Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 589
Số lượt truy cập: 72846105

Quảng cáo
Hình ảnh người phụ nữ trong văn học chương trình THCS 3/7/2011 11:12:19 PM
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, xin được nói chuyện về hình ảnh Người phụ nữ trong văn chương Việt Nam, chương trình lớp 9

Người Phụ nữ Việt Nam từ ngàn xưa đã có những đức tính phẩm chất được ràng buộc theo những quy định ngặt nghèo của Khổng giáo , đúc kết trong bốn chữ hàm súc: Tam tòng tứ đức . Vậy tam tòng tứ đức ấy nghĩa là thế nào?

Trước hết nói về tam tòng là xuất giá tòng phu, thất phu tòng phụ, phụ tử tòng tử. Theo nghĩa Hán việt,  ba theo ấy nghĩa là người phụ nữ khi đã đi lấy chồng thì theo chồng, khi chồng chết thì ở vậy phụng dưỡng cha mẹ chồng, khi cha mẹ chồng qua đời thì theo con

Còn tứ đứcđề cập đến bốn đức tính  Công, dung, ngôn, hạnh. Có thể hiểu nôm na như sau:

           Công là yêu cầu về công việc đối với họ, như việc chăm sóc con cái, gia đình. Là khả năng thêu thùa may vá, nội trợ .

          Dung là hình dung,là dáng vóc bên ngoài bên ngoài . Tục ngữ ta có câu:

Những người thắt đáy lưng ong

Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con

         Ngôn là ngôn ngữ, là lời nói.  Những người phụ nữ giỏi là những người phải khôn khéo trong nói năng, xử sự . Phải nhẹ nhàng, dịu dàng, mềm dẽo khi giao tiếp với bố mẹ, chồng con và những người xung quanh. Tục ngữ đúc kết :

Chim khôn hót tiếng rảnh rang

Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe

          Hạnh là tiết hạnh, là đạo đức làm vợ phải thủy chung son sắt với chồng dù trong  hoàn cảnh tồi tệ nhất

        Văn học trung đại cũng đã chép lại những câu chuyện thật cảm động về họ

         Trong bài Bánh trôi nước, thi sĩ Hồ Xuân Hương đã khẳng định bằng lời thơ tả thực về chiếc bánh  mang hàm ý ẩn dụ  về người phụ nữ:

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son

           Nghĩa thực của hình ảnh khá rõ: bánh dù rắnnát  là do tay người nặn, nhưng nhân bánh vẫn hồng lên sắc đỏ. Vấn đề là ý nghĩa ẩn dụ của nó. Rắn nát là số phận hẩm hiu, cuộc đời thua kém, không may, bất hạnh của người phụ nữ. Tay kẻ nặn là xã hội xưa kia - xã hội phong kiến bất công của chế độ nam quyền độc đoán, đạo đức cứng nhắc, dã dối gieo đau khổ cho người phụ nữ. Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son nghĩa là vẫn kiên trinh, ngay thẳng, trong trắng, giữ nguyên phẩm giá của mình. Hai câu thơ vừa là lời oán trách xã hội bất công, vừa là lời khẳng định phẩm giá tốt đẹp của người phụ nữ

      Nhiều truyện cổ của ta cũng đã đề cao phẩm giá của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đen tối chà đạp lên quyền sống của họ.

       Nhân vật Vũ nương trong truyện Người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ là một bằng chứng. Nàng là một phụ nữ đức hạnh bị mắc tiếng oan, đời tan nát chết bi thảm vì một chuyện không đâu. Chồng đi lính vắng nhà , nàng sống đảm đang chung thủy nuôi con thơ, mẹ chồng .Chồng về, nghe câu nói ngây thơ của đứa con nhỏ dại vội nghi cho nàng không chung thủy. Nàng đã thống thiết minh oan nhưng người chồng đa nghi , thiếu sáng suốt, ỷ thói tham quyền đánh đuổi nàng đi . Vũ nương đã tìm đến một dòng sông để tự minh oan cho mình bằng cái chết bi thảm. Đến khi chết rồi,sống ở thủy cung nàng vẫn giữ nguyên tình nghĩa với quê hương, tổ tiên, chồng con tha thiết . Muốn quay về với  trần thế với cuộc đời nhưng bi kịch đã xảy ra rồi, nàng đành ngậm ngùi cách biệt âm dương bằng trái tim sáng như ngọc vẫn đau đáu hướng về nhân gian.

       Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có cuộc đời tương tự. Đời nàng là một bể khổ, nổi danh tài sắc mà chìm nổi lênh đênh. Một lần bán mình, hai lần vào lầu xanh, hai lần làm tôi tớ, hai lần phải tự tử và còn không biết bao lần bị sĩ nhục. Mỗi lần nàng muốn vươn lên mong thoát khỏi cuộc đời ô nhục là một lần nàng bị dìm sâu hơn ” hết nạn nọ đến nạn kia. Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần” . Nàng đã bị xã hội cũ dồn tới những cảnh sống đen tối không còn là của con người, nhưng nàng vẫn giữ được tấm lòng son của tình người và tính người.

      Kiều Nguyệt Nga trong truyện Lục Vân Tiên của  Nguyễn Đình Chiểu cũng là một phụ nữ trong trắng, có nghĩa có tình bị cường quyền hãm hại . Tên Thái sư trong triều muốn hỏi nàng cho con hắn không được liền bắt nàng đi cống cho giặc Ô Qua. Đời nàng từ đó “ rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn “ nhưng nàng vẫn luôn giữ tấm lòng son chung thủy với Lục Vân Tiên , thà chết chứ không chịu khuất phục cường quyền . Nàng đã ôm theo bức hình Lục Vân Tiên rồi nhảy xuống sông tự tử. Nàng được phật Quan Âm cứu, mang đến đặt ở vườn nhà Bùi Kiệm, Kiệm ép nàng lấy hắn, nàng đã trốn thoát được và sau đó gặp lại được Vân Tiên, hai người đã sống hạnh phúc

       Cách mạng tháng Tám thành công mở ra một chân trời mới cho cuộc đời của mỗi người . Người phụ nữ trong chế độ mới được có cơ hội phát huy  tiềm năng mà lâu nay bị trói buộc. Gương mặt họ sáng ngời trên các mặt trận lao động, sản xuất ,chiến đấu, học tập,kinh doanh, nghiên cứu…

       Trong cuộc sống, chia ly là chuyện tất nhiên. Xưa kia Vũ nương tiễn Trương Sinh ra trận, nàng không mong gì chức tước bổng lộc cao sang ,nàng chỉ ước chàng được bình an trở về . Còn người con gái nông thôn phải chia tay với người yêu của mình ra trận thì cảnh càng ngậm ngùi hơn:

Thùng thùng trống đánh ngũ liên

Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa

         Thanh niên thời đại Hồ Chí Minh đã nhận thức được hạnh phúc cá nhân gắn liền với hạnh phúc cộng đồng nên những cuộc chia ly vì nghĩa lớn nên có chút bi nhưng rất tráng:                 

Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ

Tươi như cánh nhạn lai hồng …

…Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ

Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa…

Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia

Không dấu nỗi tình yêu cô rực cháy

Không che được nước mắt cô đã chảy

Những giọt long lang nóng bỏng, sáng ngời

       Một cuộc chia tay thật lãng mạn,thật đẹp vì : 

”Khi Tổ quốc cần học biết sống xa nhau”

       Người yêu ra chiến trận, họ ở nhà vừa có trách nhiệm xây dựng vừa bảo vệ hậu phương. Kẻ thù dùng máy bay đánh  phá hòng ngăn cản sức tấn công dồn dập của ta thì:  Bắn cháy máy bay giặc là những ai? .

