Ngày 7 tháng 3 năm 2012, lethuy.edu.vn đăng bài "Một nghị lực, một tấm lòng" của tác giả Đỗ Đức Thuần và được bạn đọc gần xa đón nhận, trầm trồ thán phục tấm gương của cô giáo BTMC. Nhân dịp khắp nơi đang hưởng ứng tuần lễ phát động phong trào "học tập suốt đời", BBT xin trấn trọng giới thiệu lại bài viết, ngõ hầu gửi đến bạn đọc thông điệp "học để có thể đổi đời"
MỘT NGHỊ LỰC, MỘT TẤM LÒNG!
Đó chưa phải là tất cả, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng, qua câu chuyện về cuộc đời, và hành trình đầy lận đận, gian nan đến với sự nghiệp của cô giáo trẻ này sẽ đem đến trong mỗi chúng ta những cung bậc tình cảm khác nhau. Riêng người viết bài này xin được bày tỏ sự ngưỡng mộ về một tấm lòng, một nghị lực trên con đường đến với thành công của cô giáo có khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt sáng đã dịu đi những nhọc nhằn vất vả trên con đường đã qua. Đó là cô giáo Bùi Thị Minh Châu - GV trường MN Ngân Thủy - Lệ Thủy - Quảng Bình.
Con đường đến bản Cửa Mẹc - điểm trung tâm thuộc trường MN Ngân Thủy đã không còn quá xa và cũng bớt đi những ghập nghềnh khúc khuỷu bởi “chất báo chí” trong tôi đã cháy thành men cảm hứng. Tôi chủ động tìm đến nơi này để viết về một tấm gương biết vượt lên số phận, tìm đến sự học với mục đích: Học để biết và là để cho mình.
Bởi vậy, nếu không có chút nghiệp vụ và không được sự giúp đỡ của cô Phan Thị Tố Phương - P. HT nhà trường, chắc chắn tôi đã bị cô giáo trẻ này từ chối hợp tác. Cô cứ khăng khăng bảo rằng: “Chuyện của em, không có gì đáng viết cả. Việc học của em lại càng không nên viết. Vì em nhận thấy, em làm được tất cả những điều đó, trước hết là cho bản thân em chứ em đâu nghĩ này nghĩ nọ. Hơn nữa, thành công của em hôm nay, nếu có chút gì đó thì chính là nhờ vào công sức của cả một tập thể, của gia đình, chồng con...”.
Vâng, đã vậy thì tôi xin viết về chuyện gia đình chồng con của em vậy. Có gì ghê gớm đâu!
Thuở nhỏ, Châu có ước mơ sau này sẽ trở thành một cô giáo để đem hết những gì mình học được đến với các em nhỏ trên vùng quê nghèo khó của mình. Nhưng ước mơ chỉ là mơ ước thôi vì Châu là chị cả trong một gia đình đông anh em. Năm 1992, khi mới học hết lớp 5, thương bố mẹ vất vả quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để nuôi 6 chị em, Châu đành phải nghỉ học để đỡ đần bố mẹ những công việc đồng áng, ruộng vườn, chấp nhận nhìn giấc mơ sau này sẽ trở thành cô giáo của mình đành bỏ dở. Mãi đến năm 2000, khi các em đã khôn lớn, giờ Châu mới có thời gian để lo lắng cho tương lai. Nói là tương lai nhưng thực ra, cái tương lai đó quá mờ mịt khi trong tay không bằng cấp, không bạc không tiền. Ra đời với hai bàn tay chai sạn, liệu kết cục sẽ về đâu? - Những câu hỏi lớn đó cứ trở đi trở lại trong những đêm trường không ngủ! Bạn bè Châu - nhiều đứa đã có công ăn việc làm ổn định, có đứa đang học đại học, cao đẳng..., thế mà bản thân mình thì... Ôi chao, càng nghĩ, càng thương thân xót phận!

