Lê Văn Khoan (1881-1950) con cả ông huyện Lê. Lúc nhỏ tên Chè, thi đỗ học sinh nên gọi là Học Chè. Học Chè thường có tính ngang tàng khích thượng. Thượng cấp lúc này đa số là tham quan, nịnh Tây, nên cái khích thượng của Học Chè lại được lòng dân.
Một hôm (1940) uống rượu “say” Học Chè lên trước huyện đường chửi quan huyện Vui “Cha cha là vui…”. Huyện Vui biết tiếng Học Chè nên lờ đi.
Mấy năm sau, Học Chè lại lên ghẹo Huyện Trà. Lần này ông cũng “say” đái ra trước cổng huyện. Nghe tiếng nước đái xè xè, thầy Thập hầm hầm chạy ra… Thấy Học Chè, thầy ái ngại: “Mời cậu đi chơi chỗ khác! Ai lại…”. Thầy Thập đang gãi tai thì Học Chè cười: Thầy có thấy người tôi mệt không? Vũng nước đái vàng vàng có giống “trà” trong huyện không? Thầy Thập ngao ngán bước lui.
Học Chè coi thường các quan huyện, tỉnh, kể cả các vị tú, cử trong vùng vì văn thơ không bằng ông. Ông viết hai câu đối dán trước cổng nhà để bộc lộ tâm sự sâu xa của mình:
- Cao lớn mà làm chi! Miễn khỏi vào luồn ra cúi! Xa xôi đâu cũng mặc! Từ đây đi trước bước đầu!
Một hôm giỗ ông Hy, ông nội Học Chè. Thấy ngồi ăn trong một mâm có hai cháu con người em tên Sủng tên Sỉnh, hai cháu con người anh tên U tên Ê, ông buột miệng cười:
- Chú bác mấy người mà sủng sỉnh!
Anh em hai đứa cũng u ê!
Cụ Học Chè là một nhà nho yêu nước. Trong chiến tranh chống Pháp, gia đình cụ của có con đông. Nhưng bị chiến tranh tàn phá tan nát… đến tuyệt tự: Lê Văn Trí con cả bị Pháp giết năm 1948, Lê Văn Thủ con thứ, thôn đội trưởng dân quân đang làm nhiệm vụ hy sinh ngày 15- 7-1949, Lê Văn Trụ, nguyên xã đội trưởng, cán sự tỉnh đội bị bệnh chết (1949); Lê Thị Say chết cháy vì bom Mỹ 1967, Lê Văn Khanh – liệt sĩ, con ông Thủ, đứa cháu trai cuối cùng của cụ đi bộ đội hy sinh tại Campuchia 1967.
Ông từ biệt cõi đời năm 1950 giữa lúc chiến tranh ác liệt, lúc thơ văn ông sung sức, hừng hực khí thế đánh Tây, căm thù đang dồn lên ngọn bút. Ông để lại hàng trăm bài thơ ca hò vè yêu nước. Nhiều bài đã tạc vào lòng dân, sẽ còn sống mãi với thời gian. [1]
Ông xứng đáng là một danh nhân văn hóa của huyện Lệ Thủy.
Vè mùa đông binh sĩ
Sau Cách mạng tháng 8- 1945, ông Lê Văn Khoan tích cực hoạt động văn hóa văn nghệ trong địa phương. Vè mùa đông binh sĩ là một sáng tác kịp thời của ông trong đợt vận động áo ấm và quà bánh cho bộ đội cuối 1945.
Lẳng lặng mà nghe
Cái vè chiến sĩ
Bốn phương hồ thỉ
Muôn dặm sa trường
Đạp tuyết dày sương
Nằm gươm gối giáp
Vì thực dân Pháp
Quen thói tham lang
Chiếm cứ Việt Nam
Xây nền đô hộ
Hiệp định sơ bộ
Mồng sáu tháng ba
Trước nó cầu hòa
Sau cùng bội tính
Mười bốn tháng chín
Tạm ước tạm thời
Ba mươi tháng mười
Thi hành phải đúng
Thế mà tiếng súng
Cứ nổ không ngừng
Thiết giáp xe tăng
Ca nông đại bác
Nha Trang Đà Lạt
Liên tục tiến công
Lạng Sơn Hải Phòng
Luôn luôn khiêu chiến
Quân ra tiền tuyến
Tự vệ xung phong
Hăng hái một lòng
Hy sinh tranh đấu
Thề đem xương máu
Quyết với quân thù
Nào chốn chiến khu
Nào nơi hiểm địa
Xa cha xa mẹ
Lìa vợ lìa con
Vượt suối trèo non
Xông tên lướt đạn
Nhớ thương các bạn
Bắc chiến Nam chinh
Biết mấy công trình
Biết bao vất vả
Một ngày hai bữa
Cơm muối vừa ăn
Giày, nịt, áo, chăn
Có đâu cho phỉ
Nước nhà ngân quỹ
Chưa được dồi dào
Lên tiếng hô hào
Toàn dân ủng hộ
Bây giờ thủy bộ
Đâu cũng canh phòng
Chiến sĩ mùa đông
Là nơi quan yếu
Trời màn đất chiếu
Không kể ngày đêm
Không nịt không giày
Làm sao chịu nổi
Mưa bay gió thổi
Lạnh buốt xương da
Tuyết phủ sương sa
Thấm vào tim tủy
Những người chiến sĩ
Không kể thân mình
Không kể gia đình
Không nài nguy hiểm
Chúng ta kiểm điểm
Mấy tháng gần đây
Giặc Pháp bao vây
Nam phần Trung bộ
Khi giặc khủng bố
Thừa lệnh tản cư
Vườn trống nhà hư
Ruộng vườn bỏ cả
Chúng ta làm lụng
Cho cả phố phường
Tiền tuyến hậu phương
No ăn ấm mặc
Tuy rằng giết giặc
Thừa lệnh quốc gia
Nhưng sức xông pha
Nhờ công chiến sĩ
Chúng ta phải nghĩ
Chiến sĩ đã từng
Hy sinh tính mệnh
Gặp cơn gió lạnh
Của tiết mùa đông
Ta phải hết lòng
Góp nhiều tài sản
Hỡi nhà tư bản
Cùng bạn nông thương
Đánh giặc hậu phương
Mau mau lo liệu
Nào chăn nào chiếu
Nào nệm nào mền
Hoặc những đồ len
Hay là áo ấm
Nhắc nhau mua sắm
Giúp bạc giúp tiền
Nhiều ít phải quyên
Trong mùa rét mướt
Những khi áo ướt
Gặp được than hồng
Ai cũng vui lòng
Thêm phần cương quyết
Mấy lời tâm huyết
Kêu gọi đồng bào
Nhớ đến công lao
Của người chiến sĩ
Còn nữa
Theo Lệ Thủy quê tôi của Lê Văn Khuyên
Xem thơ văn Lê Văn Khoan ở phần Phụ Lục