Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 255
Số lượt truy cập: 68462370

Quảng cáo
CHẮP CÁNH ƯỚC MƠ NƠI MIỀN SƠN CƯỚC 11/7/2024 4:12:10 PM

“Bản làng yêu ơi em rời phố thị
Vượt núi băng rừng cõng cái chữ lên non
Dẫu nắng mưa hay mùa đông giá lạnh
Cùng các em thơ vượt núi đến trường”

Ca từ trong lời bài hát cất lên mang đến nguồn động lực cỗ vũ tinh thần cho những người giáo viên như chúng tôi nơi miền sơn cước. Dù khó khăn, gian khổ đến đâu luôn luôn nhìn về phía trước không ngại gian khó, bằng đam mê, lòng nhiệt huyết và tình yêu nghề, yêu cuộc sống viết tiếp những ước mơ cho đàn em thơ nơi miền sơn cước.

Đđem được con chữ đến vùng cao, chúng tôi phải hy sinh rất nhiều. Những gian truân, vất vả, nhưng không bi lụy. Đặc biệt, vẫn mang nét hồn nhiên, trong sáng, trẻ trung và đầy tự hào về những người gieo chữ nơi miền sơn cước.

 1.jpg

Hình ảnh nụ cười trẻ thơ nơi miền sơn cước

Thiết nghĩ rằng, những người làm nghề giáo nói chung và những cô giáo mầm non nói riêng cần có sự cổ vũ, động viên và sự tôn vinh từ xã hội, để chúng tôi có thêm động lực sống tiếp với nghề, tiếp tục ươm mầm cho những tương lai của đất nước.

Và ngày hôm nay, trong bài viết ngắn nhân dịp kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 này, tôi sẽ nói đến những khó khăn, vất vả và cả những “quả ngọt” mà những người giáo viên mầm non nơi vùng núi Ngân Thủy như chúng tôi có được.

Nói đến giáo viên mầm non ở vùng núi Ngân Thủy, chắc có lẽ mọi người đều nghĩ rằng chúng tôi có những phụ cấp, những chính sách ưu đãi và “có số hưởng” với những phụ cấp, ưu đãi đó. Nhưng để xứng đáng với sự quan tâm đó của Nhà nước, của xã hội, chúng tôi đã nỗ lực hết mình, cố gắng vượt qua những khó khăn, những vất vả và cùng đồng hành với đồng bào nơi đây để đem những điều tốt đẹp nhất đến với trẻ em. Khó khăn đầu tiên khi trở thành giáo viên mầm non ở vùng núi Ngân Thủy có lẽ chính là “giao thông”. Để đến được trường, chúng tôi phải trải qua đoạn đường đèo, đồi núi hơn 30 km, phải băng qua những con suối lớn nhỏ, để đến được từng gia đình vận động các cháu đi học, chúng tôi phải đi bộ qua những ngọn đồi, lội qua những con suối và không ít lần đối diện với những tai nạn nhỏ như té ngã, vắt cắn, … Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng vượt qua, vẫn cố gắng đi đến những bản làng xa xôi hẻo lánh để vận động các cháu đến trường. Và khó khăn thứ hai đối với chúng tôi chính là vấn đề ngôn ngữ. Những đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều nơi đây có ngôn ngữ bản địa riêng của họ, họ nói được tiếng Kinh nhưng không được lưu loát nên chúng tôi phải dành thời gian để học tiếng bản địa để có thể giao tiếp với phụ huynh, để hiểu được trẻ nói gì và hướng trẻ nói tiếng Kinh, trau dồi và phát triển vốn từ cho trẻ. Những giáo viên công tác tại trường lâu năm, có thời gian và kinh nghiệm nhiều thì mới nói sành được tiếng của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều. Tuy nhiên, sự khó khăn về ngôn ngữ này đã giúp chúng tôi có cơ hội để lắng nghe nhiều hơn, trò chuyện nhiều hơn và hiểu nhiều hơn về con người nơi đây, và nhờ đó chúng tôi biết được tình cảm của đồng bào dành cho những cô giáo rất chân thành và đáng trân quý. Đó chính là một trong những động lực giúp chúng tôi yêu mến nơi đây và càng thêm gắn bó. Và khó khăn tiếp theo đó chính là khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng mái trường nhỏ, những khu vui chơi, khu vận động thiếu thốn, trẻ không được ăn bán trú, …  đó cũng là những trăn trở của Ban giám hiệu nhà trường và các cô giáo. Những năm gần đây, cùng với sự nỗ lực của tập thể nhà trường, sự quan tâm của Nhà nước, tấm lòng hảo tâm của các mạnh thường quân, trường mầm non Ngân Thủy đã có những mái trường mới, đẹp hơn, khang trang hơn, cơ sở vật chất được cải thiện nhiều, các cháu đa phần đều được bán trú tại trường. Vậy là các cô giáo lại thêm phần an tâm khi nhìn các cháu được học tập trong căn phòng mới, được vui chơi trên thảm cỏ xanh của khu vận động và được ăn những bữa cơm đầy đủ chất dinh dưỡng. Bất giác, chúng tôi thấy càng yêu quý những đứa trẻ nơi đây, mỉm cười một nụ cười hạnh phúc, nụ cười của những người mẹ. Những khó khăn còn nhiều, những đứa trẻ ở đây vẫn cần lắm những vòng tay nhân ái, vẫn cần lắm sự dìu dắt của những cô giáo mầm non, và chúng tôi vẫn cần mẫn, cố gắng vượt qua tất cả để đem lại những điều tốt đẹp nhất cho các cháu thân yêu.