Cũng may mà vào thời điểm đó, giáo viên các trường mầm non bán công vùng rẻo cao ở Lệ Thủy còn thiếu. Hơn nữa, thấy hoàn cảnh của Châu tôi nghiệp thế nào, hay là số phận đưa đẩy Châu đến với cái “nghiệp” của mình mà Châu xin được vào dạy ở trường MN bán công Ngân Thủy (bản 14) với đồng lương 50.000đ/tháng! Nói là “dạy” nhưng thực chất Châu chỉ làm cái việc “trông trẻ” thôi vì “cô giáo” mới học hết tiểu học trường làng! Kể đến đây, tôi cắt lời Châu: “Năm 2000, tụi anh đi học đại học, gia đình gửi vào một tháng 500.000đ mà vẫn chưa đủ, em lương 50.000đ sao sống nổi?!”. Dạ, thì anh tính không bằng cấp gì mà được như thế, âu cũng đã ưu ái lắm rồi! - Châu vui vẻ.
Năm 2002, nhờ sự quan tâm tạo điều kiện của thầy giáo Ngô Đức Kế - HT trường TH&THCS Ngân Thủy - Lệ Thủy lúc bấy giờ và của lãnh đạo phòng giáo dục, Bùi Thị Minh Châu lại bắt đầu hành trình đến với cái chữ của mình để viết tiếp ước mơ một thời dang dở. Ấy là Châu bắt đầu học tiếp chương trình cấp II tại trường TH&THCS Ngân Thủy vì Châu nghĩ nếu không nâng cao học thức thì khó có thể thực hiện được giấc mơ của mình. Vả lại, rồi khi lớn lên, học trò của mình chúng sẽ nghĩ gì về cô giáo đã dạy chúng nó ngày xưa! Tôi ái ngại hỏi Châu: “22 tuổi, đi học lớp 6 với mấy đứa trẻ con, em không cảm thấy... buồn cười sao? - Dạ có chứ anh - Châu trả lời ngay và nói thêm: Cũng may mà lớp ít học sinh, hơn nữa em có 2 “đứa bạn” là... giáo viên dạy em luôn nên cũng thấy vui vui. Mấy đứa động viên em rất nhiều anh ạ! Chúng nó bảo rằng: “Bọn tau dạy mi chứ có ai vô đây mà mi xấu hổ. cứ lo học cho tốt đi để sau này trở thành giáo viên như bọn tau cho vui nhé!”. Thế là ròng rã 4 năm trời, một buổi đi dạy, một buổi đi học văn hóa, đều đặn không bỏ một buổi học, buổi dạy nào. Anh biết không - Châu nói: “Hồi đó, “bạn bè” cùng lớp đều gọi em bằng “cô” cả đó. Nghĩ lại thấy cũng vui và tràn đầy kỉ niệm”.

Thế rồi 2 năm sau, cũng như bao người con gái khác ở vùng quê nghèo Lệ Thủy, 24 tuổi Châu xây dựng gia đình. Rồi năm sau (2005), gia đình nhỏ của vợ chồng Châu đón thêm một thành viên mới. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng chồng và gia đình bên chồng của Châu rất yêu thương và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho Châu hoàn thành nhiệm vụ. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp THCS, Châu thi vào học Trung cấp SPMN Quảng Bình. Xác định phải có kiến thức vững chắc làm nền tảng cho những bước đi sau này, trong thời gian học trung cấp SPMN, Châu đồng thời học bổ túc THPT ở Trung tâm GDTX Đồng Hới vào ban đêm.
