Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 226
Số lượt truy cập: 64851521

Quảng cáo
TRƯỜNG TH&THCS SỐ 1 TRƯỜNG THUỶ- NƠI TÌNH YÊU BẮT ĐẦU! 11/16/2023 11:14:50 AM
Trong một cuộc hành trình làm việc, không phải lúc nào cũng dễ dàng để tìm được một nơi mà bạn có thể gắn bó và yêu thương. Đối với một người giáo viên, việc cảm nhận về ngôi trường và thể hiện tình cảm của mình đôi khi quan trọng hơn bất kì khoản lương nào. Thời gian trôi qua thật nhanh! Vậy là đã hơn mười bảy năm, kể từ ngày đầu tiên tôi đặt chân đến ngôi trường TH&THCS số 1 Trường Thuỷ. Một ngày dịu dàng của tháng Tám mùa thu năm 2006, cầm quyết định trên tay để đến với ngôi trường này, bao cảm xúc cứ lẫn lộn. Trang đầu tiên trong cuộc đời dạy học của tôi được mở ra ở nơi đây - một nơi mà không ngỡ mình lại có quãng thời gian gắn bó lâu dài, sâu sắc đến thế. Tôi tự nhắn với lòng, đây là nơi tình yêu bắt đầu!!!

Tap the HDSP nam hoc 2022-2023.jpg

Vạn sự khởi đầu nan!

Chắc hẳn cái cảm xúc của những ngày đầu tiên chập chững bước vào nghề ai cũng có và tôi cũng không ngoại lệ. Ngày ấy, tôi  là cô sinh viên mới ra trường. Tôi đến trường để dạy buổi học đầu tiên vào một ngày mùa thu nắng đẹp với tâm thế sẵn sàng đón chờ những điều mới mẻ, tôi đã háo hức biết nhường nào! Sẵn sàng là thế, háo hức là thế nhưng tôi cũng không tránh khỏi sự bỡ ngỡ, lo lắng khi đặt chân đến ngôi trường mà đối với tôi hoàn toàn xa lạ. Không bỡ ngỡ sao được khi tôi chưa từng gặp lãnh đạo nhà trường và các đồng nghiệp nơi đây. Không lo lắng sao được khi chẳng biết làm như thế nào để bắt nhịp với cường độ công việc mà tôi sẽ được giao, và không biết bản thân có nhanh chóng hòa đồng được với các đồng nghiệp trong trường hay không? Vậy mà chỉ sau hơn một tháng tôi đã cảm thấy hoàn toàn thân thuộc với nơi đây. Vì sao ư? Vì ngay ngày đầu tiên về trường tôi đã được các thầy cô Ban giám hiệu tiếp đón rất thân thiện, chính họ đã tạo cho tôi có tâm lý thoải mái nhất để không còn cảm giác bỡ ngỡ và lo âu như lúc đầu. Sự gần gũi của các đồng nghiệp mà đồng chí chủ tịch công đoàn vẫn nói vui là “ma cũ” dành cho những “ma mới” như tôi. Tiếp xúc với họ tôi không còn thấy khoảng cách của những người xa lạ nữa mà thay vào đó là sự ân cần, trìu mến như người nhà.

Thật sự, đến giờ tôi không thể nào quên được, con đường đất đỏ từ nhà đến trường 12 km, làm sao tôi có thể vượt qua được theo năm tháng. Mùa nắng thì bụi bám vàng áo, mùa mưa thì lầy lội phải đi bộ dắt xe. Xứ Trường ngày ấy heo hút, hoang sơ với con đường miền núi nhỏ hẹp, cả ngày chỉ vài chuyến xe qua. Ngôi trường nằm giữa rừng keo tràm, chỉ có một dãy tám phòng học không lấy gì làm khang trang. Khu tập thể lại càng ọp ẹp hơn. Đồng lương ngày đó rất hạn hẹp. Nhưng  tôi vẫn đến với học sinh bằng tất cả tấm lòng và nhiệt huyết tuổi trẻ, trong nỗi niềm cơm đùm gạo bới. Khổ nhọc là thế, mà sao mỗi lần bồi hồi kể về ký ức, vẫn rạng rỡ niềm hạnh phúc đến khó tả.

Và tôi đã trưởng thành!

