Những năm bảy mươi, chiến tranh ngày càng khốc liệt. Trường cấp ba phải sơ tán ra xã Ngư Hóa, Tuyên Hóa. Chị học trên tôi một lớp. Trong số chúng tôi, bây giờ ngồi nhớ lại không hiểu vì sao mình vượt qua được thời đó. Xã Ngư Hóa nằm ở giữa rừng sâu nơi giáp giới với Hà Tĩnh. Từ Tiến Hóa leo đèo Mồng Gà cứ già dặn một ngày đường mới đến Ngư Hóa. Chỉ có hai con đường thông thương với Ngư Hóa, một là đường mòn leo núi Mồng Gà cao ngất, một đường thủy vượt hàng chục thác Rào Nậy.
Gạo cho hàng nghìn người ăn chỉ được chở bằng đường vượt thác. Mùa mưa lũ không có gạo, đói vài tuần là chuyện thường. Có tuần mỗi đứa chỉ được một lon gạo, vậy là nghĩ ra đủ cách. Đứa thì đeo ba lô vào rừng kiếm ổi. Đứa thì đi nọc đọt muồng. Ai khá hơn, bố mẹ gửi cho ít tiền thì ra Kỳ Lâm, Kỳ Lạc, Hà Tĩnh mua khoai, mua sắn đồng bào dân tộc cầm cự qua ngày. Lũ con trai còn đỡ hơn vì có thể rúc rẫy trong rừng, lặn lội dưới khe kiếm cái ăn. Đám con gái chỉ biết nhịn đói ngồi nhìn trời, thương lắm.
Chị tôi ở chung một cái lán nửa chìm, nữa nổi với hơn chục bạn nữa. Vốn hiền lành, nhường nhịn chị chia sẻ hết những gì mình có cho mọi người. Nhớ có lần tôi lặn suốt một buổi chiều dưới khe, dùng một cái rổ tre to xúc những bó cây được chúng tôi chặt, bó lại dìm xuống suối cho tôm cá vào ở. Mỗi lần nhấc lên, rũ rũ bó cây, vài con tôm rơi xuống. Cả buổi chiều ngâm mình dưới suối teo tóp, nhăn nheo cả mười đầu ngón tay tôi mới kiếm được lưng bát tôm bé, con nào con nấy chỉ bằng cái đầu đũa. Tôi mang sang cho chị cùng với ba cái lõi cây muồng đào được hôm qua. Tôi bảo, chị nấu đi rồi chị em mình ăn. Mắt chị sáng lên, bẻ củi, châm lửa, bắc nồi. Một lúc sau nôi cháo đã sôi sùng sục, mùi tôm tươi loang khắp lán. Chị lấy hai cái bát, múc ra, theo thoí quen, chị nhìn quanh lán mời mọi người. Rồi chị sững lại trước những cặp mắt hau háu của đám con gái cùng lán. Chị buột miệng, tụi mày đem bát đến đây, mỗi đứa một muôi. Như một bầy chim sẻ, loáng cái nồi cháo hết veo, phần chị là vét nốt trong nồi. Tôi san bớt chỗ lưng cháo của tôi cho chị. Chị nói, em ăn đi, chị vét nồi là đủ rồi. Tôi nuốt mấy thìa cháo mà cứ nghẹn lại.
Ở rừng, nước độc, tụi tôi đứa nặng thì sốt rét, đứa nhẹ thì ghẻ lỡ. Ghẻ khắp người, ngứa râm ran. Ngồi trong lớp đứa nào cũng gãi sồn sột chỉ mong đến giờ giải lao để chạy về lán gãi cho đã. Một hôm, chị khệ nệ bê sang cho tôi một nồi nước lá cây chim chim đã cô đặc. Chị nói, em tắm đi, lá này chữa được ghẻ, cứ để nguyên quần áo vậy mà dội cho nó ngấm, càng lâu càng tốt, khi nào xong thay ra chị giặt cho. Tôi giật giọng, ai hái lá chim chim cho chị? Chị nói, chị hái lấy. Chợt tôi ớn lạnh cả sống lưng, tôi biết khu rừng này chỉ có một vạt cây chim chim ở sườn núi bên kia suối. Muốn qua đó hoặc là vượt qua cái thác phía trên, nước lúc nào cũng gầm lên, tung bọt trắng xóa, chỉ sẩy chân một chút coi như hết. Hoặc là bơi qua cái vực nước phía dưới. Cái vực nước xoáy ngầm vào vách đá do cái thác kia tạo nên. Đã có người bị nước xoáy đẩy vào hàm ếch cái vách đá đó, thợ lặn cũng bó tay không lấy được xác. Tôi nói, sao chị liều vậy. Chị nói, chị bơi ở dưới xa, chị kiếm được cây gỗ khô làm phao. Lần đó tôi tắm mà không còn cảm giác xót của thứ nước đắng cây chim chim. Chỉ nghĩ đến cái nồi nước có thể đổi bằng mạng sống của chị.
