Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 760
Số lượt truy cập: 72761463

Quảng cáo
Từ góc nhìn văn hoá, thử giải mã bài ca dao Trèo lên cây bưởi hái hoa 1/5/2010 3:56:25 PM
Văn hoá và văn học luôn luôn tồn tại trong sự quy định, ảnh hưởng lẫn nhau. Văn hoá tác động đến sự phát triển nhiều mặt của văn học và văn học là phương tiện thể hiện và lưu giữ các giá trị văn hoá. Do vậy trong quá trình tiếp cận tác phẩm văn học, việc đặt các sáng tác của nhà văn trong mối quan hệ với môi trường văn hoá để thẩm định giá trị là vấn đề vô cùng cần thiết. Bởi vì có những tín hiệu nghệ thuật nếu không đặt trong tương quan với văn hoá để xem xét thì không thể nào cắt nghĩa được, có những giá trị văn học nếu không dùng ánh sáng văn hoá để soi rọi thì chúng rất dễ bị chìm lấp và quên lãng... Đấy là một thực tế đã từng xảy ra trong thực tiễn tiếp cận tác phẩm nghệ thuật.

Trèo lên cây bưởi hái hoa là một trong những sáng tác xuất sắc của quần chúng nhân dân. Bài ca ngắn gọn, thoạt đọc cứ tưởng tất cả những câu chữ đều tường minh, không có gì phải bàn luận nhiều:

Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Cô có  chồng, anh tiếc lắm thay.

Ba đồng một mớ trầu cay

Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?

Bây giờ em đã có chồng

Như chim vào lồng, như cá cắn câu

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ

Chim vào lồng biết thuở nào ra?

Thế nhưng khi đi vào khai thác chiều sâu ý nghĩa tác phẩm  chúng ta sẽ thấy đằng sau lời đối đáp tự nhiên, đằng sau câu chuyện tình có phần éo le của đôi trai gái này còn chứa đựng những bí ẩn cần được khám phá.

Từ sự cắt nghĩa ở trên, bài viết này sẽ đặt bài ca dao trong mối quan hệ với văn hoá để tiến hành giải mã một số vấn đề sau đây.

1.      Vì sao chàng trai lại “vòng vo” trước khi bộc lộ tâm trạng?

“Cây bưởi”, “vườn cà”, rồi “nụ tầm xuân”. Tất cả các thứ ấy hình như chẳng liên quan gì đến tâm trạng của chàng trai. Thế mà anh ta  cứ vơ vào để dông dài một hồi rồi mới bật ra câu gan ruột! Cái kiểu “ vòng vo tam quốc” này chúng ta còn bắt gặp ở nhiều bài cao dao khác nữa (do khuôn khổ của bài viết, chúng tôi xin phép không đưa dẫn chứng). Có thể nói, hình thức mở đầu bằng cách miêu tả khung cảnh thiên nhiên đã trở thành hiện tượng phổ biến, thành thói quen trong việc bộc lộ tâm trạng của người bình dân. Đây chỉ đơn thuần là nghệ thuật  lập ý  của ca dao hay còn tiềm ẩn điều gì khác?

          Trước tiên  nếu xét về cách ứng xử với môi trường tự nhiên thì dân tộc Việt Nam thuộc loại hình văn hoá gốc nông nghiệp cho nên họ gắn bó rất chặt chẽ với thiên nhiên và xem thiên nhiên như một môi trường sống của mình (1). Có lẽ vì thế mà khi muốn diễn tả tâm trạng, người bình dân thường đưa ra giữa thiên nhiên để bộc lộ. Thói quen này của người bình dân đã dẫn đến một hiện tượng khá thú vị. Đấy là mọi tình cảm của họ, ngay cả tình cảm vợ chồng cũng thế, dường như không còn ẩn kín trong chốn phòng the bếp núc nữa. Tất cả đều chuyển ra môi trường thiên nhiên. Chính tâm lý tôn trọng, muốn hoà hợp với thiên nhiên đã khiến người lao động khi  bộc lộ vấn đề gì thì cũng ưa kéo thiên nhiên vào làm đồng minh.

          Mặt khác, nếu xét về cách thức giao tiếp thì người Việt Nam có truyền thống văn hoá chú trọng sự tế nhị, ý tứ trong giao tiếp. Do sự chi phối của nguyên tắc tế nhị nên người Việt Nam thường tránh cách mở đầu trực tiếp, đi thẳng vào vấn đề như người phương Tây (2).

Từ sự xem xét ở trên, ta có thể đi đến kết luận: kiểu nói “vòng vo tam quốc” không chỉ là vấn đề về nghệ thuật lập ý  mà còn là vấn đề về tâm lý, về nguyên tắc ứng xử của người Việt.

