo đền tội. Tức thì tên đồn trưởng ở đồn Phú Hòa cho quân vào bắt 20 cụ có vai vế trong làng ra khảo tra. Với thủ đoạn vừa dụ dỗ, mua chuộc vừa khảo tra cố tìm cho được người đặt bom nhưng các cụ đều nhất quyết không khai.
Không khuất phục được tinh thần của các cụ, sáng ngày mồng 2 tháng Tư, một toán lính Pháp cùng với tốp bảo vệ súng lê tuốt trần, theo lệnh của tên đồn trưởng bắt dẫn các cụ quay trở vào làng để hành quyết nhằm thị uy tinh thần của nhân dân.
Vùng đất giặc Pháp sát hại các cụ (nay là nhà ở của gia đình anh Tuyến, anh Nghí) là mảnh đất pha cát bằng phẳng, phía trên có đường quan (nay là đường 15), phía dưới là đường tàu hỏa.
Khoảng 11 giờ vào đến nơi, cụ nào cũng mệt vì tuổi cao vì bị đánh đập và đói khát. Bọn lính Pháp chia các cụ ra từng nhóm nhỏ, nhóm ba người, nhóm năm người để dễ bề kiểm soát, hành hung. Trong khi các cụ, người thì ngồi, người dựa vào gốc cây nằm, có mấy cụ ngồi sát nhau đang trò chuyện… Bỗng từng loạt đạn chát chúa vang lên… lẫn với tiếng la thét đau đớn của người bị bắn làm náo động cả một vùng.
Bắn xong, bọn lính chuồn thẳng. Bà con chạy đến. Than ôi! hai mươi mạng người chết oan ức, tức tưởi, máu chảy thành vũng, người nằm ngã, người nằm sấp, có chỗ hai ba người chết chồng lên nhau. Các cụ được người thân đưa về nhà lo hậu sự. Chưa hả giận, cho rằng thôn Lê Xá là thôn Việt Minh, bọn Pháp và bọn tay sai bày mưu, thực hiện tội ác mới.
Khoảng 7 giờ ngày mồng 6 tháng Tư năm Mậu Tý (1948), khi mọi người dân quê tôi, nén nỗi đau ra đồng gặt lúa thì bất ngờ nghe ba phía tiếng súng đồng loạt rền vang, nhà cháy rần rật, lợn kêu eng éc. Biết giặc đi càn nên bà con hò nhau chạy trốn. Nhưng chạy đi đâu bây giờ? Pháp từ đồn Mỹ Trạch theo đường sắt kéo về, từ đồn Phú Hòa kéo qua, từ đồn Thượng Phong kéo lên. Làng tôi nằm lọt thỏn trong vòng vây của giặc. Nhìn chỗ nào cũng thấy giặc. Chúng lăm lăm cầm súng trong tay. Thấy bóng người chạy là bắn. Đã có mấy người trúng đạn chết. Trong làng, mọi người dựa vào địa hình, hào hố, bụi bờ ẩn náu. Ngoài đồng, có người rẻ lúa trườn về phía Nại trốn (ở quê tôi thời ấy có lùm cây um tùm, rậm rạp gọi là Nại). Có người tìm vũng nước sâu dìm mình lấy lúa che lại mặc cho đĩa đeo khắp người. Vòng vây càng khép dần. Đã có rất nhiều người bị bắt. Người già, trung niên, trẻ con, đàn ông, đàn bà không chừa một ai bọn chúng bắt tất.
Tất cả những người bị bắt từng đợt được chúng dồn lên tập trung tại nhà ông Trấp. Không gian náo loạn. Những người bị bắt thì đấu tranh đòi thả. Tiếng chân rượt đuổi bắt, chạy trốn rầm rầm.Tiếng súng nổ. Tiếng la thét của người bị đánh. Tiếng con gọi mẹ. Nhà cháy khói mịt mùng, lợn gà kêu, tiếng chó bị bắn kêu ăng ẳng. Của cải các gia đình bị bọn bảo vệ khênh ra chất thành đống.
Một đoàn khoảng hai mươi người bị lính Pháp và bảo vệ bắt (trong số đó có ông thân sinh tôi). Biết sẽ bị bắn nên ông nghĩ cách thoát hiểm. Đang đi, thấy cụm gai tre bên đường, ông cố tình dẫm vào, xuýt xoa, ngồi thụp xuống và xin tên bảo vệ đi áp giải đằng sau được ngồi gở. Lợi dụng cơ hội ấy, Bọ tôi nhảy qua hàng rào chạy vào trốn ở nhà ông Dư. Mới leo lên nằm ở khu đị thì nghe ba bên bốn bề tiếng súng lại nổ, tiếng xì xà xì xồ của bọn Tây, tiếng van xin giằng co của mấy người đàn bà. Hóa ra, đã có mấy người đã chạy trốn nên chúng quyết bắt lại cho bằng được.
