Huyện Lệ Thủy có 03 xã miền núi là Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy chủ yếu là đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, sinh sống tập trung tại 24 thôn, bản, chiếm 4,3% dân số của toàn huyện. Cũng như các dân tộc khác, các di sản văn hoá của người Bru Vân Kiều ở huyện Lệ Thủy luôn vận động và phát triển. Qua biến thiên của lịch sử, đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều vẫn gìn giữ được những giá trị di sản văn hóa riêng có đặc sắc và mang nhiều giá trị nhân văn, phản ánh khát vọng vươn lên của cả cộng đồng dân cư. Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Bru - Vân Kiều luôn được huyện nhà quan tâm và đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, một số giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang được định hướng xây dựng thành sản phẩm du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Trải
qua quá trình hình thành, phát triển, đồng bào người dân tộc Bru-Vân Kiều đã
góp phần tạo dựng và gìn giữ, bảo tồn được một kho tàng di sản văn hóa giàu bản
sắc. Đó là các lễ hội, phong tục đặc sắc, các nghề truyền thống như đan lát,
chế tác nhạc cụ truyền thống, văn hóa ẩm thực và các làn điệu dân ca như Oát,
Xà nớt, Tà Oải… Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của
đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều, UBND huyện đã tích cực phối hợp với Sở Văn hóa
Thể thao tỉnh tổ chức nhiều hoạt động trong đó chú trọng việc xây dựng các tủ
sách cộng đồng; hỗ trợ trang thiết bị văn hóa cho các thôn, bản; tổ chức tập
huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể, xây dựng
câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian cho đồng bào...
Trong
năm 2023, UBND huyện đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Bảo tồn,
phát huy giá trị Lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bru - Vân Kiều, xã Ngân
Thuỷ”; chỉ đạo UBND xã Kim Thuỷ phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh tổ
chức 01 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ truyền dạy văn hoá phi vật thể cho các
già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ đạo
Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện quan tâm dạy dân ca Vân Kiều, dạy đánh
chiêng cho các em học sinh; khuyến khích học sinh sưu tầm, sáng tác các bài
hát, các làn điệu dân ca Vân Kiều có dịch lời Việt nhằm lưu giữ truyền thống
quý báu, bản sắc văn hoá của đồng bào Bru-Vân Kiều… Một trong những điểm nhấn
đáng chú ý trong năm 2023 là UBND huyện đã phối hợp với Cục Di sản văn hóa, Sở
Văn hoá và Thể thao tỉnh tổ chức phục dựng thành công Lễ hội mừng cơm mới của
đồng bào Bru - Vân Kiều ở xã Ngân Thủy để phục vụ Chương trình “Hành trình Di
sản kết nối du lịch”. Ngày 06/3/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
ban hành Quyết định số 471/QĐ-BVHTTDL về việc công bố đưa vào Danh mục di sản
văn hoá phi vật thể quốc gia Lễ hội mừng cơm mới của người Bru - Vân kiều xã
Ngân Thuỷ. Với những hoạt động nói trên, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa
truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang
thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có những
thay đổi rõ rệt khi nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc
gắn với phát triển du lịch cộng đồng và tạo nên những sản phẩm du lịch khá hấp
dẫn. Một số mô hình phát triển du lịch đã hình thành và được các công ty, tổ
chức khai thác bước đầu mang lại hiệu quả, thu hút đông đảo khách du lịch, như
các mô hình: Khám phá Khe Nước Trong, Khám phá thiên nhiên thác Mụ Mệ, vườn Địa
Đàng, hang Vàng và thác Lụa tại xã Lâm Thuỷ (do Ban Quản lý Khu dự trữ thiên
nhiên Động Châu - Khe Nước Trong phối hợp với Công ty TNHH Netin); Dự án Khu
nghỉ dưỡng phục hồi chức năng suối nước nóng Bang Onsen Spa&Resort trên địa
bàn xã Kim Thuỷ (của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh)…
Để
bảo tồn và phát huy được giá trị di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển
du lịch trước hết cần sự chia sẻ trách nhiệm của các cấp các ngành trong việc
đưa mục tiêu, nhiệm vụ công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá
truyền thống và nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số vào nghị quyết của các cấp
ủy đảng, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, cơ sở.
Bên
cạnh đó cần phải đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình
thức phong phú, đa dạng nhằm giới thiệu quảng bá hình ảnh các loại hình di sản
văn hoá truyền thống tiêu biểu; các nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số và các
hoạt động lưu truyền văn hóa truyền thống. Ngoài việc tham gia vào hoạt động du
lịch bằng cách cung cấp sản vật địa phương để chế biến và trình bày các món ăn,
đồ thủ công, kỹ năng, thao tác sử dụng các vật dụng, thiết bị bảo hộ khi du
lịch khám phá mạo hiểm, hỗ trợ khuân vác cho du khách... thì việc trình diễn
các ca khúc bằng tiếng dân tộc, các trang phục, nhạc cụ, lễ hội truyền thống…
sẽ góp phần đa dạng các sản phẩm du lịch và tăng tính hấp dẫn, khám phá cho các
du khách.
Cần
kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch và xây dựng các chính sách cụ thể,
thiết thực để hỗ trợ nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Xây
dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát
triển bền vững văn hóa truyền thống.
Có
các phương án, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nhằm giữ
gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa ở địa phương, để thúc đẩy du lịch phát
triển bền vững.
Đặng Thị Hồng Thắm -HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện