Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 213
Số lượt truy cập: 64851521

Quảng cáo
TRƯỜNG THCS AN THỦY “HÁT MÃI KHÚC QUÂN HÀNH”! 12/22/2012 11:16:26 PM
Ánh nắng hiếm hoi của buổi sáng mùa đông ngày 17 tháng 12 năm 2012 đã ghi lại những phút giây kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 23 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân, 40 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” và chương trình ngoại khóa “Hát mãi khúc quân hành” do tổ khoa học xã hội trường THCS An Thủy tổ chức.

Với dàn MC đa sắc, những  ca sỹ không chuyên cùng với sự đa tài của những Cựu quân nhân - người lính năm xưa - người thầy hôm nay đã dẫn lối cho hơn 600 học sinh và thầy cô giáo tham gia buổi ngoại khóa lần theo hành trình lịch sử của dân tộc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Buổi ngoại khóa đã để lại những dư âm khó phai, khắc sâu trong tâm khảm mỗi người về truyền thống oai hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, về nét đẹp người chiến sỹ - anh bộ đội Cụ Hồ trong chiến tranh, trong hòa bình, trong văn thơ, trong những ca khúc trữ tình hào hùng... Tại chính nơi đây, tại mảnh đất Lệ Thủy anh hùng, tại sân khấu của mái trường THCS An Thủy hiếu học một khải hoàn môn đã được dựng lên không phải  bằng đá cẩm thạch hay xi măng cốt thép mà bằng chính những vần thơ, câu hát, những khúc ca trầm lắng nhưng lại rất oai hùng...Sau đây Ban biên tập xin giới thiệu đến các bạn toàn văn chương trình buổi ngoại khóa:

NGOẠI KHÓA VỀ HÌNH ẢNH ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ TRONG THƠ CA VIỆT NAM. KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP QĐNDVN  ( 22/12/1944 - 22/12 /2012)

A. TỔ CHỨC:

I. Nghi lễ:

II. Tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu, tặng hoa chúc mừng, thông qua chương trình:

Kính thưa các đồng chí là Cựu quân nhân- những người lính năm xưa  -  người thầy hôm nay !

Kính thưa các thầy cô giáo cùng các em học sinh thân mến!

Việt Nam  - Tổ quốc yêu thương. Tình yêu ấy đã thấm vào trong  máu thịt và nước mắt  của người dân Việt. Chúng ta yêu quê hương đất nước vì những kỷ niệm tuổi thơ, vì lời ru ầu ơ của mẹ, vì những câu chuyện cổ tích của bà…Chúng ta yêu quê hương hơn, tự hào, trân trọng và kiêu hãnh hơn bởi “ Trong từng nắm đất có một phần máu thịt” của biết bao thế hệ cha anh đã chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do dân tộc. Các anh đã ngã xuống để cho hôm nay lớp lớp thế hệ muôn đời sau được đứng lên trong sự tự tin niềm kiêu hãnh và ngẩng cao đầu nói với năm châu “Mảnh đất diệu kỳ quê hương tôi đó...”.

Lịch sử của dân tộc VN là lịch sử của những cuộc kháng chiến trường kỳ và thần thánh. Thế giới công nhận điều đó,dân tộc VN  ghi nhớ và tự hào về điều đó . Ngày 22-12 -1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành lập - đây là tiền thân của QĐNDVN ngày nay. Đó là một tổ chức như Bác Hồ đã khẳng định: “ Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì XHCN; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Quân đội nhân dân Việt Nam - nhân vật chính của lịch sử Việt Nam hiện đại, cũng trở thành nhân vật chính trong thơ ca. Thơ ca đã bám sát từng bước đi của lịch sử, lịch sử đã thổi vào thơ ca một luồng gió mát để rồi những tác phẩm văn chương ra đời. Chính lịch sử là mảnh đất màu mỡ, tươi tốt để thơ ca nở hoa kết trái. Vì thế hình ảnh các anh bộ đội - với hai cuộc kháng chiến thần  thánh Pháp - Mỹ và cả hình ảnh của các anh sau hòa bình lập lại, đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho văn học nghệ thuật. Và cũng như nhiều thể loại khác, thơ ca đã làm hình ảnh các anh sống mãi với thời gian, chiến công của các anh mãi được ghi lại trong sử sách, mãi trường tồn trong trái tim dân tộc Việt Nam. Tổ quốc ca ngợi các anh, nhân dân ca ngợi các anh bằng những lời ca, những vần thơ đẹp nhất, trân trọng nhất:

"Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều

Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo

Núi không đè nổi vai vươn tới

Lá ngụy trang reo với gió đèo"

Các thầy cô giáo , các em yêu quý !

Tự hào về truyền thống vẻ vang, anh hùng, bất khuất của anh “Bộ đội cụ Hồ”, giờ đây trong thời khắc thiêng liêng trọng đại này – kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, được sự chỉ đạo của lãnh đạo trường THCS An Thủy thầy trò chúng ta họp mặt tại đây với chương trình ngoại khóa “Hát mãi khúc quân hành”  để tưởng nhớ, khắc sâu, để tri ân những gì mà các chú, các anh đã để lại. Vì chính họ, đã tô thắm trang sử vàng của dân tộc. Qua chương trình này các thầy cô giáo mong các em hiểu thêm về một thời đại kiêu hùng của những thế hệ cha anh chúng ta đi trước, đồng thời giáo dục các em niềm tự hào về lịch sử vẻ vang của dân tộc, tấm lòng tôn kính những người đem lại vinh quang cho Tổ quốc.

Kính thưa các thầy cô giáo cùng tất cả  các em!  Đến dự với chương trình ngoại khóa hôm nay tôi xin trân trọng kính giới thiệu sự hiện diện của:

CQN – người lính – thầy giáo Võ Văn Thành.

CQN – người lính – thầy giáo Võ Đức Thành.

CQN – người lính – thầy giáo Lê Văn Quân.

(Trân trọng kính mời các đ/c cựu quân nhân- người thầy hôm nay lên sân khấu.

Trân trọng kính mời đ/c Trần văn Nầy- BTCB, HT nhà trường, đ/c Trương Như Thuần- PBTCB, CTC Đ, HP nhà trường lên tặng hoa chúc mừng)

Chương trình ngoại khóa

1. Phần nghi lễ

2. Tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu, tặng hoa chúc mừng và thông qua chương trình

3. Hoạt động ngoại khóa và chương trình văn nghệ

4. Tìm hiểu về anh bộ đội cụ Hồ và lịch sử dân tộc

5. Bế mạc

B. NỘI DUNG:

Tiết mục văn nghệ: Hò kéo pháo

I. PHẦN HÌNH ẢNH CỦA NGƯỜI LÍNH TRONG THỜI KỲ CHỐNG PHÁP

Các em thân mến! Ngược dòng lịch sử, theo lời kêu gọi của Đảng - Bác cả nước đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp, cũng từ đây hình ảnh anh bộ đội đẹp biết bao. Người chiến sĩ ấy mang bản chất tốt đẹp của nhân dân, quân đội do Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu sáng lập,và rèn luyện. Nhân dân Việt Bắc trong những ngày kháng chiến đã gọi họ với cái tên thân thiết : “Bộ đội Cụ Hồ”. Đó là tên gọi rất đời thường và thiêng liêng mà nhân dân trìu mến, yêu thương, trân trọng dành tặng cho họ ,đã trở thành một định tính mỗi khi nhắc đến, chúng ta không khỏi trào lên cảm xúc mến yêu, kính trọng, tự hào. Anh bộ đội có khi hiện lên như chàng dũng sĩ khi hiền hòa, giản dị mà nhân văn biết mấy:

