Ở Lệ Thủy tuyệt đại đa số là nông dân lao động. Sống tập trung nhiều nhất ở ven bờ sông Kiến Giang, nơi đồng chiêm trũng, sông nước lũ lụt hàng năm. Đất huyện Lệ có 2 vùng sâu cạn. Tuy vậy, những làng ven Trường Sơn từ Lệ Xá, Thạch Bàn Thượng ra Mỹ Đức, Xuân Hòa cũng như những làng ven quốc lộ 1 từ Thạch Xá chợ Chè đến chợ Mai Phù Chánh đều có nhiều vùng sâu.
Chính những làng nửa sâu nửa cạn, nửa cát nửa bùn lại có thể làm ăn vững chãi hơn hẳn vùng sâu. Cung cách thuê lao động giữa 2 vùng ấy, xưa gọi là “rước bạn” (bạn cấy, bạn gặt) và khi hết thời gian lao động, bâng khuâng kẻ ở người về, tiễn đưa “một chén (quan hà)” gọi là “đưa bạn”, qua những ngày dài tháng rộng lao động bên nhau, tình yêu nảy nở. Và khi buộc phải xa nhau đã phải rút ruột thành lời, than thở:
- “Người ơi người ở đừng về…!
Người về em nhớ em mê mẩn người
- “Người ơi gặp gỡ làm chi…!
Trăm năm biết có duyên gì hay không.
- “Rồi mùa toóc rạ rơm khô
Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm!”.
Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, khi các Hợp tác xã Lệ Thủy rộn mùa gặt, từng thảm lúa vàng trải rộng bao la, mà bộ mặt thiên nhiên, ráng sớm giông chiều đe dọa tiểu mãn. Nhưng đời sống mới, chuyện “rước bạn” “đưa bạn” không còn như trước. Tỉnh sợ hàng ngàn tấn thóc sắp vào bồ bị trôi theo dòng nước nên đã điều động hàng trăm bộ đội, cán bộ công nhân viên, đồng bào các huyện phía Bắc tỉnh vào ứng cứu Lệ Thủy thu hoạch.
Làm ruộng ở đây bấp bênh, cực nhọc trăm bề, nhưng người nông dân lao động sáng tạo, chịu khó, kiên nhẫn “một nắng hai sương”, “khéo tay hay làm” không chịu thua trời, thua giặc.
Nhờ có trai tài gái giỏi, siêng năng cơ cẩn, đồng ruộng sâu Lệ Thủy, bùn lầy nước đọng, cỏ dại năn lác mọc lên như rú… đều được cày sâu cuốc bẫm san bằng… lại được đào mương đắp đập khoanh thành từng chạc ngăn nắp.
Miền vùng cạn, tuy năng suất thấp không bằng ruộng sâu, nhưng nông dân cũng biết tận dụng thế mạnh nơi làm lúa vụ mười mà đắp đường xây cống thẳng tắp ra tận đồng. Xe bò, xe trâu, xe ba gác… ung dung chở phân ra đồng, chở lúa vào nhà như ở Phan Xá, Xuân Bồ, Mỹ Trạch… trong lúc ở đồng bằng không thiết dùng phân cho lúa, cho rằng ở đây đất đồng phù sa thừa đạm thì hằng năm cứ mùa xuân đến ấm áp, bà con Mỹ Thổ, Thuận Trạch lại cần mẫn chèo thuyền về xuôi mua phân trâu, phân heo (với giá rẻ mạt) để bón cho lúa và xin cắt bổi (cành lá cây xanh) để ủ cho màu.
Người Lệ Thủy đều có tính cách cần cù mà điềm đạm, lanh lợi mà cởi mở, hài hước mà khiêm tốn, biết chịu đựng và vững vàng trước sóng gió. Về thể chất, bình quân nam cao 1m60, nữ cao 1m55. Cân nặng từ 45kg (nữ) và 55kg (nam). Thời thuộc Pháp cũng có người to con quá cỡ “vật voi voi bổ (ngã), vật hổ hổ xiêu”, nhiều thằng Tây trắng Tây đen phải sợ.
Gái kém chi trai! Nhiều chị nhân lúc nông nhàn thì “xông pha đồi núi, chặt hết củi rừng. Rủi gặp cơn gió chướng, đò củi bị chìm giữa ruộng sâu, mặc cho gió to sóng lớn chị em dám hè nhau nín thở, lặn xuống ruộng, đội đò lên cho người tát nước ra. Rồi vui vẻ nói trạng, chèo “đò không”, về thanh thản! Hãy nhìn cho rõ dáng đứng chị em Lệ Thủy lên đạn bóp cò bắn súng đánh Mỹ trên sông Kiến Giang thì biết mặt anh hùng: “trai gươm Lê Lợi, gái cờ Trung vương”.