          2. Tại sao “ Nụ tầm xuân” lại “nở ra xanh biếc”?

          Theo Từ điển tiếng Việt thì tầm xuân là “cây mọc hoang, cùng loại với hoa hồng”. Như vậy nếu theo cái logic của đời sống thì nụ tầm xuân phải nở ra màu trắng hoặc màu hồng mới đúng. Thế nhưng ở đây lại “nở ra xanh biếc”. Lý giải điều này, có tài liệu viết: “ Hoa tầm xuân cùng họ với hoa hồng, ở đây không phải là có màu trắng hoặc màu hồng, mà lại hiện ra trước mắt anh trong một màu xanh biếc! Sự khó hiểu này phải chăng chỉ do đây là một cách mở đầu của ca dao theo thói quen, theo truyền thống, nhiều khi miêu tả vu vơ, do đó không nên cố tình tìm ra mối liên quan thực là rõ ràng, thực là hợp lý (3) giữa nó với nội dung tiếp theo của bài ca” (4).

          Chúng tôi thấy cách giải thích ở trên vô tình đã bỏ qua một “mã nghệ thuật” khi tiếp nhận tác phẩm .

Trong truyền thống văn hoá dân gian, mỗi màu trong bốn màu sắc cơ bản (ứng với 4 phương) bao giờ cũng được gắn với một ý nghĩa. Màu đỏ (phương nam) là màu của niềm vui của sự tốt lành. Màu đen (phương bắc), màu trắng (phương tây) là màu của rủi ro, tang tóc. Trong khi đó màu xanh (phương đông) lại được xem là màu của sự sống, sự trẻ trung (5).

Nhưng điều lạ là trong văn học, màu xanh (chứ không phải màu trắng hay màu đen) lại trở thành sắc màu của chia ly của buồn nhớ:

- Đưa nhau một bước lên đàng,

Cỏ xanh hai dãy mấy hàng châu sa...

( Ca dao )

- Gửi khăn, gửi túi, gửi lời,

Gửi đôi chàng mạng cho người đằng xa.

Vì mây cho núi lên xa,

Mây cao mù mịt núi nhoà xanh xanh.

( Ca dao )

- Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.

( Chinh phụ ngâm )

- Dặm hồng bụi cuốn chinh an,

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.

Người về chiếc bóng năm canh,

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.

( Truyện Kiều )

          Tại sao vậy? Theo chúng tôi, cư dân nông nghiệp mỗi khi xa quê, xa người thân vẫn thường chia tay nhau giữa khung cảnh thiên nhiên và lâu dần cái màu xanh của ruộng đồng, cây cối của núi non, sông nước... đã trở thành một nỗi ám ảnh. Thành ra trong tâm lý của họ, màu xanh trở thành sắc màu báo hiệu sự chia xa...

Trở lại với bài ca dao, chàng trai gặp “em” trong tình cảnh “ em đã có chồng” cho nên một cuộc chia tay vĩnh viễn là không thể tránh khỏi. Và trong khoảnh khắc đau đớn tột cùng này cái màu xanh tiềm thức của cộng đồng kia lập tức tràn về, khiến cho trong mắt anh chỉ còn một màu xanh của chia xa, của buồn đau không lường...

          3. N ên xác định thời điểm nảy sinh tình yêu của đôi trai gái vào lúc nào?

          Bài ca dao phản ánh một cảnh đời mà thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp trong cuộc sống thực: hai người yêu nhau khi một bên đã có gia đình. Cảnh đời tế nhị này buộc ta phải hết sức thận trọng khi phân tích. 

          Phân tích bài ca dao này, có người cho rằng: “...ở đây là tâm trạng buồn tiếc của một cô gái đã có chồng rồi mới gặp gỡ, quen biết một người con trai có thể đem lại hạnh phúc, tình yêu cho cô ” ( 6 )

          Cứ như cách phân tích trên thì tình yêu của hai người được hình thành từ sau khi cô gái đã có chồng. Nếu đúng vậy thì sự gặp gỡ giữa chàng và nàng là kết quả của một cuộc ngoại tình! Và dĩ nhiên là ta buộc phải xem xét vấn đề về nhân cách của họ.

Đặt bài ca dao trong mối quan hệ với truyền thống văn hoá Việt Nam,  chúng tôi thấy cách lý giải này rất khó chấp nhận. Bởi vì một trong những nguyên tắc sống của dân tộc Việt Nam  là trọng tình trọng nghĩa. Nguyên tắc này lại được kết hợp với quan niệm “thờ chồng” của đạo Nho khiến cho người Việt Nam  càng trọng sự thuỷ chung trong tình cảm vợ chồng. Đây là lý do giải thích tại sao người xưa khắt khe đến mức cực đoan, tàn nhẫn đối với phụ nữ ngoại tình. Người vợ ngoại tình có thể bị cạo đầu bôi vôi, bị thả bè trôi sông hoặc đuổi ra khỏi làng...

