Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 577
Số lượt truy cập: 72761463

Quảng cáo
BA TÔI - NGƯỜI CHIẾN SỸ NĂM ẤY VÀ BÂY GIỜ 4/26/2020 9:05:57 PM
Mùa xuân năm 1975 đã để lại mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là mùa xuân toàn thắng, giang sơn thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước trọn niềm vui. Đảng, nhà nước và dân tộc ta đã hoàn thành khát vọng tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mùa xuân cuối cùng trước lúc Người đi xa:

"Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn".

Bốn mươi lăm năm đã trôi qua, nhớ lại những sự kiện lịch sử trong mùa xuân đại thắng, chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động, tự hào về một thời oanh liệt, bất khuất của cha ông. Tháng 4 về những khúc ca khải hoàn chiến thắng của ngày 30 tháng 4 hào hùng lịch sử. Nhớ về sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc cách đây 45 năm, tôi lại bồi hồi cảm xúc nhớ đến ba tôi.

Ba tôi là con cả trong một gia đình 8 anh chị em. Năm 1961 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ba tôi vào bộ đội khi mới tròn18 tuổi, với nhiệt huyết bừng cháy “đứng lên cùng dân tộc bảo vệ Tổ quốc”. Ba tôi và những người đồng đội của mình thời đó cống hiến và hy sinh, không vì bất cứ điều gì ngoài hai từ thiêng liêng Tổ quốc. Ông tham gia cách mạng năm 1961và đã có mặt tại chiến trường miền Nam từ đó cho đến ngày giải phóng. Năm 1978, trong khi tham gia trận đánh tại biên giới Tây Nam, ông bị thương và được đưa đi điều trị tại viện Quân y 105, sau đó chuyển về điều dưỡng tại Đoàn 266. Tháng 7 năm 1980, ông  xuất ngũ trở về địa phương, là thương binh hạng 2/3 với thương tật 61%. Ông được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, huy chương, bằng khen, giấy khen các loại: Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Nhì, Ba; Giấy khen, bằng khen, danh hiệu Chiến sỹ thi đua...

Mỗi khi kể về thời chiến, ba rơm rớm nước mắt vì nhớ những đồng đội đã ngã xuống, tình đồng chí trong thời khắc sinh tử, hiểm nguy, gian khó. Đó là tình cảm chân thật, chẳng tính toán thiệt hơn, được mất.

Ký ức về những người đồng đội cũ...

Trong ngần ấy năm chiến đấu, không biết bao lần ba tôi tận mắt chứng kiến đồng đội mình vĩnh viễn nằm xuống và bản thân cũng không biết bao lần nhìn cảnh đồng đội đói cơm, thiếu thuốc. Là người trong cuộc, ba tôi hiểu rõ ý nghĩa trọng đại của ngày chiến thắng, thấm thía nỗi đau thương, mất mát, nên mỗi năm cứ vào tháng Tư, ba tôi lại bồi hồi nhớ về đồng đội cũ, về những năm tháng chiến đấu và không cầm được nước mắt khi nghĩ mình may mắn hơn các đồng đội đã hy sinh, được nhìn thấy đất nước hoàn toàn giải phóng.

Những câu chuyện về những người bạn chiến đấu kề vai sát cánh với ba, làm tôi hình dung ra sự khốc liệt của chiến tranh và cả tình người thấm đẫm. Ba tôi thường bảo, cái sống và cái chết trong chiến tranh chỉ như gang tấc, nhất là thời kỳ cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mỹ bỏ bom dày đặc, xối như mưa, hòng xóa hết “bất kể những gì cử động” mà giới chỉ huy quân đội Mỹ ra lệnh cho quân lính mình. Ba kể, có những trận địch oanh tạc ngày tiếp ngày không ngừng nghỉ, phải chờ đến khi chúng ngưng thì mọi người mới có thời gian đi thu gom thi thể của đồng đội. Trong hoàn cảnh bom xé nát trời, nát đất, nát cả cỏ cây... loạn lạc thế, tang thương thế, gian khổ và nguy hiểm thế, nhưng cứ hết đợt oanh tạc, những người sống sót lại chia nhau đi tìm xác đồng đội. Kể về những ký ức này, ba tôi như không kìm nén nổi xúc động. Ba bảo: “Thương lắm con ạ!’’. Có những thi thể của đồng đội đã phân hủy không còn nguyên vẹn, mùi bốc lên rất khó chịu nhưng vẫn được ba và các đồng đội góp nhặt tập trung về. Lúc bấy giờ, chiến trường niềm Nam vô cùng ác liệt, có những người còn chưa kịp biết mặt, quen tên thì đã hy sinh.

