NMT: Có những điều chúng ta tưởng đã trở thành vôi vửa, chìm khuất trong quá khứ nhưng khi được đánh thức dậy nó lại có sức sống mãnh liệt. Tôi đọc những trang viết của thầy giáo Lê Thuận Lễ với tất cả nỗi niềm trân trọng với biết bao thế hệ thầy cô giáo trước đây. Nhiều và nhiều lắm các thầy cô giáo đã sống làm việc đẹp như những bài thơ đắm đuối nhất, say mê nhất. Kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là dịp chúng ta nhìn lại những chặng đường đã qua của nền giáo dục cách mạng. Ký ức của một người nhưng cũng là ký ức của một thời vẫn vẹn nguyên đến lạ kỳ. Tôi tin rằng sẽ có nhiều nụ cười và những giọt nước mắt hạnh phúc sau khi đọc bài viết này!

Lên đường.....
Vào cuối tháng tư năm một chín bảy sáu, đội quân đào tạo cấp tốc chi viện cho Giáo dục Quảng trị mới giải phóng của chúng tôi có khoảng 100 người. Toàn là học sinh mới tốt nghiệp cấp ba tuổi mười tám đôi mươi, chúng tôi được trường bồi dưỡng giáo dục tỉnh Quảng Bình bồi dưỡng nghiệp vụ. Thời gian có ít, về chuyên môn chỉ được cung cấp các bước lên lớp của từng môn học là chủ yếu, thời gian dành khá nhiều cho cho môn học tâm lý, tình hình chính trị miền Nam sau ngày giải phóng, và học nhiều bài hát về Đông Hà, Quảng Trị để làm tốt công tác dân vận.
Lần đầu tiên vượt cầu Hiền Lương vào Nam với bao cảm xúc, con đường nhựa thẳng tắp băng qua đồng bằng Do Linh bát ngát thẳng cánh cò bay tạo cảm giác làng quê bình yên như chưa từng có chiến tranh xẩy ra nơi đây. Một giọng hát khẻ “ Nắng chiều về qua Đông Hà rồi Quảng trị, thắp sáng bừng núi rừng của miền Tây......” rồi chúng tôi ùa vào cùng hát, bản đồng ca vang lên như khúc quân hành, những khuôn mặt tràn trề niềm vui, tràn trề sức trẻ, tràn trề niềm ước vọng được cống hiến và chinh phục miền đất mới.
Khoảng 11 giờ trưa, hai xe ca loại 45-50 chỗ ngồi chở chúng tôi dừng đỗ tại Đông Hà, chúng tôi được tập trung tại một hội trường lớn (nơi đó là một cửa hàng thương nghiệp gần lên dốc Bưu Điện tỉnh Quảng Trị hiện nay) và được lãnh đạo hai sở GD giao nhận quân và quán triệt nhiệm vụ, công bố danh sách về các huyện. Chúng tôi được chiêu đãi ăn trưa, cảm xúc chia tay làm nhiều bạn nữ òa khóc, nhiều bạn nam cũng nghẹn ngào chẳng ăn uống gì. Không khí ồn ào hẳn lên, tiếng chào hỏi chia tay, tiếng gọi quân của các phòng giáo dục: Ai Hải Lăng theo tôi, ai Triệu Phong theo tôi, ai Do Linh Theo tôi..... Lệ Thủy, Quảng Ninh được bổ sung về Hải Lăng, Triệu Phong.
Đoàn về Triệu Phong được lên 2-3 xuồng máy từ bến chợ Đông Hà và chạy dọc theo sông Thạch Hản xuôi về biển, rẽ ngã ba Gia Độ về Triệu Thuận nơi Phòng giáo dục Triệu Phong đóng. Tại đây chúng tôi được phân công về các trường và tự túc hỏi trường đi bộ mà về. Lúc này mỗi người thực sự lo lắng, bồn chồn và buồn vì phải chia tay bạn bè. Tiếng chào nhau hòa cùng với tiếng nấc, tiếng khóc như ri, kể cũng phải thôi, chúng tôi còn trẻ quá và là lần đầu xa nhà đến công tác một nơi hoàn toàn mới lạ. Tôi và Liễu, người bạn gái cùng làng (Phan Xá- Xuân thủy) được phân về trường tiểu học Triệu Tài. Vừa đi vừa hỏi đường, khoảng năm giờ chiều chúng tôi có mặt tại nhiệm sở.