"Bóng anh đi / và vành mũ tai bèo

Của anh đó

Ôi chiếc mũ vải mềm /dễ thương như một bàn tay nhỏ

Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành

Sáng trên đầu/ như một mảnh trời xanh”

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Những chiến sĩ Trung đoàn thủ đô, sau 60 ngày đêm chiến đấu anh dũng cầm chân địch, đã rút khỏi Hà Nội với niềm tin chiến thắng. Những câu thơ Chính Hữu trong bài “Ngày về” dẫu mang khẩu khí tráng sĩ của lớp thanh niên học sinh thành phố nhưng đã phản ánh đúng khí phách hiên ngang và tâm thế tự hào, tin tưởng của chiến sĩ vệ quốc ngày đó:

“Nhớ đêm ra đi/ đất trời bốc lửa

Cả đô thành/ nghi ngút /cháy sau lưng

Những chàng trai /chưa trắng nợ /anh hùng

Hồn mười phương/ phất phơ/ cờ đỏ thắm

Rách tả tơi /rồi đôi hài /vạn dặm

Bụi trường chinh/ phai bạc áo hào hoa

Bút pháp lãng mạn trong thơ, về người chiến sĩ vệ quốc còn tiếp tục trong bài thơ “Tây tiến”của Quang Dũng. Nhân vật trữ tình là người lính xuất thân từ học sinh Hà Nội. Yêu nước, yêu thiên nhiên yêu cái đẹp là chủ nghĩa anh hùng của lớp chiến sĩ ấy. Chính họ là tượng đài của lớp chiến sĩ trên đường Tây Tiến xưa:

“Tây Tiến /đoàn quân /không mọc tóc

Quân xanh /màu lá/ dữ oai hùm

Mắt trừng/ gi mộng /qua biên giới

Đêm mơ /Hà Nội/ dáng kiều thơm

Ri rác /biên cương /mồ viễn xứ

Chiến trường đi/ chẳng tiếc đời xanh

Chất lãng mạn của thơ, thể hiện khí phách anh hùng đượm màu sắc ngang tàng của người lính vệ quốc là đặc điểm thơ về người lính trong những năm đầu kháng chiến.

Khác với Quang Dũng, Chính Hữu một người lính, một nhà thơ biểu hiện một bước chuyn về thơ kháng chiến. Bài “Đồng chí” hình ảnh người lính hiện lên chân thực giản dị không cường điệu, không cách điệu mà đáng yêu đáng phục. Sau đây cô Huệ sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn hình ảnh người lính qua bài hát " Đồng chí " tiết mục xin được phép bắt đầu.

Người lính đã ra đi từ những miền quê, xuất thân là nông dân vốn rất mộc mạc và chất phác. Với bút pháp hiện thực, phù hợp với miêu tả người lính Hồng Nguyên đã ghi:

Lũ chúng tôi /bọn người tứ xứ

Gặp nhau/ hồi chưa biết chữ

Quen từ thủơ một hai

Súng bắn chưa quen quân sự mươi bài

Lòng vẫn cười vui kháng chiến

Phải hiểu tâm hồn người chiến sĩ nông dân như thế nào thì mới chọn được từ và hình ảnh xúc động ấy.

Những người lính Cụ Hồ, đi đến đâu cũng được nhân dân tin yêu, đùm bọc và che chở. Tình quân dân thắm thiết là bản chất của bộ đội nhân dân. Hoàng Trung Thông ghi lại trong bài “Bao giờ trở lại”:

Các anh về mái ấm nhà vui

Câu hát tiếng cười rộn ràng xóm nhỏ

Các anh về tưng bừng trước ngõ

Ríu rít đàn em hớn hở theo sau

Mẹ già bịn rịn áo nâu

Vui đàn con ở rừng sâu mới về.

