Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 219
Số lượt truy cập: 64851521

Quảng cáo
GÁNH CHỮ - GÁNH CẢ TÌNH THƯƠNG 12/2/2014 4:39:25 PM
Tôi chuyển đến công tác tại trường TH&THCS số 1 Kim Thủy vào một ngày giữ mùa đông. Cái rét như cắt da, cắt thịt ở vùng miền sơn cước làm cho tôi ấn tượng mãi. Nhưng có lẽ hình ảnh in đậm trong tâm trí tôi là những em học sinh co ro trong những chiếc áo mỏng manh, đôi môi tím tái trong giá rét. Nhìn những đôi mắt tròn xoe, ngơ ngác của các em làm tôi hiểu hơn cuộc sống vất vả khó khăn của các em cũng như của bà con dân bản nơi đây.

Xã Kim Thủy nằm ở phía Tây của huyện Lệ Thủy, là một xã có địa bàn rộng và kéo dài, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là vào những ngày mưa lũ thì khó khăn đó càng tăng thêm gấp bội bởi địa bàn bị khe suối cắt ngang, lũ quét. Đời sống kinh tế của người dân ở đây còn lắm khó khăn, số hộ nghèo, hộ cận nghèo còn chiếm tỉ lệ khá cao. Xã lại có hơn 80% dân số là người Bru – Vân Kiều nên các em học sinh ở đây còn thiếu thốn nhiều lắm. Nhiều em cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc thì làm sao các em có thể chuyên tâm học hành được. Vì vậy mà tỉ lệ học sinh bỏ học và có nguy cơ bỏ học khá cao. Có nhiều em học sinh nghèo chăm ngoan nhưng lại không có điều kiện đến trường, các em phải ở nhà giúp bố mẹ làm nương, làm rẫy. Điều đó khiến chúng tôi những người làm công tác giáo dục vô cùng băn khoăn, trăn trở.

Cái  khó nữa cho công tác quản lí giáo dục ở xã Kim Thủy là trường có 2 cấp học đóng trên 6 điểm trường cách xa nhau. Ở nhiều bản làng con đường đến trường của các em học sinh còn lắm gian nan. Bản xa nhất là An Bai, cách điểm trường  trung tâm khoảng 25km, ở đây 100% dân số là người Bru – Vân Kiều. Giao thông đi lại hết sức khó khăn, đặc biệt là khi mùa mưa lũ đến con đường vừa dốc vừa lầy lội lại vừa trơn như bôi mỡ, thế nhưng giáo viên vẫn bám lớp bám trường, vẫn miệt mài gùi con chữ lên cho các em. Những ngày mưa lũ, nước ở khe suối dâng cao giáo viên phải ở lại trường. Một giáo viên dạy ở An Bai đã từng chia sẻ:  Khi mưa lũ không có gì ăn, chúng tôi phải hái rau rừng cùng với những gói mì tôm tạm bợ cho qua ngày. Có khi mưa lũ về đột ngột, nước ở các khe suối dâng cao chúng tôi phải cõng từng em học sinh về đến nhà an toàn thì chúng tôi mới có thể yên tâm. Có hôm thì chúng tôi phải đến từng nhà để cõng các em đi học”.

01_12_thuha1.jpg

Tuy nhiên, giữa bao nhiêu khó khăn, bộn bề, là những người “ươm mầm, gieo hạt giống tri thức” giữa đại ngàn Trường Sơn, hàng ngày mỗi một giáo viên chúng tôi đang nổ lực vượt qua. Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình chúng tôi phải thực sự tâm huyết với nghề, phải kiên trì, gần gũi và yêu thương học sinh. Hơn nữa cuộc sống của bà con dân bản ở đây còn nhiều phong tục lạc hậu, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, cuộc sống của họ phụ thuộc vào cái nương, cái rẫy cho nên họ không quan tâm đến việc học hành của con cái mà chỉ phó thác cho thầy cô. Vì vậy việc làm đầu tiên mà mỗi giáo viên khi lên công tác tại đây là phải tìm hiểu tiếng nói, phong tục, tập quán của họ để hiểu và có những giải pháp phù hợp cho công việc của mình.

