Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 782
Số lượt truy cập: 72761463

Quảng cáo
Nghệ sĩ 100 tuổi và ngón đàn độc đáo 5/6/2010 2:37:37 PM
Ở độ tuổi "xưa nay hiếm" nhưng nghệ sĩ Châu Đình Khóa, hiện ở xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình vẫn minh mẫn, tinh anh lạ thường. Cuộc đời cụ gắn bó với cây đàn tỳ bà cổ và cho đến giờ cụ vẫn luôn đau đáu nỗi niềm sợ những ngón đàn độc đáo bị thất truyền.

Duyên nợ với cây đàn cổ. Câu chuyện về lai lịch cây đàn tỳ bà xưa và duyên nợ của nó với cụ Khóa như một thiên truyện ly kỳ.

Theo nhiều người kể lại thì trải qua nhiều năm lưu lạc, cây đàn "đặc biệt" này đã xuất hiện trong tư dinh của quan Ngự sử Lưu Đức Xứng vào năm 1802. Đây là cây đàn được làm bằng gỗ quý, kết cấu theo kiểu đàn tỳ bà cổ của Huế nên nó khác hẳn với đàn tỳ bà thường. Đàn có 4 dây và 10 phím (có 1 phím ngắn). Những dây đàn chạy dài từ 4 trục gác qua "yên ngựa" (trên cổ đàn) chạy dài xuống ô tận cùng của nơi buộc dây. Vì thế, mỗi phím đàn đều có âm khác nhau, ngoài 5 âm giống đàn nguyệt còn có thêm hai âm bán cung. Lúc này, khắp nội ngoại kinh thành Huế không ai không biết tới tay đờn ca tài tử nổi danh Trợ Tồn. Ông tên thật là Nguyễn Quang Tồn, có gốc gác lâu đời ở cái nôi của nhã nhạc cung đình.

Ông say mê đờn ca tài tử, hễ nơi nào có đàn hay là nơi đó có mặt ông. Chu du khắp nước, cuối cùng cơ duyên đã giúp ông đến với cây đàn ở quan dinh Lưu Đức Xứng. Những năm sau đó vì chiến tranh loạn lạc, Trợ Tồn cùng gia đình lưu lạc ra mảnh đất Ô Châu. Cuộc sống khó khăn nhưng ông vẫn dành thời gian nâng niu cây đàn cổ, trau dồi sáng tạo và truyền dạy. Trong đám học trò nghèo ngày ấy ở Quảng Bình, thầy Tồn đặc biệt có cảm tình với một cậu dáng nhỏ nhắn, hiền lành và đam mê nhạc tài tử đến độ kỳ lạ. Người học trò ấy mang tên Châu Đình Khóa. Thầy Trợ Tồn đã dồn hết tâm sức truyền lại những ngón nghề mà ông dày công sáng tạo bao năm qua cho cậu trò nhỏ. Với khả năng thiên bẩm và đức tính cần cù, học trò Khóa nhanh chóng tiếp nhận được những bí kíp chơi đàn tỳ bà cổ.

Năm 1941, thầy Tồn mất tại Huế. Trước khi mất, ông dặn với vợ là phải trao cây tỳ bà cổ cho học trò Khóa. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và sau này, có những lúc cây đàn cổ bị thất lạc. Đến khi cụ Khóa tìm lại được thì cây đàn bị trầy xước đôi phần. Gặp lại vật tri kỷ, cụ đã rưng rưng khóc và thầm nguyện sẽ không bao giờ để lạc cây đàn nữa dù bất cứ hoàn cảnh nào. Đi đâu, cụ cũng mang theo bên mình.

Tiến sĩ Châu Thị Hải (con gái của cụ) kể: "Lúc đó tôi còn nhỏ nhưng giờ vẫn nhớ rất kỹ hình ảnh ông vai mang ba lô, tay thì cầm rựa, tay kia cầm cây đàn đi tuyên truyền cách mạng và định cư ở các vùng sâu vùng xa. Ở đâu có dấu chân ông là ở đó có tiếng đàn".