Đây chính là thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời của mình. Sinh con nhỏ mới được 3 tháng, một tháng thì có đến 20 ngày phải ngược xuôi 60 cây số về Đồng Hới học vào ban đêm. Tôi hỏi Châu: “Ai chở em đi hay là em tự đi”. Một thoáng ngậm ngùi, Châu bồi hồi bảo: “Dạ không, đêm nào chồng em cũng chở em đi học anh ạ! Nghĩ mà thương anh ấy quá! Ngày thì đi làm thợ hồ, tối lại phải chở em đi học. Về dưới đó, em thì vào lớp học, còn anh ấy thì đứng ngồi vắt vẻo, lang thang ngoài phố để đợi chở em lên...” Những giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên đôi má ửng hồng bởi sự xúc động trào dâng, Châu kể tiếp: “Anh biết không, thời điểm này em muốn nghỉ học bởi thấy rằng chồng con vất vả quá. Đêm nào cũng lên tới nhà trên dưới 12 giờ khuya. Trông thấy con nằm ngủ với bà nội mà ruột em thắt lại từng khúc. Thế rồi em nói cái ý định nghỉ học để đỡ vất vả thì nhận ngay phản ứng mạnh mẽ từ chồng và mẹ anh ấy, ai nấy đều động viên em cố gắng vượt qua khó khăn để học hành cho đến nơi đến chốn. Mẹ chồng em thường bảo: “Chỉ sợ con không đủ sức khỏe mà theo học thôi, còn mọi chuyện trong ngoài, con đừng nên lo lắng, đã có mẹ và 2 bên gia đình nội ngoại vuông tròn...”
Quệt vội dòng nước mắt như thể không muốn chúng tôi nhìn thấy, Châu lại say sưa với mạch cảm xúc của mình. Còn tôi, tôi như bị câu chuyện cảm động đầy những ân tình này thôi miên. Tôi không chớp mắt nhìn Châu, và em kể tiếp: Năm 2008, sau khi đã cầm trong tay tấm bằng trung cấp SPMN và THPT rồi, em dự định sẽ tạm dừng lại ở đó để có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình, trường lớp. Mình cảm thấy đã nợ gia đình, đồng nghiệp nhiều quá rồi, bây giờ là thời điểm thích hợp để chăm lo cho chuyên môn anh ạ! Thế nhưng, dường như sự học của em đến thời điểm này mới “phát” hay sao ấy. Cả cô giáo Hiệu trưởng Phan Thị Giang cùng đồng nghiệp và gia đình tạo điều kiện giúp đỡ cả về vật chất lẫn tình thần. Đặc biệt, với sự đề xuất của lãnh đạo phòng giáo dục, UBND huyện cũng đã hỗ trợ một phần kính phí cho những giáo viên dạy ở các trường mầm non bán công thuộc vùng miền núi rẻo cao không có nguồn thu từ học phí như trường hợp của Châu. Thế là năm 2008, Bùi Thị Minh Châu tiếp tục thi vào học đại học SPMN Quảng Bình và trong tháng 2 vừa rồi, Châu đã nhận tấm bằng đại học, để lại sau lưng một hành trình đầy những bước thăng trầm gian khổ nhưng cũng ngời lên một nghị lực phi thường, xuất phát từ tấm lòng mến yêu trẻ nhỏ và trách nhiệm với nghề.
Khi được hỏi động cơ nào giúp Châu vượt qua tất cả những khó khăn đó, Châu nhìn về phía bọn trẻ đang vô tư nô đùa trước sân trường dưới cái nắng xuân phơn phớt: “Rất nhiều yếu tố anh ạ, nhưng em nghĩ quan trọng và quyết định vẫn là lòng thương trẻ và yêu nghề. Nếu không có hai yếu tố đó, không những em mà có thể nhiều người khác có hoàn cảnh tương tự cũng không thể vượt qua, vươn lên để khẳng định mình”.
Người có mặt trong cuộc trò chuyện của chúng tôi là cô giáo hiệu phó Phan Thị Tố Phương, từ nãy đến giờ vẫn mải mê bên chiếc máy tính cá nhân, nhưng dường như cũng đã biết rõ đầu đuôi sự việc. Cô quay sang bảo tôi: “T. biết không, năm 2008, lương của bọn chị đã khá cao rồi, trong khi đó Châu chỉ có 240.000đ/ tháng (hợp đồng thỏa thuận tương đương mức lương tối thiểu dành cho người chưa đạt chuẩn). Đến tháng 1/2009, cô ấy mới được hưởng lương trung cấp bậc 1. Cũng may mà nhờ sự quan tâm của ngành cũng như sự nỗ lực không mệt mỏi của mình, tháng 9/2009, Châu được xét vào biên chế chính thức đó. Cả trường, cả xã này ai ai cũng mừng cho Châu”.