Từ xưa, người dân xứ Lệ quen ăn cơm ngày 3 bữa. Nếu làm việc nặng như cày, cuốc… thì có bữa “nước lợ” lúc 9 giờ mai và 2 giờ chiều. Họ thức khuya dậy sớm ra đồng phở năn lậu, cày trâu đôi (2 con) cấy nước nổi, chơm nơm trùng, dũi dũi bà (cái nơm cái dũi rất to), đè cỏ rác xuống, lôi thóc, cá… lên mà sống.
Điều hạn chế ở đây là rất ít nghề phụ. Cả vùng Lệ Thủy rộng lớn mà những làng có nghề phụ, đời sống khấm khá chỉ đếm trên đầu ngón tay (nghề chiếu ở An Xá, nghề dệt vải ở Quy Hậu, Mai Hạ; nghề rèn ở Hoàng Giang, Phan Xá, nghề mộc, chạm ở Xuân Lai, Quảng Cư…). Do đó ngoài nghề lúa độc canh chỉ biết đi rừng. Dân các làng Đại Phong, An Xá, Mỹ Lộc, Lộc An… muốn đi củi phải dậy sớm nấu cơm lúc 3 giờ sáng; ăn xong chèo thuyền 1 giờ mới tới Phú Kỳ, Phú Hòa, đi bộ 2km mới tới rừng, đốn gỗ, chặt rào (cây nhỏ mà dài như cây sào), rút mây, rút giang, hái lá tơi lá nón, nhặt hạt sót, hạt gõ, củ nâu… hò hét đuổi cọp mà bứt tranh, hái thị, đốt ong lấy mật…
Trong gian khó trai gái đi với nhau là hò khoan, kể chuyện vui tiếu lâm, thách đố cười hả hê mà không lẳng lơ, không có chuyện “mây mưa đánh đố đá vàng”. Với bản chất thuần nông, nói chung người Lệ Thủy chất phác, trung thực; không đâm bắt, trộm cướp.
Trong cái bình thường của người dân chất phác, tiềm ẩn những điều vĩ đại: khi lao động họ biết giành khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho bạn. Họ biết phân rõ phải trái, người thiện kẻ ác để mà thân thương hoặc căm thù. Những người tham ô hủ hóa, những kẻ cậy quyền cao chức trọng hà hiếp dân nghèo, coi người lao động bằng nửa con mắt thì họ ghét cay ghét đắng:
Con ơi mẹ bảo con này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.
Ngược lại, có người khi có đứa đầy tớ đem ấm thuốc bắc vừa sắc cho ông chủ nhà giàu, không may bị vấp ngã, ấm thuốc vỡ tan. Ông chủ không đổi sắc mặt mà tỏ vẻ yêu thương: “con có bỏng tay không?”.
Những ông chủ nhà giàu, những ông quan to giàu lòng nhân ái như vậy ở quê ta không ít, được người dân trân trọng. “Ở đâu chẳng có anh hùng”, “ở đâu chẳng có thằng khùng thằng điên”. Quê nhà ta thỉnh thoảng cũng có những vụ trộm ở các nhà giàu lớn như Bát Sâm (Mỹ Duyệt Hạ), Bá Hai (Mỹ Lộc). Cướp cũng có khi xảy ra đôi nơi ở vùng quốc lộ 1 như ở Cát Lấp (Cam Thủy), cung Tứ Liên (Sen Thủy). Nơi sợ ma sợ cọp nhất là trên đường 15, chỗ Khe Su giữa 2 làng Phú Gia, Phú Hòa, chỗ Khe Môn giữa Mỹ Đức và Phú Kỳ.
Nhiều con em nhà có gia giáo được rèn luyện “tiên học lễ, hậu học văn”, biết kính trên nhường dưới, biết kính già yêu trẻ, có lòng nhân ái với người tàn tật, nghèo hèn. Trong sinh hoạt thì cần cù tiết kiệm, chăm học, siêng làm, biết giúp đỡ gia đình. Những trẻ tốt như vậy, khi ra đời gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nào cũng sống được, đến đâu người ta cũng thương, sẽ có nhiều triển vọng cho đời.
Tuy vậy, ở quê mình cũng có những thanh thiếu niên, con quan, con nhà giàu có, sống trên nhung lụa, được nuông chiều quá mức, ham chơi nhác học, ăn diện suốt ngày, tiêu pha xa xỉ. Cậy bố làm to, khinh bỉ bạn nghèo. Sống giữa miền sông nước mà không biết bơi, không biết chèo thuyền, thậm chí không biết đi xe đạp, không biết lịch sử cha ông, nhưng lại sành phim nước ngoài! Những đứa trẻ đó khi bước vào đời nhất định sẽ khổ thân, sống thêm chật đất, gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Lê Văn Khuyên
(Rút trong tập Lệ Thủy quê tôi)