Mảnh đất nào họ đến cũng hóa yêu thương, hóa tâm hồn, bởi các anh để lại tiếng thơm của chiến công,những kỷ niệm đẹp. Nhà thơ Chế Lan Viên đã ghi lại cảm xúc ấy qua bài : “Tiếng hát con tàu”: Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.

Một phẩm chất đáng quí của anh bộ đội cụ Hồ thời chống Pháp đó là sự trẻ trung sôi nổi, lòng lạc quan Cách mạng- sống giữa sự thiếu thốn vất vả, giữa cảnh khắc nghiệt của chiến trường nhưng sự đáng yêu, và hồn nhiên lấp lánh, hiển hiện trong họ. Trong chiến tranh khoảng cách giữa sự sống và cái chết rất mong manh, nhưng họ vẫn trao nhau mơ ước của tuổi thanh xuân, chân thật ,tinh nghịch rất hồn nhiên và rất yêu đời không kém phần lãng mạn

- Đằng nớ vợ chưa?

- Đằng nớ?

- Tớ còn chờ độc lập!

Cả lũ cười vang bên ruộng bắp

Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu

Có được một tinh thần như thế, vì anh bộ đội Cụ Hồ chiến đấu có lý tưởng, có mục đích cao cả: vì dân, vì nước, mà cũng vì nhà, vì mình. Đã tự nguyện hy sinh vì nghĩa lớn thì há sợ kẻ thù, dù cho chúng sức mạnh gấp trăm lần. Anh bộ đội Cụ Hồ tự tin bảo thằng giặc.

Thằng Tây chớ cậy xác dài

Chúng tao người nhỏ nhưng dai hơn mày

Thằng Tây chớ cậy béo quay

Mày thức hai buổi là mày bở hơi!

Thắng giặc chưa phải đã hết. Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ còn lừng lững giữa trời xanh với một tinh thần cao thượng và lòng nhân ái hiếm có, được hun đúc từ truyền thống của dân tộc: "Đánh kẻ chạy đi chớ không ai đánh người chạy lại". Hàng vạn tù binh Pháp lũ lượt giơ tay xin hàng sau khi thất thủ ở Điện Biên Phủ. Một khi giặc đã hàng thì các anh bộ đội Cụ Hồ lại rất khoan dung:

Đã đánh là đánh cho tan

Giặc chống ta giết, giặc hàng ta nuôi…

Một quan điểm rất rõ ràng và rất dân tộc.

Hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ sáng rực lòng yêu nước, thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng, và lòng nhân ái dân tộc sâu xa, kết tinh từ truyền thống ngàn đời của dân tộc. Chính sức mạnh lòng yêu nước, ý chí căm thù, sức mạnh của quân đội NDVN đã làm nên:

Chín năm làm một Điện Biên

Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng.

 Sau đây là tiết mục ngâm thơ của Cô giáo Đinh Thị Dung " Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" xin mời quý vị đại biểu ,các thầy cô giáo và các em cùng thưởng thức

Vâng! Bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” đã khép lại một chương thơ kháng chiến chống Pháp về người chiến sĩ vệ quốc,mở ra giai đoạn thơ ca mới.Trong đó hình ảnh người chiến sĩ vẫn là lớn nhất sáng chói nhất, hình ảnh chiến sĩ quân đội nhân dân trong công cuộc XD&BV miền Bắc, giải phóng miền Nam.

 

Âm thanh - ca khúc “Chào em cô gái Lam Hồng”

II. PHẦN HÌNH ẢNH CỦA NGƯỜI LÍNH TRONG THỜI KỲ CHỐNG MỸ

Các em thân mến! Giai điệu bài hát thật vui tươi, sôi nổi trẻ trung làm sao “Hỡi cô gái trên đất Lam Hồng với bàn tay em dời non và lấp biển. Dù xe anh chạy đêm chạy ngày cũng chẳng bằng tình nghĩa em băng mình trong bao gian nan. Đi thông đường để những chuyến xe qua”

