Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 373
Số lượt truy cập: 67489684

Quảng cáo
CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC LỆ THUỶ: CHỦ ĐỘNG TRIỂN KHAI, TẠO BƯỚC ĐỘT PHÁ 11/8/2024 4:37:57 PM
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và quản lý, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, tạo ra một môi trường học tập hiện đại, linh hoạt và công bằng, nhằm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế.

 1.png

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, chuyển đổi số có vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030", trong đó xác định mục tiêu chung: "Tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số".

Như vậy có hai nội dung chính cần tập trung trong việc chuyển đổi số, đó là"Đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học"; "Đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước và các cơ sở giáo dục".

Xác định được tầm quan trọng như thế, trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo Lệ Thủy luôn quan tâm triển khai công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm tạo ra môi trường học tập, mọi kiến thức kết nối với nhau. Sự kết hợp mới mẻ của công nghệ, bảo mật nhằm thu hẹp khoảng cách địa lý để tạo ra trải nghiệm trong học tập, đồng thời tăng cường sự tương tác của mọi người. Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số trong giáo dục cũng đặt ra một số thách thức, bao gồm việc đảm bảo truy cập công bằng đến công nghệ, đào tạo và hỗ trợ cho giáo viên và học sinh, và đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin trong môi trường số.

2.jpg 

Bộ GD&ĐT Kiểm tra công tác chuyển đổi số ngành giáo dục Lệ Thủy

    1. Thực trạng và thuận lợi, khó khăn

    Toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Lệ Thủy có 81 cơ sở giáo dục trực thuộc (trong năm học 2023-2024 có 83 đơn vị trực thuộc). Trong đó gồm 26 trường MN (26 trường công lập); 26 trường TH; 20 trường THCS và 09 trường TH&THCS).

 Về thuận lợi:

+ Nhiệm vụ Công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, ngành giáo dục và đào tạo, cũng như các cơ sở giáo dục.

+ Cơ bản, hạ tầng kỹ thuật của các cơ sở giáo dục cơ sở giáo dục trong huyện đã đáp ứng được nhu cầu triển khai ứng dụng, sử dụng các hệ thống thông tin, phần mềm phục vụ quản lý, dạy và học, hội nghị trực tuyến.

+ Phòng GD&ĐT Lệ Thủy đã sớm chỉ đạo triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số từ các năm học trước như sử dụng website, hộp thư nội bộ để quan lý điều hành (thực hiện văn phòng không giấy tờ), sử dụng phần mềm quản lý điểm và các phần mềm khác để phục vụ dạy học…

+ Cán bộ quản lý (CBQL) ngành GDĐT và giáo viên trực tiếp giảng dạy đều có năng lực CNTT đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn, khai thác tốt tài nguyên trên internet để phục vụ cho chuyên môn; thường xuyên tự bồi dưỡng kỹ năng sử dụng CNTT, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu công tác dạy học và những yêu cầu theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông; làm tốt công tác nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn thông tin cho đội ngũ; các cơ sở giáo dục thường xuyên hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ để ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong GD&ĐT.

Bên cạnh thuận lợi, vẫn còn gặp một số khó khăn:

+ Trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số có nhiều yêu cầu đặt ra như hạ tầng, trang thiết bị, các phần mềm ứng dụng…Tuy nhiên, nguồn kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục còn hạn chế nên gây không ít khó khăn cho các đơn vị trong đầu tư hạ tầng, hợp đồng thuê phần mềm (số điểm điện tử, học bạ điện tử, tuyển sinh đầu cấp, thu học phí không dùng tiền mặt…).

+ Hiện tại các cơ sở sử dụng nhiều phần mềm khác nhau nhưng giữa các phần mềm này chưa được đồng bộ về dữ liệu nên gây lãng phí về mặt thời gian và công sức cho các đơn vị trong việc cập nhật dữ liệu nhiều lần.