Mọi người ở khu tập thể niềm nở chào đón chúng tôi, Hiệu trưởng Nguyễn Viết Nông người Hà Tỉnh ân cần hỏi han động viên và phân công chỗ ở nội trú cho chúng tôi. Nội trú là một dãy nhà tranh vách đất chật hẹp được ngăn ra từng ô nhỏ đủ cho trên 10 người ở. Chỗ ở của hiệu trưởng cũng là phòng làm việc luôn. Các thầy cô nội trú chủ yếu là các thầy cô miền Bắc đi B năm bảy hai, bảy ba và một số giáo viên lưu dung mà dân địa phương hay gọi là giáo chức.
Chúng tôi đến trường vào dịp cuối năm học nên không có công việc, hiệu trưởng giao cho chúng tôi vào danh sách học sinh ở sổ đăng bộ. Chúng tôi được giáo viên đi B vị nễ vì trình độ (họ chỉ có trình độ 7+1; 7+2; nhiều lắm là 7+3), được giáo chức coi là những người cộng sản, những người mà với họ mới đây thôi còn ở bên kia chiến tuyến mà giờ đây là người chiến thắng.
Một lần, một giáo chức nhìn vết thương trên tay tôi ngại ngùng hỏi: Anh bị thương trong trận đánh nào? Tôi ậm ừ cho qua chuyện: Chiến tranh ác liệt mà, còn sống đến ngày thống nhất là hạnh phúc rồi. Hàng hóa công đoàn mua về tôi được các vị đề xuất phân ưu tiên nhận trước.
Trường tiểu học Triệu Tài cách thị xã Quảng Trị khoảng 3 km về hướng đông, dọc theo con lộ số 8 nối Quảng trị với cảng Mỹ Thủy. Trường có bốn khu vực, khu chính ở làng Tả Hửu gồm năm phòng học cấp bốn, một khu lẻ ở làng An Trú cho lớp một, hai, một khu ở làng Anh Tuấn ( dạy tạm thời trong đình làng) và một khu lẻ khá nhiều lớp nằm ở làng An Hưng, Phú Liêu.
Một tháng qua, dần quen với mọi người, với công việc, nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè nguôi ngoai.
Lần đầu uống bia....
Thời này bao cấp, giáo viên dùng tem phiếu và sổ gạo tập thể, chúng tôi mua gạo ở kho Lương thực Ngô Xá (một địa danh trong bài hát Bình Trị Thiên khói lửa) thuộc xã Triệu Trung tiếp giáp với Triêu Tài, mua thực phẩm và các mặt hàng khác tại một cửa hàng mới dựng tạm trên sân bay Ái Tử. Như vậy muốn mua hàng thực phẩm chúng tôi phải cuốc bộ trên 10km.
Lần đầu được công đoàn phân công cùng với một giáo chức ( anh Minh lớn hơn tôi chừng vài tuổi) đi mua hàng. Hai chúng tôi chuẩn bị một bao tải lớn, một đòn gánh và lên đường. Thành cổ Quảng Trị sau gần một năm giải phóng như chưa có bàn tay con người đụng đến, không còn một ngôi nhà nguyên vẹn, không còn dấu tích một trung tâm của một tỉnh lỵ mà người dân nơi đây vẫn quen gọi “ đi Tỉnh”, chỉ có lau sậy mọc um tùm trên những đống gạch ngói đổ nát, đó đây còn một đôi bức tường còn dựng đứng nham nhở đầy vết bom đạn. Anh Minh tâm sự: Năm bảy hai, Thành Cổ ác liệt lắm, lính ngụy chết cả sư đoàn và bộ đội mình hy sinh cũng nhiều , anh chỉ cho tôi bức tường còn sót lại của một căn nhà 2 tầng và cho biết đó là trường Bồ Đề trước ngày giải phóng. Tôi đã từng nghe, đã từng đọc, nhưng có nhìn cảnh này mới biết chiến tranh nơi đây ác liệt chừng nào. Trước đây tôi biết Thành Cổ qua hình ảnh “ nụ cười giữa hai trận đánh” của một phóng viên chiến trường, hình