Không biết đã bao lâu rồi tôi đi về làng cát ấy. Làng nghèo nằm tựa gối vào những cồn cát thoai thoải hình bát úp như an phận, thủ thường. Người làng cát thật như đếm. Dân làng cát hiền như hoa. Đã có nhiều người làng cát đã lớn lên trong cái sự nghèo nàn, thật thà và hiền hậu ấy.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cam Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) - Ngô Văn Hưng đã không giấu được niềm vui khi gặp mặt. Sinh ra và lớn lên trên làng cát ấy, Hưng hiểu thế nào là cuộc sống của người dân vùng cát. Lưng tựa vào cát, cát bay, cát chảy, cát lấn dần làng, mặt hướng ra đồng lầy, mưa xuống là lũ lụt. Một vùng đất “cam khổ” nhọc nhằn. Người Cam Thủy là biểu tượng của sự vượt qua đói nghèo, chinh phục cát, lầm lũi đi lên.
Chiều nhạt nhòa ngày cuối năm, Hưng đã ngồi với tôi rất lâu. Gặp nhau hoài, song mỗi lần gặp, bao giờ anh cũng cho tôi hay những câu chuyện mới. Tôi ngầm ra sự so sánh, nếu như Hưng là người ngoài, không sống trong môi trường ấy, chắc gì anh đã có được những suy nghĩ, những cách làm như thế để giờ đây, người Cam Thủy vẫn luôn hàm ơn anh như là cái kết có hậu của một câu chuyện dài tập. Hưng thì ít nói về mình. Song những gì Hưng làm cho Cam Thủy thì ai cũng muốn nhắc, muốn nhớ. Nói không ngoa, nếu như trong một tập thể, mà chỉ có được một vài người đứng mũi, chịu sào, dám làm, dám chịu trách nhiệm cũng là mừng. Không hòa vào ai, không làm khó ai. Nghĩ đến lợi ích chung để trăn trở “vượt cạn” cũng là điều đáng nể. Sự trăn trở của anh cũng như trăn trở của bao người dân Cam Thủy. Thời anh làm chủ tịch ủy ban nhân dân xã, trong nhiều năm, anh đã cùng với tập thể lãnh đạo của xã bàn bạc, tìm tòi để làm sao cải thiện được cuộc sống của người dân, chẳng lẽ phải chịu hoài đói khổ? Khi có sự thống nhất, khi có sự đồng lồng thì lại bập vào những khó khăn mới, trở ngại mới. Chao ôi! để gỡ rối những khó khăn ấy đâu phải một sớm, một chiều. Đâu phải như nắng ngoài thung, như mưa trên bãi. Chấp nhận phải đi xa, tìm tòi, học hỏi. Đi lắm ngày đàng. Học được lắm “sàng khôn”. Nhưng áp dụng vào vùng đất ấy, con người ấy chắc gì đã đạt thành công?. Đừng nghĩ ẫu trĩ rằng, người ta làm được, thì mình cũng làm được. Đó chính là điều tai hại. Thực tế địa phương nó hiển nhiên như cát. Tong teo như nắng giêng hai, ấm đấy thôi, nhưng lại lạnh đấy thôi. Làm cho cát nở hoa như ngày hôm nay quả là kỳ tích. Và Hưng cùng với tập thể lãnh đạo xã Cam Thủy đã làm được điều đó. Từng bước, từng bước một, dẫu chậm nhưng mà chắc chắn. Nói phải, thì củ cải cũng phải nghe. Nhưng nói mà không làm chắc gì ai tin, ai nghe, ai hiểu và ai làm? Khi những cây rau non tơ tách hạt nảy mầm trên cát, thì Cam Thủy nhuốm một màu xanh. Bờ thửa, bờ vùng đều được tận dụng để trồng rau. Rau sạch thứ thiệt. Sản phẩm làm ra đến với thành thị, về cả nông thôn của những vùng đất không làm rau được. Người dân Cam Thủy thì hồ hởi, vui vẻ vì có được nguồn thu chính đáng, mà lại thu nhập cao. Nhiều người ca ngợi. Nhiều địa phương khác đến Cam Thủy để học tập, làm theo. Không ngờ vùng cát pha lại có được bước đột phá như vậy. Khi huyện Lệ Thủy đã và đang xây dựng và thực hiện chương trình cách đồng có thu nhập 45 đến 50 triệu đồng/ha/năm thì Cam Thủy đã vượt xa