Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 420
Số lượt truy cập: 72881105

Quảng cáo
KỶ NIỆM VỀ MỘT CHUYẾN CÔNG TÁC TRONG THỜI CHIẾN 11/19/2012 3:49:57 PM
Thua đau ở chiến trường miền Nam, ngày 5/8/1964 đế quốc Mĩ tiến hành mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt, Quảng Bình là cái “cán soong”- tuyến lửa của con đường huyết mạch Bắc - Nam, nên địch ngày càng đánh phá dữ dội nhất.

Trước tình hình đó, Đảng vẫn chủ trương duy trì giữ vững sự nghiệp giáo dục với khẩu hiệu: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy cũng phải quyết tâm thi đua dạy tốt, học tốt”.

Các lớp học ở Quảng Bình trong thời gian này được phân tán khắp các xã. Lúc đầu học ban đêm, địch đánh phá cả ban đêm lại chuyển sang học ban ngày. Các phòng học là những chiếc hầm nửa nổi nửa chìm trong lòng đất, bố trí rải rác, phân tán trong các thôn, để tránh xa các trọng điểm đánh phá của giặc. Xung quanh phòng học đắp thành cao, bên trên có trần chất đầy trấu hoặc rơm để chống bom bi, hai bên làm hai hầm chéo (loại hầm chữ A) để học sinh trú ẩn khi có máy bay oanh tạc. Không thể cho các em học nguyên lớp mà phải chia mỗi lớp thành hai kíp học, với số học sinh từ 15-20 em một kíp. Vừa hợp lý với phòng học, vừa là để tránh rủi ro, hạn chế thương vong nếu địch ném bom trúng hầm. Cho nên, giáo viên các trường đã thiếu lại phải dạy gấp đôi số giờ và phải đi từ thôn này sang thôn khác từ 2-3 ki-lô-mét. Việc đi lại đó rất vất vả, khi chuyển tiết đi từ lớp này sang lớp khác gặp máy bay đánh phá, bị kẹt phải vào các hầm cá nhân dọc đường trú ẩn là chuyện thường.... Vì vậy Giáo dục Quảng Bình gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là thiếu giáo viên trầm trọng.

Từ đó, Bộ và Ty có chủ trương vận động con em Quảng Bình đang dạy các tỉnh phía Bắc (lúc này Quảng Bình có nhiều giáo viên được đào tạo ở trường Sư phạm Hà Bắc - Hưng Yên) về chi viện cho Quảng Bình. Do đó, Ty giáo dục Quảng Bình cần phải cử người ra Bộ, để được Bộ giúp đỡ, giới thiêu đi các tỉnh phía Bắc nắm số lượng giáo viên con em Quảng Bình và vận động họ về chi viện cho giáo dục tỉnh nhà.

Năm 1966, tôi đang công tác ở Phòng Giáo dục Lệ Thủy và là một trong số ít người trong tỉnh được chọn đi học ở Liên Xô. Trong lúc chờ đợi giấy báo thì ngày 6/7/1966, Ty Giáo dục Quảng Bình điều động tôi đi Hà Nội và các tỉnh phía Bắc theo chủ trương nói trên. Cùng đi với tôi có anh Trương Như Thuần - Hiệu trưởng trường cấp 2 Bảo Ninh. Hai chúng tôi được mời về Ty giáo dục Quảng Bình gặp lãnh đạo ngành đó là các đồng chí Phan Quang Quy- trưởng Ty, Phạm Kim Ngân, Thái Thị Kim An là phó trưởng Ty. Các đồng chí đó đã động viên và giao cho chúng tôi 3 nhiệm vụ:

1.Gặp Bộ đề nghị Bộ tạo điều kiện giới thiệu đoàn chúng tôi về các tỉnh và các Ty Giáo dục Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên và Nam Hà, để chúng tôi liên hệ tìm hiểu, tập hợp danh sách những giáo viên quê ở Quảng Bình đang giảng dạy ở các tỉnh nói trên.

2.Yêu cầu các Ty Giáo dục và Ban tổ chức các tỉnh ra quyết định chuyển họ về chi viện cho Giáo dục Quảng Bình.

3.Nhờ lãnh đạo ngành các tỉnh đó tổ chức gặp mặt số giáo viên quê ở Quảng Bình để động viên họ trở về góp sức xây dựng sự nghiệp giáo dục quê hương.

Khi ra đi, tôi còn nhớ anh Quy nói một câu: " Các anh ra đi có thể hy sinh, song Giáo dục Quảng Bình sẽ có nhiều giáo viên về phục vụ".

Hai chúng tôi ra đi với cương vị là cán bộ Tỉnh và Ty Giáo dục, Ty đã chuẩn bị cho chúng tôi giấy ủy nhiệm của tỉnh ủy, UB tỉnh và Ty Giáo dục để chúng tôi làm việc với các tỉnh bạn.