Vâng! Nước Việt Nam chúng ta chưa chữa lành vết thương của cuộc kháng chiến chống Pháp thì đế quốc Mỹ đã nhảy vào Miền Nam. Đất mẹ một lần nữa lại oằn mình hứng chịu biết bao nỗi đau thương, vết thương cũ chưa lành miệng nay đã lại rỉ máu. Đúng vậy, “Đường  giải phóng mới đi một nửa – Nửa mình còn trong lửa nước sôi”. Ta chưa viết kịp “Bình Ngô Đại cáo” cho xứng tầm với chiến công vang dội khắp địa cầu -  Điện Biên Phủ thì phải viết tiếp bài ca chống Mỹ, dài hơn, khó hơn, nhiều máu và nước mắt hơn, một cuộc đụng đầu lịch sử giữa một dân tộc ngoan cường đấu tranh cho độc lập, tự do thống nhất và tên đế quốc đầu sỏ hùng mạnh nhất, tàn bạo nhất, xảo quyệt nhất của thế kỷ. Và thế là các anh xốc súng, vác ba lô lên đường. Phát huy tinh thần anh bộ đội cụ Hồ thời kỳ chống Pháp - Người lính thời đại chống Mỹ lại sục sôi:

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phới phới dậy tương lai.

 Và thế từng đoàn quân trùng trùng tiến vào Nam. “Bài ca trường Sơn”-  Tam ca do ba thầy giáo Trung Hóa – Đức Thành – Minh Quân  thể hiện sẻ mang lai khí thế một thời cả dân tộc ra trận. Xin mời tất cả chúng ta cùng lắng nghe.

Các em thân mến! Trong những năm tháng đánh Mỹ con đường huyền thoại Trường Sơn chịu nhiều ác liệt. Có lẽ không có tấc đất nào không bị cày xới, không một cành cây nào không bị thương. Đường nham nhở hố bom. Trên những con đường ấy, bao cô gái thanh niên xung phong, cô gái mở đường đã “lấy tình yêu của mình làm ngọn lữa / Đánh lạc hướng quân thù hứng lấy luồng bom”  Thế nên, bom B52 của Mỹ không thắng nổi - họ phá bom mở đường để cho từng đoàn xe nối nhau ra mặt trận, chi viện cho chiến trường miền Nam. Bài hát “Cô gái mở đường” với giọng ca đặc biệt của các cô giáo Mỹ Duyên, Lan Anh, Bích Hà, Hà Trang sẽ cho chúng ta thấy được điều đó.

Thật đúng như vậy các em ạ! Hình tượng người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là một trong những hình tượng đẹp nhất trong văn học. Từ hình ảnh người chiến sĩ Vệ quốc thời chống Pháp, họ in đậm thêm những nét chung cao đẹp, đồng thời ánh lên nét phong phú và độc đáo. Lý tưởng của người lính chống Mỹ cứu nước vẫn là lý tưởng độc lập tự do. Lý tưởng đó gắn với ý thức giai cấp, đó chính là lý tưởng CNXH. Lý tưởng cách mạng gắn với nhận thức về sứ mệnh trọng đại của dân tộc, trong cuộc đấu tranh của loài người. Cùng với sự đi lên của dân tộc và nhân loại. Người lính chống Mỹ mang khí phách của thời đại. Anh giải phóng quân là hiện thân của lý tưởng đó, khí phách đó được nhà thơ Tố Hữu  ca ngợi qua những câu thơ:

Hoan hô anh giải phóng quân

Kính chào anh con người đẹp nhất

Lịch sử hôn anh chàng trai chân đất

Sống hiên ngang bất khuất trên đời

Như Thạch Sanh của thế kỷ 20

Một dây ná, một cây chông cũng tấn công giặc Mỹ.

