Một lần, trong giờ ra chơi, Vĩnh ( một học sinh ngoan, học giỏi, có mái tóc xoăn và nụ cười đầy thiện cảm) rụt rè hỏi tôi:
- Thầy ở Quảng Bình là ở xã nào, huyện nào? Mẹ em cũng người Quảng Bình di cư vào Nam thời Pháp thuộc. Mẹ bảo mời thầy về nhà chơi để nhận đồng hương.
Tôi vui vẻ nhận lời và chủ nhật tuần đó tôi về nhà Vĩnh chơi, Vĩnh là con thứ ba trong nhà, bố Vĩnh trước giải phóng là lính cộng hòa, vào lính làm thợ nên thời gian học tập cải tạo ít và sớm được đoàn tụ gia đình. Mẹ Vĩnh khoảng 40-45 tuổi, người hơi mập và nói năng có duyên. Qua trò chuyện mẹ Vĩnh cho biết quê ở xã Duy Tân, huyện Lệ Thủy. Chị nhớ tên cũ của xã thời Pháp thuộc còn tên mới của xã chị không biết, Duy Tân chính là Tân Thủy ngày nay, tôi cho chị biết chị là đồng hương cùng xã với tôi. Đi lâu năm , gặp người đồng hương cùng xã và là thầy giáo của con mình, cả gia đình mừng lắm. Chủ nhật tuần nào cũng mời thầy về chơi và thết đãi ăn uống. Một thời gian sau, qua những cuộc trò chuyện mới ngã ngữa ra là bà con, mẹ Vĩnh là em chung một cố với tôi, tình cảm càng đặm đà thắm thiết. Sau một lần về quê ( Tân Hòa- Tân Thủy), tôi có gặp lại bố mẹ Vĩnh. Được biết cả gia đình vào Nam sinh sống đã lâu và ít có dịp về quê. Mừng mừng, tủi tủi nhắc lại chuyện xưa, mẹ Vĩnh thổ lộ: Hồi đó thấy Anh hiền hậu, học trò quý mến, em định gả con Vương cho anh, nhưng sau biết có quan hệ bà con gần quá không được. Tôi cười mà rằng: “Hèn chi tuần nào cũng mời thầy về nhà và chăm sóc thật chu đáo”.
Những gì đầu tiên, là những điều nhớ mãi không bao giờ quên, lứa học trò đầu tiên của tôi: Sâm ( lớp trưởng), Vĩnh, Hoàng, Chính, Lào, Thủ, Kim, Bảy, Cháu, Thanh, Ước.....không biết các em còn nhớ nữa không? Ngày thầy chuyển trường tất cả các em đã khóc sướt mướt. Những ngày đầu thầy trò xa nhau, nhớ nhau như nhớ người thân, cứ đến chủ nhật các em tổ chức vượt hơn chục cây số đường đất và thêm chục cây số bãi cát để về thăm thầy, mang theo gạo, trứng, bánh kẹo cho thầy. Có lần đưa các em mãi chơi trên bờ biển, các em về tối phải nghỉ lại dọc đường, sau này gặp lại mới biết bố mẹ các em được một phen nháo nhác kiếm tìm......Giờ nghĩ lại mới biết tuổi trẻ mình cũng có lúc nông nổi. Tôi ước mơ một ngày gần đây sẽ gặp lại các em, muốn nhìn thấy các em trưởng thành, chắc chắn có em đã lên chức bà nội bà ngoại , tôi tự tưởng tượng ra cảnh gặp gỡ mà tự mỉm cười một mình , lúc đó tôi sẽ hát bài: Hái lá mướp lá bàng....để chọc các mệ, xem có mệ nào còn “ ôông ngai” nữa không.
Chuyển đến trường mới......