          Theo chúng tôi, nếu xác định tình yêu này được nãy sinh  từ trước khi cô gái lấy chồng thì  đôi trai gái sẽ ngàn lần đáng được cảm thông. Bởi vì những tình cảm của họ chẳng qua chỉ là quá khứ được khơi lại mà thôi.

4. Nên đánh giá tình cảm của cô gái ra sao?

          Vì quan niệm tình yêu của đôi trai gái trong bài ca dao được hình thành từ sau hôn nhân nên khi phân tích 4 câu cuối có ý kiến  nhận xét:

          “Bởi vì cô đã có chồng, và theo luật lệ khắt khe về hôn nhân đối với người phụ nữ phong kiến, thì cô vĩnh viễn thuộc về người chồng này, cô không còn được tự do, vĩnh viễn không còn được tự do, cô như con chim “đã vào lồng’ như “cá đã cắn câu”. Vì vậy tâm trạng của cô là tâm trạng buồn tiếc trước một sự việc đã rồi, không thể gỡ lại được, một tâm trạng nhuốm màu sắc tuyệt vọng. Trong câu hỏi “ Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không”, cũng như trong các câu hỏi có nội dung khẳng định “biết đâu mà gỡ”, “biết thuở nào ra” ta thấy có âm điệu đau đớn chua xót” (7).

          Cách phân tích như vậy theo chúng tôi là chưa ổn. Một khi “đã có chồng”  mà vẫn muốn được tự do để chạy theo người tình, rồi buồn tiếc, tuyệt vọng và đau đớn chua xót thì cô gái tầm thường quá. Tâm lý của một dân tộc trọng nghĩa, trọng sự thuỷ chung không bao giờ đi ca ngợi loại tình cảm ấy.

Nếu thiếu tỉnh táo, chúng ta sẽ rất dễ bị đánh lừa bởi  kiểu ứng xử khôn khéo và cực kỳ thông minh của cô gái. Thoạt nghe thì cứ tưởng cô còn muốn theo chàng lắm lắm. Nhưng thực tế là cô đang xây tường để tự “bảo vệ” mình trước tình cảm nồng cháy của chàng trai.  Em như chim vào lồng, như  cá cắn câu, có nghĩa là em đã yên bề gia thất, đã thuộc về “người ấy” rồi. Cá cắn câu biết đâu mà gỡ, có nghĩa là anh chớ có tiến thêm một bước nào nữa, chỉ vô ích mà thôi. Chim vào lồng biết thuở nào ra, có nghĩa là anh đừng uổng công chờ đợi, hãy quay về mà kiếm hạnh phúc cho riêng mình!..Những ẩn ý sâu xa được gởi gắm qua hình ảnh đã giúp cô gái ngăn  được chàng mà không để chàng mếch lòng.

          Cũng cần nói thêm rằng dân gian vẫn thường dùng cách điễn đạt kiểu như “gái có chồng như gông đeo cổ”, “trai có vợ như dợ buộc chân”... để hóm hỉnh hoá cái cảnh đời có thực mà rồi ai cũng bước chân vào. Chúng ta chớ vội ngộ nhận mà cho đấy là lời họ than thân trách phận, muốn được thoát khỏi ràng buộc gia đình. Phụ nữ thời nào cũng vậy thôi, khi đã “ theo chồng” thì phải chấp nhận “bỏ cuộc chơi”. Đấy là cái luật đời và cũng là một đạo lý -  người Việt Nam  nào lại không thấu hiểu điều ấy!

 

          Trèo lên cây bưởi hái hoa chính là một thanh âm mới lạ trong bản hợp xướng ngàn đời về tình yêu của người bình dân. Từ góc nhìn văn hoá, chúng tôi mong muốn đưa thêm một cách hiểu về bài ca dao quen thuộc này. Hy vọng bạn bè đồng nghiệp có thêm một cách nhìn mới về tác phẩm. 

Hồ Giang Long (Sở GD&ĐT Quảng Bình)

 

Ghi chú: (1), (2), (5): Theo Trần Ngọc Thêm trong Cơ sở văn hoá Việt nam - NXB GD, Hà Nội – 1999

                (3) Những chỗ gạch chân là do chúng tôi nhấn mạnh.

      (4), (6), (7) Sách giáo viên Văn học 10 tập 1- NXB GD, Hà Nội – 2000.    



Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com