Năm hết lớp mười, chị dược cử đi học cao đẳng sư phạm tỉnh. Một năm sau tốt nghiệp tôi cũng thoát ly vào công chức một cơ quan ở tỉnh. Chiến tranh vẫn còn rất ác liệt, cơ quan tôi sơ tán lên Cộn. Trường của chị chuyển từ Cao Mại về đồi Mỹ Cương. Hôm nhận được tháng lương đầu 40 đồng với cái phiếu mua vải, tôi sướng quá bỏ cơ quan đạp xe lên bách hóa mua 2 mét vải trắng Popơlin pha nilon. Chủ nhật ấy, tôi đạp xe qua đồi Mỹ Cương tặng chị. Chị mỡ gói quà của tôi, thay vì nụ cười như tôi hình dung thì chị lại khóc. Tôi hỏi, sao chị khóc? Chị nói, chị chỉ còn một cái áo vải Phin xanh, khi nào lên lớp thì mặc, còn ở nhà chị mặc cái áo đông xuân cộc tay, chỉ hôm nào rét lắm chị mới khoác thêm cái áo xanh. Hôm đó hai chị em chỉ ngồi chẳng chuyện trò gì, nghĩ mung lung. Tôi chắc chị đang nghỉ về dì dượng tôi với lũ em đang sắn khoai qua bữa ở nhà.
Năm ra trường, bố mất, mẹ già, chị xin về quê dạy học. Rồi kết thúc chiến tranh, tôi ra Hà Nội thi vào đại học, bắt đầu những năm xa chị. Hết đại học, tôi được giữ lại làm giáo viên tại trường. Tôi bị hút vào công việc, rồi học thêm, chẳng mấy khi được về nhà. Lần nào về thì chỉ được ít ngày, chị lại đi dạy ở xã xa tôi không gặp.
Thế rồi, có một lần về tết, gặp chị. Vẫn cái dáng người nhỏ nhắn khi xưa, khuôn mặt rất tươi, có cái nốt ruồi ở môi trên. Người ta nói đó là nốt ruồi đón lệ, số khổ. Tôi không tin. Tôi hỏi, chị chưa chịu lấy chồng à. Chị cười, ai lấy chị, đầu ba rồi em ạ. Tôi như sững người lại, ừ nhỉ chị tôi đã ngoài ba mươi, cái tuổi ấy ở nông thôn coi như mắc cạn. Sao chúng tôi vô tâm thế, chẳng đứa nào lo cho chị. Rồi các em chị lập gia đình riêng, chúng bấn bíu với lũ cháu nheo nhóc. Chị ở vậy nuôi mẹ, hai mẹ con một già, một luống tuổi nương tựa vào nhau.
Những năm cuối của sự nghiệp chị tôi về làm kế toán cho phòng giáo dục. Ai cũng nói chị là người điềm đạm, mẫn cán với công việc. Vẫn cái xe đạp kẽo kẹt chị đi khắp nơi, xa quá thì đi nhờ xe máy người ta.
Thế rồi tai vạ nghiệt ngã đã đổ xuống, chị mắc bệnh hiểm nghèo. Ngày về thăm chị, nhìn dì tôi ngồi rũ rượi cạnh chị mà tôi không cầm được nước mắt. Chẳng lẽ cái câu “lá xanh rụng xuống, lá vàng trên cây” lại vận vào số phận dì tôi. Ông trời sao nghiệt ngã vậy trời ơi. Cầm tay chị, cái bàn tay nhỏ bé đã giặt áo, nấu cơm, bơi qua suối dữ bẻ lá thuốc cho tôi, áp nó lên má mình mà cảm nhận dòng máu ấm áp của chị đang chảy yếu ớt. Chị ơi, chị đừng đi. Em về với chị đây. Chừng nào chị chưa ngồi dậy thì em chẳng đi đâu. Chị nhìn tôi, đôi mắt cố mỉm cười mà ngân ngấn lệ. Tôi nâng chị lên để chị ngồi tựa vào lòng mình, hơi thở chị thật nặng nhọc, chắc chị đau lắm. Cố lên chị ơi, em sẽ sưởi ấm cho chị, em sẽ sống nốt những phần mà chị chưa kịp sống. Chị đừng bỏ em.
Sau những ngày buồn thảm ấy, trở về đơn vị, cứ mỗi lần nghe bài hát “Chị Tôi” của Trần Tiến là nước mắt tôi lại vòng quanh. Cho đến bây giờ tôi vẫn mắc cái tật chưa bao giờ hát trọn bài "Chị tôi".