Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 202
Số lượt truy cập: 64851521

Quảng cáo
VI VU BÀU SEN 4/28/2020 8:57:35 PM
Một chiều tháng tư đầy gió, tôi cùng “con rem” (xe Honda Dream) vi vu Bàu Sen. Đã trăm ngàn chuyến đi về ngang đây, nhưng lần này cảm nhận trong tôi về vùng đất này thật khác. Nửa gần gũi, nửa xa lạ, nửa thân thương, nửa dỗi hờn xa xăm... cũng bởi tình đất tình người Sen Thủy luôn chân chất mà đằm thắm nghĩa tình.

Nằm cách TP. Đồng Hới khoảng 60km về phía Nam, dọc theo Quốc lộ 1A, lữ khách có thể chọn Bàu Sen làm chỗ dừng chân sau những “Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa” (Chính Hữu) để được đắm mình trong không gian sông nước hữu tình, thơ mộng; được thưởng thức những món ăn nổi tiếng, mang hương vị đặc trưng của mảnh đất bình yên và thân thiện này.

Cháo cá Bàu Sen, tuy không cầu kỳ, nhưng vẫn hấp dẫn thực khách bởi sự tươi ngon của cá (Bàu Sen với diện tích mặt bàu khoảng 8.5km2, dung tích nước khoảng 5 triệu m3 là nơi sinh sống lí tưởng của rất nhiều loài thủy sản nước ngọt, đặc biệt là cá chép) cùng cách nêm nếm gia vị “đậm tình miền Trung”. Còn gì hơn sau một chuyến đi dài, bạn được thưởng thức một tô cháo cá nóng hổi “vừa thổi vừa ăn”, cùng với những mảng cá trứng óng vàng, thơm lừng trong bát.

Đó là chưa kể đến dịch vụ tẩm quất, giác hơi của đám trẻ con trong làng, kiếm thêm chút tiền phụ giúp mẹ cha. Không cần đi đâu cả, thực khách cứ ngồi yên đó, vừa thưởng thức ẩm thực, vừa được phục vụ tận nơi, tận tình. Tiếng “bốp chát” của những đôi bàn tay điêu luyện cộng với những cú day, bấm huyệt... chắc chắn quý khách sẽ cảm thấy hoàn toàn được thư giãn, khỏe khoắn để lại tiếp tục cuộc hành trình. Mỗi “sô” tẩm quất giác hơi chỉ mất mười lăm đôi chục ngàn, tùy vào tấm lòng hỷ hảo và mức độ hài lòng của mọi người. Thật là “ngon, bổ, rẻ”.

Là một hồ nước ngọt tự nhiên có mặt nước mênh mông, Bàu Sen bốn mùa trong xanh, mát lành, lại có độộng (trảng) cát lớn, trắng tinh chạy dọc theo bờ biển án ngữ ở phía đông. Ngày xưa Bàu Sen có tên là Nhị Hồ (Hồ Sen được chia làm hai nửa, giống như hai hồ ghép làm một, cũng có thể gọi Nhị Hồ để chỉ cả hai bàu ở trong khu vực các độộng cát thuộc xã Sen Thủy là Bàu Sen thuộc Thủy Liên Thượng và Bàu Đơm thuộc Thủy Liên Nam được thông thủy bởi một con lạch nhỏ). Người ta cho rằng, tên gọi Bàu Sen là vì trước đây trong hồ có rất nhiều sen, mùa hạ nở ngát cả một vùng. Từ “Thủy Liên” trong Thủy Liên Nam và Thủy Liên Thượng đều có nghĩa là “nước hoa sen” (Hồ Sen), thật đúng là “Thanh thủy xuất phù dung/ Thiên nhiên khứ điêu sức” (Lý Bạch), tạm dịch là: Hoa sen mọc lên từ hồ nước trong/ Thiên nhiên vốn như vậy, không cần phải bài trí, gia công.