Chiều 7/7/1966 trước khi lên đường thì riêng tôi nhận được điện báo của Phòng cho biết vợ tôi đã sinh cháu gái đầu lòng. Trong lòng tôi trào lên một nỗi niềm khó tả. Vui, buồn và nỗi lo lắng lẫn lộn. Nhưng với trách nhiệm nặng nề mà Đảng và ngành đã giao, tôi vẫn vui vẻ ra đi và hứa quyết tâm sẽ hoàn thành nhiệm vụ để mau chóng trở về...

Hai anh em chúng tôi với hai chiếc xe đạp không gác- đờ-bu, đờ-sên. Vành, tăm, ghi-đông,... được sơn màu xanh lá cây để ngụy trang. Ba lô trên vai thẳng tiến về Bảo Ninh (chúng tôi chọn lộ trình đi đường biển, theo thuyền vận tải của dân Bảo Ninh từ Đồng Hới ra Bến Thủy, để tránh đi đường bộ qua Đèo Ngang nguy hiểm hơn vì lúc này đèo Ngang bị hạm đội Mĩ bắn pháo cầm canh và máy bay địch ném bom suốt ngày đêm rất ác liệt).

Đúng 16 giờ ngày 7/7/1066, chúng tôi ăn cơm tối xong, được đò đưa từ Trung Bính sang chợ Đồng Hới để lên thuyền (lúc này chợ cũng như thành phố Đồng Hới đã bị đánh phá dữ dội chỉ còn một đống đổ nát hoang tàn). Đò vừa cập bến thì xuất hiện 3 chiếc F4H, chúng oanh tạc khu vực bến đò. Chúng ném cả bom tạ, rốc - két, bom bi. Chúng tôi phải chui vào trong một mảng công trình phụ còn sót lại để tránh bom. Khi địch oanh tạc dứt thì chúng tôi được lệnh lên thuyền. Thuyền dong buồm ra cửa Nhật Lệ. Đi cả đêm đến sáng thì ra biển Cảnh Dương, chúng tôi cùng đoàn thủy thủ phải dùng thuyền thúng bơi vào bờ nghỉ lại. Đêm thứ hai, thuyền tiếp tục vượt biển Đèo Ngang đây mới thật sự là một đêm căng thẳng. Pháo từ chiến hạm địch bắn cầm canh lên đèo. Pháo sáng từ máy bay thả chiếu rọi mặt biển sáng như ban ngày. Nhưng với tay lái kỳ cựu của người thuyền trưởng con thuyền chở chúng tôi vẫn băng băng luồn lách qua các khe lạch ở chân đèo.. Bên cạnh thuyền trưởng là sự khéo léo của các thuyền viên (lúc có pháo sáng lại kéo buồm trắng lên, lúc pháo sáng tắt lại kéo buồm sẩm màu lên để ngụy trang che mắt địch). Trên đầu, tiếng rít của đạn, pháo và bom. Tai ù bởi tiếng nổ, mắt lòa bởi ánh sáng của các tia chớp lửa đạn. Ba mươi phút vượt Đèo Ngang thật quá dài, chúng tôi luôn luôn trong tâm trạng căng thẳng, lo âu. Thế nhưng mọi sự cũng đã qua đi, chúng tôi đã an toàn vượt biển Đèo Ngang.

Sáng sớm ngày 9/7, thuyền chúng tôi cập bờ biển Kỳ Anh. Đáng lẽ theo lộ trình chúng tôi sẽ đi đường biển ra đến Vinh nhưng cảm thấy thuyền đi chậm quá nên hai anh em quyết định lên bộ đi xe đạp. Chia tay đội vận tải, với bao điều khó tả, tôi thầm cảm ơn đoàn thủy thủ đã che chở đùm bọc chúng tôi. Tôi nhận thấy mình không đơn độc mà bên mình còn có cả một tập thể những con người đang cùng cả nước kiên cường chiến đấu sản xuất, tất cả để chống Mỹ cứu nước. Điều đó, như tiếp thêm nghị lực, niềm tin, sức mạnh cho chúng tôi đi tiếp chặng đường sắp tới. Chúng tôi thẳng tiến đến thị trấn Voi và chuẩn bị vượt cầu Rác (Kỳ Anh), sông ở đây khô, lòng sông toàn là cát sạn và rác nên gọi là cầu Rác. Người dân ở đây khuyên chúng tôi rằng nên vác xe mà chạy cho nhanh để vượt cầu càng nhanh càng tốt. Vì đây là vùng trọng điểm địch đánh phá thường xuyên. Quả đúng vậy, chúng tôi vừa qua khỏi cầu khoảng 50m thì máy bay địch đánh phá cầu. Một lần nữa chúng tôi may mắn thoát tay tử thần.

