NMT: Xuất hiện như một hạt nhân văn nghệ của “làng” giáo dục từ những năm 1980 thế kỷ trước, thầy giáo Lê Thuận Lễ được bạn bè đồng nghiệp yêu mến gọi là “Nghệ sĩ nửa mùa”. Thầy luôn gửi tình yêu và trách nhiệm trong mỗi trang viết mà người cầm bút chân chính cần phải có. Tôi đọc bài viết này và cứ nghĩ mãi về nhiệm vụ của những người đi sau với biết bao thế hệ người đi trước. Nghĩ, rồi thấy mình thật bé nhỏ và cần sống, cần viết nhiều hơn nữa. Tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết mới của thầy giáo Lê Thuận Lễ.
BÁC CÒN HỎI MÃI QUÊ MÌNH
Em ở sắc Động Chùa
Hay kề bên Dốc Sỏi
Em ngoài cầu Tây Giáp
Hay giữa cánh đồng Cung (1)
Em mới lớn lên hay trong bom đạn đã từng
Em có biết quê mình đã bao lần Bác hỏi
Vinh dự bao nhiêu khi Bác Hồ hỏi tới
Em có biết chăng? Hay để Anh nhắc lại
Đừng thấy quê nghèo mà đã vội bay đi
Em có biết nơi đây Bác đã nói những gì?
Trước mắt em còn bao nhiêu lô cốt đen sì (2)
Nhắc nhở lại những ngày quê ta đau khổ lắm
Nhưng rau má rau ngo ta kháng chiến trường kỳ
Và Bác đã khen đánh giặc giữ làng như Hưng Đạo (3)
Đồi cát dương xanh đã bao lần đổ máu
Đất cát vốn mềm mà bom Mỹ khoét xuyên sâu
Căm giận bốc cao, gái quê ta cũng quyết tâm đánh trả
Và đồng hồ vàng Bác tặng gửi o Triển công đầu
Hưng Thủy quê mình, em ơi hãy nhớ lâu trong Bác
Tận những ngày từ xứ Nghệ vào Kinh
Tuổi thiếu niên, mà đôi mắt sáng Bác đã biết nhìn
Bệnh đau khổ quê mình nơi đôi chân mọng nước (4)
Một lần qua, hơn sáu mươi năm về trước
Ai có ngờ đâu Bác nhắc lại gần đây
Với đoàn Lệ Thủy quê ta được ra thăm Bác
Trước lúc Bác mất chỉ ba tháng mấy ngày
Lòng Bác với quê ta, em ơi! Như biển trời chẳng sắm tày
Em hãy nhớ khắc sâu vào trái tim ân nghĩa
Em hãy tự hào quê mình Hưng Thủy
Đã mấy lần được Bác nhắc nhở tên
Hôm nay em đang cắp sách đến trường
Hay đã là xã viên trên đồng ruộng cấy
Em đang chăm sóc ruộng bèo dâu
Hay đang làm lúa xuân Trung Kiệt (5)
Em đang cấy ré cột cầu(6)
Hay đang cấy chùm tàu ngựa(7)
Em đang đứng giữa cồn tràm(1)
Hay đang ngoài ruộng Dưng Nhà Sản(1)
Em ơi! Hãy luôn nhớ lời Bác dạy
Hãy yêu quê và sống chết vì quê
Hãy làm sao cho ruộng đồng tăng sản
Cả Hưng Thủy mình đều là nếp ré, Dời Ngang.
Bài thơ không được trau chuốt từ ngữ, ngôn từ mộc mạc giản dị, chưa chặt chẽ trong ý tứ, nhưng phải nói rằng đó là một bản anh hùng ca của một thời kháng chiến. Bài thơ chan chứa tình yêu thương của Bác Hồ với nhân dân xứ Lệ, một vùng quê nghèo khó và chịu nhiều gian khổ trong chiến tranh nhưng một lòng theo Đảng, theo Bác, và cũng nơi đây, đã lập nên bao chiến công oanh liệt.
Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh “em”, người con gái thôn quê chân lấm tay bùn “Em ở sắc Động Chùa, hay kề bên Dốc Sỏi” với lời tự tình “đừng thấy quê mình nghèo mà đã vội bay đi”. Cũng chính vì yêu quê hương, hay vì làng kháng chiến Hưng Đạo năm xưa đã hun đúc nơi em ý chí quật cường không chịu khuất phục:
“Căm giận bốc cao gái quê ta quyết tâm đánh trả
Và đồng hồ vàng Bác tặng gửi o Triển công đầu”
Hình ảnh o Triển, người nữ xã đội phó hai mươi sáu tuổi đã dùng súng trường hạ máy bay Mỹ REAC đêm 27/7/1966 trên bầu trời Lệ Thủy, được Bác Hồ gửi thư khen và tặng đồng hồ đeo tay bằng vàng, kỷ vật một nước bạn tặng, như một chấm phá đỏ, sáng, đầy khí phách và hào hùng trong bức tranh cô dân quân thời chiến. Nguyễn Thị Triển đã không được trực tiếp nhận thư và quà tặng của Bác, cô đã hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ sau đó một năm, máu thịt cô đã trở về với đất mẹ, (cô bị bom Mỹ giết hại, thi hài không còn nguyên vẹn). Cô đã hóa thân thành hình tượng, thành niềm tự hào của người dân Hưng Thủy anh hùng.
Bài thơ nhắc đến kỷ niệm xưa, tận những ngày Bác theo cha từ xứ Nghệ vào Kinh thành, khi đi ngang qua một làng quê nghèo ven quốc lộ ở Quảng Bình thấy người dân nơi đây bị mắc bệnh chân voi..... cho đến sau này, Bác còn hỏi thăm các đồng chí trong đoàn Lệ Thủy ra thăm Bác: Căn bệnh chân voi ở Quảng Bình nay ra sao rồi? Đã chữa khỏi cho dân chưa?
“ Lòng Bác với quê ta
Em ơi! Như trời biển chẳng sắm tày
Em hãy nhớ khắc sâu vào trái tim ân nghĩa”
Câu thơ trào dâng niềm xúc động. Bác là thế, luôn gần gũi, yêu thương với mỗi con dân. Hai lần Bác hỏi thăm, là tài sản tinh thần vô giá, xuyên suốt chặng đường kháng chiến và dựng xây quê hương của người dân nơi đây.
Bài thơ kết thúc như một giai điệu ngân dài, vút cao và du dương như tiếng sáo diều giữa bầu trời thu trong veo: Dù em đang cắp sách đến trường, là xã viên, đang chăm sóc bèo dâu, hay đang cấy lúa trên cánh đồng làng..... nhưng:
“ Em ơi hãy luôn nhớ lời Bác dạy
Hãy yêu quê và sống chết vì quê”
Bài thơ “Bác còn hỏi mãi quê mình” ra đời trong kháng chiến chống Mỹ, tác giả chính là “nhạc sỹ vườn” Hoàng Đình Luyện, cùng với các bài “huyện ca”: “Trai Lệ Thủy”, “Gái Kiến Giang”, “Gửi về Ngư Thủy”, một thời có sức sống mãnh liệt hơn cả trăm hồi kèn xung trận .
--------------------------------------------------
Ghi chú: (1) Các địa danh ở Hưng Thủy
(2) Các lô cốt của Pháp nay vẫn còn ở Dốc Sỏi
(3) Làng kháng chiến Hưng Đạo thời chống Pháp chính là Hưng Thủy ngày nay
(4) Bệnh chân voi( giun chỉ) nhiều đời hoành hành ở làng Phù Thiết
(5,6,7) Tên các giống lúa thịnh hành hồi đó.

