Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 178
Số lượt truy cập: 64851521

Quảng cáo
THÁNG BA…NGHĨ VỀ NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG MỘT SỐ TÁC PHẨM THƠ VĂN THCS 3/13/2017 8:37:02 AM
Tháng Ba…tháng yêu thương. Tháng để chúng ta yêu quý hơn, trân trọng hơn những người phụ nữ. Họ là nguồn cảm hứng bất tận trong thơ văn. Đề tài về người phụ nữ luôn được phản ánh rõ nét trong dòng chảy văn học từ xưa đến nay với những số phận, vẻ đẹp và cung bậc tình cảm khác nhau. Văn học ở thời đại xã hội nào thì đề tài về người phụ nữ luôn có sức lôi cuốn thi nhân như chính sự hấp dẫn của nữ giới trong cuộc sống của chúng ta vậy. Đáng yêu biết bao là người phụ nữ trong truyện cổ, ca dao với những phẩm chất cao quý. Đáng trân trọng biết bao là người phụ nữ trong văn học trung đại, dù chịu nhiều bất hạnh, đắng cay mà vẫn giữ vẹn tấm lòng sắt son, trinh bạch. Để rồi, trải qua những thăng trầm của lịch sử cùng những thay đổi của thời gian, người phụ nữ Việt Nam hiện lên trong văn học hiện đại thật đáng khâm phục biết bao. Đó là hình ảnh người phụ nữ mang đậm hơi thở thời đại, ghi đậm dấu ấn của hai cuộc kháng chiến trường kỳ: chống Pháp và chống Mỹ.

Thân phận bé nhỏ, chìm nổi, vô định của người phụ nữ trong xã hội cũ đã được tác giả dân gian lên tiếng hộ với những lời thơ rất nhẹ nhà mà sâu lắng, rất cảm thương và cũng nhiều trân trọng. Người phụ nữ không được làm chủ cuộc sống của bản thân mình bởi cha mẹ sắp đặt, quyết định cuộc sống riêng tư cho con cái. Vì thế họ chỉ còn biết:  “Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha”. Họ chuẩn mực, đẹp đẽ “như tấm lụa đào”  nhưng lại rơi vào cảnh:

Thân em như trái bần trôi,

Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu.

Thân em như hạt mưa sa,

Hạt vào đài các, hạt sa ruộng cày.

Thân em như tấm lụa đào,

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

 (Những câu hát than thân- Ngữ văn 7)

1003binhminh1.jpg

Số phận bất hạnh, mỏng manh và những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ trong xã hội phong kiến được các tác giả của dòng văn học viết tiếp tục bênh vực, ngợi ca. Người phụ nữ với những phẩm chất chung thủy, nết na, hiếu thảo... đáng lẽ ra phải được hưởng cuộc sống hạnh phúc nhưng lại hoàn toàn phụ thuộc bởi vì  “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn” hoặc “Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân”:

Thi sĩ Hồ Xuân Hương đã khẳng định mạnh mẽ phẩm chất cao quý của nữ giới trong xã hội phong kiến dù phải trải qua bao dâu bể cuộc đời:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn.

Bảy nổi ba chìm với nước non.

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn.

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.”

(“Bánh trôi nước”- Ngữ văn 7, tập 1)

Chiến tranh phong kiến xảy ra, chồng phải vào chiến trận với bao cách trở, hiểm nguy, mịt mù để lại người vợ sống trong cảnh “Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn” cùng với nỗi nhớ nhung sầu muộn của người chinh phụ. Nỗi nhớ ấy, người vợ có chồng ra trận chỉ còn biết một mình tự hỏi “Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?” (Chinh phụ ngâm khúc).

Trong “Chuyện người con gái Nam Xương”( Ngữ văn 9, tập1 ), chúng ta bắt gặp một Vũ Nương tư dung tốt đẹp, khéo léo trong xử thế, hiếu thảo trong gia đình. Nàng cố gắng trong mọi chuyện cũng chỉ mong có được cái “thú nghi gia nghi thất”. Vậy nhưng, chế độ phụ quyền, thân phận chênh lệch nên nàng chỉ còn biết cách chứng minh sự thủy chung son sắt của mình bằng cái chết để rửa sạch tiếng oan.