 Phẩm chất cao đẹp, ấn tượng mạnh mẽ nhất của anh giải phóng quân là chiến đấu hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Họ coi sự hy sinh cho dân tộc là hạnh phúc thiêng liêng cao cả. Trong bài thơ “Quê hương” Giang Nam đã viết:

Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm

Có những ngày trốn học bị đòn roi

Nay yêu quê hương trong từng nắm đất

Có một phần xương thịt của em tôi.

 Hình tượng người chiến sĩ trong thơ chống Mỹ cứu nước, có những nét riêng tư của con người, của nhân vật trữ tình, đậm cá tính sáng tạo. Ta hãy nghe nhà thơ cũng là người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn, Phạm Tiến Duật thổ lộ: “Trường Sơn Tây anh đi thương em bên ấy mưa nhiều con đường mà gánh gạo... Anh lên xe trời đổ cơn mưa, cái gạt nước xua đi nỗi nhớ, em xuống núi nắng về rực rỡ, cái nhành cây gạt mối riêng tư.”

Cái nhớ của người anh hùng rất lính, rất xế, “Cái vết thương xoàng mà sao đi viện/ Hàng còn đó -bánh xe reo / Nằm ngửa nhớ trăng, năm nghiêng nhớ bến / Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo”. Cái ngôn ngữ của đời sống có khi thô mộc, nghịch ngợm rất lính nhưng vẫn rất thơ. Nó chấp nhận văn xuôi, chất khẩu ngữ, nó chống lại mọi thứ chải mượt thơ mà tăng thêm sức chứa thông tin và thẩm mỹ thơ: “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một điển hình:

Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi

...Không có kính ừ thì có bụi

Bụi phun tóc trắng như người già

Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc

Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha...”

Bằng chính tiếng nói của đời sống, bằng ngôn ngữ của người trong cuộc nhà thơ đã đưa chất sử thi lan thấm vào đời lính. Để tưởng nhớ, để tri ân với ông trong những ngày tháng lịch sử này xin mời các thầy cô và các em lắng nghe một bài hát được phổ nhạc từ thơ ông có tựa đề: Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây đến từ cặp song ca thầy Trung Hóa và cô Bùi Huệ, xim mời tất cả chúng ta cùng lắng nghe.

Các em yêu quý! Cuộc tổng tiến công nổi dậy màu xuân năm 1975 chuyển đất vang trời. Các anh lao vào sào huyệt cuối cùng của Mỹ - Ngụy với khẩu hiệu: “Thần tốc – táo bạo - bất ngờ - chiến thắng”. Chiến công của các anh như măng mọc mùa xuân. Nhưng các anh đâu phải là thiên thần, mà chỉ là những con người bình dị với đôi dép lốp, chiếc mũ tai bèo. Chính sức mạnh của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng các anh làm nên chiến thắng ngang tầm với Phù Đổng. 11h30 phút ngày 30/4 /1975, phút giây đi vào lịch sử! Cái giây phút mà ta đã chờ đợi 21 năm kháng chiến chống Mỹ, 30 năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, 117 năm từ năm 1858 Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng. Và ngày đó chiếc kèn đồng lớn trong dàn nhạc giao hưởng thơ ca cách mạng Việt Nam –Tố Hữu - đã lĩnh tấu bản nhạc khải hoàn của dân tộc với hai khúc ca “Toàn thắng về ta” “Vui thế hôm nay”.

Ô! buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp

Bác Hồ ơi! Toàn thắng đã về ta

Chúng con đến xanh ngời ánh thép

Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa.

Trong phút giây sung sướng ấy, mọi người Việt Nam lúc đó đều cảm nhận Tổ quốc ta đẹp vô cùng, và yêu tổ quốc ta hơn bao giờ hết:

Ôi! Việt Nam yêu suốt một đời

Nay mới được ôm người trọn vẹn

Hùng vĩ thay toàn thân đất nước

Tựa Trường Sơn vươn tới Trường Sa

Từ Trà Cổ rừng dương, đến Cà Mau rừng đước

Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa.