Vừa trọn một năm thì tôi có công lệnh chuyển trường đến vùng đặc biệt khó khăn theo chủ trương của Phòng Giáo dục chọn nam thanh niên trẻ, khỏe. Tôi về nhận công tác tại trường cấp 1+2 Triệu Vân B. Thanh niên chúng tôi hồi đó đã từng viết thư bằng máu đi xin đi chiến trường đánh giặc thì cũng chẳng ngại ngùng chi đi gieo con chữ nơi vùng khó khăn, chỉ một nỗi, mới quen công việc, tình cảm bạn bè đồng nghiệp, tình cảm học sinh làm tôi xao xuyến cõi lòng. Được bạn bè, anh em động viên tôi đã an lòng lên đường.
Xã biển Triệu Vân gồm mười hai thôn kéo dài mấy chục cây số từ Hải An ra đến Cửa Việt. Sau ngày giải phóng được chia thành 3 xã: Triệu Lăng ( từ thôn 1 đến thôn 6), xã Triệu Vân B ( từ thôn 7 đến thôn 9), xã Triệu Vân A ( từ thôn 10 đến các thôn ở Cửa Việt , nay là Triệu An).
Con đường về trường Triệu Vân B còn khó khăn gấp trăm lần con đường về Ngư Thủy Nam những năm chín mươi, cũng vượt đôộng cát nhưng nhiều và xa tít tắp.
Triệu Vân, một xã Cộng sản nòi, nơi đây thời chống Mỹ có thể ví như Cảnh Dương, Cự Nẫm thời chống Pháp ở Quảng Bình. Một lượng lớn đạn dược, vũ khí , lương thực chuyển từ bờ bắc Cửa Việt vào Nam nhờ vào lực lượng ngư dân nơi đây. Nhìn vào lớp học thì biết, học sinh đa phần là con Liệt sỹ, có em cả bố và mẹ đều là Liệt sỹ do chìm ghe hoặc do Mỹ Ngụy phát hiện bắn chết khi đang vận chuyển vũ khí. Thời kỳ 72-73, Mỹ Ngụy đàn áp nơi đây dữ, nhà nước ta chủ trương sơ tán dân ra vùng giải phóng Vĩnh Linh, Quảng Bình( gọi là K15). Vì thế dân Triệu Vân mới trở về quê sau ngày giải phóng, tất cả hãy còn tạm bợ. Trường học cũng tạm bợ, mới dựng lên sau giải phóng, nằm trên một bãi cát trắng mênh mông, không cây cối, không tường rào. Vật liệu làm trường 100% là sản phẩm của chiến tranh, cột nhà, tường nhà làm bằng ri sắt lấy được từ sân bay Ái Tử, mái lợp tôn, nền lót bao cát loại bao cát xây công sự của Mỹ. Hai dãy nhà nội trú cho giáo viên ở cũng bằng những vật liệu đó. Mùa hè, bụi cát mù mịt, áo quần, chăn màn, thức ăn , nước uống đều có cát. Cái nóng của cát từ dưới lên, nóng từ mái tồn xuống, khu nhà nội trú về mùa hè như những hầm lò.
Vất vả nhất nơi đây có lẽ là bọ chét, không có khi nào trong mỗi người không có bọ chét. Tối đến mỗi người bên ngọn đèn dầu mãi mê soạn bài, một bàn tay cầm viết một bàn tay lần mò bắt chét, dần quen trở thành kỹ năng kỹ xảo. Thời gian đầu chưa quen, nhiều đêm phải thức trắng, các thầy đã đành, thương nhất là các cô, những năm đầu mới đến cơ thể chưa đề kháng được độc chét cắn, toàn thân lở loét.
Ngoài việc dạy học, chúng tôi được giao thêm nhiệm vụ đi thực tế mỗi tuần ít nhất một lần vào buổi tối hoặc vào các ngày nghỉ, nhiệm vụ là nắm bắt hoàn cảnh học sinh, tiếp xúc phụ huynh để có biện pháp giúp đỡ. Nhà dân đa phần là mái tranh, mái rầy lụp xụp, nhà sang thì nền lót bao cát công sự ( cho cát vào bao và sắp thành một lớp), còn không là nguyên cát trắng, khi quét nhà không dùng chổi mà dùng sàng kiểu như sàng gạo. Khi vào nhà quần phải xắn quá gối và được chủ nhà mời nhanh nhanh nhảy lên giường, lên sạp không thì lũ chét phát hiện được hơi người lạ tấn công thì khổ. Khổ vậy nhưng chúng tôi cũng siêng đi, về đó chúng tôi được học sinh, phụ huynh tiếp đón niềm nỡ, trân trọng, được mời những bữa đặc sản khoai xéo ăn với dưa môn tuyệt đẳng....
