Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 211
Số lượt truy cập: 64851521

Quảng cáo
HỒN CỦA ĐẤT 9/28/2014 12:08:43 PM
Khi ta ở, chi là nơi đất ở / Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn! ( Chế Lan Viên)

Trở về

Theo đội bóng nữ của trường tham gia thi đấu nhân ngày 8-3 do Công đoàn phòng GD-ĐT Lệ Thủy tổ chức, tôi có dịp trở lại mảnh đất  đã  từng nuôi  tôi  lớn lên trong bom đạn và chiến tranh: Lệ Bình xưa - nay là UBND xã Xuân Thủy và một phần đất trường THCS Xuân Thủy.

Về lại Lệ Bình lần này, lòng tôi xốn xang đến kỳ lạ, cảm giác xa xôi và gần gũi, dĩ vãng và hiện tại, thân quen và xa lạ như xáo trộn. Đâu đó  hiện hữu hình ảnh những người thân và mái nhà lợp toóc (rạ) nơi mà năm lần bảy lượt bị bom Mỹ đốt cháy. Đâu đó hiện hữu cuộc chiến tranh  leo thang bắn phá tàn khốc để mỗi người có cảm giác sống qua từng ngày. Hiện hữu tình người một thời sống chết vì nhau và muôn người như một hướng về mục tiêu " Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".

Tôi thẩn thờ lần theo kỷ niệm, phải chăng  kỷ niệm nơi đây chính là hồn của đất, hồn đất đưa tôi về với dĩ vãng, về với cõi vô cùng thật rộng lớn, ở đó cơ cực nhưng đầy lòng yêu thương, ác liệt nhưng đầy khí phách kiên cường.

Tôi không còn lòng dạ để ý những pha bóng gay cấn và những tiếng hò reo cổ vũ rộn ràng. Tôi đứng trên mảnh đất nhà mình năm xưa và thầm nghĩ “chính đất này nuôi ta lớn lên đây, chính nơi đây tuổi thơ ta được sống trong tình yêu thương của  những người thân ruột thịt, cũng nơi đây lần đầu ta cắp sách đến trường và cũng từ đây ta giã từ bạn bè người thân để  bước vào cuộc trường chinh cuộc đời....”. Rồi tôi cố hình dung đâu là vị trí lò ngói, lò gạnh, lò vôi, đâu là nhà dập ngói phơi ngói, đâu là sân gạch...... Khoảng cách tất cả như thu nhỏ lại, tôi không còn hình dung được trên mảnh đất nhỏ bé này một  thời là một HTX thủ công nghiệp lớn nhất huyện nổi tiếng về sản phẩm gạch, ngói vôi và cũng một thời nổi tiếng là nơi bắn phá ác liệt của Mỹ với những con người kiên cường bám trụ sản xuất và chiến đấu.

Lệ Bình xưa

Vùng đất Lệ Bình ( cũ) những năm trước sáu mươi là ranh giới hai làng Phan Xá, Hoàng Giang. Ở đây có miếu thờ Bà Hỏa với lòi cây ( rừng cây xưa còn lại) với những cây cổ thụ : dưới, đa, bàng,..... và những lùm cây hoang dã nguyên sinh rậm rạp hàng trăm năm tuổi . Thời đó ít người lui tới nơi này vì là đất thiêng và có nhiều thú dữ, nhất là các loài trăn, những loài chim khổng lồ như đại bàng, diệc, bồ nông.... cũng thường về đây trú ngụ.

Tôi còn nhớ Xuân Thủy hồi đó có bốn cây đa cổ thụ, "cây đa một" ở Quảng Cư gần nhà thờ Đỗ Trung ngày nay, "cây đa hai" nằm trên sân trường PTTH Nguyễn Chí Thanh hiện nay, một cây ở Lệ Bình, một cây ở Hoàng Giang trước cửa nhà Bình Đẩu. Trong bốn cây thì cây đa Lệ Bình to  cao nhất và đẹp nhất. Cây có hình dạng bon sai, một rễ phụ to như cột đình tròn, thẳng đỡ lấy một nhánh lớn ngả rộng về hướng nam , gốc cây to  và mục rổng tạo thành hang lớn xuống sâu trong đất , nơi để cho những con trăn to tìm về trú ẩn. Có lần có hai con chim lạ to như hai cái tơi về đổ lại trên ngọn cây, ông P. ở làng Phan Xá bắn chết một con, nó to nặng phải hai người khiêng, mỏ dài có hình dạng chiếc dũi kéo lê trên mặt đất. Sau này qua sách vở mới biết đó là chim bồ nông.

