Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 204
Số lượt truy cập: 64851521

Quảng cáo
HỒN CỦA ĐẤT(TIẾP THEO) 10/6/2014 8:44:33 AM
Đội thiếu niên Lệ Bình chủ yếu là con em các gia đình ở tại chỗ và một số gia đình là xã viên HTX ở trong địa bàn xã Xuân Thủy nên số lượng không được nhiều ( khoảng mười lăm, hai chục đứa): anh em tôi, chị em Việt- Thông, anh em Thông- Thủy, anh em Lê - Đệ, anh em Sang- Trọng, anh em Trọng- Tài, anh em Vũ- Liên, thằng Dục, Ngọc, Thiên, Thành, Diệu....

            Tuổi thơ với chiến tranh

Lũ trẻ chúng tôi một buổi đi học, một buổi lặn lội ngoài đồng  tát cá, bắt ếch, bắt cua hay tham gia lao động HTX phụ giúp gia đình và giành nhiều thời gian tìm tòi nguyên vật liệu để chế tạo đủ thứ đồ chơi

Đội thiếu niên Lệ Bình chủ yếu là con em các gia đình ở tại chỗ và một số gia đình  là xã viên HTX ở trong địa bàn xã Xuân Thủy nên số lượng không được nhiều ( khoảng mười lăm, hai chục đứa): anh em tôi, chị em Việt- Thông, anh em Thông- Thủy, anh em Lê - Đệ, anh em Sang- Trọng, anh em Trọng- Tài, anh em Vũ- Liên, thằng Dục, Ngọc, Thiên, Thành, Diệu....

Ngoài việc sinh hoạt thiếu niên ở trường theo lớp, đội thiếu niên tạp nham Lệ Bình  sinh hoạt rất có nề nếp, có tủ sách thiếu niên dùng chung từ nguồn quỹ lao động tập thể liên đội. Đều đặn các buổi sáng từ bốn rưỡi, năm giờ đã tích còi chạy quanh làng hô 1,2,3,4 và tập trung về sân HTX tập thể dục. Thằng Lê Xuân Dục kiện tướng của các trò chơi " căng, cù, bi, ná" nhiều tuổi nhất được chúng tôi bầu làm liên đội trưởng, thằng Lê Thái Ngọc học giỏi,  có tài làm thơ, làm nhạc và tài đánh cờ súy ( nó là tác giả bài thơ "Mệ Lê la" và bài hát " Đi củi bộ") làm liên đội phó và giữ tủ sách Kim Đồng của liên đội . Liên đội  trưởng, liên đội phó không chỉ  lãnh đạo hoạt động đội mà còn chỉ huy luôn cả việc lao động và cả những chuyến củi bộ, củi ở hay chỉ huy cả những trận giả trên cạn dưới nước của chúng tôi luôn. Ban ngày theo việc đi học, đi chơi, làm việc phụ giúp gia đình, tối đến đi ngủ sơ tán. Anh em tôi, anh em thằng Lợi, thằng Thông ở trung tâm HTX nơi trọng điểm bắn phá nên phải về nhà thằng Dục, thằng Ngọc, thằng Lê, thằng Thiên, thằng Thành để ngủ. Sơ tán rồi nhưng phải ngủ hầm, không thể thích đông cho vui mà được, hầm có cơ số chứa và anh em một nhà phải ngủ rãi ra đề phòng mất người này còn người khác. Bị rắn rít cắn là chuyện thường, cực nhất là mùa mưa phải thay nhau canh tát nước, có lúc ngủ quên nước ướt người mới biết.

Hầm Thằng Ngọc có vẻ vui hơn, thằng Ngọc hay soạn đồ ăn đãi bạn và đêm nào cũng diễn ra năm bảy  trận cờ Súy mới đi ngủ. Cờ Súy là loại cờ do chúng tôi khịa ra thì phải, vì đến nay chả thấy tung tích loại cờ này ở đâu, các con cờ do chúng tôi tạo ra bằng bìa cứng gấp đôi để đứng được trên mặt giấy, một mặt ghi quân hàm các binh sỹ tướng tá và các loại xe tăng , pháo tầm gần tầm xa. Khi đánh, các quân bài được bày trên bàn cờ tương tự cờ tướng và áp dụng các quy định để đánh, bộ binh bắn gần nhất và chỉ cấp cao mới bắn được cấp thấp, nếu bắn nhầm cấp cao hơn là mình chết, tầm ngắn tầm dài bắn được cách ô. Khi đánh phải nhớ vị trí  các quân cờ để có kế hoạch tiêu diệt. Cũng vui, khi bắn  tay phải chỉ từ quân cờ mình bắn đến cờ của địch thủ  và dùng miệng tạo nên tiếng nổ của súng: " khì", bắn xong chỉ trọng tài mới nhìn được hai quân cờ xác định ai chết và lấy tay lật ngửa con cờ bị chết tại chỗ. 