Những lúc rỗi, chúng tôi thường đi xuồng nan cùng học sinh ra biển câu cá, câu mực và đôi lúc xin phụ huynh theo ghe lớn đi khơi đánh cá qua đêm, ban đầu còn say sóng sau cũng dần quen, vừa vui vừa được chất tươi cải thiện.
Tôi còn nhớ lúc đó lớp tôi có em Khành, hoàn cảnh hết sức đặc biệt, bố mẹ đều là liệt sỹ, em sống một mình với bà nội trong túp lều xiêu vẹo, gia đình không có lao động chỉ dựa vào số tiền trợ cấp ít ỏi, bản thân lại bị tàn tật, đến trường bằng đôi nạng gỗ. Nhiều lần em đã định bỏ học, tôi đã thường xuyên động viên và về nhà giúp đỡ em học, vận động các bạn lao động kiếm chất đốt giúp bà cháu Khành, Khành học giỏi và vì thiếu tình cảm, Khành coi tôi như người thân.
Lương thực nhà nước cấp không đủ ăn, nơi ăn chốn ở vất vã, đường mỗi lần “lên ruộng” ( từ mà dân nơi đây chỉ mỗi lần từ biển lên đồng bằng đi chợ hay đi mua hàng) là một lần gian nan.... Vậy mà nhà trường vẫn tổ chức việc dạy học thật nghiêm túc, học sinh cần cù, thầy cô tận tụy, chất lượng dạy học thật tốt. Chúng tôi được địa phương chăm lo, được phụ huynh đùm bọc và học sinh hết lòng yêu quý, chính những điều đó đã tạo động lực để chúng tôi vượt qua tất cả. Lúc này vẫn còn HTX đánh cá, mỗi lần ghe về là tập thể được biếu cá ăn , có khi cả gánh.
Tập thể nội trú tổ chức bếp ăn chung, phân công người nấu ăn, chất đốt là cỏ khô do học sinh lao động nộp lại. Lương thực chủ yếu là mì hột ( bo bo), mỳ bột , một ít gạo và thêm khoai sắn do tập thể lao động tự túc làm ra. Kể cũng lạ, đất cát trắng phau, phân bón chủ yếu là lá dương ( phi lao) mà khoai nhiều củ và củ to tròn như những quả bưởi. Khoai sắn không thu hoạch một lần mà củ nào to ăn trước, cứ việc thọc tay xuống cát kiểm tra, củ to thì bẻ, xong rồi lấp lại để các củ khác phát triển tiếp.
Về mùa hè, nội trú tổ chức trồng dưa, đất cát hạp với cây dưa, nhưng vì nóng quá, không có kỹ thuật cũng không có ăn. Khi quả dưa bằng ngón chân cái, phải móc cát vùi xuống để chống nóng, cuối mùa, cây dưa héo dần, gió nam thổi cát mù mịt để lộ những quả dưa chín đỏ còn sót lại, nhiều quả dập thối, mùi dưa hấu chín ngào ngạt cả một vùng.
Tối đến chúng tôi “ cải thiện” bằng cách ra bờ biển bắt con coòng về luộc ăn với khoai lang , rau đắng chắm ruốc ( loại rau lá nhỏ, mọc hoang ở các bàu nước lợ sát biển) hay bắt sứa biển về ăn với rau muống . Nhớ cảnh đêm trăng tập thể quây quần quần, “ cải thiện” xong là văn nghệ hát hò thâu đêm, thật vui. Việc cải thiện ban đêm đi bắt còong, bắt sứa về sau Hiệu trưởng không cho đi nữa vì sợ vướng vào bom mình.