Hòa bình lập lại, cả nước tiến lên CNXH , thực hiện chương trình phát triển kinh tế, mở rộng các ngành nghề sản xuất, Huyện thành lập HTX thủ công nghiệp gạch ngói vôi Lệ Bình vào năm 1960 (vì ở đây có mỏ đất sét), do bác Đặng Thìn ( thương binh ) người làng Đại Phong làm chủ nhiệm. Gọi là HTX thủ công vì tất cả đều làm bằng tay, tuyệt nhiên không có máy móc. Đá vôi  HTX mua từ mỏ đá Lèn Con, ô tô chở về được xã viên dùng búa tạ đập bằng tay cho vừa để vào lò nấu mới thành vôi được. Còn đất sét  chuyển từ ruộng về trên đôi vai hay xe  cút kít và được nhồi nhuyển bằng chân. Một cối đất được nhồi nhiều lần và phải mất ba bốn ngày mới xong. Ngói được dập bằng tay, dầu tráng khuôn dập ngói được ép thủ công từ đậu phụng (lạc). Than đá ( loại than cám) HTX thuê  thuyền buồm chở từ Đồng Hới lên. Củi đốt lò được xã viên  tự lên rừng lấy về.....Tóm lại, công việc nặng nhọc và độc hại, bảo hiểm lao động thì đơn giản....,  nhưng mọi người thật đoàn kết, vui vẻ làm ăn và rất tự hào vì được ăn gạo nhà nước. Ban đầu xã viên chủ yếu là thanh niên độc thân ăn ở tập thể giống như một doanh trại bộ đội, cũng có sân bóng bàn, bóng chuyền, có đội văn nghệ. Sau dần dần hình thành các gia đình lập nghiệp lâu dài nên bếp ăn tập thể không còn duy trì.

Sáng sớm, mọi người tập trung ở sân văn phòng đọc bảng phân công công việc trong ngày, sau đó về kho lấy dụng cụ và đến hiện trường sản xuất. Tối đến, tự giác rửa sạch dụng cụ cho về kho, để đúng chỗ quy định và tìm gặp đội trưởng nộp biên điểm (cuối tháng tính từ điểm thành tiền lương ). Một mô hình HTX đúng nghĩa xã hội chủ nghĩa, mọi thứ đều tự giác, làm việc hết mình,  đoàn kết yêu thương nhau như trong một gia đình.  Lũ trẻ chúng tôi, lớn nhỏ đều có việc làm phụ giúp gia đình, nào chuyển gạch ngói phơi và cho vào kho, chuyển đất sét từ ruộng vào, phụ với người lớn ra vào lò vôi, lò gạch, lò ngói hay đập đá dăm, loại đá nhỏ để chèn giữ nhiệt khi vào lò nấu vôi....

Lệ Bình một thời làm ăn phát đạt, được coi là "khu tiểu thủ công nghiệp" trọng điểm của huyện,  nơi cung cấp gạch ngói xây dựng cho nhân dân Lệ  Thủy và các vùng lân cận và là nơi cung cấp vôi khử chua cho cánh đồng hai huyện.

Thế rồi, đế quốc Mỹ leo thang miền Bắc, đường sá, cầu cống và các công trường xí nghiệp là mục tiêu bị bắn phá hủy diệt. Lệ Thủy trở thành cửa ngõ của chiến trường, nơi tập kết quân lực vào Nam và cũng là nơi tập kết an dưỡng cho thương bệnh binh và tù binh từ  Nam ra. Bệnh viện sư đoàn 559 đặt ở Động Đỏ (Mai Thủy). Binh trạm 17 cùng hai đại đội thanh niên xung phong và kho đạn dược đóng ở  Xuân Bồ,Tiền Thiệp ( Xuân Thủy) cùng với HTX thủ công nghiệp Lệ Bình tạo thành một "Tam giác đỏ" - tiêu điểm bắn phá không thương tiếc của Mỹ. Từng tấc đất đường bộ, đường sông  trở thành huyết mạch của cuộc chiến, mỗi con người nơi đây đã hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn. Tất cả mọi sinh hoạt, làm ăn đều theo thời chiến:  làm quen với ngủ hầm, đi lại dưới đường hào giao thông .