con số cứng nhắc ấy. Rau Cam Thủy làm suốt quanh năm. Ngày đông, ngày hè đều có rau ra chợ. Người làm rau cần mẫn như cát. Xới xáo trong cát. Tìm lục trong cát. Làm cho cát nở hoa thực sự. Mỗi một ha làm rau của đất Cam Thủy đã có thu nhập từ 100 đến 120 triệu đồng mỗi năm, bình quân thu nhập (ròng) đầu người của người dân Cam Thủy đạt trên 13 triệu đồng mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 22% theo tiêu chí mới. Quả là đáng nể. Khi nhu cầu phát triển tăng cao, nhu cầu tiêu thụ tăng cao mà đất vườn, đất nhà của người dân Cam Thủy lại ít, Hưng và tập thể đã nghĩ đến việc mở rộng sản xuất, mở rộng diện tích khai hoang. Cũng không phải đâu xa, chính là những đồng cát, bãi cát còn bỏ hoang đâu đấy. Quy hoạch vùng, khoanh ô, khoảnh thửa như những bàn cờ. Thẳng hàng thẳng lối. Những bãi cát ngủ yên đã được đánh thức. Hòa với dân cùng dòng chảy. Những con đường giao thông nhỏ phục vụ dân sinh, phục vụ sản xuất đi qua vùng cát, Cam Thủy đã dành ưu tiên số một cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Ban đầu chỉ là những con đường rãi sỏi, rồi nâng cấp thành bê tông, cho bao chuyến xe bò, xe cải tiến, xe máy, xe đạp ra đồng, ra bãi. Những con đường hoàn thành cũng là một sự vật lộn, chắt bóp để có được nó. Giờ về Cam Thủy, đường nối đường chạy thanh thang ra những vườn rau, đường nối đường ra những triền cát, trảng cát trải đầy cây màu xanh tốt. Thấp thoáng những bà, những chị cần mẫn bên những luống rau. Hưng kể: “tất cả các thôn đều có đường giao thông để phục vụ sản xuất và dân sinh. Người dân không còn phải đòn gánh trên vai, đi lại gập ghành, lún sâu vào cát như ngày xưa nữa. Bù vào đó, họ đã dùng tất các loại phương tiện để vận chuyển. Chính nhờ những con đường cấp phối biên hòa như vậy mà người dân đã có thêm nhiều điều kiện để phát triển sản xuất nông nghiệp”. Là chủ tịch xã trong nhiều năm, Hưng cũng đã phải trăn trở, lo lắng tìm mọi nguồn đầu tư của Nhà nước để xây dựng gần chục tuyến đường từ làng ra những động cát hướng đông, hướng tây để sản xuất. Xin chỗ này, xin chỗ kia, dẫu mỗi một con đường cũng chỉ hơn trăm triệu bạc nhưng hiệu quả của nó mang lại thì vô cùng lớn. Khi có được vốn rồi, dù ít, thì xã lại bỏ thêm ngân sách vào để hoàn thiện những con đường giao thông như ý muốn. Những tuyến đường này mở ra, không chỉ thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất mà kéo theo đó, có hơn hàng chục ha đất cát bỏ hoang được xào xới để canh tác và mang lại hiệu quả cao. Tôi thầm nghĩ, có những địa phương hiện nay, chính quyền xã như là những cơ quan hành chính, thì nay ở Cam Thủy, vai trò của chính quyền, cấp ủy nơi đây đã gắn chặt vào cuộc sống của người dân, lo cho dân. Cho nên khi có những chủ trương lớn gì, thì chính quyền, cấp ủy thống nhất, đưa ra dân bàn thảo, nhanh chóng được thực thi. Hưng đã trăn trở, lo lắng cùng với cấp ủy, Uỷ ban nhân dân xây dựng đề án thành lập khu di dãn dân ra vùng cát xa hơn. Dự án được cấp trên chấp nhận, nhưng phải thực hiện theo lộ trình. Từng giai đoạn trong đề án đồ sộ ấy, được Cam Thủy thực hiện theo những lộ trình nhất định và tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Cuối năm 2007, đề án được triển khai thực hiện, đầu vụ mùa 2008 đã có hàng chục