Vùng biển, nhưng dư dã nhất phải nói đến là nước ngọt, chỉ cần đào sâu một mét là có nước , loại nước được lọc qua cát mát rượi và pha nước chè rất ngon. Mùa mưa chúng tôi đi tắm trên bạc, những thung lũng cát đầy nước trong như pha lê, không một sinh vật sống, chúng tôi tha hồ vùng vẫy bơi lội. Nước trong, trời trong, và bãi cát trắng tinh kéo dài đến tận chân trời tạo cảm giác mọi vật đều trong sạch thoáng đảng và tinh khiết, những lúc như vậy chúng tôi như bị lạc vào một miền cổ tích, lòng mình thật nhẹ nhàng thanh thản.Trong muôn vàn khó khăn vất vả, tình yêu thương con người càng trỗi dậy mãnh liệt, tập thể gắn kết như anh em một nhà và cũng nơi đây nhen nhóm lên bao mối tình, để sau này thành gia thành thất. Cũng nơi đây đã giao hòa kết nối tư tưởng giữa hai miền Nam Bắc: Dụn - Mai, Thông - Mận, Quang - ?, Quyết - ?, Dương - ?, Hải -?, Tiêm -?.......(*)
Tập thể có nhiều giáo chức là người Thừa Thiên Huế, được đào tạo sư phạm ở các trường danh giá trong chế độ cũ ( sư phạm Quy Nhơn), giỏi đàn, giỏi võ. Những nốt đàn ghi ta đầu tiên tôi học được chính ở nơi đây. Và cũng tại nơi đây, tức cảnh sinh tình tôi có viết được 2 mẩu chuyện được đồng nghiệp yêu thích. Một chuyện “ Chiếc thước kẻ người thầy giáo”từ cảm hứng ngày chuyển trường của tôi, lúc cuốc bộ từ thôn chín vào thôn bảy để nhập trường, một nhóm trẻ chăn trâu đã chào thầy và xin vác giúp hòm tư trang cho thầy , tôi ngạc nhiên hỏi vì sao các em biết tôi là thầy giáo, các em trả lời vì thấy trên tay thầy có cầm thước kẻ. Một chuyện vì cảm xúc trước hình ảnh các cô giáo trẻ vất vả, toàn thân đầy ghẻ lở do chét cắn, nhưng vẫn vượt lên gian khổ toàn tâm toàn ý cho công việc dạy học, cũng nhiều lần phải khóc, nhưng rồi nói đó , cười đó, lại say mê với công việc dạy học và lao động tự túc, tôi lấy hình ảnh “ hoa dại” làm tiêu đề cho câu chuyện, tôi ví các cô như loài hoa dại trên cát, loài hoa có sức sống kỳ diệu ít người để ý đến, dù bất luận thời tiết khắc nghiệt thế nào cũng vươn lên để sống và trổ hoa tươi thắm.
Thời kỳ này đài bán dẫn hiếm có, ti vi thì chưa có khái niệm, toàn bộ thư viện trường chỉ đủ để trong một tủ tại phòng ở của một giáo viên kiêm phụ trách thư viện- thiết bị (thầy Hải - nay là hiệu trưởng THCS Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị), sách đọc một hồi rồi cũng hết, chúng tôi đói thông tin, đói giải trí . Hoạt động của công đoàn ngoài việc cắt cử người mua hàng, cử người làm thủ kho và nấu ăn, tổ chức các buổi lao động tự túc, thì hình như cũng chẳng có việc gì hơn là tổ chức đá bóng ở hai nhà tập thể vào cuối các buổi học, (có ngày trời mưa vẫn tổ chức ), lâu lâu tổ chức giao lưu văn nghệ, đá bóng hay nghe tường thuật bóng đá với đơn vị bộ đội đóng quân ở chiến sự sát bờ biển, hay tổ chức giao lưu bóng đá, bóng chuyền với các trường lân cận.
Có một điều mà giờ đây tôi vẫn không lý giải được, cuộc sống khổ là vậy nhưng ở một vài năm khi đã “ hạp chét” rồi ai cũng béo tốt ra, có lẽ nhờ khí hậu biển trong lành hay là nhờ cuộc sống nơi đây đã làm cho cuộc sống mỗi con người trở nên có ý nghĩa hơn?
