Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 207
Số lượt truy cập: 64851521

Quảng cáo
HÌNH ẢNH NGƯỜI THẦY TRONG THƠ VÀ NHẠC 11/21/2016 5:11:20 PM
Tôn sư trọng đạo hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc. Trước hết, đó là sự suy nghĩ nhìn nhận đúng đắn và tiến bộ cùa nhân dân ta về một nghề đáng được coi trọng và một con người đáng được tôn vinh. Nó chứng tỏ dân tộc ta là một dân tộc văn hiến và hiếu học, bởi coi trọng nghề dạy học là một biểu hiện sâu sắc của một dân tộc văn hiến và tôn vinh người thầy là bằng chứng hùng hồn của một dân tộc hiếu học. Tôn sư trọng đạo đã trở thành một đạo lí, một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, là sức mạnh tinh thần, tình cảm lớn lao và bền vững của dân tộc để góp phần xây dựng nên một nước Việt Nam văn hiến và giàu mạnh.


Tục ngữ Việt Nam có câu “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” như một minh chứng cho truyền thống tôn sư trọng đạo - một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Người thầy không chỉ là người truyền đạt tri thức, thắp lên ngọn lửa về ước mơ, niềm tin và hy vọng mà còn là tấm gương sáng cho bao thế hệ học trò noi theo. Bởi thế mà đã có biết bao bài thơ, lời hát viết về hình tượng người thầy.

Đó là những thầy, cô giáo của ngày đầu tiên đi học: 

“Em mắt ướt nhạt nhòa

Cô vỗ về an ủi

Chao ôi sao thiết tha”

 (Nguyễn Ngọc Thiện).

Ở đó hình ảnh và tình yêu thương của cô có khác gì tình yêu thương của mẹ, để trong ánh mắt hồn nhiên tuổi nhỏ có lúc cô giáo chính là những cô tiên hiền dịu.

Người thầy mang đến những ý nghĩa tâm hồn thông qua những cách cảm riêng. Với Hữu Tường, người thầy đầu tiên chính là cô giáo - người khai tâm cho tâm hồn thơ bé vào đời:

Chào Cô giáo kính mến

Cô sẽ xa chúng em…

Làm theo lời Cô dạy

Cô sẽ luôn ở bên

(Gửi lời chào lớp 1)

Hình ảnh cô giáo mẫu mực, có sức thuyết phục như một chân lí theo suốt cuộc đời là một điển hình về sự cao đẹp. Chúng ta nhận ra những nét thân quen ấy trong tâm hồn mỗi người như một bảng giá trị sống mà mỗi khi va vấp, trước mỗi thắc mắc về thị phi ở đời đều cần đối chiếu vào sự mực thước đó.

Rồi những ngày đầu tiên tập viết, bàn tay nhỏ xíu xinh xinh giữa lòng tay cô ấm áp, nét chữ run run thành hình, cô hiểu nét chữ nết người nên cẩn thận sửa nét, chỉ cách cầm phấn, cầm viết cho từng em một: 

“Xiêu nghiêng nét chữ dại khờ

Tay cô cầm ấm đến giờ lòng em

Vở ngày thơ ấu lần xem

Tình cô như mẹ biết đem sánh gì

(Nhớ cô giáo làng - Nguyễn Văn Thiên).

Bảng đen, phấn trắng, những đêm dài miệt mài bên trang giáo án đã trở thành những hình ảnh quen thuộc gắn liền với hình tượng người thầy. Người học trò trong bài hát “Bụi phấn” của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu không chỉ nhận ra bụi phấn đang rơi trên bục giảng, trên tóc thầy mà còn nhận ra mình yêu tha thiết những năm tháng học trò, trân trọng từng khoảnh khắc được nghe lời thầy giảng.

1811binhminh1.jpg

          Nhà thơ Phi Tuyết Ba lại mang đến một cảm nhận sâu sắc về dòng trôi của thời gian qua đời thầy ở bài thơ “Vùng phấn bay”:

“Bao nhiêu viên phấn đã mòn

Bao nhiêu giáo án chẳng còn trẻ trung

Nước trôi về xứ vô cùng

Thương thầy ở lại một vùng phấn bay”.

Trong mắt học trò, nhiều lúc thầy cô không chỉ là cha, là mẹ, là thầy mà là người nghệ sĩ trên bục giảng, lời dạy của thầy cũng chính là lời ru:

Thầy không ru đủ nghìn câu

Biết con chữ cũng đứng sau cuộc đời

Tuổi thơ em có một thời

Ước mơ thì rộng như trời, ngàn năm

(Lời ru của thầy - Đoàn Vị Thượng).

          Bài giảng của thầy đưa em ngược về quá khứ, đi đến tương lai, mở ra những chân trời mới, một góc quê nhà.

Cũng trong niềm tâm tưởng đó, nhưng người thầy trong thơ Trần Đăng Khoa lại mang những nét khác biệt: Bài thơ kính tặng thầy Lê Thưởng, người thầy đã truyền ngọn lửa văn chương cho tâm hồn thi nhân:

Em nghe thầy đọc bao ngày

Tiếng thơ đỏ nắng xanh cây quanh nhà

Mái chèo nghe vọng sông xa

Êm êm như tiếng của bà năm xưa

Nghe trăng thở động tàu dừa

Rào rào nghe đổ cơn mưa giữa trời.

…Đêm nay thầy ở đâu rồi

Nhớ thầy, em lại lặng ngồi em nghe.

