Tôn sư trọng đạo là truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Truyền thống ấy hiển bày trong những câu ca dao tục ngữ ngàn xưa, trong lời thơ tiếng hát, trong tri nhận của nhiều tầng lớp nhân dân qua nhiều thời kì đến nay. Dù giữa thời đại không ngừng chuyển hóa, không ngừng chịu những tác động, nhưng vị trí, vai trò của người thầy vẫn không thể nào phủ nhận được.
Trong suốt thời gian dài của lịch sử hình thành và phát triển
dân tộc, không ít chân dung nhà giáo từ nam chí bắc thực sự trường tồn với thời
gian, xứng đáng là những tấm gương mẫu mực, những thế hệ đặt nền móng đầu tiên
cho sự tiếp bước của hậu thế trong việc kế tục sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Như miền Nam có ngài “Bách
niên sư biểu” Võ Trường Toản (?-1792) - người thầy đã có công đào tạo nên một loạt danh
sĩ đất Gia Định xưa. Nguyễn Ánh (sau là vua Gia Long) nhiều lần có ý muốn trọng
dụng nhưng ông nhất định không thuận. Sau khi mất, ông được chúa Nguyễn ban mĩ
hiệu: "Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh" (nghĩa là bậc xử sĩ Võ tiên sinh, người Gia Định, sùng
về đạo đức và là như cha của Vua). Môn sinh của ông đã có đôi liễn tưởng niệm thầy, đọc
lên đã thấy rõ nhân cách và tầm vóc: Khi sống, giáo huấn
được người, không con như có con/Lúc chết thanh
danh để lại, tuy mất mà không mất.
Lại như miền Bắc có người thầy
vĩ đại được dân gian hết lòng tôn vinh bởi tài đức thanh cao của mình - nhà
giáo Chu Văn An (1292 – 1370). Ông có công mở mang Quốc Tử Giám - trường Đại học
đầu tiên của Việt Nam, hay nổi danh với việc quyết liệt dâng bản tấu “Thất trảm
sớ” đề nghị xử chém bảy tên nịnh thần thời vua Dụ Tông. Sau cáo quan về dạy học,
trở thành người thầy vĩ đại của hàng nghìn học trò. Tài đức của ông được mô tả
đến mức làm cho quỷ thần cũng phải kính phục và đến để học tập. Sau này, tác giả Phan Huy Chú đã hết lời tán thán: Học nghiệp thuần tuý, tiết tháo cao thượng, làng
Nho nước Việt trước sau chỉ có một ông, các
ông khác không thể nào so sánh được.
Đến miền Trung có cụ Phan Bội
Châu (26/12/1867 – 29/10/1940) - danh sĩ nổi tiếng học rộng tài cao, cấp tiến - một trong những
nhân vật mở đầu cho thời kì chuyển hóa về tư tưởng tự do mới trong giới trí thức
xưa. Ông lập ra Hội Duy
Tân (1904), chọn Kỳ Ngoại Hầu Cường để làm minh chủ, chủ trương bạo động và nhờ ngoại viện để khôi phục nền
độc lập. Sau này khi bị chính quyền Pháp bắt giam, “Ông già Bến Ngự” tuy phải sống cuộc đời “chim lồng cá chậu” nhưng vẫn sáng tác thơ văn để nói lên nỗi khổ nhục của người
dân mất nước, trách nhiệm của người
dân đối với quốc gia, và là nhân vật truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ thanh
niên yêu nước sau này...
Ngoài các tên tuổi trên, có thể kể ra nhiều người
thầy không kém phần nổi tiếng khác như: Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), Lê Quý
Đôn (1726 - 1784), “La Sơn Phu Tử” Nguyễn Thiếp (1723 - 1804), Nguyễn Đình Chiểu
(1822 - 1888)… của thời xưa, hay Hồ Chí Minh (19/5/1890 –
2/9/1969), Đặng Thai
Mai (1902 – 1984), Đào Duy Anh (1904 – 1988), Hoàng Xuân Hãn (1908 – 1996), Võ
Nguyên Giáp (1911 – 2013),… của thời hiện đại, đều là những chân dung người thầy
tiêu biểu cho trí tuệ, khí phách, truyền thống, phẩm chất cao đẹp của dân tộc
Việt Nam.