hộ dân ra tiếp quản khu tái định cư. Những hộ dân ra vùng tái định cư là những cặp vợ chồng thanh niên, trai trẻ mới xây dựng gia đình. Họ thừa sức trẻ, sức lao động. Nhưng để có được vùng sản xuất kinh doanh, để tuổi trẻ bám đất, bám làng xây dựng cuộc sống thì quả là không dễ. Nếu như không có được một chủ trương đúng thì chắc gì ai đã nghe, đã tin. Vậy mà nhiều thanh niên đã đến vùng đất mới, xây dựng nhà cửa để lập nghiệp, từng bước an cư. Mỗi một nhà xây dựng ở khu di dãn dân được hỗ trợ 10 triệu đồng. Thực ra, 10 triệu đồng chưa phải là đủ để có thể yên tâm “dựng nhà, cưới vợ”. Vậy mà tuổi trẻ Cam Thủy đã làm được điều đó. Cái tài của lãnh đạo xã Cam Thủy đó là khơi dậy được khả năng tiềm tàng trong dân. Nhiều nhà ra vùng dãn dân đầu tư hàng chục triệu đồng, dẫu sao thì có sự hỗ trợ của Nhà nước cũng là nguồn động viên lớn lao để họ sản xuất. Mỗi một hộ dân ra vùng đất mới được cấp 1.200 mét vuông đất để làm nhà, làm vườn sản xuất. Hệ thống đường giao thông, điện lưới được kịp thời xây dựng trước để người dân có đủ điều kiện sinh họat và đi lại. Cái khó khăn lớn nhất đối với Cam Thủy khi mới thành lập khu dãn dân, đó chính là việc giải phóng mặt bằng để mở rộng đường giao thông. Thu hồi hơn 20 ha đất màu đã được người dân tự khai hoang lâu nay để đưa vào quy hoạch vùng và cấp cho các hộ dân sẵn sàng ra lập nghiệp. Chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, họp hành bàn bạc liên miên. Dân thông hiểu, đồng tình ủng hộ, không đòi hỏi đền bù, mà có đòi hỏi đền bù thì lấy đâu ra. Chính vì vậy mà cán bộ Cam Thủy xác định rõ trách nhiệm của mình, chỉ có còn cách họp dân, trình bày phương án, tuyên truyền, vận động nhân dân để dân họ đồng tình, ủng hộ, thế là có đất, thế là có đường. Tôi nghĩ, có lẽ Cam Thủy là nơi vận động nhân dân giỏi nhất nước! Không biết có ngoa không? Truyền thống “lãnh đạo như Cam Thủy” trong chiến tranh đã làm nức lòng cả nước. Nay truyền thống ấy được hồi sinh, hiện hữu trong công cuộc xây dựng cuộc sống nông thôn mới.
Giai đoạn một hoàn thành, làng di dãn dân được đầu tư xây dựng đường làng, điện chiếu sáng với tổng giá trị trên 5 tỷ đồng. Có tới 30 hộ ra vùng “kinh tế mới”, tiếp đó, lại có thêm 40 hộ nữa, nâng tổng số hộ dân hiện nay lên tới 70. Dự kiến trong năm nay sẽ có thêm 30 hộ dân nữa sẽ được ra vùng dãn dân. Đất chật, người đông, vùng kinh tế mới thì sẵn đất đai vừa sinh sống, vừa sản xuất, tốt qúa còn gì. Theo đề án thành lập khu dãn dân, thì không chỉ định cư, sản xuất, mà sẽ được dần dần đầu tư xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Làng sẽ được xây dựng nhà văn hóa sinh họat cộng đồng. Hệ thống loa FM không dây, sân bóng chuyền, bóng đá và tiến tới sẽ thành lập bộ khung của làng. Tôi lo ngại về tình hình an ninh trật tự của làng di dãn dân, dẫu sao thì cũng là người của các thôn, các làng đến đây để ở nên sẽ không tránh khỏi chuyện này chuyện kia. Hưng xua tay bảo rằng: không! cái đó được chúng tôi tính toán từ trước. Dẫu chưa hình thành được bộ phận quản lý thôn, quản lý hành chính về mặt pháp lý, nhưng ban đầu đều có giao trách nhiệm cho những người dân tự quản. Có người phụ trách từng mảng cụ thể, chứ không phải tình trạng “đem con bỏ chợ” đâu. Nói xong Hưng cười sảng khoái.
