Sau 02 ngày tiến hành tổ chức lớp bồi dưỡng hát dân ca Hò khoan Lệ Thủy, chiều ngày 16 tháng 8 năm 2012 tại Trung tâm VHTT&TT huyện Lệ Thủy Ban tổ chức đã tiến hành công tác sơ kết đợt 1 nhằm đánh giá công tác bồi dưỡng, rút ra bài học kinh nghiệm để chuẩn bị tốt các điều điện cho công tác bồi dưỡng giai đoạn 2.
Đến dự sơ kết lớp bồi dưỡng có đồng chí Nguyễn Thị Hòa - HUV - Phó trưởng phòng GD&ĐT Lệ Thủy - Phó trưởng ban tổ chức; các đồng chí trong ban tổ chức; các đồng chí giảng viên cùng tất cả các học viên tham gia lớp học.
Thay mặt BTC đồng chí Nguyễn Thị Hòa đánh giá lại những mặt đã thực hiện được đồng thời chỉ ra những mặt hạn chế như:
Các trường chấp hành tốt việc cử đủ giáo viên và học sinh tham gia lớp bồi dưỡng, lựa chọn học sinh có năng khiếu hát tốt, cử giáo viên có năng lực, đúng trình độ chuyên ngành đào tạo âm nhạc. Tổng số học viên tham gia 151 người, đến từ 91 trường MN, TH, THCS, TH&THCS gồm có 91 giáo viên, 60 học sinh. Được chia thành 2 lớp học đặt tại Phòng Giáo dục và Đào tạo và Trung tâm văn hoá huyện. Các đơn vị vùng sâu, vùng xa như Kim Thuỷ, Ngân Thuỷ, Lâm Thuỷ, Ngư Thuỷ Bắc, Ngư Thuỷ Nam, Ngư Thuỷ Trung khắc phục khó khăn về đi lại tham gia học tập đầy đủ.
Trung tâm văn hoá thông tin và thể thao huyện đã tích cực xây dựng bộ tài liệu, huy động CSVC phục vụ lớp học: Loa máy, hội trường. Tổ chức khai giảng lớp học đúng lịch trình, có sự tham gia đầy đủ của các đồng chí đại diện lãnh đạo Ban tuyên giáo huyện ủy, Phòng VHTT, Trung tâm VHTT-TT, Đài truyền thanh, phòng GD&ĐT. Điều này chứng tỏ, các cấp các ngành có liên quan rất quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương Lệ Thủy.
Nhìn chung học viên chấp hành đúng nội quy lớp học, đi học đúng giờ, tích cực tập hát. Đảm bảo trật tự lớp học, tham gia hoạt động văn nghệ sôi nổi. Nhiều em học sinh tích cực hăng say tiếp thu nội dung bài giảng.
Giảng viên nhiệt tình giảng dạy, có trách nhiệm cao, sử dụng công nghệ thông tin trợ giúp, sử dụng các nhạc cụ để tập hát cho học viên một cách dễ hiểu, nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Qua lớp tập huấn lần này thể hiện được tài năng, vốn hiểu biết cũng như kinh nghiệm quý giá của các nghệ nhân văn hoá về hát làn điệu dân ca hò khoan Lệ Thuỷ.
Qua 02 ngày tiếp thu và trực tiếp thực hành các học viên cơ bản biết được các làn điệu Hò khoan Lệ Thuỷ, hát đúng lời, đúng các làn điệu dân ca như: mái ruỗi, mái chè, mái xắp, mái nện, mái ba, gõ đúng phách, đúng nhịp của từng làn điệu.
Bên cạnh những ưu điểm thì một số đơn vị trường chọn cử giáo viên tham gia bồi dưỡng chưa phù hợp chuyên môn đào tạo (có 4 đồng chí không đúng chuyên ngành đào tạo Âm nhạc) do vậy khả năng hát, hiểu biết về âm nhạc còn hạn chế; Một số đơn vị tiếp nhận công văn muộn dẫn đến học viên không tham gia được buổi khai giảng; Một số học viên chấp hành không nghiêm túc nội quy lớp học, tự ý bỏ học khi chưa có sự đồng ý của Ban Tổ chức lớp bồi dưỡng; Một số học sinh TH chưa thực hiện được các câu hát dài ở âm vực giọng cao.
Ban tổ chức cũng yêu cầu và đề ra những công việc đối với học viên và giảng viên trong thời gian tiếp nối :
Học viên cần tiếp tục tập luyện các làn điệu dân ca hò khoan Lệ Thuỷ, hát thuộc lời, đúng giai điệu mà các giảng viên đã hướng dẫn. Tích cực tham mưu cho Ban lãnh đạo trường sớm thành lập câu lạc bộ và triển khai tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ giáo viên và học sỉnh toàn trường về hát dân ca Hò khoan Lệ Thuỷ trong năm học 2012-2013 (20/11 có tổ chức hội thi VN chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 1 đơn vị THCS sẽ có 1 tiết mục bắt buộc hát Hò khoan Lệ Thủy), sưu tầm ít nhất 02 bài hát dân ca Hò khoan Lệ Thuỷ/đơn vị trường học (trong đó có 01 bài hát viết về mái trường, bạn bè, thầy cô, mối quan hệ nhà trường-gia đình- xã hội).
Giảng viên tiếp tục chuẩn bị nội dung, tài liệu tập huấn đợt 2 (thời gian 3 ngày vào đầu tháng 9/2012), đặc biệt lưu ý sưu tầm các bài hát có nội dung ca ngợi thầy cô giáo, trường lớp, bạn bè,... nhằm góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Hy vọng rằng qua đợt bồi dưỡng này phong trào hát dân ca Hò khoan Lệ Thủy ở các đơn vị trường học ngày càng được chú trọng và phát động sâu rộng trong đội ngũ giáo viên và học sinh nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy nét văn hóa phi vật thể có từ thời xưa của địa phương Lệ Thủy trong kho tàng dân ca Quảng Bình.
BTC
