Chiến tranh đã đi qua đã ba mươi bảy năm. Thế nhưng, những ký ức về cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc, ký ức về những con người anh hùng trong một thời đại anh hùng thì vẫn tươi mới, nguyên vẹn mỗi khi ta đối diện từng trang sách trong những tác phẩm văn học của thời kỳ này. Đặt biệt là những tác phẩm văn học trong nhà trường THCS.
Bằng cảm hứng lãng mạn, kết hợp với khuynh hướng sử thi, văn học Việt Nam trong giai đoạn chống Pháp và chống Mỹ đã xây dựng trong văn thơ tượng đài những chiến sĩ anh hùng. Họ là những “Thạch Sanh của thế kỷ XX” với những chiến công đẹp và phi thường như huyền thoại.
Trong đêm trường nô lệ, những người chí sĩ có tấm lòng yêu nước đã đi tìm con đường đi cho cả dân tộc. Con đường đi của họ dẫu chưa đúng nhưng tên tuổi và khí phách của những nhà chí sĩ yêu nước buổi đầu ấy như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh vẫn còn mãi với non sông:
“Những kẻ vá trời khi lỡ bước
Gian nan chi kể việc con con”
(Đập đá ở Côn Lôn – Phan Châu Trinh)
Từ cây đa Tân Trào lịch sử, với lực lượng 34 chiến sĩ, trải qua muôn vàn gian khó, hi sinh, quân đội ta – Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, được Đảng và Bác Hồ kính yêu dìu dắt, giáo dục mà ngày càng lớn mạnh theo chiều dài của lịch sử dân tộc và đó thực sự trở thành một quân đội anh hùng, tiên phong, trung với nước, hiếu với dân. Hình ảnh anh vệ quốc đoàn năm xưa đến hình ảnh anh giải phóng quân - anh bộ đội Cụ Hồ đều soi bóng vào văn học với những vẻ đẹp kì diệu biết bao nhiêu. Tổ quốc ca ngợi anh, nhân dân ca ngợi anh bằng những lời ca, những vần thơ đẹp nhất, trân trọng nhất:
“ Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo”
Anh bộ đội Cụ Hồ - Cái tên bình dị thân thương mà rất dỗi tự hào, là sự kết tinh tất cả những tinh hoa của thời đại và được hun đúc trong suốt bốn ngàn năm lịch sử cuả dân tộc. Các anh là con người hết sức bình dị, hiền lành mà lại rất phi thường, dũng cảm. Chính các anh đã góp phần quan trọng làm nên trang sử vàng của dân tộc. Anh bộ đội Cụ Hồ - hình ảnh của những con người đẹp nhất, mang trong mình những phẩm chất cao đẹp nhất, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, làm rạng rỡ non sông đất nước ta.
Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Chính Hữu là nhà thơ đầu tiên phát hiện về tình đồng chí đồng đội của những người lính cụ Hồ. Họ là những con người xa lạ, ra đi từ những miền quê nghèo khó của mọi miền Tổ quốc cùng chung nguồn gốc xuất thân – những người nông dân mặc áo lính. Họ gặp nhau và quen nhau dưới ngọn cờ của lí tưởng cách mạng soi sáng. Rồi từ đó, họ cùng nhau sẻ chia những khó khăn gian khổ của cuộc đời người lính. Sự gắn bó, sự sẻ chia về những năm tháng gian lao của cuộc đời ngưới lính đã thắt chặt họ thành những người bạn tri kỉ, tri âm.Tình đồng chí, đồng đội tự nhiên như thế vừa là tình chiến đấu, vừa là tình thân. Vẻ đẹp của người lính vẫn lung linh đến hôm nay:
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”
Cuộc kháng chiến chống Pháp trường kì của dân tộc các anh đã cùng với nhân dân ta đã làm nên một Điện Biên Phủ đi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Đống Đa và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của chủ nghĩa đế quốc.
“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”
“ Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi
– Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù”.