Chân dung Nguyễn Thị Triển (Do Bảo tàng cách mạng Việt Nam tặng)
Bên trái là dòng chữ: “ Nguyễn Thị Triển, xã đội phó xã Hưng Thủy, người đầu tiên bắn cháy chiếc REAC của Mỹ trong lúc nó đang chụp ảnh vào đêm 27/7/1966, đã được Bác Hồ tặng 1 đồng hồ vàng và quốc hội , chính phủ tặng huân chương và viện bảo tàng cách mạng Việt nam tặng một tấm ảnh lớn.”
Bên phải là dòng chữ: “ Viện bảo tàng cách mạng Việt Nam kính biếu Bà Đinh Thị Nhỏ, xóm Phù Thiết, xã Hưng Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình”.

Bà Đinh Thị Nhỏ ( Mẹ chị Triển) nhận quà của Bác

Chiếc đồng hồ vàng ròng (10 chỉ) được bảo quản cẩn thận, đến nay khi lên dây vẫn còn chạy, là báu vật vô giá của gia đình.( Hiện đang lưu giữ tại gia đình người cháu ruột Nguyễn Đình Ngoắt).

Huân chương chiến công do Bác Hồ trao tặng

Bà Đinh Thị Ngoạt, 61 tuổi, ở thôn Phù Thiết, xã Hưng Thủy, người đã ngâm bài thơ “Bác còn hỏi mãi quê mình” trong suốt thời gian kháng chiến chống Mỹ và cho đến tận ngày nay, người cung cấp và diễn xuất lại bài thơ cho người viết bài này.
Lệ Thủy, tháng 12 năm 2012
Lê Thuận Lễ