Hành trình trưởng thành trong nghề của tôi gắn liền với kinh nghiệm và bản lĩnh của thầy cô đã trao truyền thời đi học đại học. Nhiều bài học đã trở thành hành trang đích thực để có thể giúp tôi được chấp nhận khi làm nghề giáo. Đó chính là sự logic trong tư duy thông qua phương pháp trước khi trình bày, diễn đạt hay diễn giải mà tôi học được thông qua một cô giáo đáng kính. Đó là hơi thở của cuộc sống và sự định hướng mầm sống của tri thức khi phả hơi thở của cây đời xanh tươi mà tôi sở hữu được từ một cô giáo khác rất hiện đại và cực kỳ thân thiện. Hay đó còn là những kỹ thuật tương tác để phá băng trong lớp học, cách khơi gợi và động viên người học và hàng loạt những sự nghiêm khắc hay yêu cầu cao trong làm việc, học tập và nghiên cứu đều được khai thác khi trở thành giáo viên. Bài học để học giờ lại là bài học để làm, bài học để làm nghề lại là bài học để tiếp tục được nhân lên. Phong cách, sự rõ ràng trong mối quan hệ, sự quyết liệt trong xử lý vấn đề và sự nhạy cảm tương tác với từng đồng nghiệp, với từng người học là bài học quý giá mà  giáo trẻ như tôi có được…

Chợt nghĩ về hành trình đã qua, càng thấy rằng sự trưởng thành không phải là nhiều hơn tuổi hay đủ tuổi, cũng hoàn toàn không phải là chúng ta có được gì mà là chúng ta đã có gì trong tâm trí người khác, trong đời sống xã hội. Nghề giáo lại càng hơn thế, bao nhiêu thế hệ học trò đã đi qua, bao nhiêu lớp, trường chúng ta đã đến hay bao nhiêu bài giảng có ấn tượng đến đâu cũng chỉ là con số. Thế nhưng chắc chắn rằng, chỗ đứng vững chãi nhất của giáo viên là trong tâm trí của học trò, vị trí xứng đáng nhất của nghề giáo là trong tinh thần và trí tuệ của nhiều thế hệ.

May mắn khi đến với nghề, tôi đã từng là học trò của biết bao thầy cô tài giỏi và đầy tâm huyết. Dấu ấn của thầy cô đã để lại trong ngôn phong, tác phong, sự ứng xử với người học, đạo đức nghề giáo, … là hành trình mà tôi đã được cưu mang đúng nghĩa để làm nghề. Hình ảnh của thầy cô đậm nét hay có thể đã mờ dần nhưng chắc chắn vẫn gắn chặt với những gì tôi tiếp tục trao - nhận. Những trăn trở của thầy cô về phương pháp dạy học, hình thức dạy học hay sự tương tác tích cực giữa người dạy và người học đã là mối quan tâm và hơi thở thường trực để chúng tôi làm nghề và trân quý nghề mình đã và đang làm mãi mãi. Người ta có nhiều cách để trưởng thành nhưng chắc chắn không thể trưởng thành đúng nghĩa một cách tự nhiên.

Dù biết nghề dạy học sẽ có nhiều gian nan, vất vả. Song, không vì thế mà tôi nản bước. Bởi phía trước tôi là một con đường dù có vất vả, gian nan nhưng mà con đường đó là một con đường vui vẻ - con đường của tri thức, của nghiệp chèo đò. Nghề dạy học không đem lại cho tôi nguồn thu nhập lớn như những bạn bè cùng trang lứa nhưng tôi chưa bao giờ lấy điều đó làm thước đo của cuộc sống. Điều tôi quan niệm là mình đem lại không chỉ tri thức cho học trò mà còn phải đem đến cho các em niềm vui, niềm hy vọng trong cuộc sống hàng ngày, gieo cho các em nuôi dưỡng những ước mơ, hoài bão.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tôi luôn cố gắng để vượt lên tất cả để làm đúng trách nhiệm và bổn phận của một người thầy. Và, cứ thế, những hạnh phúc, những niềm vui nho nhỏ của nghề dạy học cứ đến và đi bất chợt… Hàng ngày, những người thầy như tôi vẫn phải đối diện với rất nhiều những áp lực từ nhiều phía khác nhau. Nhưng vượt lên tất cả là bổn phận và thiên chức của một người thầy đang tận tụy vì sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Hàng ngày vào lớp, nhìn những khuôn mặt non tơ của các em học sinh như đang chờ đợi mình giảng bài mà niềm vui xốn xang đến lạ. Cả một đời đi dạy vẫn là những cô cậu học trò tuổi mới lớn đầy mộng mơ, hồn nhiên và khát vọng, bỗng dưng cảm thấy mình như là người không có tuổi… hạnh phúc đến vô cùng. Hàng đêm, một mình bên những tập bài kiểm tra của trò, tôi lặng lẽ đọc, tỉ mẩn sửa cho các em từng dấu câu, từng lỗi chính tả, gạch bỏ những từ ngữ không phù hợp, từ tối nghĩa ...