Tiếng hò kéo pháo làm sống dậy cả một hình ảnh trùng điệp năm xưa với những bước chân hùng dũng, ngoan cường của người chiến sĩ. Họ đã vào trận với tất cả tấm lòng thành, với lời thề son sắt với Đảng, với Bác Hồ kính yêu. Cho nên không khó khăn nào mà họ không vượt qua, chẳng kẻ thù nào mà họ không đánh thắng.
Họ chẳng phải là ai xa lạ và cao siêu, họ vẫn là những chàng trai chân đất, là anh Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng, là anh Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo, là anh Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, là anh Cù Chính Lan dũng cảm đánh xe tăng địch... Nhà thơ Tố Hữu đã kẻ về các anh với những lời thơ thành kính, yêu thương và cảm phục:
Những đồng chí, thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão,
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt, còn ôm...
Họ còn là biết bao tên tuổi chói lọi khác đã làm nên một Điện Biên Phủ lẫy lừng, chấn động địa cầu, cả nước reo mừng, hoan hô chào đón các anh trong niềm vui chiến thắng:
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn!
Còn gì đẹp hơn hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ – Hình ảnh của cả một dân tộc gan góc đúc kết trong đó. Các anh rất xứng đáng được đón nhận tình thương yêu, lòng trân trọng cảm phục của nhân dân, bởi các anh là những người con anh hùng của thời đại, là con đẻ của nhân dân và mang trong mình lí tưởng cao đẹp nhất: Ra đi là mang chiến thắng trở về, ra đi là đem lại cảnh thanh bình cho đất nước:
Các anh về mái ấm nhà vui
Các anh về xôn xao làng quê bé nhỏ
Và:
Anh về cối lại vang lừng
Chim kêu quanh núi, gà mừng dưới sân
Anh về sáo lại ái ân
Đêm trăng hò hẹn trong ngần tiếng ca
Trưởng thành từ những cuộc trường chinh đầy cam go và thử thách, đội quân ta ngày càng trùng trùng điệp điệp, điệp điệp trùng trùng nối tiếp nhau ra trận:
Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chí chung câu quân hành
Các anh đã lập nên những chiến công hiển hách, đã tô thắm cho trang sử vàng ngày càng chói lọi của dân tộc. Dòng máu của các anh đã viết nên những bản anh hùng ca bất diệt, gây cho quân thù những nỗi kinh hoàng sợ hãi:
Quân thù đi mỗi bước
Mỗi bước chết âm thầm
Từ chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng đã khiến cho thực dân Pháp phải tìm đường tháo chạy, chấp nhận sự thất bại, nhục nhã. Các anh bộ đội Cụ Hồ, những người luôn luôn chiến thắng và kiêu hãnh bước tiếp vào trận mới. Các anh luôn sẵn sàng tay súng tiêu diệt quân thù, canh giữ biển trời của ta:
Giặc Mỹ mày đến đây
Thì ta tiêu diệt ngay
Trời xanh ta nổi lửa
Biển xanh ta giết mày
(Sao chiến thắng – Chế Lan Viên).
Trong cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc, con đường Trường Sơn huyền thoại in đậm những dấu tích hùng anh mà không một người lính năm nào không nhớ:
“Trường Sơn đông nắng tây mưa
Ai chưa đến đó thì chưa rõ mình”
Và các anh
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phới phới dậy tương lai
Tương lai của dân tộc đang nằm trong tầm tay của các anh. Các anh sẵn sàng ra đi với ý thức “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Các anh là những người hơn ai hết đã hiểu rõ ý nghĩa của những cuộc chiến đấu của dân tộc mà các anh là những người trực tiếp cầm súng chặn bàn tay gieo tội ác của quân thù.
Chất thơ của cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt đã được nhà thơ Phạm Tiiến Duật khắc họa với hình ảnh những người lính lái xe Trường Sơn với vẻ đẹp của tư thế ung dung, hiên ngang: bất chấp những khó khăn gian khổ của cuộc đời người lính với tinh thần lạc quan; với tình đồng chí đồng đội sâu nặng và ý chí chiến đấu vì Miền Nam ruột thịt:
“Xe vẫn chạy vì Miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”
Mỗi một khoảng lặng trong cuộc đời người lính, tranh thủ khi tiếng súng lặng yên, các anh cùng sống với tâm hồn của những con người bình dị nhất, mộc mạc nhất:
Họ cùng sẻ chia những nỗi niềm riêng, những nỗi niềm sâu kín:
“Đồng chí!