 2.jpg

Hình ảnh hoạt động của cô và cháu trường mầm non Ngân Thủy

 3.jpg

Hình ảnh hoạt động của cô và cháu trường mầm non Ngân Thủy

Đáp lại sự cố gắng của các cô giáo, những quả ngọt xuất hiện làm cho các cô thêm ấm lòng và tin yêu vào nghề mình đã chọn lựa. Quả ngọt là những lần cháu gọi một tiếng cô ơi, quả ngọt là các cháu chăm ngoan học giỏi, nhìn các cháu khôn lớn từng ngày. Quả ngọt là các cháu được học tập, vui chơi trong môi trường sạch đẹp, khang trang, được ăn những bữa cơm ngon, uống những ly sữa nóng. Quả ngọt là những củ sắn, những mớ rau rừng phụ huynh ngượng ngùng gửi biếu cô giáo từ miền xuôi vất vả lên đây, là những nụ cười rạng ngời của bậc làm cha làm mẹ khi thấy con được đi học với mong muốn kiếm cái chữ mà thoát nghèo. Và rất nhiều quả ngọt khác được cô giáo chắt chiu bằng những vui buồn, những vất vả và những tình yêu cho đàn con ngây thơ nơi vùng núi đầy nắng và gió này.

4.jpg


5.jpg

Hình ảnh những món quà của người dân nơi miền sơn cước gửi đến các cô giáo

Vậy đấy, nghề giáo nói chung và nghề giáo viên mầm non nói riêng tuy chịu nhiều áp lực, vất vả nhưng những người làm nghề vẫn cố gắng vượt qua, cố gắng bám trụ với nghề chỉ vì một lí do duy nhất là yêu nghề - mến trẻ. Họ tự tạo niềm vui, tự chắt chiu những thành quả nhỏ bé của mình để hoàn thiện bản thân, để mỗi ngày trôi qua là một ngày ý nghĩa, để khi nhìn lại quãng thời gian đã cố gắng với nghề, họ sẽ không thấy hổ thẹn. Và càng trân quý hơn đối với những giáo viên ở vùng cao, vùng núi xa xôi hẻo lánh hay nơi biển đảo xa xôi. Chúng ta hãy dành những những tình cảm và sự tôn vinh cho nghề giáo - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

                    Nếu ai hỏi các cô giáo mầm non

Làm nghề này yêu các com lắm nhĩ

Và xin được nhẹ nhàng và thủ thỉ

Bao yêu thương chẳng thể nói thành lời

Mỗi một ngày vẫn lặng lẽ rơi

Biết bao giọt mồ hôi nước mắt

Thế nhưng mà sẽ không bao giờ tắt

Những nụ cười trong ánh mắt yêu thương

Mỗi một ngày khi cất bước đến trường

Là mang theo bao tình thương cho trẻ

Là cô giáo dù thân hình nhỏ bé

Nhưng sức mạnh có lẽ thật phi thường

Ai cũng bảo cô giáo như siêu nhân

Khi một ngày hoá thân làm bao việc

Dạy, dổ, chăm rồi như làm cả xiếc

Nghĩ đủ trò để lũ trẻ thấy vui

Thứ tài sản lớn nhất của chúng tôi

Không phải là vàng bạc hay châu báu

Mà đó là lá cây rồi sỏi đá

Hay bìa củ chai lọ hỏng vứt đi

Cũng gom hết chờ đến khi dạy học

Bày mang ra sáng tạo đủ trò vui

Dù mỗi ngày vất vả chạy ngược xuôi

Với đồng lương thì vô cùng ít ỏi

Không ít lần đã tự mình phải hỏi

Liệu có nên tiếp tục bám lấy nghề

Thế nhưng rồi đến giờ này vẫn thế

Mang trong mình những ngọn lữa đam mê

Để vượt qua mọi gian khổ của nghề

Không mong gì chỉ mong nếu có thể

Hãy đồng cảm với nghề giáo mầm non

Và sắp đến ngày hiến chương nhà giáo 20/11, chúng ta hãy gửi những lời chúc tốt đẹp, những lời cám ơn sâu sắc nhất đến những người thầy, người cô đã thầm lặng chèo lái con đò tri thức, những người đã dành cả cuộc đời để dìu dắt, ươm mầm cho tương lai đất nước.

          Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Mầm non Ngân Thủy


Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com