Lệ Thủy mấy hôm nay trời trở rét. Cái nắng của những ngày hè giờ phải nhường chỗ cho những cơn gió lạnh se sắt và những cơn mưa buồn đến nao lòng. Nằm cuộn tròn trong chiếc chăn ấm, mắt nhìn xa xăm vào màn mưa ngoài khung cửa sổ tôi thấy cuộc sống bình yên đến lạ. Một cơn gió ào đến, quất vào khung cửa sổ một đợt mưa – tôi rùng mình kéo tấm chăn cao hơn. Cái cảm giác lạnh buốt ấy sao thân quen đến lạ. Và rồi kí ức như một con thuyền ăm ắp kỉ niệm ùa về trong tôi. Thước phim ngược dòng thời gian ấy cứ hiện dần… hiện dần….
Chiếc xe rim chở tôi lên với làng Ho, nơi tôi sẽ công tác cứ kêu rì rì đến khó chịu vì chắc nó cũng như tôi chưa từng leo cái dốc nào ngoằn ngoèo và cao đến thế. Xe chạy được khoảng 30 km thì không thấy trung tâm đâu nữa. Ngồi sau lưng chồng đảo mắt nhìn xung quanh chỉ thấy những núi đá và những rừng cây điệp trùng, thăm thẳm. Đôi lúc thấy một cây đại thụ tôi trầm trồ đập nhẹ vào lưng chồng:
“ Anh coi, cái cây ở bên đó to quá!”
Chồng tôi cằn nhằn:
“ Em thật là, ngồi yên không được “quở”, rừng thiêng nước độc đó.”
Đường sá lạ lẫm quá. Một trận mưa dông ập xuống, bất ngờ không kịp mặc áo mưa. Lạ thật, tiết trời đang vào thu mà lại có mưa dông. Lại tiếp tục cuộc hành trình dài dằng dặc, mệt mỏi. Trường đóng tại bản Ho, bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau đều là núi rừng. Học sinh đây ư: da đen nhẻm, tóc vàng hoe, mắt mở to thao láo nhìn tôi ngây thơ và ngơ ngác. Các em nói gì đó với nhau bằng ngôn ngữ của mình tôi không hiểu mô tê gì cả. Sau hai tiếng ngồi xe máy ê ẩm, tôi đặt lưng xuống căn phòng nội trú của trường. Mệt mỏi và lo lắng tôi để mặc cho chồng dọn đồ đạc và thăm hỏi mọi người. Nhắm mắt lại nước mắt tôi ứa ra: nỗi buồn cô đơn nơi miền hoang dã trỗi dậy, vậy là gia đình và đồng bằng thân quen đã xa vời vợi. Sức khỏe mình lại yếu biết bao giờ về thăm nhà được. Nghe mọi người bảo mưa dông ở đây thì như cơm bữa còn mùa mưa về thì khỏi phải nói, áo quần không khô kịp mà mặc. Bữa cơm tối ở khu bếp nội trú của trường diễn ra vội vàng vì sợ trời tối hẳn. Đêm đầu tiên lạ nhà, không có điện tôi không dám ngủ. Lâu lâu lại có tiếng con gì kêu lên thảng thốt như xé tan màn đêm u tịch. Đêm ấy, tôi òa khóc đòi mai về cùng chồng không ở lại nữa. Anh ấy phải động viên tôi thật nhiều, hứa thường xuyên lên thăm tôi mới vững lòng ở lại.
Thế là từ đó tôi bắt đầu cuộc hành trình giảng dạy tại ngôi trường mới gần 150 học sinh ở cả hai cấp học. Mỗi lớp nhiều nhất cũng chỉ khoảng 20 học sinh. Tất cả các em đều là con em dân tộc Bru - Vân Kiều. Ngôn ngữ chính của các em là tiếng Bru nên việc tiếp thu tiếng Việt của các em khá khó khăn. Tôi bắt đầu phải học những từ cơ bản của ngôn ngữ bản địa để hiểu học sinh mình hơn. Thức ăn mang lên từ đầu tuần chỉ tươi được 3 ngày đầu tới thứ năm, thứ sáu, thứ bảy chỉ còn lại rau héo thôi, thịt cá thì càng không giữ được. Để cải thiện bữa ăn chúng tôi cũng đi đơm cá, mò chà khé, bắt ốc, hái măng không khác gì người bản địa. Mấy lần đầu đi hái rau, bẻ măng lần nào cũng òa khóc vì vắt bám vào chân, máu tóe ra nhưng đến những lần sau thì đâm quen, không ai còn sợ vắt nữa. Phụ huynh thương thầy cô khi mang cho giỏ sắn, khi cho mớ cá hay mớ rau má, gùi măng. Cũng có khi là buồng chuối chín vàng ươm, thơm lựng. Kỉ niệm sâu sắc nhất đối với tập thể giáo viên chúng tôi đó là mùa mưa rừng về. Con đường lên trường như xa hơn, gian khổ hơn khi nước suối dâng cao xe máy không qua ngầm được. Trong màn mưa lạnh buốt, nước suối ngập nửa vòng bánh xe. Quần xắn lên quá gối, thầy cầm lái dắt đằng trước, cô gò lưng đẩy đằng sau đưa lần lượt từng chiếc xe qua suối. Trên xe chất cao nào gạo, nào muối mắm gia vị, nào rau, nào thịt cá…và cả những trang giáo án vừa in còn thơm mùi mực. Phải giữ thật cẩn thận không để nước mưa làm ướt. Mùa mưa đất từ trên núi lở xuống tạo nên một thứ bùn sền sệt trên mặt đường, xe chúng tôi vồ ếch liên tục. Lên đến trường chưa kịp thay quần áo đã phải đi đến từng bản gọi học sinh mai nhớ đi học sớm. Mùa mưa miền sơn cước thâm u, vời vợi. Mưa gieo vào lòng người nỗi buồn da diết, khôn nguôi.
“ Người Vân Kiều tấm lòng trong trắng” thừa lòng yêu nước nhưng lại thiếu cái ăn, cái mặc và nhất là thiếu cái chữ. Đó là lí do mà những giáo viên miền xuôi như chúng tôi có mặt ở đây. Được tạo điều kiện về miền xuôi công tác do sức khỏe không đảm bảo, hạnh phúc lắm, vui mừng lắm nhưng tôi vẫn không bao giờ quên bản Ho, bản Mít, bản Rum với những em học sinh đầu trần, chân đất đến lớp. Về với đồng bằng là niềm vui khôn tả nhưng tôi không bao giờ quên những tháng ngày mới vào nghề, sống chung với những người dân chân chất, trong trắng như dòng suối hiền lành đầu bản. Ước gì mưa rừng đừng mang lạnh giá đến với học sinh của tôi để không còn cảnh những em học sinh môi tím lại vì rét, bước bì bõm trong mưa…
Ước mơ chỉ là ước mơ thôi, tôi hiểu điều đó. Nhưng tôi tin tất cả mọi người đều đang hướng về học sinh vùng sâu vùng xa với những trái tim nồng ấm, sẻ chia.
Đào Thị Dung