Là cái đĩ, thằng cu đầm mình trong nắng .

Nói chưa thông từng loại phi cơ

Là cô Đào, cô Mận, cô Mơ

Nếu tính tuổi thành hôn còn thiếu tháng…

        Còn nhớ trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, theo lời kêu gọi của Bác” Dù có đốt cháy cả dãy Trường sơn cũng quyết giành cho được tự do độc lập “ lớp lớp thanh niên lên đường làm nhiệm vụ ‘ tất cả cho tiền tuyến “” xẻ dọc trường sơn đi cứu nước” . Mười hai cô gái Đồng Lộc ngã

xuống đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại cứu nước  Câu chuyện về các cô gái anh hùng ấy là những hình mẫu thực tế cao cả cho Lê Minh Khuê xây dựng hình tượng các nhân vật  cô Định, cô Thao, cô Nho trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi. Cả ba cô, cô nào cũng đáng mến đáng phục. Công việc của họ vô cùng nguy hiểm và gian khổ . Khi có bom nổ thì chạy lên đo khối lượng đất đá để lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ, rồi phá bom . Họ bị bom vùi luôn. Thần chết luôn lẫn trong ruột từng quả bom. Thần kinh căng ra như chảo. Phương Định là cô gái để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Là con gái Người Hà nội, cô có hai bím tóc dày, mềm mại,một cái cổ cao đầy kiêu hãnh như đài hoa loa kèn, đôi mắt có cái nhìn sao mà xa xăm đắm đuối và có vẻ kiêu kỳ. Cô rất hồn nhiên, yêu đời và giàu cá tính .Thủa nhỏ đã hay hát . Sống trong cảnh bom đạn ác liệt, cái chết luôn rình rập Định lại càng hay hát. Những bài hành khúc, những điệu dân ca quan họ, tình ca Ca chiu sa của Liên xô hay dân ca ý . Định còn biết bịa ra lời những bài hát thế mà chị Thao vẫn say mê chép vào sổ tay.Định hát trong những khoảnh khắc im lặng của cơn bão lưả sắp ụp xuống cao điểm. Hát để động viên Nho, chị Thao và cả chính mình. Đúng là ‘ Tiếng hát át tiếng bom”. Chiến công của họ thầm lặng nhưng bất tử với năm tháng và lòng người. Những nữ anh hùng trên con đường chiến lược Trường Sơn:

Chuyện kể rằng: em cô gái mở đường

Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương

Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa

Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom

         Và bây giờ:          

Em nằm dưới đất sâu

Như khoảng trời đã nằm yên trong đất

Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng

Những vì sao ngời chói lung linh

…Trên các mặt trận lao động sản xuất,học tập, nghiên cứu khoa học hay kinh doanh trong thời kỳ đổi mới, họ là nhừng phụ nữ dám nghĩ dám  làm, dám chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo. Có biết bao phụ nữ đã thành đạt trong các lĩnh vực chính trị, kinh doanh, nghiên cứu khoa học .Phát huy những phẩm chất truyền thống tốt đẹp, trong thời kỳ kháng chiến, họ xứng đáng với tám chữ vàng Bác Hồ tặng: anh hùng,bất khuất, trung hậu, đảm đang. Thời đại mới, họ không những cùng nhau thi đua ”Giỏi việc nước, đảm việc nhà.”mà còn phải biết năng động sáng tạo trong mọi việc

Chúng tôi rất tự hào về các em, các chị, các mẹ - những người phụ nữ Việt Nam. Nhân kỷ niệm 100 năm Quốc tế Phụ nữ, chúng tôi chúc cho phái đẹp ngày một đẹp hơn, biết làm đẹp mình để làm đẹp cho đời.

 

Lê Đình Vân

PHT THCS Ngư Thủy Bắc

Theo thcsnguthuybac.ed.vn






Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com