Là một trong những người đã từng gắn bó với mảnh đất này trong một thời gian khá dài, tôi phần nào thấu hiểu được những khó khăn, cực nhọc của bà con dân bản, hiểu được những phong tục tập quán của họ, mặc dù còn rất lạc hậu, còn lắm khó khăn nhưng họ rất giàu tình thương, giàu nghị lực. Họ giống như những cánh hoa rừng muôn sắc màu trong gian khó, trong bão tố vẫn xinh đẹp, vẫn tỏa hương cho nên vượt lên tất cả với sự nhiệt huyết của người “ ươm mầm, gieo chữ” chúng tôi muốn giúp cho các em có cái chữ, cho các em có kiến thức làm hành trang bước vào đời và góp phần xây dựng quê hương, xóa đi cái đói cái nghèo của bà con dân bản. Và tôi thầm nghĩ nếu như không có lòng nhiệt huyết thì các thầy, cô giáo khó có thể bám trụ ở đây lâu dài được. Bởi vừa vất vả dạy chữ, dạy cho các em biết cách làm người vừa phải vận động, động viên các em đi học đầy đủ, chuyên cần. Đã có nhiều thầy cô giáo bám trụ với mảnh đất này hơn 10 năm như thầy Trung, thầy Lam, cô Pha, cô Hương…Hình ảnh những thầy cô đó đọng lại trong tôi là sự cảm phục và niềm tin yêu. Lòng tôi lại miên man suy nghĩ về hình ảnh những giáo viên miền núi: Miệt mài và tần tảo, những đôi chân không biết mệt mỏi trong công việc gieo chữ lên giữa đại ngàn Trường Sơn để rồi chăm chút nó bằng dòng nước hi vọng và ước mơ. Đó cũng chính là niềm tin, hi vọng và tình yêu thương mà thầy cô giáo đã đem đến cho các em bởi các em còn nhiều thiệt thòi,  bởi con đường đến trường của các em còn lắm gian nan. Chính tình yêu thương, sự đùm bọc, sẻ chia của các thầy cô giáo là động lực nâng bước các em đến trường. Đã thành thông lệ, hàng năm vào ngày khai giảng năm học mới, mỗi thầy cô giáo ở trường TH&THCS số 1 Kim Thủy lại tự nguyện đóng góp ủng hộ “Quỷ học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học”. Mặc dù số tiền ít ỏi không đáng là bao, nhưng với một xã miền núi còn nhiều khó khăn này thì đây là một nghĩa cử hết sức cao đẹp và đồng thời góp phần cùng với nhà trường làm tốt công tác dạy học và công tác xã hội hóa giáo dục ở một trường vùng cao. Vì thế mà trong những năm qua kết quả giáo dục của xã Kim Thủy đã có nhiều khởi sắc, chất lượng giáo dục đại trà chuyển biến qua từng năm học, chất lượng mũi nhọn đã có sự tiến bộ đáng kể, năm 2012 – 2013 có em Hồ Văn Sanh đạt giải khuyến khích môn Ngữ Văn 6, năm 2013 – 2014, đạt giải khuyến khích “Em hát dân ca khối THCS lần thứ nhất”, tham gia Hội thi “Ngày hội học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều”, xếp thứ hai toàn đoàn…tỉ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học dài ngày đã giảm một cách rõ rệt. Nhiều em đã có ý thức học và biết vươn lên trong học tập cũng như rèn luyện.

01_12_thuha2.jpg

Gánh chữ lên non bằng cả tình thương và trách nhiệm. Bởi người giáo viên không chỉ là người dạy chữ mà còn gánh luôn cả trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ thứ hai của các em. Và hôm nay, cũng vào những ngày cuối thu đầu đông, khi đứng trên điểm trường An Bai nhìn ra phía xa xa, tôi thấy lấp ló giữa những tán cây rừng là những ngôi nhà sàn xinh xắn. Trong làn sương chưa tan tôi đã nghe bi bô tiếng trẻ thơ ê a đọc bài và sao thấy lòng mình ấm lạ. Hôm nay con đường đến trường của các em sương mù giăng kín nhưng khi ánh ban mai rọi xuống màn sương sẽ tan. Cũng giống như chất lượng giáo dục của xã nhà từng bước được nâng cao bởi tấm lòng nhiệt huyết của tất cả thầy cô giáo ở đây đã xác định một cách rất cụ thể: “Gánh chữ - gánh cả tình thương”.

Kim Thủy, tháng 10 năm 2014

Thu Hà

Giáo viên trường TH&THCS số 1 Kim Thủy

Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com