Các em thân mến! Đúng vậy! Chúng ta thật tự hào là người con của đất nước Việt Nam xinh đẹp - đất nước Việt Nam anh hùng.

III. PHẦN HÌNH ẢNH CỦA NGƯỜI LÍNH TRONG THỜI BÌNH

Tổ quốc thống nhất, những người lính trở về quê hương. Cho dù thời gian vận động theo qui luật nhưng phẩm chất, ý chí, nghị lực của các anh không hề thay đổi. Hình ảnh anh thợ cắt tóc trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu là một ví dụ: Anh sống làm việc, lặng lẽ nghiêm túc bao dung và cao thượng. Những người lính, những thanh niên tri thức ngày trước từ giã giảng đường đại học, khoác súng lên đường. Hòa bình từ giã cây súng, anh trở về cầm viên phấn viết tiếp những gì đang còn dang dở. Dù một phần xương thịt của anh đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, anh vẫn miệt mài với bục giảng, với đàn em , với thế hệ măng non của đất nước.

Bài hát “Vết chân tròn trên cát”- đã khắc họa hình tượng đẹp của người chiến sĩ thời bình. Mời các em lắng nghe giọng hát đằm thắm đầy tình yêu thương của thầy giáo Nguyễn Trung Hóa. Sau đây tiết mục xin được phép bắt đầu

Các em thân mến! Mùa xuân đã trải dài trên đất nước, đất nước không còn tiếng súng, nhưng các anh – người lính hôm nay vẫn cầm chắc tay súng, vẫn ngày đêm canh giữ đất trời của tổ quốc.

Tiếp theo bài hát “Hát mãi khúc quân hành” qua phần trình bày của các thầy cô giáo trong Chi đoàn giáo viên - sẽ dành tặng và ca ngợi các chiến sĩ trong thời đại đất nước xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Như các em đã biết vị trí địa lý của nước ta thật đặc biệt, để rồi hàng năm, hứng chịu không biết bao nhiêu trận bão, và nạn hồng thủy liên tiếp xảy ra. Nhân dân cần và các anh lại có mặt. Các anh kịp thời ứng cứu , vật lộn với thần nước , thần gió rồi tiếp tục hy sinh, tiếp tục ngã xuống mang sự bình yên, hạnh phúc đến cho nhân dân. Cảm ơn các anh! Những gương hy sinh, những tình cảm, những tấm lòng chân thành, thiết tha và thiêng liêng đó sẽ sống mãi trong lòng của nhân dân, của những con người hôm nay.

Với tình cảm quý mến yêu thương của thế hệ trẻ dành tặng cho các anh chiến sĩ, tình cảm đó sẽ được thể hiện rõ qua ca khúc "Ước mơ làm chú bộ đội" do em Phan Huyền học sinh Lớp 7.3 thể hiện. Mời quý vị đại biểu, thầy cô giáo và các em học sinh cùng thưởng thức

Hiện nay đất nước ta đang vươn tới cái đích: một Việt Nam giàu mạnh, hiện đại,xã hội công bằng, dân chủ ,văn minh. Trên con đường đó, nhất định một ngày chúng ta sẽ xây dựng khải hoàn môn- không phải khải hoàn môn bằng đá cẩm thạch hay xi măng cốt thép. Mà bằng thơ ca như đã làm sau chiến thắng Pháp – Mỹ vừa qua. Một khải hoàn môn như Tố Hữu đã dự báo:

Tôi lại mơ trên Thái Bình Dương

Tổ quốc tôi như một thiên thần

Của muôn triệu anh hùng làm nên cuộc sống

Của tự do, hy vọng , tình thương.