ảnh người lính thông tin vượt sông Thạch Hản dùng hàm răng của mình cắn chặt hai đầu dây điện để đảm bảo thông tin ( mà tôi đọc được ở cuốn sách “ Kỷ niệm sâu sắc chống Mỹ cứu nước”...) và khi đến đây tôi có dịp đọc “ Mùa hè đỏ lửa” tác giả là một nhà văn của chế độ cũ càng hiểu thêm mảnh đất này, từng tấc đất đã thấm bao máu xương của những con người đứng cả ở hai bờ chiến tuyến. Khi viết lại những hồi ức này tôi càng thấm thía bài thơ “Lời người bên sông” của Lê Bá Dương:
Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm
(Câu chuyện ra đời của bài thơ cũng thật cảm động: Năm 1987, lần đầu tiên sau hòa bình Lê Bá Dương về lại huyện Triệu Hải tỉnh Quảng Trị và rạng sáng ngày 27 tháng 7, ông ra chợ mua hết hoa rồi thuê người chở xuống bến sông. Tại đây, ông thuê một con đò của một bà mẹ ngư dân với giá 8.000 đồng một giờ để đi thả hoa trên sông. Thả hoa xong, vừa đúng bốn giờ thuê đò, ông lấy tiền trả cho bà mẹ thì bất ngờ mẹ quỳ sụp xuống lạy và khóc: “Mi làm rứa, răng mệ lấy tiền mi...”. Rồi hai mẹ con cùng khóc trước sự sững sờ của những người bạn của ông vừa ào ra bến thuyền. Chiều hôm đó trong khi ngồi lặng ngắm những chiếc thuyền ngược dòng Thạch Hãn, nghĩ tới những đồng đội đã bỏ mình nơi đây, Lê Bá Dương đã làm mấy vần thơ đó).
Vượt cầu Thạch Hản, chúng tôi dọc đường Quốc lộ, theo hướng Bắc để ra Ái Tử. Một chiếc xe tăng biệt hiệu T54 có hình sao vàng gục đổ ngay cạnh đường QL1 ở làng Nhan Biều xã Triệu Thượng làm tôi sững sờ và hình dung đoàn quân giải phóng trên đường từ sân bay Ái Tử tràn vào giải phóng Thành Cổ, Quảng Trị.
Sân bay Ái Tử , sau gần một năm giải phóng mà như mới hôm qua, những tấm ri nhôm lát sân bay vẫn còn nguyên, thùng phi dầu và những đụn thép gai ngổn ngang, mùi thuốc súng, mùi xăng dầu bốc lên ngùn ngụt trong cái nắng chói chang của những ngày đầu hè gây cảm giác ngột ngạt khó thở.
Sau một hồi xếp hàng, chúng tôi cũng mua được hàng, toàn bộ hàng hóa bao gồm dầu hỏa, nước mắm, phụ tùng xe đạp, thuốc lá, song nồi nhôm loại nhỏ được tuồn vào bao tải, cột túm với đòn gánh, kẻ trước người sau đổi nhau khiêng về. Đi được một quảng, mồ hôi, mồ kê nhễ nhại, anh Minh hỏi tôi:
Anh đã uống bia bao giờ chưa?
Chưa !
Ta nghĩ một chút uống ly bia cho mát đi
Hai chúng tôi vào một quán nhậu và gọi một chai bia, loại chai lớn 0,7 lít màu nâu ( có lẽ là Ti - ger), anh rót vào hai ly cối lớn và mời tôi nâng ly. Tôi định làm một hơi cho đỡ cơn khát, ai ngờ mới một ngụm thì nhã ra , không kịp kiềm chế mình tôi văng tục: Bia gì mà chua như nước đ... bò thế này. Anh minh cười sặc sụa: Anh uống chưa quen đấy thôi, quen rồi lại thèm thứ nước chua chua đó đấy. Tôi nghĩ mình lạc hậu quá, nhưng cũng tìm được câu chống chế: Miền Nam có thằng Mỹ đưa vào nhằm phục vụ cho khoản ăn chơi còn miền Bắc vừa sản xuất vừa lo chiến đấu làm gì có thời gian mà ăn nhậu. Anh Minh như chợt nhận ra hàm ý của tôi, cười xởi lởi: Anh nói phải! anh nói phải!
Nhớ lần đầu về quê...