Kỷ niệm một lần thanh tra trường học....
Tôi và Thương, giáo viên dạy văn cùng trường ( Phạm Đức Thương- nay là phó chủ tịch mặt trận tỉnh Quảng Bình) được phòng GD bổ nhiệm vào đội ngũ cốt cán chuyên môn sau lần tham gia và đạt danh hiệu giáo viên giỏi huyện.
Lần đầu tham gia đoàn kiểm tra các trường đã để lại kỷ niệm khó quên. Nhận được thông báo từ hiệu trưởng, tôi và Thương chuẩn bị khăn giói lên đường, ngoài tư trang cá nhân còn phải mang thêm mấy lon gạo. Một lần đi là kiểm tra một loạt trường chứ không phải một lần một trường như hiện nay. Nội dung kiểm tra chủ yếu tập trung vào dự giờ và kiểm tra giáo án, hồ sơ giáo viên, tuyệt nhiên không có kiểm tra đánh giá chất lượng hiệu quả dạy học qua làm bài kiểm tra học sinh, các mảng hoạt động khác hầu như không quan tâm. Trường đầu tiên chúng tôi đến kiểm tra là trường cấp 1-2 Triệu Trạch, công việc đầu tiên là nộp gạo và tiền ăn cho bộ phận phục vụ, cứ một bữa một long gạo và ba đồng bạc. Công việc kiểm tra diễn ra nhẹ nhàng, các thành viên làm việc vô tư. Chúng tôi có nhiều điều đề góp ý giờ dạy vì thời đó chưa có sách giáo viên hay hướng dẫn dạy học. Những gì chúng tôi góp ý được giáo viên coi như những chuẩn mực. Tôi xin trưởng đoàn được dự giờ của Bê, người bạn thân cùng lớp, cùng tổ ở sư phạm cấp tốc, và là người tôi có “cảm tình”, suốt tiết dạy nàng thẹn thùng, lúng túng, mặt đỏ lên cười trừ còn tôi mặt lạnh như tiền cắm cúi ghi chép, xem như không có việc gì xẩy ra, nàng càng lúng túng thêm. Chưa hết tiết nàng xuống chỗ tôi ngồi trách móc: “ L. ác lắm mình không dạy nữa đâu” và nàng dừng tiết dạy, im lặng chờ thời gian trôi qua, tôi biết có lý do để nàng dạy không được vì tôi quá hiểu nàng, tất nhiên rồi tiết dạy được tôi xếp loại Khá. Còn Thương không liên quan đến hồ sơ giáo viên cấp 1, thấy cô Liễu đẹp gái, nước da trắng trẻo, Thương mượn hồ sơ Liễu từ tôi để chép mấy câu thơ chọc vào cuối trang giáo án: “Làn da em trắng nõn nà........”, giờ nghĩ lại tôi cười thầm: thanh tra gì mà ngộ đẳng?
Sau hai ngày kết thúc kiểm tra Triệu Trạch chúng tôi lên đường về Triệu Lăng. Từ trường Triệu Trạch về Triệu Lăng phải đi vào Triệu Sơn rồi vượt bãi cát về biển, thành viên trong đoàn chủ yếu là cuốc bộ, chỉ có một vài người có xe đạp. Tôi và Thương đề xuất phương án cắt đường theo cạnh huyền tam giác vượt cát đến Triệu Lăng luôn. Phương án cắt đường được thầy Phu (người Lệ Thủy đi B) trưởng đoàn nhất trí và giao cho hai “ thổ địa” phụ trách, chạng vạng tối thì chúng tôi lên đường. Bãi cát mênh mông, không có đường mòn, xác định hướng đi rồi cứ thế mà thẳng tiến, chốc chốc phải tránh vũng nước, vũng sình lún, tránh những bãi cỏ sau mưa dập dềnh nước.