Người lính của Quân đội nhân dân, với lý tưởng “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” là đề tài là mạch cảm xúc, là niềm cảm hứng vô tận cho thơ ca. Hình ảnh các anh cùng với lớn lên cùng với lịch sử chẳng có sách vở nào ghi hết. Trong khuôn khổ cho phép thầy trò ta xin dừng tại đây. Chúc các em học tập, rèn luyện tốt để nối tiếp truyền thống cha anh - viết tiếp trang sử vàng của dân tộc.

IV. PHẦN TÌM HIỂU VỀ NGƯỜI LÍNH CỤ HỒ VÀ LỊCH SỬ DÂN TỘC

Câu hỏi

Câu 1: Chọn đáp án Đ- S

Câu thơ “Một tay lái chiếc đò ngang / Bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày” ca ngợi sự anh dũng quật cường của anh giải phóng quân? (S) (ca ngợi mẹ Suốt)

Câu 2: Chọn đáp án Đ- S

Cuốn nhật kí “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nguyễn Văn Thạc được viết vào những năm 71 - 72? (Đ)

Câu 3:

Đoạn thơ sau ca ngợi những anh hùng nào và những chiến công nào của họ?

Những đồng chí, thân chôn làm giá súng

Đầu bịt lỗ châu mai

ào ào vũ bão

Những đồng chí chèn lưng cứu pháp

Nát thân, nhắm mắt còn ôm

(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu)

Đáp án:

+ Bế Văn Đàn Lấy thân làm giá súng

+ Phan Đình Giót Lấy thân lấp lỗ châu mai.

+ Tô Vĩnh Diện Lấy thân chèn pháo

Câu 4.

Người Đoàn viên thanh niên trẻ với câu nói trước tòa án Pháp "Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng không thể là con đường nào khác”?

- Lý Tự Trọng (1914- 1931)

Câu 5.

 Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hiệu lệnh "Nhằm thẳng quân thù mà bắn!" là của chiến sĩ nào?

- Nguyễn Viết Xuân (1934- 1964)

Câu 6.

Nữ anh hùng liệt sĩ hy sinh trên vùng đất đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu )trong kháng chiến chống Pháp là ai?

- Võ Thị Sáu (1933-1952)

....................................................

V. BẾ MẠC

Kính thưa các thầy cô giáo cùng các em yêu quý !

Có lẽ chỉ trong vòng thời gian ngắn ngủi ấy sẽ không đủ để chúng ta nói hết những vẻ đẹp của người lính cụ Hồ cũng như ngần ấy thời gian không đủ để bày tỏ hết niềm kính yêu, lòng tự hào, sự ngưỡng vọng và ghi nhớ công ơn của chúng ta với các anh. Là thế hệ trẻ Hồ Chí Minh, thay mặt cho các thầy cô giáo và toàn thể các em học sinh, xin được hứa với thế hệ cha anh sẽ phấn đấu, nỗ lực không ngừng, nguyện thi đua dạy tốt, học tốt để cùng với thế hệ cha anh viết tiếp trang sử vàng của dân tộc.

Một lần nữa xin được kính cẩn nghiêng mình dâng lên linh hồn bao lớp cha anh đã hi sinh vì Tổ quốc tình cảm trân trọng vô bờ bến. Xin được cảm ơn sự có mặt của quý vị đại biểu, của các thầy cô giáo và toàn thể các em học sinh. Cho phép tôi thay mặt Hội đồng sư phạm kính gửi đến những gia đình thương binh liệt sỹ, những cựu chiến binh từ gia đình các em lời chúc sức khỏe, thành đạt.

 

Xin tuyên bố bế mạc chương trình ngoại khóa. Xin trân trọng cảm ơn!

 

 

Ban biên tập




21_12_2012_THCSAn_1.jpg
Những Cựu quân nhân- người lính năm xưa - người thầy hôm nay


21_12_2012_THCSAn_2.jpg
Những ánh hào quang


21_12_2012_THCSAn_3.jpg
Hát mãi khúc quân hành


21_12_2012_THCSAn_4.jpg
Gần 600 học sinh tham gia ngoại khóa



Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com