Các bậc sư biểu ấy, xưa nay, đều thắp lên trong
lòng các thế hệ học trò tình cảm yêu nước, thương dân, có trách nhiệm với cộng
đồng, quốc gia, dân tộc. Xưa, trước thời thế nhiễu nhương, ngài Chu Văn An dâng
sớ đòi vua chém bảy tên nịnh thần nhằm yên dân, giữ nước. Đến trạng Trình Nguyễn
Bỉnh Khiêm - bậc thầy tiên tri, hoạch định chiến lược cũng đem tài đức để giúp
vua trị nước, dâng sớ hạch tội mười tám tên gian thần. Thầy giáo mù Nguyễn Đình
Chiểu bỏ qua tai lời ngon tiếng ngọt, thẳng thừng từ chối cám dỗ vật chất của kẻ
thù, kiên cường chống giặc bằng tinh thần “Chở
bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”... Họ đều
là những bậc danh sư trọng nghĩa, khinh tài, coi thường danh lợi tầm thường,
khinh ghét thói dối trên lừa dưới, bất bằng, gian trá; trở thành cảm hứng huyền
thoại truyền lại cho hậu thế bằng chính minh chứng cuộc đời và phẩm cách của mình.
Những viên ngọc sáng ấy vẫn sẽ trường tồn, lấp lánh trong lịch sử, tâm trí người
Việt dù băng qua nhiều thời đại, kinh qua muôn vàn sóng gió.
Kế thừa truyền thống đó, cho đến thời đại hiện nay,
cũng xuất hiện không ít những tấm gương người làm nghề giáo mẫu mực về trí tuệ
và sáng ngời về nhân cách, hết lòng vì học sinh thân yêu; hết sức tâm huyết, miệt
mài với sự nghiệp dẫn dắt đào tạo thế hệ trẻ. Tuy chưa phải là các bậc vĩ nhân,
những danh sĩ được xưng tụng trong lịch sử, không nức tiếng gần xa nhưng sự cống
hiến âm thầm của họ cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà là không thể phủ nhận.
Để trở thành các bậc trí tuệ, họ đã không quản ngại đã hi sinh, dồn hết tâm lực,
khổ công học hỏi, rèn luyện, nghiên cứu; như ngọn nến cháy hết mình cho trí tuệ
rực sáng, cho phẩm chất kiên trung, nhiều nhà giáo trở thành tấm gương của nghị
lực phi thường, phẩm hạnh cao cả, của năng lực tự học, sáng tạo và tìm tòi khám
phá.
Họ có thể là những người thầy cắm bản nơi biên
cương hải đảo; những người thầy tại các trường học rải khắp làng mạc, thôn xóm,
thị thành, từ nông thôn đến đô thị, từ miền xuôi lên miền ngược; những người thầy
xuất chúng được bạn bè quốc tế công nhận, với muôn vàn trăn trở, tìm tòi đã đem
trí tuệ, tinh hoa của bản thân để đào tạo người Việt trẻ có phẩm chất và năng lực,
biết cống hiến cho quốc gia, dân tộc... Bất kể cấp học nào, cương vị nào, sự
đóng góp của họ trong sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ cũng vô cùng quan trọng. Và
là nguồn động lực, là sinh khí của nước nhà.
Giữa vô vàn khó khăn trở ngại cùng những thách thức
đến từ điều kiện kinh tế xã hội, những tác động tiêu cực từ nhiều phía hướng
vào đội ngũ những người làm nghề giáo và ngành giáo dục, truyền thống của các bậc
danh sư xưa hay tấm gương những nhân cách, trí tuệ nhà giáo cao đẹp đương thời sẽ
là động lực và niềm tin cho thế hệ hiện tại tiếp tục kế thừa và phát triển sự
nghiệp đào tạo con người cao cả này.
Trong thời kì cải cách giáo dục, những nỗ lực phấn
đấu, trăn trở phản biện của người thầy sẽ là những nền tảng đầu tiên cho sự
thay đổi của giáo dục hiện đại, hướng đến một nền giáo dục tiến bộ, phù hợp với
đối tượng con người trong thời đại mới. Một nền giáo dục với mục tiêu đào tạo
ra những con người văn minh, nhân, nghĩa, trí, tín, minh bạch và bình đẳng, góp
phần đưa quốc gia dân tộc đứng vững và trường tồn. Đó phải chăng là khao khát của
nhiều bậc trượng phu, nhiều nhà giáo tâm huyết trong bối cảnh hiện tại.
Lê Cẩm Phương - THCS
Hồng Thuỷ