Đó là lời dẫn hoành tráng đầy vẻ tự hào mà chúng tôi đã được nghe nhiều ở những sân khấu lớn nhỏ trong tỉnh ta. Từ Trung tâm VHTT tỉnh đến Quảng trường biển bên quê hương mẹ Suốt trong hội diễn Công - Nông - Binh diễn ra hồi tháng 6 vừa rồi cho đến Trung tâm VHTT huyện Lệ Thủy, sân khấu của Sở GD&ĐT Quảng Bình và đêm công diễn tại Trung tâm VHTT tỉnh trong dịp kỉ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Tiết mục được mang tên “Tướng quân Võ Nguyên Giáp”, một sáng tác của nhạc sĩ Bùi Hoàng Yến nhân kỉ niệm lần sinh nhật thứ 100 của người Anh Cả lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Ca khúc “Tướng quân Võ Nguyên Giáp” chứa đựng những lời ca bình dị mà đẹp đẽ, tha thiết. Bài hát có giai điệu trầm hùng mà trữ tình, bay bổng. Nghe ca khúc này, người người cảm nhận hình ảnh của một vị Anh hùng với phẩm chất chính trực, vì nước vì dân. Sử dụng chất liệu nhạc mang âm hưởng dân ca Quảng Bình hòa quyện cùng lời ca hào sảng, hùng tráng. Được nhạc sĩ mở đầu bằng những ca từ ngợi ca, tự hào: “Xứng danh người anh Cả. Trọn cuộc đời vì nước vì dân. Xuôi về tuổi ấu thơ. Ra đi từ An Xá quê hương...”
Đặc biệt hơn, những ca từ và âm hưởng đó lại được cất lên từ giọng ca của thầy giáo Thanh Phương cùng sự phụ họa của đội hát bè và tốp múa qua sự giàn dựng của cô giáo Minh Trang, chúng tôi ai nấy đều xúc động đến rơi nước mắt. Là người Lệ Thủy, có ai lại không sởn da gà khi nghe: “Hôm nay người về đây, trên quê hương Quảng Bình. Tay ôm Lệ Thủy, soi mình bên dòng Kiến Giang, mắt nhìn xa xăm, núi non giang sơn điệp trùng...”. Có cảm giác như vị Đại tướng muôn vàn kính yêu của chúng ta đang đứng ở ngã ba Mũi Viết, phóng tầm mắt trông về bốn phía mà lòng thấy tự hào cho những đổi mới trên quê hương của một thời máu lửa, của Lệ Thủy đất và người, máu và hoa...
Dù ở các sân khấu lớn nhỏ khác nhau, đối tượng khán giả cũng không giống nhau, nhưng đều có một điểm chung ở tiết mục “Tướng quân Võ Nguyên Giáp” là: khi chưa biểu diễn thì khán giả háo hức chờ đợi, trong lúc biểu diễn thì lặng im thưởng thức và khi kết thúc là tiếng vỗ tay dội vang lên không ngớt. Đó là những tình cảm mà không dễ một tiết mục nào cũng may mắn có được.
Gần đây nhất, trong hội diễn văn nghệ chào mừng 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2012) do Sở GD&ĐT Quảng Bình tổ chức, chương trình của đoàn Lệ Thủy tham gia với ba tiết mục: hát múa “Tướng quân Võ Nguyên Giáp”, “Bay cao tiếng hát tự hào” và tiết mục múa quạt “Đề thơ”. Cả ba tiết mục đều lọt vào trong 18 tiết mục xuất sắc, trong đó “Tướng quân Võ Nguyên Giáp” xếp ở vị trí đầu tiên, góp phần đưa chương trình của đoàn chúng ta lên ngôi “đầu bảng”. Với chất giọng ấm áp và truyền cảm, Thanh Phương đã chinh phục được con tim của hàng ngàn khán giả mến mộ. Anh em trong đội văn nghệ của ngành thường nhận xét: chỉ có người Lệ Thủy mới hát về Đại tướng hay được như thế, bởi hơn ai hết, chúng ta cảm nhận được những giai điệu và ca từ trong niềm vui sướng và tự hào về người con ưu tú trên mảnh đất quê mình.
Trong suốt quá trình tập luyện cho những lần biểu diễn trên sân khấu, chúng tôi đã nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần, thế nhưng mỗi lần nghe là mỗi lần nghẹn ngào xúc động, mỗi lần nước mắt rưng rưng: “Xuôi về tuổi ấu thơ, ra đi từ An Xá quê hương...”, đặc biệt là: “Hôm nay người về đây, trên quê hương Quảng Bình, tay ôm Lệ Thủy, soi mình bên dòng Kiến Giang...”, nghe sao thân thương bình dị quá! Mộc mạc đơn sơ mà chứa chan biết mấy ân tình quê hương. “Vượt qua bao dặm đường, trải thân bao chiến trường dải nắng dầm mưa” nhưng cái chất giọng Lệ Thủy vẫn “đặc sệt”. Đó là vì hồn quê, tình người của đất mẹ luôn thường trực trong trái tim Đại tướng muôn vàn thân thương, gần gũi với tất cả chúng ta đây!
Bên cạnh chất giọng tuyệt vời của Thanh Phương, phải kể đến đội hát bè gồm 6 thầy cô giáo là Thanh Hợi, Hải Lý, Hồng Vân, Trung Đạt, Xuân Dân và Chí Dũng. Họ đều là giáo viên dạy Âm nhạc ở các trường nên cách biểu diễn và kỹ thuật gần như là đã chuyên nghiệp. Một nhân tố quan trọng nữa góp phần nâng tiết mục lên tầm cao đó là tốp múa phụ họa. Ngôn ngữ múa rất giàu tính hình tượng và đặc sắc về nghệ thuật. Tất cả tạo thành một chỉnh thể thống nhất, thành một tác phẩm hoàn hảo, làm hài lòng khán thính giả. Dù thể hiện chưa đầy mười phút trên sân khấu nhưng đã tái hiện lại toàn bộ thân thế và sự nghiệp của Đại tướng, dựng lên một bức tượng đài sừng sững về người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương xứ Lệ anh hùng.
“Nếu cuộc đời, có cho đi lại từ đầu, Tướng quân vẫn sẽ đi lại con đường mà người đã đi”. Đó là con đường cách mạng, con đường vì nước vì dân, vì sự ấm no, bình yên của nhân dân đất nước. Vâng, ở Hà Nội xa xôi, Đại tướng có biết chúng cháu ngày đêm say sưa hát về người để tự hào về người. Bởi chúng cháu nghĩ rằng, mỗi lời ca tiếng hát của chúng cháu chính là những lời tri ân với người thầy giáo đáng kính, vị “Đại tướng của lòng dân” bình dị mà cao cả lạ thường!
Bảo Châu