Tích xưa có những huyền thoại khá kỳ thú về Bàu Sen. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sỹ Liên chép: “Năm Giáp Thân (1404) (Hán Thương Khai Đại thứ 2 - Minh, Vĩnh Lạc thứ 2) [...] Hán Thương sai đào Liên cảng (tức kênh Sen) từ phủ Tân Bình đến địa giới Thuận Hóa, vì bùn cát đùn lên, đào không thành”.

Dấu tích kênh Sen bắt đầu từ Lộc Bình, vòng qua quan lộ, đi vào Quán Cát, thông vào Bàu Sen, chảy qua Quán Bụt, Hạ Cờ (giáp giới Quảng Trị) thì chảy về hướng Đông, rồi vòng hướng Tây. Khi đào đến một cồn cát phía Tây làng thì cát đùn lên không đào được (dân làng gọi vùng này là Quán Cụt hay còn gọi là Bàu Diêm Vương), nhà Hồ đành bỏ cuộc. 

Đến đời nhà Lê, vua Lê Thánh Tông trên đường chinh chiến phương Nam cũng lại cho đào thông kênh Sen nhưng đào không được. Sự việc trên được “Đại Nam nhất thống chí” chép lại: khoảng năm Quang Thuận, nhà vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, đến địa đầu xã này, hạ lệnh tập hợp quân dân đào kênh, để tiện dường vận chuyển. Bấy giờ, xã trưởng xã Thủy Liên là Mai Văn Bản (tục gọi là Bổn) liền đến cửa quân tâu rằng: “Chỗ này đất cát, nếu đào sẽ bị cát lấp ngay, chỉ hại sức dân thôi”. Vua cả giận cho Văn Bản trái lệnh, sai đem chém nhưng sau đó hễ đào được chỗ nào liền bị cát lấp chỗ đó.

Khi vua đánh Chiêm Thành trở về, có 20 thớt voi đến bờ kênh thì đứng ỳ lại, không chịu lội qua, phục ngà xuống đất mà rống lên. Dân trong vùng cho là do ông Mai Văn Bản bị hàm oan, vua sai người bí mật cầu đảo và khấn rằng: “Nếu Văn Bản có thiêng thì nên cho voi qua sông, sẽ phong tặng”. Khấn xong, đàn voi bèn qua sông. Vua phong cho Văn Bản làm thần bản thổ và sai lập đền thờ, ấy là đền Mai Công đã được sử sách ghi lại.

Ngày nay đến Bàu Sen, du khách có thể bơi thuyền vãn cảnh thiên nhiên, hít thở bầu không khí trong lành và đắm mình trong thú vui câu cá. Đây còn là một trong những nơi có nguồn thủy sản nước ngọt phục vụ thực phẩm tươi cho một vùng quê ở phía Nam huyện vốn có điều kiện đất đai khô cằn…

Cùng với các di tích lịch sử-văn hóa nổi tiếng như chùa Hoằng Phúc ở Mỹ Thủy, chùa An Xá (Lộc Thủy), khu lăng mộ Khai quốc Công thần, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Trường Thủy), nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (An Xá, Lộc Thủy)... mảnh đất “địa linh nhơn kiệt” Lệ Thủy còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những cảnh đẹp tự nhiên hoang sơ hùng vĩ như: rừng nguyên sinh, suối nước khoáng Bang, bãi tắm Tân Hải, khe Nước Lạnh, hang Đại tướng, hồ An Mã và không thể không nhắc tới Bàu Sen.

Trong tương lai không xa nữa, Bàu Sen sẽ được đầu tư xây dựng, sớm trở thành điểm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng cực kì lí tưởng, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển cho xã Sen Thủy nói riêng, cho huyện nhà Lệ Thủy nói chung.

Có một Bàu Sen đêm ngày nhuốm mình trong sương mai và cát trắng, nắng vàng. Mời bạn đến Bàu Sen để cùng vi vu với vẻ đẹp của vùng đất nguyên sơ nhuốm màu huyền thoại này.

ĐỖ ĐỨC THUẦN

0204dt04.jpg

0204dt03.jpg

0204dt02.jpg

0204dt01.jpg

Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com