Một thằng Tây đen, râu ria xồm xoàm, mặt đỏ như gò chọi- Bọ tôi kể lại- bắt một chị đang thì con gái (xin được dấu tên) vào nhà, mặc cho chị khóc, hai tay chắp lại lạy nhưng như con ác quỷ, nó đè chị lên trên cái ghế hiếp. Vừa la hét vừa quẩy đạp mạnh nên chiếc ghế gãy thế là chị chạy thoát thân. Tên Tây đen tức giận, đến hất tung cái chăn và thấy anh Sửa đang bị sốt rét nằm co quắp trên giường liền chĩa súng vào anh xả luôn một băng đạn. Chưa hả giận, nó bật lửa đốt nhà. Lửa càng bốc cao nhiệt độ nóng càng lan tỏa đến nơi Bọ tôi. Ông lấy cái sàng tràng than làm quạt quạt lửa cho đỡ nóng và cứ lui cứ lui. Hai gian nhà cháy đã sập, cho là hết người tên Tây bỏ đi, Bọ tôi tức tốc nhảy xuống chạy nhào ra phía sau nhà bị sụp xuống hố, ông vơ vội dây cu cu phủ lên người. Cũng gần như thót tim, vừa lúc có một con lợn lao đến và cũng bị sập cùng hố, nhanh trí, Bọ tôi dùng chân từ từ nâng nó lên. Vừa chạy khỏi hố ba mét con lợn đã bị bắn chết và tức thì có ba tên (một tên Tây, hai tên bảo vệ) đến kéo đi.Lắng nghe, có phần yên ắng, Bọ tôi trườn qua bờ tre, bò hết cánh đồng cạn về Nại, băng qua ruộng sâu mới về được thôn Mai Hạ- Xuân Thủy (Quê ngoại tôi).
Xin được tiếp tục nói về những người bị Pháp bắt tập trung tại nhà ông Trấp.
Tại nhà ông Trấp, bọn giặc vây mọi người lại, chúng bắt khai tên tuổi. Đàn ông, ai trên 50 dưới 18 tuổi và đàn bà chúng cho là yếu đuối không làm Việt Minh được nên tha. Có khoảng hơn bảy mươi người bị chúng bắt giữ lại đều là thanh niên và nông dân cường tráng, khỏe mạnh. Thằng thông ngôn oang oang là mời bà con ra đình làng để quan lớn dặn dò, khuyên bảo làm ăn không làm gì đâu mà sợ. Bọn giặc giải họ vượt qua đường tàu đi lên hướng đường Quan. Đã có một vài người lợi dụng cây cối hoặc mất cảnh giác của giặc chạy trốn được. Ông Muỗi (nay đã 92 tuổi, hơn 50 tuổi Đảng), lúc đang ở nhà ông Trấp cùng với một số người khác đấu tranh với bọn giặc với lý do là làm ăn lương thiện không làm Việt Minh và yêu cầu đòi thả bà con ra. Thằng thông ngôn đến nói với thằng Tây thế nào không biết nhưng được biết ông Muỗi bị thằng giặc ấy táng luôn ba báng súng vào đầu. Trên đường bị giải đi, ông nghĩ kế chạy trốn. Thấy đông bọn người đi theo Tây vét của (gọi là cu ly) gánh, khiêng, bưng, nối ngược xuôi loạn xạ, rất nhanh trí ông chụp vác một con lợn khoảng bốn mươi cân đang nằm bên đường rồi chạy theo hòa vào đám cu ly nên thoát chết.
Đoàn người bị áp giải đến nơi mà cách đây ba hôm bọn Tây đã sát hại hai mươi cụ phụ lão thì được lệnh dừng lại. Đoàn người tụm năm, tụm bảy thì thầm to nhỏ không biết giặc nói có thật không. Nhiều người lo sợ hiện lên trên nét mặt. Có người vùng chạy đã bị bắn. Bọn giặc đứng theo hình vòng cung phía đường tàu tay lăm lăm súng. Và cái gì đến đã đến. Từng loạt đạn liên thanh găm thẳng vào đám người.
Một số người ngoài vòng chứng kiến giờ phút đó kể lại: "Có người bị bắn chết ngay. Có người bị thương hét lên ôm bụng chạy liền bị hai ba tên chạy theo bắn. Có người trúng đạn nhảy cẩng lên chới với mấy vòng mới đổ sụp xuống. Có người chưa trúng đạn lấy máu quệt lên mặt rồi úp mặt vào người đã chết bị bọn chúng phát hiện lôi ra nả luôn một băng đạn khắp người. Có người bị bắn rảy đành đạch hồi lâu mới hết. Máu chảy lênh láng. Xác chết đè chồng lên nhau xuôi ngược, sấp ngữa…"
Trời ơi! Oan ức quá! Tội nghiệp quá! Sáu mươi ba người phút chốc hồn lìa khỏi xác. Tang tóc bao trùm lên làng tôi: Người chết, nhà cháy, của cải bị cướp, mùa màng bị tàn phá nặng nề.
Tính từ ngày ấy đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Vết thương lành nhưng chỗ cắt vẫn còn đau. Đừng bao giờ ta quên điều đó. Người ra đi đã đành phận, người còn đó với bao niềm đau đớn, tiếc thương. Và tôi, khi viết bài này đã kìm nén cảm xúc, bởi trong hai ngày tang tốc ấy tôi mất đi ba người bác ruột kính yêu ra đi mãi không về và nếu không may thì Bọ tôi cũng bị giặc sát hại cùng ngày ấy rồi.
Mai Thủy, ngày 10 tháng 12 năm 2012
Nguyễn Thanh Khiêm
Hiệu trưởng thcs Mai Thủy

Bia tưởng niệm

Nhà tưởng niệm