Cứ thế, với hai chiếc xe đạp trần trụi, chúng tôi tiếp tục thẳng tiến ra Bắc lần lượt đi qua các con sông của Hà Tĩnh, vượt đò chợ Tràng. Ra Vinh, đi đường tránh cầu Cấm, cầu Bùng. Lúc đến cầu Giát ở Quỳnh Lưu, chúng tôi gặp phải một sự việc thật thương tâm. Hai chúng tôi đang quan sát để chuẩn bị vượt cầu thì thấy một đôi vợ chồng đi xe đạp đang chở nhau vượt qua cầu. Bất ngờ, máy bay đến oanh tạc, chị vợ sợ quá nhảy xuống xe, anh chồng theo đà cứ vượt cầu. Chị vợ bị bom cắt mất hai chân và đầu, chỉ còn đoạn giữa cơ thể, máu me lênh láng..., trước cảnh tang thương đó, chúng tôi không đành bỏ đi nên bàn nhau cùng ở lại động viên chia xẻ nỗi đau, cùng giúp anh chồng khẩn trương thu dọn thi thể vợ trong sự bàng hoàng, đau đớn khôn nguôi

Đêm đó, chúng tôi quyết định đạp xe đi suốt để tranh thủ thời gian và cũng là để xóa đi nỗi ám ảnh buồn thương, ghê người đó. Càng ra Bắc mức độ ác liệt càng giảm dần, nhưng thực sự qua hết các tỉnh Khu 4, trên đoạn đường còn lại, tâm trí tôi mới dần dần bình thường trở lại.

Sau hơn 7 ngày đêm rong ruỗi trên đường, cuối cùng sáng 15/7 chúng tôi cũng đã có mặt tại Hà Nội. Vào cơ quan Bộ, chúng tôi được đón tiếp chu đáo (lúc này ở Bộ có nơi giành riêng để tiếp đón các đoàn cán bộ từ chiến trường ra) rồi được Bộ giới thiệu về các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Nam Hà. Đến đâu, chúng tôi cũng được tiếp đón tận tình. Được các Ty bố trí cho gặp mặt các lớp GV bồi dưỡng hè, lại còn yêu cầu chúng tôi báo cáo tình hình và chia xẻ kinh nghiệm về tổ chức dạy học trong chiến tranh ở Quảng Bình và được trực tiếp gặp một số giáo viên con em Quảng Bình.

Hơn 20 ngày, với phương tiện xe đạp, chúng tôi rong ruổi qua 4 tỉnh thành, đã tuyên tuyền vận động và lập được danh sách 217 giáo viên quê ở Quảng Bình tình nguyện về quê hương phục vụ.

Thực hiện lời hứa với lãnh đạo ngành và tỉnh, chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trở về quê hương, mang theo hồ sơ của 217 giáo viên được các Ty Giáo dục làm thủ tục cho về Quảng Bình.

Chúng tôi trở lại Quảng Bình bằng đường vượt khe Sắn theo đường Kỳ Lâm, Kỳ Lạc để tránh đèo Ngang, bị lạc gần 1 ngày giữa rừng, cuối cùng cũng tìm được đồng bào dân tộc, xin ăn và nhờ họ chỉ đường về Quảng Phương. Như vậy là sau hơn 34 ngày đêm chúng tôi đã an toàn trở về quê hương Quảng Bình.

Đó là một thuyến đi lịch sử của đời tôi. Thế là, sau hơn một tháng trời tôi mới nhìn thấy mặt đứa con đầu lòng, chiếc xe đạp Thống nhất - tài sản quý nhất của tôi lúc ấy, đã tàn tạ, lại bị trể mất chuyến đi học nước ngoài (sau này tôi mới biết tôi ra đi công tác ngày 7/7 thì ngày 9/7 giấy báo về đến ủy ban xã, khi về thì đoàn đã ra nước ngoài rồi). Đó là một thiệt thòi cho bản thân song tôi vẫn vui, xác định được trách nhiệm của mình, vẫn an tâm công tác và phấn đấu tốt, cống hiến cho sự nghiệp Giáo dục Quảng Bình. Và đã rất tự hào rằng mình đã có một chuyến đi lịch sử góp phần duy trì phát triển sự nghiệp giáo dục ở Quảng Bình trong những năm tháng cam go ác liệt của chiến tranh ngày ấy.

Bây giờ, khi đã nghỉ hưu, có những khoảng lặng để bình tâm suy ngẫm, tôi càng không thể quên được chuyến đi công tác ấy. Đời người là sự nối tiếp của những chuyến đi ngắn, dài. Chuyến đi ấy neo đậu mãi trong tôi những kỷ niệm buồn đau về chiến tranh, về sức mạnh của con người Việt Nam trong đạn bom và đặc biệt là tâm huyết của đội ngũ người làm công tác giáo dục trong cuộc kháng chiến chống Mĩ kiên cường và vĩ đại.

 

Lê Trung Chính- Hiệu trưởng trường THCS Phong Thủy

(lược ghi theo lời kể của nhà giáo Ưu tú Lê Quang Lợi- Phong Thủy- Lệ Thủy)




Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com