Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 407
Số lượt truy cập: 67489684

Quảng cáo
Người Thầy - Người Ba đáng kính! 11/8/2024 4:49:06 PM
Sinh ra trên mảnh đất Sơn Trạch nơi có dòng sông Son thơ mộng. Và nơi đầu nguồn con sông chảy là di sản thiên nhiên thế giới “Phong Nha - Kẽ Bàng”. Nơi “địa linh nhân kiệt” ấy, ông bà tôi đã sinh hạ bảy người con, ba tôi là con trưởng và cũng là người duy nhất trong gia đình được học hết bậc THPT.

 4.jpg

Tốt nghiệp THPT, Ba nộp hồ sơ thi vào học trường Trung cấp kinh tế ở Đồng Hới. Theo lời ba kể: Ngày ấy, tuy không xa lắm nhưng đường sá đi lại vô cùng cách trở, phương tiện chủ yếu để ba đi về là tàu chợ (hai, ba tháng ba mới về thăm nhà một lần). Thương ông bà nội một đời vất vả, ba đã không quản khó khăn, gian khổ miệt mài học tập cho bằng chị bằng anh. Và kết quả đã không phụ lòng: Ba được tốt nghiệp bằng loại ưu và được giữ lại trường giảng dạy.

Rồi ba xây dựng gia đình, mẹ tôi là cô gái nông thôn, hôm sớm gắn bó với ruộng đồng. Ngày tôi chào đời cũng là ngày ba được nhà trường cho đi học đại học kinh tế ở Hà Nội. Ba vừa mừng, vừa lo, mừng vì có thêm cơ hội được học lên, được mở rộng tầm nhìn. Lo vì con mới sinh, gia cảnh lại quá ngặt nghèo, vợ yếu, con dại, lại ở nhà một mình, công việc đồng áng không có người đỡ đần, rồi lấy đâu ra tiền để học? Bao nhiêu câu hỏi cứ xoắn lấy ba?... Nhưng cái khao khát đèn sách đã thôi thúc Ba cố gắng vượt lên, cùng với sự giúp đỡ, động viên của gia đình, nhất là của mẹ tôi. Theo lời mẹ kể: Những năm tháng ở nơi phố hội, ba đã một mình lặn lội tự học, tự kiếm việc làm thêm đủ trang trải cho cuộc sống sinh viên nghèo xa nhà. Năm tôi tròn bốn tuổi là năm ba trở về trường cũ và nhận phần hành giảng dạy môn kế toán. 

Tưởng đâu cuộc sống từ nay sẽ đỡ đi phần nào nhưng với số lương ít ỏi của giáo viên làm sao nuôi đủ bốn miệng ăn khi mẹ sinh em thứ hai. Lúc này tôi được theo Ba vào Đồng Hới để học. Hai bố con được trường phân cho một phòng nội trú. Mẹ với em ở lại quê. “Một chốn, đôi nơi” - Ba suy nghĩ nhiều, bao đêm nằm ngủ tôi nghe tiếng thở dài của ba mà thương lắm (ngày nhỏ dại ấy, tôi nào đâu biết ba nghĩ gì! Chỉ đơn thuần là tôi nhớ mẹ, nhớ em nên tôi cho là ba cũng như mình). Tuổi thơ tôi gắn liền với những tháng năm nhọc nhằn bên ba. Ngày lên lớp giảng dạy. Đêm buông xuống, khi tôi cuộn tròn vào giấc ngủ là lúc ba lặn lội đồng sâu thả ống lươn để sớm mai đưa lươn ra chợ bán. Thứ Bảy và Chủ nhật, ba được nghỉ dạy. Tôi rất vui vì tuần nào tôi cũng được về thăm mẹ và em trên những chuyến xe chở đầy gạch từ Đồng Hới ra Bố Trạch, rồi từ Bố Trạch vào Đồng Hới chất ngất củi tươi, khô (lúc đó tôi đâu biết là ba kiếm tiền để cải thiện cuộc sống gia đình).

Năm tôi vào lớp 4 là năm Ba tôi đón mẹ và em vào Đồng Hới. Ngôi nhà mà gia đình tôi ở hiện tại bây giờ là của một thầy giáo dạy cùng trường với Ba tôi nhượng lại khi thầy nghỉ hưu chuyển về quê. Cuộc sống đoàn tụ mới bắt đầu, tuy còn lắm vất vả, nhưng cũng thật hạnh phúc: Ba đi dạy, mẹ ở nhà đan mây tre nhập bán. Mới mười tuổi đầu nhưng tôi cũng đã tự bán kem, bán nước, hái rau, hái củi phụ thêm cho gia đình.

Có lẽ, xuất phát từ gia đình nghèo khó nên Ba rất thương những học sinh có hoàn cảnh giống mình. Tôi còn nhớ như in, hồi đó Ba chủ nhiệm lớp K17 có một anh học trò nghèo tên là Ngọc: Học kì I kết thúc rồi mà anh chưa có tiền đóng nộp theo yêu cầu, nhà trường có ý khiển trách nên anh định bỏ học. Biết được điều này, ba tôi đã bàn với mẹ san sẻ tiền lương của mình để cho anh. Từ đó về sau, hầu như kì nào anh Ngọc cũng nhận được học bổng. Với số tiền ấy vừa đủ để anh trang trải cho các học kì sau. Ngày nhận tấm bằng loại khá để vào Nam xin việc, anh cứ ôm lấy ba tôi nói trong tiếng nấc: “Em cảm ơn Thầy... Cảm ơn Thầy nhiều... Nếu không có thầy thì em đâu có ngày hôm nay”. Hiện anh là kế toán trưởng một công ty rất lớn ở Sài Gòn, hàng năm cứ đến ngày lễ tết, cứ mỗi lần có dịp về thăm quê anh không quên ghé vào nhà thăm Ba tôi. Hai thầy trò thường nhắc lại những chuyện ngày xưa:

- Thầy à! Em không thể quên được “bữa cơm nhớ đời” của thầy và cô ngày ấy.