Đã hơn ba, bốn tiếng đồng hồ mà chẳng thấy làng mạc đâu, ai đã từng vượt bãi cát thì biết, chân tay rã rời không cất bước nổi. Thầy Phu quyết định đổi hướng đi để tìm làng và cư trú tạm thời đã. Trong đêm tối, một ngôi làng bổng hiện ra lờ mờ, mọi người mừng rơn. Mọi người dừng ở bìa làng, tôi và Thương vào nhà dân để hỏi địa danh xã nào và để đặt vấn đề nghỉ lại. Vừa bước vào một nhà dân thì có tiếng học sinh chào thầy, tôi ngạc nhiên nhìn ra đưa học trò lớp mình và hỏi: Sao lại là em? Em làm gì ở đây, đây là xã nào? Cả học trò lẫn gia đình từ ngạc nhiên đến cười òa khi biết chúng tôi đã lạc đường giữa bạc, do khi tránh các chướng ngại vật trên đường chúng tôi đã không trả lại hướng đi. Chúng tôi đã đến Thôn Tám, Triệu Vân, nơi trường tôi và Thương đóng ( ngang với trường Triệu Trạch).Tối đó tôi và Thương dẫn đoàn về nghĩ lại tại trường, thầy Phu nói đùa: Hai thành viên Triệu vân muốn về nghĩ ở trường nên dẫn đoàn lạc về đây. Mệt mỏi nhưng rồi cười trừ với nhau cả, sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm, dọc theo bờ biển mà nam tiến đến Triệu Lăng, hai ngày sau từ Triệu Lăng băng bạc qua Triệu Sơn, Triệu Trạch để đến kiểm tra Triệu Phước. Gần đây thôi, vào dự đám cưới ở một nhà hàng ở Đông Hà, gặp người người quen là nhạc công chơi ghi ta, anh ngạc nhiên khi tôi hỏi có phải anh là anh Thỉ không, và ngạc nhiên hơn khi tôi còn hỏi thêm có phải anh trước đây là giáo viên Triệu Phước không, và tôi cho anh biết chính tôi là người dự giờ toán trồng cây lớp 5 của anh, tôi còn nhắc ngày tiễn đoàn, anh vừa đàn vừa hát bài “ tình ca cây lúa” để tặng đoàn. Anh nhớ ra và xin lỗi vì không nhận ra tôi từ đầu, hôm đó chuyện cũ, người xưa, chúng tôi có cuộc đàm đạo thâu đêm, giờ đây anh công tác ở sở Văn hóa Quảng Trị.
Phần kết....

Tôi ở Triệu Vân được bốn năm thì đi học hoàn chỉnh Trung cấp tại trường THSP Đông Hà, sau đó về công tác Triệu Trạch cho đến 1987 thì về quê. Khi đến Triệu Trạch thì nàng “ áo tím” của tôi đã bay xa (nay đã nghỉ hưu tại Lương Ninh, Quảng Ninh), Liểu lên chức Hiệu phó phụ trách chuyên môn của tôi ( nay vẫn là hiệu phó trường TH Xuân Ninh, Quảng Ninh), Cô Ninh (nay nghỉ hưu tại Kiến Giang, Lệ Thủy) hiệu trưởng cũng đã chuyển trường ......
Kỷ niệm một thời dạy học ở Quảng Trị còn in đậm mãi trong tôi, với tôi đó là quảng đời đẹp nhất, là tài sản vô giá, là nguồn sữa ngọt nuôi dưỡng hồn tôi, giúp tôi sống tốt hơn, gúp tôi dễ dàng vượt qua những gian khó của đời thường.

Chụp ảnh lưu niệm với trẻ nội trú Triệu Trạch
Tân Thủy, Tháng 11-2012
Lê Thuận Lễ
----------------------------------
Ghi Chú:
- (*)Quang - ?, Quyết - ?, ( dấu ? là tên vợ đã bị quên)
- Ảnh 1: Trước lúc lên đường ( ảnh chụp 1976 tại Đồng Hới)
- Ảnh 2: Tôi ( người ôm đàn) và Thuyết ( nay đang dạy học ở Long Đại, QN)
- Ảnh 3: Chụp ảnh lưu niệm với đội văn nghệ của lớp ( Tại Triệu Trạch - 1982)