Tôi nhẫm tính, bắt đầu đi dạy từ năm 2000 với mức lương chỉ 50.000đ/tháng, đến năm 2009 mới được xét vào biên chế với hệ số lương bậc 1 của trung cấp. 10 năm trong vai là người "vừa làm, vừa học” với đồng lương ít ỏi mà Châu vẫn không chút sờn lòng nản chí, thậm chí còn tỏ ra lạc quan yêu đời, yêu nghề, vượt qua thử thách để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Ấy vậy mà, chung quanh chúng ta đây, một số giáo viên trẻ mới ra nghề chưa tìm được việc làm hoặc đang giảng dạy hợp đồng 1,2 năm gì đó đã tỏ ra chán nản, hoảng loạn rồi bỏ nghề, bỏ quê đi làm ăn tha hương...
Quay trở lại với chuyện gia đình của Châu, chúng tôi được biết vợ chồng Châu sống cùng với bà nội rất đầm ấm, hạnh phúc. Đứa con nhỏ bé ngày nào nay đã vào học lớp 1, rất mạnh khỏe, ngoan ngoãn và học rất chăm. Các em của Châu giờ cũng đã thành đạt cả: đứa em thứ 3 đã học xong ĐHSP Văn và đang công tác ở huyện Minh Hóa tỉnh Quảng Bình, đứa thứ 4 đang học năm thứ 5 ĐHBK Đà Nẵng, còn hai đứa sau (chị em sinh đôi) cũng đang học ĐHSP Toán và Hóa ở trường ĐHQB. Các em ai cũng ngoan và thương cha mẹ, đặc biệt là thương chị đã một thời vất vả, tảo tần nuôi các em lớn khôn.
Chúng tôi dạo quanh một vòng sân trường và dừng lại trước lớp học do Châu phụ trách. Quả thật là tôi hơi ngạc nhiên bởi phòng học được trang bị khá hiện đại và đầy đủ tiện nghi phục vụ dạy học do Plan Quảng Bình tài trợ. Vâng lời cô giáo, các cháu nhỏ đồng thanh chào “khách quý” rồi ngoan ngoãn ngồi vào chỗ mình trong trật tự, lễ phép! Trên bàn giáo viên, chiếc máy tính cá nhân với bài dạy Power Point đang thiết kế. Châu cho biết, Châu đang chuẩn bị cho bài giảng sinh hoạt Cụm sắp tới. Châu còn “khoe”: “Anh thấy những đồ chơi đồ dùng tự tay em làm có đẹp không? Đó là thành quả trong đợt thi đồ dùng đồ chơi cấp trường vừa mới diễn ra đó, em được giải xuất sắc luôn, vui thiệt là vui...!”. Châu cười, những đứa con của Châu, hình như chẳng hiểu nguyên cớ vì sao cũng cười họa theo...
Vì những nỗ lực không mệt mỏi và cả những đóng góp cho ngành trong suốt một thời gian dài, tháng 3/2007, Bùi Thị Minh Châu vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chia tay Bùi Thị Minh Châu, chia tay với cô cháu của điểm trường Cửa Mẹc, lòng tôi cứ lâng lâng khi nghĩ về những câu chuyện đời thường đang diễn ra quanh mình. Có những câu chuyện tưởng rất đỗi thường tình nhưng ẩn chứa bên trong là cả một nghị lực, một tấm lòng cao cả nhân hậu! Nói như thầy giáo đáng kính của tôi thì, đại ý rằng: Trong cuộc sống quanh ta, có những tấm gương sáng mà ta chưa biết. Trách nhiệm của chúng ta là phải đưa những tấm gương này giới thiệu rộng rãi cho công chúng, từ đó nhân rộng nó ra thành một vườn hoa người tốt việc tốt trong vườn hoa của giáo dục huyện nhà!.
Vâng, Bùi Thị Minh Châu xứng đáng là một trong những đóa hoa thơm ngát nhất trong vườn hoa của giáo dục Lệ Thủy hướng về ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay!
Đỗ Đức Thuần
(Trường TH&THCS số 2 Kim Thủy - Lệ Thủy - Quảng Bình)