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”.
Họ bắt gặp đâu đó trên mọi nẻo đường quê: hình bóng quê nhà:
“Trên đường hành quân xa
Tiếng gà ai nhảy ổ
Cục ... cục tác ... cục ta
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ”
Hơn hết là tình đồng chí, đồng đội sâu nặng:
“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bếp lửa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm”
Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ chính là hình ảnh của dân tộc Việt Nam anh hùng. Dáng đứng của anh trước quân thù là dáng đứng hùng dũng bất khuất, hiên ngang của cả dân tộc Việt Nam anh hùng. Các anh là những con người vô danh luôn trong tư thế tiến công kẻ thù. Từ tư thế cầm súng chờ giặc tới mà đánh, đến sự hi sinh cao đẹp của các anh đều thể hiện dáng vẻ kiên cường, khiến quân thù khiếp đảm và mang lại niềm tự hào cho dân tộc.
Anh chẳng để lại gì trước lúc lên đường
Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ
Sự hi sinh của các anh là để đem lại muôn sự sống trên đời cho dân tộc nên các anh đã xem cái chết nhẹ như bông hồng. Sự hi sinh của các anh để lại muôn vàn tình thương nhớ và cả niềm tự hào cho cả dân tộc.
Ôi Việt nam, xứ sở lạ lùng
Đến em thơ cũng hoá những anh hùng
Đến ong dại cũng luyện thành chiến sĩ
Và hoa trái cũng biến thành vũ khí
Quân đội ta tự hào thay được lớn lên dưới ánh sáng mà Bác đã soi đường chỉ lối. Tên của các anh gắn liền với tên đất nước. Càng kiêu hãnh biết bao tên anh được gắn với tên của vị cha già kính yêu của dân tộc “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Bác là vị cha già, là lãnh tụ vĩ đại đã trao cho các anh sứ mệnh lịch sử, đã cùng đoàn quân lội suối trèo đèo đi kháng chiến trong những năm tháng trường kì kháng chiến. Rồi lại cùng đoàn quân ra mặt trận để tiêu diệt quân thù trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. lời Bác gọi là lời non sông. Cả nước cùng Người ra trận.
Chúng ta tự hào được sống trong những ngày sôi động của dân tộc, được sống trong thời đại tươi đẹp – thời đại mà Bác Hồ đã khai sinh, đã soi đường chỉ lối, chúng ta nguyện tiếp bước theo các anh để ghi tiếp những cái tên đẹp nhất trong trang sử nước nhà, để xây đắp tiếp những vườn hoa tươi thắm chói ngời trang sử vàng dân tộc. Còn niềm vui nào hơn khi chúng ta vinh dự trở thành những người chiến sĩ tiếp bước các anh:
“Nếu được làm hạt giống để mùa sau
Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn làm người lính đi đầu
Trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa”
Mơ ước làm anh bộ đội, mơ ước trở thành những con người trung dũng, ngoan cường, phấn đấu dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc. Mơ ước được mang tên: “Anh bộ đội Cụ Hồ” để một mai cùng đoàn quân ra trận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là ước mơ của tuổi trẻ, của đàn em nối gót theo các anh – những người anh bình thường, giản dị đã đọng lại trong lòng nhân dân biết bao tình cảm khó quên.
Trong ngày vui hôm nay của đất nước, tất cả chúng ta không ai có quyền quên, không bao giờ được quên biết bao anh hùng đã ngã xuống, lấy máu đào tô thắm màu cờ và làm rạng rỡ non sông đất nước ta. Chúng ta càng không thể quên hình ảnh Bác Hồ kính yêu – vị cha già của dân tộc suốt đời trăn trở với niềm mong ước làm sao cho đất nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành và mong muốn đem lại sự giàu mạnh cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân và xã hội công bằng văn minh.
Minh Ngọc
THCS Xuân Thủy