Hèn gì, gần 100 hộ dân nơi đây, nhà nối nhà, đường nối đường, những đồi cát bát úp mang mang như gần lại. Cát được lên bờ lên thửa để trồng cây và chăn nuôi. Nhiều hộ chăn nuôi lớn đại gia súc, gia cầm. Nhiều hộ tiếp tục trồng rau màu ngắn ngày có, dài ngày có. Nắng xuân xiên khoai làm ánh lên hy vọng tràn trề. Giờ được sự phân công của Đảng, Hưng làm Phó bí thư trực Đảng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, cũng gắn bó với dân đấy, nhưng việc làm cụ thể, dứt khóat của vị chủ tịch xã đã được bàn giao lại cho anh Nguyễn Bá Trọng - Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Cam Thủy. Nguyên là cán bộ đoàn, vui vẻ và xốc nổi, Nguyễn Bá Trọng rất hiểu những tâm tư, tình cảm của thanh niên nơi đây. Lắm hoài bão, nhiều ước ao, sẽ làm sao đây khi cuộc sống hoài chật vật?. Nguyễn Bá Trọng nói rằng, giờ đây mọi thứ mới được bắt đầu. Cam Thủy là vùng đất luôn bị cát “uy hiếp”. Cát bay, cát chảy là nỗi lo lắng kinh hãi của người dân. Cát có thể lấp vườn, cát có thể láp nhà. Nhưng giờ người dân đã biết chinh phục nó. Những động cát cheo leo ấy, nếu ai muốn đi qua, không thể đi qua trực diện, chỉ còn cách đi vòng theo những triền cát ấy. Vậy mà giờ đây, người dân Cam Thủy đã băng qua cát như là một lời khẳng định, dân không có gì là không làm được. Trọng với bản chất vui tính của người cán bộ đoàn, anh kể bao nhiêu câu chuyện “ngày xưa”. Những việc làm của Trọng cũng ấn tượng lắm. Cũng yêu thích văn chương nghệ thuật, cũng có thời gian dài cộng tác với nhiều báo, tạp chí trung ương và địa phương để viết lách “muôn mặt đời thường”. Những ngày đó đã để lại cho Trọng bao kỷ niệm vui buồn trăn trở. Nhớ nhất đó chính là, việc lần đầu tiên Trọng là người khởi xướng và thực hiện phong trào “Câu lạc bộ không sinh con thứ ba”. Khi dân số bùng nổ, khi cái nghèo, cái đói chưa dứt, thì việc đẻ lắm, đẻ nhiều cũng là một hệ lụy, kéo dần cuộc sống của người dân nông thôn đi xuống. Câu lạc bộ của Trọng đã làm cho hàng trăm đôi vợ chồng trẻ hăng hái tham gia. Nhiều năm rồi, Cam Thủy luôn đi đầu trong việc không sinh con thứ ba. Chính vậy mà những làng, những thôn đã được công nhận “làng văn hóa”, như là một sự ghi công chính đáng. Giờ đây, Trọng là chủ tịch xã, người trực tiếp hoàn thành những việc còn dang dở của một địa phương luôn là điểm sáng của mọi phong trào huyện Lệ Thủy. Tôi hỏi Trọng có lo lắng gì không? Trọng nói rằng, lo chứ. Những người trước mình họ đã làm được rồi, giờ mình không biết phát huy thành quả ấy là vứt. Phát huy thành quả ấy, nhưng cũng cần phải mạnh mẽ nữa để mà tiến lên. Trọng bảo rằng sẽ dành ưu tiên số một cho những hộ dân mới ra lập làng dãn dân. Không phải người dân không biết tính toán làm ăn, nhưng chính quyền và cấp ủy cũng sẽ chung sức, chung lòng để họ có thể phát triển bền vững nhất có thể. An cư rồi, nhưng phải lập nghiệp vững vàng. Hiện làng mới đã và đang có nhiều hộ gia đình đã và đang mở rộng trang trại sản xuất theo mô hình kinh tế tổng hợp. Chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, trồng cây hoa màu. Có hộ đầu tư hàng chục triệu đồng để nuôi kỳ nhông thương phẩm, loại sống chủ yếu dựa vào cát mà tồn tại. Có hộ mạnh dạn trồng cây thanh long ruột đỏ trên cát... Song hướng sắp tới sẽ mở mang thêm ngành nghề nông thôn, tiểu thủ công nghiệp. Cam Thủy quy hoạch vùng phía đông của làng để thu hút các nhà đầu tư về xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón phục vụ nông nghiệp... khi cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Việc quy hoạch sẽ gắn liền với các tiêu chí để xây dựng nông thôn mới.