Đến tận bây giờ, ký ức không phai trong ba tôi là câu chuyện vào tháng 4 năm 1972. Đại đội pháo binh của ba tôi gặp chiến bại, và hy sinh đến 1/3 số người. Trong trận đánh, một người đồng đội nằm trên tay ba tôi bị thương toàn thân rất nặng. Máu đồng đội chảy trên tay, hòa lẫn dòng nước mắt không ngừng rơi của ba. Ba chẳng thể làm gì, chỉ bất lực nhìn đồng đội mình lạnh dần và hy sinh. Biết bao nhiều chàng trai đã ngã xuống chiến trường ở tuổi đẹp nhất.

Cách đây chục năm, ba trở về chiến trường xưa, đã tìm được mộ của người đồng đội năm ấy. Kể đến đây, ánh mắt ba xa xăm, nhạt nhòa…Tôi lặng người trong câu chuyện kể của ba, vẫn biết chiến tranh  không bao giờ tách khỏi cái chết, sự mất mát đau đớn, nỗi đau len lỏi vào từng thân phận, từng gia đình, từng vết sẹo, từng di chứng, thậm chí những âm ỉ len lỏi trong di truyền của nhiều thế hệ…và những đồng đội của ba tôi đã hi sinh để hôm nay chúng ta được sống trong hòa bình, ấm no.

Bước tiếp sau nỗi đau chiến tranh...

Bỏ lại một phần tuổi trẻ của mình ở chiến trường ác liệt, ba tôi trở về quê hương tiếp tục lao động sản xuất. Thời gian trong quân ngũ đã rèn cho ông ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn, gian khổ nên dù bị di chứng chiến tranh, bệnh tật hành hạ nhưng bằng ý chí của người lính, ông vẫn hăng hái tham gia công tác xã hội tại địa phương, quyết tâm vươn lên, hăng say lao động, nuôi dạy con cái trưởng thành.

Anh em chúng tôi thường bảo nhau: “Tụi mình được học hành đàng hoàng cũng có máu của ba”. Đúng vậy, vì là con thương binh nên chúng tôi được giảm học phí, các kì thi tốt nghiệp, đại học, chúng tôi đều được cộng điểm ưu tiên. Và, số tiền trợ cấp ít ỏi hàng tháng, ba không mua thuốc cho mình mà để dành mua gạo, thịt, cá, quyển vở, cặp sách...cho các con.

Vất vả là thế, nhưng với bản tính khéo léo và chịu khó được tôi luyện trong chiến tranh, ba tôi tiếp tục thực hiện ước mơ còn dang dở. Hàng ngày ông hăng say tìm tòi, học hỏi và không biết từ bao giờ mà ba tôi có thể sáng chế các thiết bị mới từ những đồ cũ, lắp đặt các thiết bị điện tử, bà con lối xóm có chiếc tivi, cái quạt, nồi cơm bị hỏng ba tôi đều nhiệt tình sửa chữa cho họ. Với tôi, ba quả thật là một người thợ điện tài hoa.

Ông còn là một người thợ mộc khéo léo, bàn tay dẻo dai của ông đã đẽo, gọt, bào, tiện không biết bao mặt hàng thủ công như cày, bừa, giường, tủ, bàn ghế. Những bộ bàn ghế, giá sách anh em chúng tôi ngồi học từ nhỏ đều là thành quả lao động của ba, mang theo cả tình yêu thương của ba dành cho chúng tôi.

Đặc biệt, ba còn là một nghệ sĩ có tâm hồn lãng mạn, tràn đầy nhiệt huyết. Ba làm thơ, viết văn, ngâm thơ cũng rất tài tình. Vào những ngày lễ Tết hay các buổi hội họp ở tổ dân phố, ba luôn dành cho bà con lối xóm những bài thơ ông tự sáng tác, những ca từ được ba cất lên luôn làm bà con cảm thấy vui vẻ và ấm áp.