Sau một tháng đến trường thì đến kỳ nghỉ hè, thời này xe cộ còn ít, đường sắt Bắc Nam thì chưa thông, nên con đường về quê khá vất vả. Tôi và Liễu đi bộ đến Thành Cổ , chờ mãi mới có một xe tải cho quá giang đến Hồ Xá. Từ Hồ xá đón xe đến tối không có, đành thuê phòng trọ ở lại bến xe tối hôm đó. Sáng hôm sau đợi đến trưa cũng không có xe, hai chúng tôi quyết định cuốc bộ về quê. Đường thì xa, chưa khi nào phải đi bộ xa như thế với thêm đói và khát, bàn chân cọ xát vào dép bông lên, dập ra, chúng tôi buộc phải xách dép và đi chân đất, một hồi dưới bàn chân cũng bong lên tưởng chừng như đi không được nữa. Chúng tôi vừa đi vừa nghỉ, đến đất Hưng Thủy thì trời nhá nhem tối, tôi quyết định cắt đường Phù Thiết tạt qua quê nội tìm nhà bà con nghĩ lại để hôm sau về Xuân Thủy. Trời tối lại không quen đường, chúng tôi lạc giữa những nương khoai , nương sắn, giữa những lùm cây bụi rậm, đã có lúc tôi đã nghĩ đến phải ngủ lại giữa rừng, quanh quẩn một hồi, mãi đến 8-9 giờ mới tìm được lối ra. Chân tay ê ẩm, mệt đến lã người, chúng tôi tìm nhà dân để tá túc qua đêm. Căn nhà chúng tôi nghỉ lại đêm đó là nhà của đôi vợ chồng trẻ ở thôn Tân Lực. Được biết chúng tôi là giáo viên, công tác miền Nam lần đầu về quê và đi bộ đường dài vất vả đã tỏ ra thông cảm và sẵn lòng đón tiếp. Anh nhà bảo vợ nhanh nhanh nấu cơm đãi khách và nói với chúng tôi: “ Thầy cô cứ ở lại, ăn cơm, nghỉ ngơi cho khỏe, ngày mai hãy đi, chị nhà đây cũng là giáo viên, là đồng nghiệp với nhau cả, không có gì mà ngại”
Tối đó, vừa đói vừa được bữa ăn “ nguyên cơm trắng” , được chủ nhà vui vẻ xởi lởi trò chuyện động viên, chúng tôi được bữa ăn no, được tắm mát và nghĩ ngơi lấy sức. Qua trò chuyện được biết chị là giáo viên tiểu học, anh là cán bộ đoàn xã, tôi thầm nghĩ “ hèn chi có năng khiếu nói năng giao tiếp thật”. Sáng hôm sau, chúng tôi định lên đường sớm, nhưng anh chị lại nài nĩ dùng bữa cơm sáng rồi hãy đi, tôi biết nơi đây người dân không phân biệt bữa sáng bữa trưa, khoảng 4 giờ sáng là các bếp đã bập bùng ngọn lửa. Cơm có sẵn và tấm lòng nhiệt thành của chủ nhà làm chúng tôi không có lý do để từ chối, có lẽ chị đã dậy sớm hơn để thổi cơm mời khách.
Hình ảnh đôi vợ chồng trẻ mau miệng mau lợi nơi thâm sơn cùng cốc có tấm lòng nhân hậu ám ảnh tôi suốt chặng đường, tôi ân hận và tự trách mình chưa kịp hỏi tên.
Năm 1987, tức 11 năm sau, tôi được chuyển về quê công tác tại trường cấp 1+2 Tân Thủy. Hiệu phó nhà trường lúc đó là thằng bạn nối khố Nguyễn Thanh Lê ( nay là hiệu phó THCS Mai Thủy).
Vào một ngày nghỉ, Lê rũ tôi đi nhà cô Hà giáo viên của trường chơi. Vợ chồng chị Hà tiếp đón thân mật, ấm nước chè xanh, nồi sắn luộc, câu chuyện vui thắm tình “ đồng đội”. Trong lúc trò chuyện, anh chủ nhà nhìn tôi chằm chằm:
Hình như tôi có gặp thầy chỗ nào rồi thì phải.
Tôi nói:
Có lẽ em giống một ai đó mà anh đã từng gặp đấy, vùng đất này lần đầu em đến mà!
Một hồi lâu, như chợt nhớ ra điều gì, anh nói tiếp:
- Thấy nhớ lại xem có lần nào thầy cùng một cô giáo đi bộ từ Hồ Xá về quê không?
