Tháng Năm về trên quê hương Lệ Thủy với cái nắng vàng trải dài trên triền sông Kiến Giang, nơi từng dòng nước vẫn chảy âm thầm như dòng mạch bền bỉ nuôi dưỡng truyền thống hiếu học từ bao đời. Trong niềm vui của ngày sinh nhật chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trái tim người Lệ Thủy như reo vui trong lễ tuyên dương học sinh giỏi do huyện nhà tổ chức: chất lượng giáo dục của huyện tiếp tục được giữ vững, đứng ở tốp đầu toàn tỉnh Quảng Bình. Một thành quả không phải đến từ may mắn nhất thời, mà đến từ kết tinh của cả một hành trình đầy tâm huyết, trách nhiệm và tình yêu thương của biết bao thế hệ thầy cô, học sinh và những người làm giáo dục trên mảnh đất học này.

Trở lại
nhà văn hoá của huyện vào sáng 19/5, ngày tổ chức Lễ tuyên dương học sinh giỏi,
học sinh năng khiếu và giáo viên bồi dưỡng tiêu biểu năm học 2024 - 2025 với một
cảm xúc vừa thân quen, vừa thiêng liêng. Những gương mặt rạng rỡ, những bộ áo
trắng học trò như những cánh buồm căng gió, sẵn sàng vươn khơi. Phía sau mỗi em
là những bàn tay lặng thầm nâng đỡ, đó là thầy cô, là phụ huynh, là cả một hệ
thống chính trị, xã hội đang chung tay dựng xây một nền giáo dục vững vàng, bền
bỉ.
Lệ Thủy
vốn là vùng quê gắn liền với truyền thống yêu nước và yêu học. Từ dòng họ Võ, họ
Nguyễn, họ Trần, họ Ngô, họ Lê… danh tiếng trên toàn huyện đến những mái trường
mang tên một thời và mãi mãi như THPT Lệ Thuỷ, trường Năng Khiếu Lệ Thuỷ, trường
THCS Kiến Giang… tất cả đã hun đúc nên một “chất Lệ Thủy” rất riêng: thông
minh, bền chí và luôn biết vươn lên trong gian khó. Truyền thống ấy vẫn đang được
giữ gìn, tiếp nối bằng những con số biết nói: 356 giải học sinh giỏi cấp tỉnh,
trong đó có hàng chục giải Nhất, Nhì, giải cao về Tin học, Hóa học, KHKT, năng
khiếu nghệ thuật và thể thao. Ở bất cứ lĩnh vực nào, học trò Lệ Thủy cũng đều tỏa
sáng.
Tôi đặc
biệt xúc động khi nghe ông Nguyễn Văn Vững, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện chia sẻ:
“Những thành tích mà học sinh đạt được hôm nay là hành trang để các em tiếp tục
bay cao, bay xa hơn trên con đường học vấn, đồng thời là động lực để các thầy
cô viết tiếp bảng vàng thành tích cho giáo dục huyện nhà.” Một lời nói giản dị
mà đầy tính nhân văn, như thay cho lời cam kết: ngành Giáo dục Lệ Thủy không chỉ
dừng lại ở thành tích, mà còn đang kiến tạo một tương lai bền vững cho những chủ
nhân của đất nước, quê hương mai sau.
Thành
công hôm nay đến từ đâu? Không gì khác hơn là nhờ sự vào cuộc toàn diện, đồng bộ,
linh hoạt và khoa học của cả hệ thống giáo dục. Ngành Giáo dục huyện đã triển
khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở
GD&ĐT tỉnh, đồng thời linh hoạt vận dụng theo thực tiễn địa phương. Đặc biệt,
mạng lưới trường lớp đã phủ rộng đến tận các bản làng vùng sâu, vùng xa, nơi có
đông học sinh dân tộc thiểu số như Vân Kiều sinh sống. Những ngôi trường kiên cố,
hiện đại mọc lên giữa đại ngàn Trường Sơn không chỉ là minh chứng cho sự quan
tâm đúng hướng, mà còn là biểu tượng của một tương lai mở ra từ tri thức.
Ở vùng
núi Lâm Thủy, tôi từng thấy những cô giáo trẻ địu con sau lưng, tay dắt học trò
băng suối đến trường. Ở vùng biển Ngư Thủy, tôi từng bắt gặp hình ảnh học sinh
sau giờ học đi phụ giúp gia đình gỡ lưới, đan cá nhưng sáng hôm sau vẫn đến lớp
đúng giờ, học tập miệt mài. Đó chính là hiện thực của một nền giáo dục bắt nguồn
từ thực tiễn, được nuôi lớn bằng nghị lực và lan tỏa bởi lòng tin yêu.
Chất lượng
giáo dục không chỉ nằm ở con số, mà còn thể hiện trong chiều sâu tư duy, bản
lĩnh hội nhập và cả ở năng lực thể chất, nghệ thuật của học sinh. Trong năm học
này, hội thi Thể dục - Thể thao ngành Giáo dục huyện đã gặt hái được 12 HCV, 20
HCB và 22 HCĐ, xếp thứ Nhì toàn tỉnh, một minh chứng rõ ràng cho sự phát triển
toàn diện của thế hệ trẻ Lệ Thủy. Bởi học để làm người, học để phát triển hài
hòa chứ không chỉ để đo đếm điểm số.
Lắng
nghe những tràng pháo tay, những ánh mắt chan chứa niềm vui trong buổi lễ tuyên
dương, tôi chợt nghĩ: Giáo dục không phải là cuộc đua thành tích, mà là hành
trình gieo trồng. Một hạt mầm tri thức chỉ nảy mầm khi có đất đai màu mỡ của sự
yêu thương, có ánh nắng niềm tin và mưa tưới của tận tụy. Và chính Lệ Thủy với
bề dày văn hóa, truyền thống đang là mảnh đất tốt lành ấy.
Nhưng
giữ được ngọn lửa là điều không dễ. Trong phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch UBND
huyện, ông Nguyễn Đình Hòa đã có lời nhắn nhủ dành cho toàn ngành rất rõ ràng: “Tiếp
tục nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ
giáo viên chất lượng, đổi mới phương pháp để phát huy năng lực học sinh.”
Đó là định hướng chiến lược, là điểm tựa cho hành trình tiếp theo của ngành
Giáo dục.
Nhìn lại
từ vùng biển đến miền núi, từ đồng bằng đến trung tâm thị trấn, ta thấy rõ một
Lệ Thủy đang từng ngày bứt phá, đổi mới, mà giáo dục chính là nền tảng vững chắc
nhất. Hành trình phía trước vẫn còn nhiều gian nan, nhưng tôi tin rằng, với
truyền thống hiếu học, sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo, sự tận tâm của đội ngũ
nhà giáo, cùng tinh thần vươn lên không ngừng của học sinh, ngọn lửa tri thức
nơi đây sẽ còn cháy mãi.
Chất lượng
giáo dục Lệ Thủy không chỉ là niềm tự hào của riêng huyện, mà còn là một minh
chứng sinh động cho sức sống của giáo dục vùng đất học Quảng Bình, nơi những
con chữ đang mở ra hành trình đi tới tương lai cho biết bao thế hệ. Lệ Thủy hôm
nay, tiếng ve kêu vang lên trong những ngày tháng 5 này như một bản hòa tấu đẹp
đẽ của niềm tin và hi vọng. Ở đó, từng nụ cười là một lời hứa: giáo dục sẽ tiếp
tục vươn xa, vững bền, như dòng Kiến Giang mãi chảy về phía mặt trời.
Tùy bút của Ngô Mậu Tình