Đã hơn 50 năm trôi qua, kể từ ngày lên đường nhập ngũ, vết thương vẫn đau nhức từng cơn mỗi  khi trái gió trở trời, nhưng ba chẳng than vãn, vẫn lạc quan, thi vị hóa nói với mẹ trong thư tay năm ấy là “Nó nho nhỏ, xinh xinh như cái đồng hồ nữ thôi mẹ ạ”, giờ đây đã thành những vết sẹo đi cùng năm tháng. Bất chấp những di chứng của chiến tranh để lại, ba tôi vẫn từng giờ, từng ngày “chiến đấu” trên mọi mặt trận không ngừng nghỉ.

cuộc chiến thầm lặng trong mùa dịch Covid-19…

Phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", khi được nghỉ hưởng chế độ bệnh binh, ông tiếp tục tham gia công tác xã hội, trong đó có gần 10 năm làm chủ tịch hội cựu chiến binh của phường. Dù tuổi đã cao, nhưng với chế độ sinh hoạt điều độ, ông vẫn nhanh nhẹn và dẻo dai. Khi cả nước đang căng mình chống dịch covid-19, ba bảo: “Nếu có thể góp được một chút công sức nhỏ bé của mình, trước hết cho khu phố, cho phường thì cùng góp sức cùng cả nước chống dịch”.

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cứ 16h hàng ngày ba tôi lại tuyên truyền trên loa phát thanh của phường về dịch bệnh, nội dung tuyên truyền cũng rất phong phú: Khi thì vận động hội viên và nhân dân thực hiện cách ly xã hội, hạn chế tiếp xúc, di chuyển. Khi thì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của ngành y tế nhằm bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng..., ngoài ra ông còn vận động hàng xóm, người dân trong phường giữ gìn vệ sinh chung, thực hiện đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng, hạn chế chỗ đông người, thực hiện chủ trương của Sở Y tế và và Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 về việc khai báo y tế cho người dân...

Với tinh thần "Đến từng ngõ, gõ từng nhà", ông cùng với các thành viên trong tổ đến từng nhà, gặp trực tiếp từng người dân trong khu phố để hướng dẫn và thực hiện việc khai báo y tế. Những trường hợp nghi ngờ hoặc mới đi từ vùng dịch về, ông giải thích và vận động mọi người tự giác thực hiện việc cách ly theo quy định để tránh nguy cơ lây nhiễm, góp phần tích cực, hiệu quả cho công tác phòng chống dịch bệnh của địa phương.

Tuổi đã cao, mắt đã mờ, tai đã lãng nhưng với tinh thần của người lính ba tôi không làm ngơ trước khó khăn của đất nước. Mẹ tôi bảo: "Ông già rồi, sức khỏe đã yếu làm ba chuyện rứa chi cho mệt", ba tôi cười bảo: "Nói như bà thì biết khi nào đất nước mới hết dịch bệnh...”

Đất nước ta đang chuyển mình đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đứng trước đại dịch Covid -19, để phát huy tinh thần Chiến thắng 30/4/1975, người dân cần quyết tâm, nêu cao tinh thần yêu nước, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phòng chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Dù con virus corona ở đâu, có đáng sợ như thế nào, chúng ta cũng sẽ chiến thắng. Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng và khẳng định: "Nếu toàn dân đồng lòng chống dịch, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh COVID-19 như dân tộc Việt Nam đã nhiều lần chiến thắng".

Nhân kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, con gái phương xa xin gửi lời tri ân sâu sắc đến ba của con và các chú, bác, anh chị - những người vì nhân dân quên mình. Con luôn mãi tự hào về thế hệ ba, những người đồng đội của ba và những người lính Cụ Hồ. Dù đã lớn khôn, có gia đình riêng và sống xa nhà nhưng với con, ba - người thương binh ấy vẫn có sự ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống của mình. Với truyền thống của gia đình, con dặn lòng phải sống thật xứng đáng, ở đâu cũng phải sống, làm việc cho tử tế, đàng hoàng, không được nản lòng...như lời ba dặn,vì ba là cuộc sống của con:

“Nâng bước con từ thủa ấu thơ

Con lớn khôn tuổi xuân ba ngắn lại

Không giáo án mà những lời ba dạy

Thấm vào con từng hơi thở, nhịp tim.....”

Bùi Thị Hòa

Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com