(Nghe thầy đọc thơ - Trần Đăng Khoa)

Không cầu kì với những cấu trúc thơ, không dụng công với những hình ảnh, biểu tượng lạ lẫm. Người thầy trong bài thơ này bình dị hiện lên bằng một nét vẽ duy nhất: giọng đọc thơ. Giọng đọc ấy như một lời sáng thế, mở ra những chân trời mới, truyền mạch sống cho nắng ngoài vườn, cây quanh nhà, nghe thấu tiếng mái chèo tần tảo ngoài sông xa… Nhưng độc đáo nhất không phải chỉ dừng ở những thanh âm vi lượng ấy. Câu thơ của thày đọc hay chính giọng đọc thơ của thày chạm đến đáy lòng để tha thiết, để những thế hệ học trò nghe được cả những vô thanh chứ đâu chỉ có hữu thanh: “Nghe trăng thở động tàu dừa”. Phải là người thày có chất giọng trời phú, với cái tâm sáng với nghề mới động lòng trời đất đến thế. Bởi thế mà câu thơ thày đọc hay nghệ thuật “đọc thơ” ấy cũng là cách truyền thụ đã tưới mát tâm hồn ấu thơ như cơn mưa đến với đồng đất ngày nắng hạn làm xanh tươi tâm hồn thần đồng thơ ấy đến muôn đời.

Có một thời đất nước đạn bom, những người thầy theo tiếng gọi non sông xếp lại trang giáo án lên đường. Chiến tranh đi qua, thầy lại trở về với nụ cười vẹn nguyên, tin tưởng như xưa “Nhưng một bàn chân không còn nữa”, nó đã hóa thân thành dấu nạng gỗ: 

“In lên cổng trường những chiều giá buốt

In lên cổng trường những đêm mưa dầm

Dấu nạng hai bên như hai hang lỗ đáo

Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo

Như nhận ra cái chưa hoàn hảo

Của cả cuộc đời mình”

 (Bàn chân thầy giáo - Trần Đăng Khoa).

 Với bài thơ “Bàn chân thầy giáo”, nhà thơ thiếu nhi Trần Đăng Khoa đã thay mặt các thế hệ học trò Việt Nam nói lên sự kính trọng, lòng biết ơn chân thành đối với những người thầy đã không tiếc tuổi xuân cống hiến cả cuộc đời cho đất nước.

          Và suốt dọc thời bình, những người thầy vẫn miệt mài làm người ươm hạt, người đưa đò thầm lặng. Bao nhiêu thế hệ học trò đã cặp bến bờ tri thức, mang theo một lòng tri ân vô hạn. Riêng người thầy vẫn tự nhủ con đường mình đang đi vẫn còn xa, xa lắm:

“Con đò mộc - mái đầu sương

Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày

Khúc sông ấy vẫn còn đây

Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông... 

(Người lái đò - Thảo Nguyên).

Hình ảnh người thầy trong thơ không chỉ có những khúc vui mà cả những đắng cay, cơ cực, không chỉ được thể hiện trong cách cảm của học trò mà còn bằng cách tự nhận thức với bản lĩnh riêng của mình. Nhập vai những cô giáo “cắm bản” vùng cao một thời, nhà thơ Lê Đình Cánh viết:

Em đi nón chạm mây trời

Rừng sâu “bán chữ” cất lời ngân nga

Tiếng rao xao xác lau già

Non cao đôi mảnh trăng tà ngậm sương

(Em đi - Lê Đình Cánh)

Những cô giáo lặng lẽ vượt núi, băng rừng đem con chữ về cho học trò miền núi cứ lặng lẽ cống hiến như một lẽ sống ở đời. Sự âm thầm ấy kì diệu đến mức chỉ có đất trời và khung cảnh miền sơn cước là những chứng nhân duy nhất. Tiếng “rao” “bán chữ” mời gọi những đôi mắt trẻ thơ đến với trường, với lớp như tiếng gió thôi xao xác ngọn lau già hiu hắt. Những năm đất nước còn khó khăn, mọi chính sách ưu tiên chưa có điều kiện được áp dụng, đường xá, hạ tầng các bản làng còn hạn chế nhưng những người giáo viên quyết đem con chữ đến với bản làng bằng những cống hiến như thế.

Người thầy sẽ mãi là hình tượng đẹp trong thơ ca và âm nhạc, bởi lẽ ai đã từng đi qua những năm tháng học trò cũng đều muốn đọc lên, hát lên những bài thơ, những lời ca của lòng biết ơn chân thành: “Dẫu đếm hết sao trời đêm nay, dẫu đếm hết lá mùa thu rơi; nhưng ngàn năm, làm sao em đếm hết công ơn người thầy” (Người thầy - Nguyễn Nhất Huy).

1811binhminh2.jpg

Có lẽ những hình ảnh về người thầy đã đi vào thơ nhạc không những là tiếng lòng của biết bao thế hệ mà còn là những mẫu hình về lẽ sống, về lí tưởng sống mà mỗi người đều hướng đến để thanh lọc tâm hồn mình. Bằng tất cả tình cảm trân trọng dành cho nhà giáo và nghề giáo, với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo”, ngọn lửa tình yêu cuộc sống, tình yêu con người, tình yêu nghề giáo sẽ mãi mãi rực sáng trong tâm trí chúng ta; thúc giục chúng ta phấn đấu xây dựng một xã hội công bằng, tốt đẹp.

" Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học" - Comenxki.

Mùa Hiến chương 2016 

Bình Minh
Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com