Có những lúc tôi “bực mình” khi đọc những bài viết của một vài em cẩu thả, hành văn yếu nhưng rồi lại đắm chìm trong mạch cảm xúc của nhiều bài văn đầy cảm xúc và sáng tạo của học trò. Đọc được những bài văn hay, sắc sảo của trò, tự nhiên tôi lại thấy mình giàu có và tự hào, đời còn gì hạnh phúc hơn? Người thầy như tôi có hàng trăm học trò, mỗi học trò một tính cách, một ý thức học tập khác nhau. Có những em học hành chểnh mảng, ham chơi hơn ham học. Nhưng, tình yêu nghề, trách nhiệm của một người thầy mà chúng tôi luôn bên cạnh và giúp đỡ các em thay đổi tính tình, ý thức học tập, rồi các em trưởng thành.

Những hạnh phúc không tên, âm thầm đó như một ngọn lửa âm ĩ cháy trong lòng của mỗi người thầy. Và, đó chính là hạnh phúc của người thầy khi đang đứng lớp. Nhiều khi, đứng trên bục giảng gặp phải học sinh quậy phá, hỗn hào, bất chợt cảm thấy giận học trò vô cùng nhưng rồi nụ cười lại hiện hữu bởi một lẽ giản đơn: Học trò thời nào chẳng thế… Những buồn vui của nghề cứ chợt đến chợt đi từ năm này qua năm khác. Nhiều buổi không có tiết dạy ở nhà lại cảm thấy buồn buồn nhớ nhớ những khuôn mặt ngây thơ, những lúc quậy phá của học trò…

Rồi mỗi năm cứ đến ngày 20/11 hay dịp lễ tết trên điện thoại tôi liên tục nhận được những dòng tin nhắn chúc mừng hay nhiều lúc bước trên các nẻo đường đời hoặc đang ngồi trong quán nhâm nhi ly cà phê sáng, bất chợt nghe tiếng “chào cô” của những em học trò cũ mà lòng cảm thấy lâng lâng bởi học trò còn nhớ mình, nhớ về đạo lí mà thuở nào mình truyền đạt. Những “món quà vô giá” bất chợt đó thực sự là nguồn động lực cho những người thầy đứng lớp như  tôi.

Và tôi đã yêu thương!

Với tôi, tình yêu bắt đầu từ những điều đơn giản nhất, gần gũi nhất trong cuộc sống. Và tôi có một tình yêu thuần tuý với đại gia đình thứ hai - nơi mà có biết bao trái tim cùng hoà chung một nhịp đập - Trường TH&THCS số 1 Trường Thuỷ.

Thời gian qua kẽ tay

Làm khô những chiếc lá

Thật vậy! Thời gian cứ lướt qua vô tình mang theo nhiều kỉ niệm. Cả một trời thương yêu cứ nghẹn ngào dâng lên, thường trực trong cảm xúc của tôi. Tôi yêu con đường đến trường với cái dốc xuôi xuôi, thuở xưa toàn màu đất đỏ. Tôi yêu ngôi trường thân quen với hàng xà cừ đứng tuổi rợp bóng. Tôi yêu cái màu xanh bạt ngàn của rừng keo tràm. Ngôi trường với màu xanh luôn thường trực: xanh màu lá, xanh màu trời, xanh màu trường, xanh màu áo, xanh màu bảng, xanh màu tuổi, xanh màu ước mơ,…Tôi yêu những gương mặt ngây ngô của lũ học trò chân chất thôn quê đi hái hoa trang rồi tự bó lại tặng cho tôi khi đến ngày hiến chương, yêu những nụ cười rộn ràng của đồng nghiệp.

Tôi yêu cả những em học sinh lỡ lời làm tôi bật khóc trên bục giảng. Yêu tất cả những gì thuộc về nơi tôi từng sống và công tác. Trong giấc mơ tôi bây giờ, vẫn hiện diện nhiều khoảnh khắc của nỗi lo đi dạy trễ tiết, chấm bài không kịp, áp lực công việc… Kỷ niệm này chưa mờ, kỷ niệm khác đã trỗi dậy. Cứ nhớ nhớ, thương thương hoài không dứt. Một phần đời của tôi thuộc về nơi ấy. Tôi không thể hình dung đủ đầy về cuộc đời mình, nếu thiếu đi những năm tháng không thể nào quên ấy. Nó vẫn hiện diện trong miền không quên lãng, miền da diết yêu thương.