Chuyện ghi ngày đại thọ

Tháng 7 vừa qua, để mừng cho lão nghệ sĩ sống nhiều hơn tuổi 100, gia đình và học trò đã tổ chức lễ đại thọ cho cụ Khóa. Hôm đó, xóm Máy Kéo đông vui, rộn rã hẳn, dòng người già có trẻ có quần tụ về ngôi nhà cụ Khóa đang ở cùng với người con gái.

Lâu lắm rồi mới có dịp gặp gỡ đông đủ những người em, người học trò, người bạn tri kỷ nên cụ Khóa rất vui mừng. Từ sáng sớm cụ vận bộ áo dài đỏ, đầu quấn khăn gấm như một nhạc công chuẩn bị lên sân khấu. Đây chính là điều đặc biệt nhất buổi lễ, cụ là nhạc công, là người gảy đàn tỳ bà cho các ca sĩ và con cháu hát trong hơn 2 tiếng đồng hồ. Trước đó, cụ đã ngồi đánh đàn tập dượt với các ca sĩ miệt làng chuẩn bị hát những bài dân ca Bình Trị Thiên, những điệu hò khoan Lệ Thủy để đón khách. Râu tóc bạc phơ, đôi bàn tay gầy xương nhưng vẫn lướt đều trên từng cung đàn, lúc nhẹ nhàng chậm rãi khi thoăn thoắt. Từng nốt nhạc vang lên lúc trầm lúc bổng, du dương, luyến láy vào sâu tâm can để rồi rung động lòng người nghe. Đặc biệt hơn khi nó được thoát ra từ người nghệ sĩ già nay tròn trăm tuổi. Người đàn người hát, buổi lễ cứ thế liền mạch say sưa với những khúc Dạ bản, Mười thương, Cổ bản, Nam bình...

Nhiều nghệ sĩ có mặt trong lễ đại thọ của cụ Khóa, đều bồi hồi nhớ lại cũng chính tiếng đàn này và lòng say mê nghệ thuật của cụ. Trong những năm 1959 - 1967, dưới ngọn cờ của Đảng, Đoàn văn công tỉnh Quảng Bình (giờ là Đoàn nghệ thuật tổng hợp Quảng Bình), cụ Khóa trong vai trò trưởng đoàn đã cùng nhân dân vùng khói lửa thực hiện khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom” nhằm khích lệ tinh thần chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Tiếng đàn tỳ bà trầm bổng của cụ và tiếng hát của ca sĩ Nam Kỷ, giọng ca ghi dấu trên sân khấu dân ca Quảng Bình ngày ấy đã làm dịu đi sức nóng của bom đạn.

Tâm sự với chúng tôi trong ngày vui, cụ Khóa cho biết, sợ bị thất truyền ngón đàn chính là niềm trăn trở lớn nhất của cụ. Những năm ra Hà Nội sống cùng con cháu, cụ đã tham gia truyền dạy cho sinh viên Nhạc viện Hà Nội. Thế nhưng cũng không nhiều người học hết. Nhưng có một sáng kiến khác đó là đưa ca sĩ và đàn đến nhà để cụ dạy rồi thu vào băng âm làm tài liệu học tập, với cách này cụ đang hy vọng tiếng đàn của mình sẽ không bị mai một theo thời gian...

Trương Quang Nam

Bí quyết trong nghề là nằm trong hai chữ Tâm và Nhẫn. Đánh đàn bằng con tim, bằng tấm lòng, bằng nỗi niềm để thổ lộ hết những suy tư, truyền tải hết ý nghĩa bản nhạc. Càng nhẫn bao nhiêu tiếng đàn càng hay bấy nhiêu. Giữ cả hai cái đó trong tiếng đàn thì càng phát huy hết công năng của cây tỳ bà.

Nghệ sĩ Châu Đình Khóa

Quangbinh.org



Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com