Kỷ niệm lần đầu về quê thật vất vả ùa về, bữa cơm tình nghĩa và tình cảm đôi vợ chồng trẻ làm sao tôi quên, bất chợt tôi ôm chầm lấy anh:
- Có phải anh đây không! Xin lỗi anh! Xin lỗi anh! Anh chị là ân nhân của em, làm sao em quên được, có lẽ lần về quê qua đây ban đêm và theo con đường khác nên em đã quên!
Anh vỗ đùi và cười hể hả:
- Trí nhớ thầy thua tui rồi! Tôi chỉ gặp thầy một lần vào ban đêm thôi mà tôi còn nhớ!
Quả thật, tôi thán phục trí nhớ của anh, rồi tôi kể đầu đuôi câu chuyện cho Lê nghe, bát nước chè xanh càng thêm đậm đà tình nghĩa. Anh chính là Nguyễn Tuân, giờ đây là cán bộ tuyên giáo Huyện ủy.

Sau 36 năm , trông anh vẫn trai tráng như xưa
(ảnh chụp ngày 15/8/2012 , lúc này anh đã nghỉ hưu)
Lần đầu nhận lớp...
Năm đứng lớp đầu tiên, tôi được giao chủ nhiệm lớp 5 ở trung tâm, Liểu được giao chủ nhiệm lớp 4 ở làng Anh Tuấn. Thời Miền Nam mới giải phóng, nhà nước ta còn duy trì hệ học 12 năm của chế độ cũ. Học sinh có nhiều độ tuổi, nhiều em có độ tuổi xấp xỉ tuổi của thầy ( lúc đó tôi chưa đầy 19 tuổi) làm tôi ái ngại, một phần vì mới ra trường, kinh nghiệm dạy học chưa có. Bù lại, tôi được đội ngũ vị nể vì trình độ đã qua phổ thông, vì trên ngực lấp lánh huy hiệu đoàn thanh niên cộng sản, vì tuổi trẻ xông xáo công việc. Được các anh chị đi trước tận tình giúp đỡ, tôi sớm hòa mình và say sưa với công việc dạy học. Anh Phan Năm người Hà Tỉnh là một giáo viên dạy giỏi, một nhà thơ thuộc hội VHNT Hà Tỉnh là tổ trưởng của tôi và người có ảnh hưởng lớn nhất, đầu tiên trong nghiệp dạy học của tôi. Chị Nguyễn Thị Dần , người Hà Nội, một người chị kết nghĩa của tôi, người thường động viên giúp đỡ tôi những lúc khó khăn. (Một lần ra tham quan Hà Nội (năm 2000), tôi đã thuê xe thồ vượt gần 50 cây số đến thăm chị , lúc đó chị đã nghỉ hưu ở Yên Duyên, Yên Sở, Thanh Trì).
Biệt tài kể chuyện cổ tích và năng khiếu thổi được kèn Harmonica giúp tôi được nhiều trong việc dạy học. Học sinh nhanh chóng mến mộ, gần gũi, quấn quýt thầy , thầy giáo trẻ càng thêm nhiều niềm vui trong công tác. Lớp tôi được nhà trường cho mấy thước đất ruộng lao động gây quỹ, ngoài giờ học thầy trò chăm sóc ruộng lúa và tập văn nghệ chuẩn bị cho hội thi nhân ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo. Vụ lúa năm đó được mùa, lớp thu hoạch được hai bao tải lớn, một ít hỗ trợ gia đình bạn gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, số còn lại bán rẻ cho thầy cô nội trú tăng nguồn tự túc. Tiền lúa bán được nhập quỹ lớp và chi cho tập luyện tiết mục văn nghệ. Thời gian các em tiếp xúc với bộ đội giải phóng và thầy cô chế độ mới chưa được nhiều nhưng tình cảm các em thật đáng trân trọng. Tôi ngạc nhiên vì các em thuộc nhiều bài hát và điệu múa cách mạng, tiết mục hát múa “ Em nhuộm màu ngụy trang” của lớp năm đó đạt giải. Thành quả của các buổi chiều, tôi đưa các em đến một miếu thờ làng An Trú cho tỉnh vắng tập luyện, tôi thổi kèn, các em vừa hát theo vừa tự nghĩ ra các điệu múa cho phù hợp. Tôi còn nhớ bài hát có câu:
“Hái lá mướp, lá bàng
Em nhuộm màu ngụy trang
Gửi cho chú bộ đội
Cô giáo dùm chuyển sang........”
(Còn nữa)
Tân Thủy, Tháng 11-2012
Lê Thuận Lễ