    2. Chủ động triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”

    Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số. Thực hiện Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, Phòng GD&ĐT Lệ Thủy đã chủ động và đạt được những kết quả cơ bản như sau:

2.1. Đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học.

Ngành giáo dục Lệ Thủy đã chủ động tiếp cận giáo dục trực tuyến, nhất là trong giai đoạn Covid 19 và thiên tai, lũ lụt học sinh bị chia cắt không thể đến trường. Hiện nay có trên 80% học sinh phổ thông và 100% thầy cô giáo có đủ điều kiện (về phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến.

- Về môi trường giáo dục trực tuyến

+ Được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, giáo dục Lệ Thủy đã tập trung chỉ đạo, xây dựng hình thành một số nền tảng dạy và học trực tuyến là sản phẩm trong nước, được trên 80% học sinh sử dụng;

+ Hàng năm, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị hình thành kho học liệu trực tuyến quốc gia đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho hơn 50% nội dung chương trình giáo dục phổ thông.

- Về quy mô hoạt động giáo dục trực tuyến

+ Tỉ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở bậc tiểu học, 7% ở bậc trung học. Trong đó tùy theo điều kiện vùng, miền để xây dựng tỉ trọng nội dung chương trình phù hợp, cụ thể có 03 vùng: vùng thuận lợi, tiểu học 7%, THCS 10%; vùng bãi ngang, ven biển, tiểu học 5%, THCS 7%; vùng núi cao, dân tộc thiểu số, tiểu học 3%, THCS 5%.

2.2. Đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý

- Về quản trị nhà trường: 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số, trong đó:

+ 100% người học, 100% nhà giáo được quản lý bằng hồ sơ số với định danh thống nhất toàn quốc (hiện nay 100% trường học phổ thông sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ số và CBQL, giáo viên đều sử dụng kí số).

+ Trên 80% cơ sở vật chất, thiết bị và các nguồn lực khác phục vụ giáo dục được quản lý bằng hồ sơ số.

- Về quản lý giáo dục: Hệ thống thông tin quản lý toàn ngành giáo dục được thiết lập và vận hành hiệu quả, trong đó:

+ Cơ sở dữ liệu toàn ngành được hoàn thiện, kết nối thông suốt với tất cả các cơ sở giáo dục đảm bảo cung cấp thông tin quản lý đầy đủ, tin cậy và kịp thời; được kết nối và chia sẻ hiệu quả với các cơ sở dữ liệu quốc gia;

+ Từ Phòng GD&ĐT đến các trường học được vận hành cơ bản trên dữ liệu và công nghệ số hoặc thông qua môi trường mạng (webtise), trong đó trên 90% hồ sơ công việc giữa Phòng GD&ĐT và các đơn vị cơ sở được giao dịch và giải quyết trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

- Về dịch vụ hỗ trợ người học, người dân

+100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực giáo dục đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4;

+ Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 70% và 100% người học, phụ huynh rất hài lòng về chất lượng dịch vụ trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục; các cơ quan, tổ chức và nhân dân trên địa bàn rất hài lòng và đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành giáo dục Lệ Thủy.

Như vậy, trong thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Lệ Thủy luôn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ, ghi nhận hiệu quả tích cực. Việc chuyển đổi số trong giáo dục đã và đang tác động tích cực, mang lại hiệu quả cao trong quản lý, dạy học, kiểm tra và đánh giá đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo đà trên tiến trình chuyển đổi số toàn diện giai đoạn tiếp theo. Chuyển đổi số không phải là công việc dễ dàng một sớm, một chiều song với sự nỗ lực, tinh thần cầu thị, quyết tâm của toàn ngành Giáo dục Lệ Thủy luôn chủ động triển khai, tạo bước đột phá, chúng ta sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số, tạo sự phát triển bền vững trong ngành giáo dục và đào tạo.

Lê Ngọc Thành - P.GD&ĐT Lệ Thuỷ

Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com