Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 206
Số lượt truy cập: 64851521

Quảng cáo
TÓC DÀI ... 10/19/2014 10:19:01 PM
Như mọi ngày, sáng nay tôi lại dậy sớm đi bộ vài vòng qua mấy ngả đường Đống Đa, Hùng Vương, Hà Nội,....cho dãn xương cốt. Sương mai giăng mờ trên nóc phố. Gió nhè nhẹ thoảng đưa hương lành từ sông Hương về, từ biển Thuận An lên làm tan dần cái bức bối của một đêm hè nóng nực. Đường phố tĩnh lặng và bình yên. Chân trời rạng dần trong ánh bình minh dịu dàng. đi đến đầu đường Nguyễn Thị Minh Khai, tôi chợt nghe phía sau mình tiếng bàn chân ai chạy gấp gấp. Tôi quay lại nhìn: Một cô gái khẽ gật đầu chào tôi rồi thong thả chạy lên phía trước. Cô thiếu nữ có dáng người thon thả, mảnh mai, song trong bộ quần áo thể thao màu xanh, ở cô lại tràn trề một vẻ khoẻ mạnh, đầy sức sống của tuôỉ thanh xuân. Hẳn là ngươì rất yêu thích và quen luyện tập thể thao, thể dục mỗi sáng, mỗi chiều nên bước chạy của cô dọc bờ cỏ mới nhẹ nhàng, thong thả, khoan thai đến như vậy. Dù là lần đầu tiên gặp mặt nhưng chỉ qua một cử chỉ chào hỏi nhẹ nhàng và lịch thiệp của cô, tôi đã thấy cô thực đáng trọng, đáng mến,...
ngay20_10.jpg

Tuy nhiên, điều làm tôi chú ý nhiều đến cô lại chính là mái tóc dài, rất dài của người con gái tuổi mười tám, đôi mươi. Quả thật, đã khá lâu rồi, tôi chưa thấy một cô gái nào có mái tóc dài gần chấm gót như cô. Ra đường phố, đến cơ quan, lên lớp học, đâu đâu hầu như tôi cũng chỉ gặp các mái tóc đã được cắt ngắn gọn gàng hoặc tỉa tót cầu kỳ của các cô gái trẻ. Thoảng mới thấy có các em nữ sinh trung học tóc xoã ngang vai buổi tan trường.

Nhìn mái tóc dài buông kín lưng của người con gái mà tôi tình cờ được gặp trong buổi sáng đẹp trời xứ Huế, tôi lại nhớ lại mái tóc dài  của mẹ tôi, chị tôi ngày nào.Thuở ấy, mẹ tôi mới tuổi ngoài ba mươi, còn chị tôi thì đang độ tuổi trăng rằm.

Chiều hè đi học về, tôi hay gặp mẹ tôi, chị tôi ngồi chải tóc bên thềm - mái tóc dài óng mượt của người xoã tràn nền gạch. Mẹ tôi thường nói với chị tôi: ‘ Cái răng, cái tóc là vóc con người. Con phải giữ  gìn, chăm chút sao cho mái tóc mỗi ngày mỗi đẹp”. Rồi mẹ tôi cất giọng nhẹ nhàng theo điệu hát ru xứ Huế:

Một thương tóc vấn đuôi gà

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên...

Nhiều đêm đông, chị em tôi nằm bên mẹ, tóc mẹ đã búi lên đầu, nhưng hương chanh, hương bưởi từ mái tóc mẹ vẫn thoang thoảng khắp nhà. Chúng tôi bình yên ngon giấc trong hương thơm dịu dàng của tóc mẹ.

Sau này, đi dạy học xa, rồi cầm súng đi bộ đội, trên đường công tác, thỉnh thoảng tôi lại gặp  các cô gái Tày, cô gái Thái hoặc cô thanh niên xung phong xoã mái tóc dài gội nước bên bờ sông, triền suối. Tôi nhớ, một lần, trong một buổi gặp tình cờ như vậy ở vùng đất chiến khu, anh bạn xứ Nghệ cùng tiểu đội với tôi đã cất lời hò trêu các cô gái:

Tóc em dài sao em không búi

Để chi dài bối rối dạ anh....

Nghe giọng hò ấm tình của anh bộ đội, các cô gái trẻ thẹn thùng nép vào vai nhau cười rúc rích....Ôi, một thời tuổi trẻ mới đẹp làm sao!

Bây giờ, trên đầu tôi tóc đen đã xen tóc bạc, mẹ tôi cũng đã khuất núi từ hơn hai mươi năm rồi. Nhưng mỗi lần nhớ về người, tôi vẫn không bao giờ quên cái áo vá vai, và mái tóc dài thoang thoảng hương đồng, gió nội của mẹ. Người Việt Nam đi xa về gần, dù ở miền xuôi hay ở miền ngược, không mấy ai là không yêu quý, không tự hào về vẻ đẹp của trang phục dân tộc mình. Bởi nó là một phần của văn hoá dân tộc, của quê hương, đất nước. Nhớ thuở nào cùng với chiếc áo dài tứ thân mớ ba, mớ bảy, mái tóc dài khi thả xoã ngang lưng, lúc vấn lên đầu với phần cuối có cái đuôi gà ve vẩy hoặc búi gọn thành nắm tròn sau cổ... đã làm nên cái đẹp riêng của người phụ nữ quê ta- một nét đẹp vừa dịu dàng, kín đáo, vừa bay bổng, thướt tha; giản dị, dân dã mà vẫn thanh cao, trang nhã vô cùng....Ngày nay, một số thiếu nữ chạy đua theo mốt mới, với áo phông vẽ hình kỳ quái, với quần bò túi trước, túi sau và mái tóc nhuộm xanh, nhuộm đỏ.... Song không phải vì vậy mà những nét đẹp của văn hoá dân tộc bị lấn át, bị mai một. Mái tóc dài chắc chắn vẫn còn nguyên giá trị với những ai thiết tha, gần gũi với thị hiếu thẩm mỹ thuở xưa.

Th/s: Trần Hoàng – (Nguyên giảng viên ĐH Huế)

ST giới thiệu: Nguyễn Thị Tuyết Nhung



Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com