Tọa lạc ngay giữa làng là xưởng sản xuất giấy vệ sinh của Trần Văn Sơn, thanh niên sinh năm 1987, quê vùng chiêm trũng thấp lụt, là rể của Cam Thủy. Tốt nghiệp sư phạm, đi dạy hợp đồng hai năm, chán rồi bỏ. Sơn quyết định về quê vợ để sinh cơ lập nghiệp. Bởi máu me kinh doanh chạy hừng hực trong sức trẻ. Sơn được ưu tiêu cấp 1.200 mét vuông đất để xây dựng nhà xưởng sản xuất. Đóng đinh hộ dân chính thức của làng. Sơn về đây, đầu tư hơn tỷ bạc, mua sắp máy cuộc giấy, làm nhà xưởng, mua xe vận tải để sản xuất khăn giấy, giấy vệ sinh. Dẫu chưa nhiều, nhưng hàng của Sơn làm không đủ để bán ra thị trường. Từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng, hàng Sơn đã len lõi đến các nhà hàng hạng sang cho đến quán nhậu bình dân. Chiếc xe tải của Sơn đi suốt dặm dài trên đường thiên lý, từ đèo Ngang đến cuối Hải Vân sơn. Khi chính quyền hết sức, hết lòng giúp sức, cổ vũ, Sơn như vững tin hơn. Không cổ vũ sao được, khi Sơn về đây cũng đã tạo được công ăn việc làm cho hàng chục thanh niên Cam Thủy có thu nhập tương đối ổn định từ 2,5 đến 3 triệu đồng mỗi tháng. Sơn ngậm ngùi, chưa đâu vào đâu thì các “cơ quan chức năng” đến kiểm tra ỏm tỏi. Thuế vụ, công an chữa cháy, quản lý thị trường... lằng nhằng lắm thứ nhiêu khê, bởi Sơn có đủ đầy giấy phép sản xuất, kinh doanh. Một công ty trách nhiệm hữu hạn non trẻ, mở thêm ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm đã là điều đáng mừng, đáng phấn khởi. Tôi nói Sơn rằng, ban đầu ai chả khó khăn. Nhưng những khó khăn ấy nếu được hỗ trợ, giúp đỡ để cùng tháo gỡ, thì đó là điều hạnh phúc... Bởi để hình thành được như thế này Sơn cũng đã chạy đôn, chạy đáo khắp nơi, học hỏi nhiều nơi, làm ra tự mang sản phẩm đến chào hàng, khó khăn lắm chứ...
Trọng cứ nói về dự định của mình. Quyết tâm xây dựng làng dãn dân thành một làng nông thôn mới kiểu mẫu. Mạnh về kinh tế đa dạng, nhưng thiên hướng về tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn. Đưa nhiều loại cây, loại con có giá trị kinh tế cao vào cho bà con sản xuất. Người dân làng yên tâm bán đất, bám làng, giữ cho được làng...
Vệt nắng cuối chiều chạy dài trên đỉnh cát. Mù mờ khói sương cuối năm quyện và hồn người, hồn cát Cam Thủy, tạo nên một bức tranh làng quê đẹp vĩnh hằng. Cát đang trở mình thức giấc. Những con người sống trong cát đang khởi sự một hành trình. Một hành trình không lắm vất vả và gian nan, nhưng tôi tin rằng, người Cam Thủy sẽ hóa giải được nó, sẽ chinh phục được nó, để cho cát nở hoa. Một loài hoa rực màu, no đủ an lành, đấy là loài hoa cát...
NGÔ QUANG VĂN
Cuối năm 2011
Địa chỉ: NGÔ QUANG VĂN
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình
ĐT: 0914749928. 01219405746. 0523505531
E-mail: ngoquangvanquangbinh@gmail.com