Cùng với quân dân cả huyện, Lệ Bình cũng phát động phong trào vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Trung đội dân quân HTX được thành lập, một "đài quan sát" (đúng hơn là một chòi canh) máy bay từ xa được thiết kế trên hai cây phi lao, sát bờ sông. Ngay trên sân trường THCS hiện nay, HTX xây dựng 2 hầm trụ trú ẩn  tập thể để phục vụ xã viên và một nhà hầm để giữ trẻ và dạy mẫu giáo . Để thuận lợi cho việc bắn máy bay khi oanh tạc “ tam giác đỏ”, phía ngoài đồng, cách Lệ Bình khoảng 200m là trận địa  pháo tầm thấp 12ly7 do tổ dân quân của xã trực chiến 24/24 (chỉ trừ những ngày "hai bên" đình chiến ăn tết hay mừng Quốc khánh các anh chị mới đưa súng đạn vào nhà tôi gửi để nghỉ). Chỉ huy cao nhất lúc đó là xã đội trưởng Lê Đông Phong, ông có vóc người cao lớn, khuôn mặt chữ điền phương phi và giọng nói đanh vang hợp với công việc chỉ huy quân sự của ông. Hồi đó, ông xã đội có uy lắm, đi đâu cũng có súng ngắn đeo bên hông ( lũ trẻ chúng tôi thường lấy tên ông ra để hù dọa nhau) . Tôi còn nhớ trung đội dân quân trực chiến 12 ly 7 lúc đó có trên dưới mười người do chú Thái (Xuân Lai) làm đội trưởng, các đội viên có chú Chi, o Thạch, anh Tính, chị Huê, chị Hòe, chị Nô, chú Dĩ, chú Thuyết, chú Duẫn, chú Xuân........ (chú Thái sau này chính là nhà giáo Nguyễn Hữu Thái giáo viên trường chính trị Quảng Bình, chú Chi (người Quảng Cư) sau này chính là nhà giáo ưu tú Nguyễn Khắc Chi; o Thạch ( người Xuân Bồ) là văn thư Dương Thị Cẩm Thạch (đã mất) ở Phòng giáo dục Lệ Thủy.

Dân quân trực trận địa 12 ly 7 có nhiệm vụ phối hợp với các loại súng phòng không khi có máy bay bắn phá. Ngoài ra, tổ trực chiến còn có nhiệm vụ cứu nạn và khắc phục hậu quả khi có bom đạn xảy ra hoặc phối hợp với thanh niên xung phong ở binh trạm 17 bốc dỡ lương thực súng đạn, chuyên chở bộ đội sang sông hành quân vào Nam. Rồi chứng kiến sau từng loạt bom, các anh chị xẻng cuốc trong tay, băng mình trong lửa đạn đào hầm cứu người. Chứng kiến hàng đêm các anh chị chèo thuyền chở bộ đội sang sông hành quân vào Nam theo đường Mỹ Thủy, Văn Thủy lên đường 15 dưới ánh đèn pháo sáng và máy bay quần thảo. Và đã không ít  người  hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ và sau này được công nhận là Liệt sỹ ( như chú Dương Văn Xuân người Quảng Cư).

Vào năm  sáu tư ( hoặc sáu lăm gì đó, lúc  cơ quan Huyện chưa sơ tán), chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị bắn rơi tại Lệ Thủy đã cổ vũ tinh thần cho nhân dân và lực lượng phòng không trong huyện . Xác máy bay được các chú đưa về  trưng bày tại Huyện ( trên mảnh đất nhà văn hóa huyện hiện nay). Bắn rơi máy bay là một tổ dân quân ( khoảng chục người) được chụp ảnh  ghi tên và  phóng to, trưng bày tại phòng truyền thống, người dân Lệ Bình cùng đồng bào khắp huyện lũ lượt đến để hả hê mục kích thằng giặc trời bị tan xác và để được nhìn thấy những anh hùng số một đã làm nên kỳ tích của họ. Một hướng dẫn viên cầm que chỉ giới thiệu loại máy bay, một số  bộ phận vẫn còn như: buồng lái, thùng nhiên liệu, thùng đựng bom... và giới thiệu tên tuổi các "anh hùng" bằng các loại súng tầm thấp đã hạ gục giặc trời.

(Còn nữa)

Thuận Lễ


Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com