Đến với “Truyện Kiều ( Ngữ văn 9, tập 1”) là hình ảnh Thúy Kiều “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”Một người con hi sinh tất cả riêng tư của mình để “bán mình chuộc cha”, bởi nàng nghĩ “Làm con trước phải đền ơn sinh thành”. Và giờ đành phải chịu cảnh “Cò kè bớt một thêm hai” của phường “buôn thịt bán người”, phải rơi vào cảnh “Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh”. Nhục nhã ê chề là vậy nhưng vẫn luôn lo nghĩ cho người khác, vẫn luôn hướng về người yêu “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng”, vẫn luôn lo lắng cho người thân “Xót người tựa cửa hôm mai”…

1003binhminh2.jpg

Thực dân xâm lược, quan lại phong kiến trở thành những kẻ trực tiếp làm cho cuộc sống của người nông dân, đặc biệt là nỗi bất hạnh của người phụ nữ lại càng nặng nề, thương thảm. Ta thấy chị Dậu như bị xé hết tâm can khi nói với con rằng mình đã bán con để có tiền đóng thuế. Một người vợ rất mực đảm đang, quên mình vì cái gia đình nhỏ bé nhưng lại bị “ bịch luôn mấy cái” và còn phải bỏ chạy ra giữa đêm tối mịt mùng để giữ gìn phẩm chất của mình… ( “Tức nước vỡ bờ”- Ngữ văn 8, tập 1)

Đến với bài thơ “ Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh, chúng ta như sống lại kí ức tuổi thơ êm đềm với những ngày bên bà - người bà tần tảo nắng mưa, chắt chiu từng quả trứng “Để cuối năm bán gà, Cháu được quần áo mới”. Hình ảnh người bà thân thương, một nắng hai sương đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho những bước hành quân của cháu trên đường ra mặt trận trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mĩ gian khổ:

“Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu Tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà…”

1003binhminh3.jpg

Chúng ta cảm nhận một lần nữa tình bà cháu xúc động ấy qua bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt (Ngữ văn 9, tập 1). Một người bà chịu đựng “biết mấy nắng mưa” thương yêu, chăm sóc cháu bởi “Mẹ cùng cha công tác bận không về ”nên bà đã làm thay hết những việc của cha, của mẹ. Từ việc “dạy cháu làm”  rồi “chăm cháu học”, bà vẫn luôn giữ “Thói quen dậy sớm”. Giặc đã “đốt làng cháy tàn cháy rụi”  nhưng bà vẫn luôn dặn cháu vì bà luôn có sẵn niềm tin. Để rồi dẫu đi bốn phương trời, người cháu mãi nhớ về bà, về kỉ niệm tuổi thơ:

“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,

Nhưng chẳng bao giờ quên nhắc nhở:

- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?... ”

Tình mẹ thiêng liêng, bất diệt. Đó là người mẹ Tà-ôi dù “lưng đưa nôi” nhưng trái tim vẫn hát thành lời. “Thằng Mĩ đuổi ta phải rời con suối” nên mẹ đang giã gạo, mẹ nuôi bộ đội. Mẹ đang tỉa bắp hay mẹ đìu em đi để dành trận cuối là vì mong muốn “Mặt trời của mẹ” sau này sẽ được “ làm người Tự do”…( Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm).

1003binhminh4.jpg

Bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên hàm chứa ý nghĩa ca ngời tình mẹ thiêng liêng, bất tử. Dù ở nơi đâu, phương trời nào, gần con hay xa con, có lên rừng hay xuống bể, lòng mẹ vẫn dõi theo con với tình yêu thương vô bờ.

“ Con dù lớn vẫn là con của mẹ.

Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con...”

Đi dọc chiều dài lịch sử dân tộc, không đâu là không thấy bóng của người phụ nữ Việt Nam;  trải nghiệm hết dòng chảy của chiều dài lịch sử thơ văn, không đâu là không thấy bóng những con người đảm đang, bất khuất. Đúng như nhà thơ Huy Cận đã từng ngợi ca xúc động chân thành:

"Chị em tôi toả nắng vàng lịch sử

Nắng cho đời và cũng nắng cho thơ."

Có ai đó nói rằng: “Người phụ nữ là một nửa thế giới”. Thật vậy, họ đã đi vào những trang viết chảy suốt trong văn học từ trước đến nay, để rồi không chỉ làm nên một nửa, mà là trọn vẹn tấm hình trong sâu thẳm tâm hồn thế hệ người đọc hôm nay và cả mai sau. Hình ảnh người mẹ Việt Nam với truyền thống “kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang” đã được ghi nhận chân thành trong thơ văn. Ngày nay trong thời kỳ CNH- HĐH người phụ nữ Việt Nam lại được tôn vinh với bốn phẩm chất: Tự tin - Tự trọng- Trung hậu - Đảm đang.

Người phụ nữ trong các tác phẩm văn chương hay trong cuộc sống đời thường  luôn được trân trọng ngợi ca vì họ có “tư dung tốt đẹp”. Người phụ nữ hôm nay có đóng góp một phần quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển xã hội; đã giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng, chính quyền; là những lá cờ đầu trong các phong trào thi đua của các ngành, các cấp. Những phẩm chất ấy chính là nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tạo văn chương xưa và nay.

Tháng Ba năm 2017

Bình Minh
Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com