Giọng nói ấm vui nhưng ánh mắt anh ngấn lệ. Rồi quay sang tôi, anh kể một cách hồn hậu “Hồi đó các anh là sinh viên sống xa nhà, ở nội trú và ăn cơm bụi nên hầu như bữa nào cũng thấy đói. Một hôm, ba em lợp lại ngói trên mái nhà. Mặc dù ba không nhờ nhưng bọn anh tự giác kéo đến phụ giúp. Thế là buộc mẹ phải nấu cơm thết đãi: “Ngon ơi là ngon, no ơi là no”. Vậy đó em! nghĩa tình lắm !”.

Cuộc sống vất vã là thế, nhưng tôi chưa bao giờ nghe ba phàn nàn một điều gì. Tôi chỉ thấy ba luôn được học sinh kính trọng và yêu mến. Ba đã tham gia nhiều hội thi và đạt giải cao: Giáo viên dạy giỏi tỉnh khối THCN, Bí thư đoàn giỏi do tỉnh đoàn tổ chức. Nhiều năm liền được Liên đoàn lao động tỉnh tặng bằng khen. Ba còn là phó bí thư chi bộ trường có năng lực. Tưởng rằng từ đây ba sẽ thành đạt về đường công danh sự nghiệp. Nào ngờ, tai họa đã ập đến: Ba tôi bị ngã và tai biến mạch máu não. Khi mẹ và mấy chị em tôi có mặt thì ba đang nằm ở phòng cấp cứu, hôn mê sâu. Hậu quả để lại là ba bị liệt nửa người. Không nói ra nhưng ánh mắt của các thầy cô bạn bè, học sinh của ba tôi đầy ái ngại. 

Ba lâm bệnh quá sớm. Hình như biết được tình trạng sức khỏe của mình. Ba tôi không chịu buông xuôi: Hàng ngày ba đã tự tập luyện đi lại, tự mình thực hiện những công việc cá nhân, không làm phiền đến mẹ con tôi. Thương ba, sợ ba ngã khi đi lại không vững, tôi thường đỡ lấy ba, ba gạt tay tôi với dáng vẻ đầy tự tin:

- Con đừng lo, ba còn khỏe chán...

Không nén được lòng và không muốn ba nhìn thấy sự yếu đuối của mình. Tôi vội quay đầu vào tường để mặc dòng lệ tuôn trào mà chẳng nói được với ba điều gì.

Một hôm, sau bữa cơm chiều, ba gọi tôi và mẹ vào bảo:

- Ba nghĩ kĩ rồi. Nhà trường đang thiếu giáo viên giảng dạy mà mình đau ốm lâu như thế anh em dạy thay mình mãi sao được? Vả lại trường không thể ưu ái một giáo viên tàn tật như mình mãi được. Vậy nên, ba quyết định viết đơn nghỉ hưu. Em và con nghĩ thế nào?

Mẹ con tôi chỉ biết khóc. Gần hai mươi năm, ba hết lòng với công tác giảng dạy, giờ phải dứt bỏ sự nghiệp còn dang dở đâu phải là chuyện dễ dàng với ba. Nhưng ba nói đúng: Không thể vì cá nhân mình để ảnh hưởng công tác giảng dạy của nhà trường. Thế là ba nghỉ dạy khi mới 42 tuổi. Cảm vì hoàn cảnh đó, một chị học sinh của ba đang làm ở công ty xây dựng Đồng Hới đã giúp ba làm hồ sơ nộp bảo hiểm trọn 20 năm để sau này có lương hưu. Ba thôi việc - không có lương - nay hàng tháng phải nộp thêm tiền bảo hiểm nên đứa em thứ hai của tôi đành phải gác bỏ việc học ở một trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh để học một trường gần nhà với mong muốn đỡ đần được phần nào kinh tế cho ba mẹ. 

 Cũng may trong khoảng thời gian này tôi đã tốt nghiệp CĐSP, và trúng tuyển công chức tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thủy. Biết tin, ba rất mừng và tỏ ra  rất tự hào vì con đã đi theo sự nghiệp trồng người mà ba đã dang dở. Ngày ra trường, cầm trên tay bộ hồ sơ tôi tự theo dõi và liên hệ các trường, các huyện để nộp với mong muốn sớm được đi dạy để kiếm tiền nuôi em đi học. Một thoáng buồn khi nhìn thấy các bạn được bố mẹ đưa đón về trường. Nhưng tôi bỗng cứng cỏi hơn lên vì trước mắt tôi hình ảnh người cha - người thầy cố dồn sức để bước đi từng bước một và đang dõi theo tôi - ánh mắt cười của ba là sinh lực cho cuộc sống của tôi.

 Ngày đưa tiễn Ba đi, tôi thầm gọi mãi tiếng  gọi: Ba ơi !

Cảm ơn ba - Người Thầy - Người Ba vô vàn kính yêu của cuộc đời con!

Nguyễn Nữ 


Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com