Việc học hành của chúng tôi cũng phải theo thời chiến. Trường cấp một nằm ở tận Xuân Bồ, chúng tôi đi học khá xa, nhà trường buộc đi học theo nhóm ba và phải cách xa nhau vài chục mét, kẻo đông người sẽ bị " Tàu  bay bắn", áo quần không được mặc áo trắng hoặc màu sáng kẻo "làm mục tiêu cho tàu bay".

Tôi khi theo nhóm thằng Đài, thằng Lợi, thằng Vũ...khi theo nhóm thằng Lê, thằng Ngọc....không ai bảo ai cũng luôn chấp hành nghiêm túc số lượng và khoảng cách nhóm. Chúng tôi thường hẹn chỗ gặp nhau gần trường để đem quà mỗi đứa mang theo chia nhau ăn, tôi đôi lúc vài khúc mía hay ít bắp rang, thằng Lê , thằng Ngọc một ít khoai hay sắn, thằng Đài một nắm cam thảo, thỏi vỏ quế hay vài quả táo tàu nó thó trong tủ thuốc bắc của Thầy nó......

Ban đầu, nhà trường chỉ đào giao thông hào thông từ lớp học chạy ra ruộng, và đào nhiều hầm một (một hố tròn như ổ bi chỉ chứa một người). Khi có máy bay, thầy cô lệnh cho học sinh theo đường hào chạy ra ruộng, nhảy xuống các hầm một để núp, về mùa mưa có khi phải chấp nhận ướt cả quần áo. Sau thấy không an toàn, các thầy cô và phụ huynh làm nhà hầm cho chúng tôi học. Các lớp học được rãi về các thôn không tập trung một chổ, phòng học được đào về đất nửa chìm, nửa nổi, xung quanh đắp đất, trên lát trần để trấu hoặc mùn cưa và thông với hệ thống hầm bảo đảm. Khi có máy bay quần thảo, thầy cô dẫn học sinh về hầm tránh bom. Sau thấy học ban ngày không bảo đảm, thầy cô lại chuyển cho học ban đêm, chúng tôi mỗi người phải sắm một "đèn phòng không" để đi học ( đèn được để vào chiếc hộp gỗ đóng kín ba phía, một phía để trống để lấy ánh sáng). Học ít, học nhiều, chiến tranh bom đạn, ốm đau, bị thương, hay  thằng Mỹ có "cắt giảm sĩ số" đi nữa nhưng thầy trò không ai nản, chúng tôi mỗi năm cứ mỗi lớp đều đều.

Chiến tranh, bom đạn, cuộc sống thiếu thốn đủ điều, nhất là văn hóa, văn nghệ. Có cuốn truyện nào là chuyền nhau đọc đến nát bét, phim ảnh thì năm thì mười họa mới có. Ban đầu  chiếu ngoài trời, sau không an toàn chiếu nhà hầm và về từng thôn đội. Chiều về, nghe tiếng loa: "Đội chiếu bóng số 17 chúng tôi về phục vụ bà con bộ phim " Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt" phỏng theo cốt chuyện Những con quỷ đỏ của nhà văn Pusikin......." là từ người lớn đến trẻ em đều xốn xang, làm cho nhanh công việc, ăn cơm cho sớm để đi xem, dù có xem đi xem lại nhiều lần.

