
Tai nạn đuối nước ở
trẻ em, học sinh trong những năm gần đây diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia
tăng nhất là vào mùa hè và mùa
mưa lũ đang là vấn đề gây nhiều lo lắng trong cộng đồng, ảnh hưởng đến tâm lý của
mỗi người dân và nghiêm trọng hơn là đến tính mạng của trẻ em. Đuối nước
là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, chiếm 48,8%. Tỷ lệ
chết đuối ở trẻ em nước ta cao gấp 10 lần các nước phát triển. 70% trẻ chết
đuối và suýt chết đuối ở lứa tuổi dưới 15. Có 53% các trường hợp chết đuối xảy
ra khi trẻ em chơi gần ao hồ, sông suối, kênh mương không có sự bảo vệ của
người lớn.
Nguyên nhân chủ yếu
của các vụ đuối nước là do các em không biết bơi, chưa được trang bị những kiến
thức, nhận thức về an toàn trên mặt nước. Tiếp
đến là do nhận thức chưa đầy đủ về tai nạn đuối nước: sự hiểu biết về phòng chống tai nạn đuối nước chưa
rộng rãi, chưa được quan tâm đúng mực, thường thì khi tai nạn xảy ra rồi người
ta mới bàng hoàng, sửng sốt. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến về biện pháp
phòng, tránh đuối nước trên các phương tiện thông tin còn ít. Nhiều bậc phụ
huynh chưa tạo điều kiện cho con em mình chủ động tham gia các lớp học bơi
trong dịp hè. Bên cạnh đó, nhiều hố sâu, ao hồ, cống rãnh nguy hiểm cũng chưa
có biển báo, vì suy nghĩ mọi người đơn giản, không thấy được nguy cơ tiềm tàng.
Đặc biệt, mỗi dịp nghỉ hè cũng là thời điểm học sinh có
nhiều thời gian phụ giúp gia đình, các em thường ra đồng, sông mò cua, bắt ốc,
chăn trâu, bò… nên cũng rất dễ có nguy cơ bị đuối nước. Mặt khác, nhiều gia
đình còn thiếu sự quản lý, để con em tự ý đi chơi ra các ao, hồ, sông tắm mà
không có người lớn đi cùng, nhiều vùng ao, hồ, sông, máng nguy hiểm chưa có rào
chắn, biển cấm… Những nơi như vậy thường xa khu dân cư, ít người qua lại, khi
các em gặp nguy hiểm thì không có sự trợ giúp của người lớn kịp thời. Bên cạnh
đó, bước vào mùa nắng nóng cũng là thời điểm lý tưởng để mọi người tìm đến với
sự mát mẻ của sông, hồ và đây cũng là thời gian xảy ra nhiều vụ tai nạn chết
đuối.
Tình trạng học sinh không biết bơi, thiếu các kỹ năng,
kiến thức về sự an toàn khi đi tắm ở biển, sông, suối, ao, hồ cũng là một trong
những nguyên nhân phổ biến gây ra các vụ tai nạn đuối nước. Ngoài ra, phải kể
đến một thực trạng: đó là khi các em cứu lẫn nhau, do chưa có kiến thức trong
việc cấp cứu, sơ cứu người bị chết đuối, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị
chết đuối tăng lên. Hiện nay trên địa bàn, ở các khu vực có nhiều sông, hồ và
những nơi có tỷ lệ đuối nước ở trẻ em vào mùa hè cao. Các em chủ yếu được học
bơi từ cha mẹ, anh chị em hoặc bạn bè khi xuống sông, ao, biển tắm, mà thiếu
những kiến thức, kỹ thuật bơi căn bản như: khởi động trước khi bơi, kỹ năng cứu
người đuối nước,… nên khi gặp những trường hợp bất ngờ, nguy hiểm, các em thường
thấy lúng túng, không biết xử lý dẫn đến tình trạng tử vong.
Làm thế nào để tăng cường công tác phòng tránh
đuối nước cho các em?
Trước hết là đẩy
mạnh hoạt động truyền thông giáo dục bằng các hình thức đa dạng, phù hợp nhằm
nâng cao kiến thức, nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là các bậc
phụ huynh về phòng, chống đuối nước nói chung và cho trẻ em nói riêng. Các bậc
phụ huynh cần quan tâm chăm sóc và cùng giáo dục con em về ý thức tự phòng
tránh, không để xảy ra tình trạng đuối nước khi đi chơi, nhất là tình trạng tắm
sông, hồ tập thể.
Tránh xa những nơi sông nước nguy hiểm như:
Không nên rủ nhau đi tắm ao, hồ, sông suối … trong khi không biết bơi. Không
nên đi lại, chơi gần những nơi như: ao, hồ, sông suối hoặc bể nước, cống rãnh,
miệng giếng… không có nắp đậy. Các hố ao sâu gây nguy hiểm cho trẻ em như hố
lấy đất làm gạch ngói, hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu… cần phải tránh xa.
Các em tắm biển, tắm sông nên mặc áo phao và
phải có cha mẹ, người lớn trông chừng cẩn thận.