Người ta thường nhắc về thời thanh xuân như những thước phim đẹp nhất của cuộc đời. Nơi mà nụ cười là “bạn”, còn nỗi buồn chỉ là “vị khách đường xa”. Đó là năm tháng của những khát khao, đam mê cháy bỏng. Đó cũng là năm tháng ta sống hết mình với chính ta, bằng trái tim chân thành và nhiệt huyết nhất. Năm tháng ấy, tôi hạnh phúc, vì có nơi đây! Là bởi vì ở ngôi trường đó, tôi được trải cuộc đời mình lên tất cả những cung bậc cảm xúc chứ không đơn thuần là sự tương tác qua lại trên phương diện lý tính. Ở đó, tôi được nếm những mật ngọt của yêu thương, hưởng cái trong lành của sự thanh bình thời trẻ dại. Và hơn nữa, ở đó, tôi đã xây đắp ước mơ, xây dựng nền tảng cho một cuộc sống khác hơn ngoài cổng trường của mình.

Ở nơi đó, không phải chỉ là một cuộc đời, mà biết bao nhiêu cuộc đời đã từng dừng lại, ghé chân rồi ra đi. Ở nơi đó, không chỉ là mái nhà cho một người mà là một lớp người và những lớp người. Đến và đi, để rồi có bao nhiêu con người đi qua mà còn ngoảnh lại? Tôi có vài lần gặp lại những người đồng nghiệp cũ, hỏi thăm nhau vài câu rồi vô tình lại nhắc chuyện xưa cũ. Họ nói thèm được sống những ngày tháng ở nơi đây.  Chỉ có bấy nhiêu mà bao nhiêu là ngọt ngào và hoài niệm.

Cũng lắm lúc tôi ân hận vì chưa sống hết mình trong thời khắc đó, tiếc vì những việc đã định mà rồi lại không làm. Nhưng chính cái niềm ân hận đó lại chính là hồi ức đẹp trong tôi. Người ta thường nói: “Hạnh phúc dễ lãng quên, buồn đau luôn ở lại”. Cái gì toàn vẹn quá lại không khiến người ta thương nhớ bằng một khiếm khuyết. Quá khứ nếu không có điều nuối tiếc thì có lẽ nó cũng chẳng có gì đáng để hoài niệm. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in giây phút vì không thể kìm nén được mà òa khóc nghẹn ngào khi nghe tin có một đồng nghiiệp vì hoàn cảnh, lí do nào đó phải chuyển công tác mà rời xa nơi đây. Với tôi đó là một mất mát, cứ mãi hoài niềm hụt hẫng.

Bỗng dưng tôi muốn đi trên sân trường đầy nắng, bỗng dưng muốn ngồi dưới bóng mát của một gốc cây ban trưa, bỗng dưng muốn chạy thật nhanh trên hành lang dài, đếm từng viên gạch thân thương, bỗng dưng muốn hét lên thành lời rằng tôi yêu ngôi trường này biết bao. Hạnh phúc của người thầy không phải là những gì lớn lao mà từ chính từ những điều giản đơn trong cuộc sống với học trò. Tình thầy trò thời nay dù có đổi thay so với trước đây nhưng đó vẫn là một thứ tình cảm thiêng liêng và cao đẹp.

Tôi yêu nghề nghiệp của mình đã lựa chọn, yêu những ánh mắt thơ ngây của bao em học trò đang khát khao vươn lên từ những đói nghèo, lam lũ cho ngày mai đang tới. Yêu bao thế hệ đồng nghiệp của tôi nơi đây. Có những đồng nghiệp đã ra đi mãi mãi, có những người tóc đã bạc trắng trở về với cuộc sống đời thường, có những người đang hăng say với sự nghiệp trồng người; còn các em đều có những lựa chọn cho riêng mình một con đường đi riêng. Nhưng dẫu cho con tạo có xoay vần, dẫu cuộc sống với bao bộn bề, lo toan thì tình thầy trò vẫn luôn đong đầy cảm xúc. Nếu được chọn lại, tôi vẫn muốn mình là một cô giáo. Tôi phải cảm ơn, cảm ơn thật nhiều tới ngôi nhà chung trường TH&THCS số 1 Trường Thuỷ. Có lẽ, mái trường và tất cả những gì nơi đây của 17 năm qua là một mảnh ghép trong cuộc đời tôi mà có đi đến đâu, dù thời gian có trôi qua nhiều biết mấy, phủ bụi và xóa nhòa đi tất cả thì tình cảm dành cho mái trường vẫn luôn đong đầy và trọn vẹn. Với tôi, đây là nơi tình yêu bắt đầu!!!

                                                        

Lê Thị Hồng Nguyệt
Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com