Radio thì quá hiếm, cả HTX chỉ có một cái đài Ô- ri- ông- tông vỏ bằng ván ép to và nặng như khúc gỗ do ông Đặng Thìn chủ nhiệm giữ và chỉ mở cho mọi người nghe câu chyện cảnh giác vào tối thứ bảy ở văn phòng HTX. Lâu lâu, máy bay Mỹ có thả " đài tâm lý  chiến",  loại đài một băng nhỏ bằng bàn tay và chỉ mở được đài Hà nội và đài " Mẹ Việt nam" của Miền Nam. Đài này, ai nhặt được phải nộp về cho xã đội để đốt, không được nghe miền nam tuyên truyền phản động, nhiều đứa mê loại nhạc vàng ru riến thu dấu về hầm trùm chăn để nghe. Lũ trẻ chúng tôi không biết ai bày cho, đứa nào cũng tự lắp được đài La-gen , linh kiện bóng bán dẫn lấy từ đầu đạn róc két. Đài chỉ có mấy bóng, nối chân bóng này qua chân bóng khác, nối ra loa, nối với ăng ten trời và ăng ten đất. Đài không có bộ phận tách sóng nên đang nghe đài này thì đài khác chen vô nói thay, chả nghe được gì trọn vẹn nhưng có nó cũng vui vui.

Chỉ có phong trào văn nghệ " tiếng hát át tiếng bom" tự biên  của các tổ chức học sinh, đoàn thanh niên, phụ nữ lúc nào cũng diễn ra sôi nổi. Lệ Bình cũng có đội văn nghệ, các o các chú tập vở kịch hát ca ngợi anh hùng Lâm Úy, tập đồng ca bài hát " Đường về nam... đất nước dài vô tận ...".  Bọn trẻ chúng tôi thường xuyên đến xem các o, các chú tập luyện đến nay vẫn còn thuộc đôi câu trong bài hát.

Năm sáu bảy, sáu tám là năm ác liệt nhất, nhà nước tổ chức cho trẻ sơ tán ra  Thanh Hóa để tránh bom đạn, mỗi nhà dân ở Thanh Hóa nhận một hai cháu để nuôi. Anh  trai và em trai tôi cũng đi  dịp này ra ở thôn Trung Tiến, xã Thọ Tân, Huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Bạn bè đi nhiều, thằng Lợi, thằng Lê, thằng Ngọc đi cả, tôi không bị thương chắc cũng đi. Bạn bè trong HTX  ngày càng ít, bom đạn ác liệt lại còn mất mát nữa. Thằng Thắng ( em thằng Lợi) ngồi ở miệng hầm cách hầm nhà tôi không quá hai chục  mét bị quả roc-ket bắn trúng chết tại chỗ, máu loang đỏ cả miệng hầm. Thằng Trọng (em thằng Sang) đang chơi ở nhà trẻ với tôi, nghe máy bay quành lại và tiếng kẻng báo động đã cùng tôi giúp các cô đưa các cháu xuống hầm, bom nổ lấp hầm, sau khi mọi người đào bới cứu lên, một số bị ngạt nhưng sau đều sống cả, chỉ riêng thằng Trọng, cửa hầm sập, một thanh kèo hầm chèn cổ ngạt thở mà chết, khuôn mặt bầm tím.

Tôi còn nhớ mãi, một đêm, hầm nhà tôi chỉ còn hai mệ cháu, mệ ở nhà trông tôi vì tôi đang bị thương, hai chân bó bột không đi ngủ sơ tán được. Máy bay thả pháo sáng đánh phá, theo phản xạ mệ cõng tôi chạy dưới ánh pháo sáng và tiếng gầm rít của máy bay để sang hầm mụ  Hoạch cho có người. Vừa thọc vào hầm,  tôi chợt thấy một khối lửa đỏ ong cùng với khói, tôi vội la lên: Có bom chưa nổ mệ ơi! Mệ lật đật thoái lui và tiếp tục cõng tôi sang hầm trụ HTX, ở đây đã có khá đông người, đâu đó tiếng máy bay rít, tiếng réo của bom và tiếng nổ ùng oàng. Mệ tôi hớt hải: Có bom chưa nổ ở hầm nhà o Hoạch! Thằng L. chộ lửa đỏ và khói. Mụ Hoạch cũng rời hầm nhà mình có mặt ở đây cười giải thích: Không phải bom đâu, đó là con cúi đốt xông muỗi đó, mọi người được trận cười trấn an tinh thần.     

Còn nữa

Thuận Lễ

Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com