Đối với các em nhỏ luôn cần sự chăm sóc và
giám sát chặt chẽ của người lớn, làm tường rào, lấp kín những ao hồ không cần
thiết, làm nắp đậy chắc chắn cho giếng nước, lu chứa nước trong gia đình.
Khi cho trẻ đi chơi gần những nơi có sông,
suối, ao, hồ; tắm ở bể bơi, tắm biển, cha mẹ phải luôn để ý con trong tầm mắt.
Một số em thường trốn cha mẹ đi chơi, tắm sông, tắm hồ dẫn đến bị đuối nước do
không biết bơi hoặc bơi đến chỗ nước quá sâu bị nước cuốn đi.
Dạy các em tự cứu mình!
Ngoài việc thường giám sát con cái, cha mẹ
cần dạy con em mình biết bơi và giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp
phải khi tiếp xúc với nước, giải thích cho các em hiểu sự nguy hiểm khi tự ý
tập bơi hay tắm sông suối khi không có sự canh chừng của người lớn. Để phòng
đuối nước cho các em, quan trọng nhất vẫn là dạy các em biết bơi. Các bậc cha
mẹ cần trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi cho các em
như: cần phải khởi động kỹ trước khi xuống nước, xử lý sao khi bị chuột rút,
gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với lứa
tuổi...
Bên cạnh đó mọi người trong cộng đồng cần
tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật sơ cứu đúng cách để áp dụng kịp thời khi xảy ra
trường hợp đuối nước.
Hoa Thủy
là địa phương có nhiều hệ thống sông ngòi, ao hồ, khe, hói, lượng nước thay đổi
theo mùa; Nơi đây, lũ lụt thiên tai xảy ra thường xuyên đã gây thiệt hại lớn về
người và tài sản, làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân; Đây cũng
là một trong những địa phương thường bị ngập lụt dài ngày, sạt lở, lũ quét,...
Mỗi khi trời mưa to nước chảy xiết, nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trong học
sinh rất cao. Trong khi đó, thực trạng biết bơi và phòng tránh đuối nước của các
em trên địa bàn xã nhà chiếm tỉ lệ thấp. Các em biết bơi chủ yếu được gia đình
dạy cho con em họ vì thế số lượng học sinh học bơi trong trường chiếm tỉ lệ rất
thấp.
Có nhiều
nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ biết bơi thấp,
nhưng chủ yếu là các em không có điều kiện tập bơi ở sông, hồ, biển như những
thế hệ học sinh trước đây. Điều kiện để tập bơi cho học sinh không có, nhất là
về bể bơi và thời gian các em tập bơi hạn chế vì ở Tiểu học, 100% các em học 2
buổi/ngày. Chương trình bơi lội mới dừng lại lý thuyết và các kĩ năng an toàn
dưới nước; phụ huynh học sinh thì đa số chưa quan tâm về an toàn đuối nước; các
cấp chính quyền hầu như chưa đầu tư CSVC và phát động phong trào bơi lội trong
nhân dân...
Hiện nay, trên địa bàn huyện
có nhiều nơi tổ chức dạy bơi cho các em. Thông thường thì sau một khóa học bơi
(khoảng 15 buổi học), các em đã có thể biết một kiểu bơi ếch thông thường. Tuy
nhiên, các hồ bơi chủ yếu đang tập trung ở các vùng trung tâm, ở vùng nông thôn
như Hoa Thủy chúng ta cũng đã được huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng bể tập bơi
cho học sinh. Dự án bể tập bơi đã được khởi công dự kiến hoàn thành đầu tháng
6. Tuy nhiên, khi chưa có bể tập bơi các bậc phụ huynh có thể tận dụng ao, hồ,
sông, hói … ở gần nhà để tổ chức dạy bơi cho con em. Trong dịp hè 2018 này, nhà
trường sẽ tổ chức dạy kỹ năng bơi cho các em và coi đây như một chương trình bắt
buộc trong nhà trường.
Phòng tránh
đuối nước và dạy bơi an toàn cho các em học sinh là vô cùng cần thiết và cấp
bách. Việc dạy bơi, dạy các kỹ năng an toàn dưới nước cho các em là một trong
những giải pháp cơ bản để giảm thiểu tai nạn đuối nước nhằm xây dựng nền tảng
bơi lội cho học sinh, để khi các em học lên PTTH thì không có hiện tượng học
sinh không biết bơi.
Tóm lại, để tổ chức tốt việc phòng, tránh
tai nạn đuối nước cho các em, việc quan trọng là phải bắt đầu từ việc tuyên
truyền nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ, để họ có thể trang bị cho con em
mình các kiến thức, kỹ năng cơ bản bảo vệ bản thân phòng, chống tai nạn đuối nước.
Cùng với đó nhà trường tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng
an toàn dưới nước và dạy bơi cho các em phù hợp với điều kiện, đồng thời phải
xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để chung tay vào cuộc
của toàn xã hội. Chỉ có như vậy mới vơi đi bớt nỗi lo tai nạn đuối nước và các
em nhỏ mới được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.
TH Hoa Thủy
Một số hình ảnh của buổi truyền
thông:





