Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 212
Số lượt truy cập: 64851521

Quảng cáo
HỌC SINH BẢN HANG CÒI – NGÂN THỦY TRÊN CON ĐƯỜNG TÌM CÁI CHỮ 11/13/2014 8:14:49 AM
Bản Hang Còi, thực tế chỉ là một cụm dân cư thuộc bản Còi Đá xã Ngân Thủy nằm cách biệt giữa bốn bề là núi đá của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Không điện, không đường. Cách đây ba năm tôi đã đến Hang Còi theo đường qua Rào Đá. Từ bản Rào Đá vào Hang Còi chừng 7km nhưng phải men theo khe Nước Lạnh, mất gần 3 giờ đồng hồ. Chỉ vào mùa khô chúng tôi mới đi được, còn mùa mưa thì chỉ có những người dân bản địa mới dám bước cheo leo trên các vách đá để ra vào bản.
07_10_nganthuy1.png

Tôi đến Hang Còi lần này vào một ngày cuối tháng Tám. Đây là lần thứ hai tôi trở lại Hang Còi. Lần này, chúng tôi vào theo đường Khe Sung. Từ trung tâm xã Ngân Thủy đi xe máy khoảng 4km vào cuối bản Khe Sung thì hết đường. Chúng tôi phải gửi xe máy tại nhà dân để đi bộ. Cắt rừng theo các lối mòn dân bản thường đi lại, theo các đồng nghiệp đã từng đi, chừng khoảng 5km đường rừng thì  vào được bản. Cảnh vật ở đây còng khá hoang sơ, một vài điểm thuận lợi người dân đã trồng keo hoặc dâm hom còn lại là rừng cây bụi tầng trung và thấp. Chúng tôi phải len lỏi dưới các tán cây, có đoạn phải leo lên các vách đá, vượt qua các khe cạn đá lởm chởm, vừa đi vừa phải dò hướng bởi có nhiều đường mòn mà đoàn chúng tôi không có ai quen đường.

Có đi mới biết sự gian khổ trên đường tìm cái chữ của những học sinh bản Hang Còi. Mỗi tuần các em phải một vòng đến trường, ngày nắng thì còn đỡ nhưng ngày mưa thì thật tội nghiệp và cũng chất chứa nhiều mối nguy hiểm trên đường đi. Tôi lại so sánh với những học sinh miền xuôi có đầy đủ phương tiện, có phụ huynh đưa đón, còn các em ở đây phải vượt rừng gần chục cây số để đến với cái chữ, lòng tôi vừa cảm thương vừa khâm phục ý chí của các em.

07_10_nganthuy2.png
07_10_nganthuy3.png

Bản Hang Còi nằm trong một thung lũng với địa hình khá bằng phẳng, điều kiện khá thuận lợi cho việc trồng lúa nước, hoa màu và chăn nuôi. Có lẽ vì thế mà dân bản vẫn chưa muốn chuyển ra trung tâm dù nhà nước và địa phương đã có sự hỗ trợ tạo điều kiện cho việc di dời.

Bản hiện có 23 hộ dân, vì ở sâu so với trung tâm lại chưa có điện nên trình độ dân trí tuy cải thiện nhiều nhưng vẫn chưa bằng với các thôn bản khác của xã, cách sinh hoạt và giao tiếp vẫn mang đậm bản sắc dân tộc Vân Kiều.

Năm học 2014-2015 toàn bản có 24 học sinh từ lớp 1-9 trong đó có 17 em học tại điểm trường trung tâm và 7 em học tại khu vực lẻ Rào Đá.  Những năm học trước, do đường đi quá vất vả và nguy hiểm vào mùa mưa lũ nên tỉ lệ chuyên cần chưa cao  và vẫn có học sinh bỏ học - đặc biệt là các em nhỏ tuổi. Tuy thế, một số em vẫn vượt khó để vươn lên, học giỏi. Tiêu biểu như em Hồ Thị Hiệp, Hồ Thị Năm lớp 4, Hồ Văn Luyến lớp 5, Hồ Thị Danh lớp 8. Đặc biệt, có em Hồ Văn Khưn 9 năm liền là học sinh giỏi, hiện đang học trường PTDT nội trú tỉnh…

Nhận thức được trách nhiệm của mình với những nỗi vất vả của các em học sinh, nhà trường đã phối hợp với địa phương thường xuyên tuyên truyền vận động phụ huynh tìm giải pháp thích hợp. Một sáng kiến được cho là hay và phù hợp với điều kiện hoàn cảnh đó là vận động, thuyết phục, làm công tác tư tưởng để phụ huynh cho con em mình ra ở "trọ học" tại các nhà quen gần khu vực trường. Được phụ huynh đồng tình và ủng hộ, đến nay trong số 24 học sinh Hang Còi đã có 7 em lớp 1-2 ở lại tại khu vực Rào Đá cuối tuần phụ huynh đưa đón.

Nhà trường cũng tích cực tham mưu cho UBND xã, UBND huyện đẩy nhanh việc chuyển đổi trường sang loại hình bán trú. Nhờ vậy, năm học này,học sinh lớp 3,4,5 của Hang Còi đã được chuyển lên khu nội trú ở điểm trường trung tâm, bản Km14. Ngày nghỉ, các em về bản Khe Sung. Nếu có nhu cầu về với gia đình thì nhà trường liên hệ với hai cán bộ xã nhà ở Hang Còi dẫn dắt các em đi đường.

Bên cạnh đó, trong mùa mưa lũ, nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ với các thôn bản, phụ huynh có phương án theo dõi sát sao, giúp đỡ các em trên đường nhằm hạn chế đến mức tối đa những rủi ro có thế xẩy ra.

Như vậy, bài toán  hóc búa về số lượng đã được nhà trường tháo gỡ. Trong năm học này, tính đến nay, học sinh Hang Còi chưa có em nào bỏ học, tỉ lệ chuyên cần được nâng cao.

 Con đường đến trường của các em học sinh Hang Còi quả là gian nan và đầy thử thách nhưng dưới sự quan tâm của nhà trường, lãnh đạo địa phương chắc chắn các em sẽ vượt qua những thử thách đó.

Trong thời gian tới Huyện Lệ Thủy sẽ có phương án hỗ trợ di dời những hộ gia đình thuộc bản Hang Còi ra gần khu vực trung tâm tạo điều kiện về môi trường sinh sỗng ổn định, xóa bỏ rào cản địa lí để dân bản phát triển về kinh tế - văn hóa xã hội. Điều đó đồng nghĩa với học sinh Hang Còi sẽ một cuộc sống tốt đẹp hơn, con đường đến với cái chữ của các em cũng được rút ngắn hơn.

Lê Viết Cường

Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com