Tôi là bạn văn chương với anh Nguyễn Thiên Sơn, tuy lớn tuổi hơn nhiều. Qua Nguyễn Thiên Sơn biết anh lập trang web cho quê nhà, tôi rất quý tấm lòng của anh và những người trong Ban trị sự và biên tập. Tình cảm với quê hương ai cũng có, nhưng biến thành hành động cụ thể thì không phải ai cũng có điều kiện làm được. Ngay tôi, chẳng làm được gì cho quê tôi cả. Thời đại điện tử thì việc làm này càng rất có ý nghĩa, bởi vì nhân loại đang gặp nhau trên màn hình internet.
Từ đây mà tìm hiểu, đánh giá, bổ trợ cho nhau. Từ đây mà yêu thương đùm bọc nhau. Từ đây bớt đi thù hận, dang rộng vòng tay ôm lấy nhau. Theo tôi được biết người Quy Hậu hiếu học, thông minh, giỏi giang, thành đạt trên nhiều lĩnh vực, sống nhiều nơi trong và ngoài nước. Trang web này chắc chắn trở nên sợi dây ràng rịt bền lâu mỗi khi nhớ đến quê nhà, gốc rễ.
Anh Nguyễn Thanh Khiết ạ, thú thật tôi chưa thể cộng tác ngay được vì không am tường nhiều về làng Quy Hậu, chỉ xin làm bạn đọc thôi. Đặt bút viết một vùng đất đâu dễ phải không anh? Những dòng tôi viết vội để trả lời thư anh chắc chắn chưa thành bài hoàn chỉnh như ý nguyện độc giả, mong " NGƯỜI QUY HẬU " và anh thông cảm.
Nhà thơ trẻ Nguyễn Thiên Sơn có hai câu thơ viết về chiếc nón quê nhà rất cảm động :
Chân trời chòng chành xa cách thế
Từ góc nào cũng nhìn thấy quê hương
Vành nón chòng chành, chứ làm sao chân trời chòng chành được? Nhưng khi nỗi nhớ quê hương đã tràn ngập lòng người, qua thơ, hình ảnh chân trời chòng chành lại có sức biểu cảm da diết hơn nhiều. Câu thơ không nhắc gì đến nón mà người đọc như thấy hình dáng chiếc nón thân thương nơi quê nhà đang hiện ra trước mắt.
Vậy đó, nói đến Quy Hậu người ta đã nghĩ ngay tới nón lá Quy Hậu. Nón Quy Hậu đã là một thương hiệu có từ xa xưa, xét về ngành nghề cổ truyền thì đó là nét văn hóa riêng có. Có lần, lúc công tác ở cơ quan Hội đồng Nhân dân tỉnh về làm việc ở xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy tôi đã nói tới điều ấy. Vấn đề làm sao giữ được nghề thủ công truyền thống, đồng thời đưa sản phẩm ra thương trường; làm sao mọi miền đều ưa chuộng, đồng thời giải quyết việc làm cho con em, mang lại thu nhập kinh tế; làm sao nón Quy Hậu vừa duyên dáng vừa ích lợi, đây là ích lợi che nắng che mưa, bền chắc trong lao động, nhưng vẫn làm trang sức cho người sử dụng, tạo ra được dáng nét của làng quê Việt Nam.
Như vậy chiếc nón không chỉ là chiếc nón, mà đấy là sản phẩm văn hóa mang tâm tính con người, là di sản nghề nghiệp cha ông để lại. Nón Quy Hậu chính là linh hồn người Quy Hậu từ xa xưa đến tận bây giờ. Sản xuất ra chiếc nón và đưa tới mọi vùng miền trên đất nước chính là gửi tâm hồn trắng trong chung thủy, lam làm chịu thương chịu khó của người Quy Hậu đến với cộng đồng dân tộc. Và, không thể không nghĩ tới, ngày nào đó chiếc nón còn vượt ra khỏi biên giới bằng con đường du lịch, thương mại Quốc tế.
Ngày xưa mẹ tôi thường ra chợ chọn mua nón Quy Hậu. Mẹ tôi bảo, nón lá Quy Hậu thanh mảnh không kém nón Ba Đồn, duyên dáng không thua nón Huế, lại chắc bền. Đội trên đầu chiếc nón Quy Hậu đi việc làng (tức là lễ hội, nhóm họp) cũng được, mà cấy hái cũng xong. Muốn cho bền thì đi một lớp dầu nón, hoặc dầu dừa, bẩn thì rửa bằng nước rồi treo chỗ râm mát. Một chiếc nón dùng tới mấy tháng liền vẫn còn mới.
Ngày nay thời công nghệ, lao động máy móc, không vì thế mà không cần đến nón. Chiếc nón vẫn theo người ra đồng, đến với các hội hè vui chơi ca hát, những buổi liên hoan văn nghệ, bơi thuyền trên sông, các cuộc tế lễ long trọng. Lại có lúc nón làm phương tiện múc nước cho mọi người khi khát, thay quạt lúc nóng bức trưa hè. Cầm trên tay chiếc nón vẫy tiễn người đi xa, hoặc trở về, thấy ấm áp dễ thương hơn là giơ cao tay lên vẫy. Trai gái tỏ tình, nón như là người thứ ba làm dịu bớt sự thẹn thùng, dấu những cảm xúc vui buồn, gián tiếp tỏ bày niềm riêng một cách ý nhị.
Ấy thế ca dao cổ mới viết:
Qua cầu ngả nón trông cầu
Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu
Khi cha mẹ qua đời, con cái cháu chắt đội lên đầu chiếc nón đã cũ, lá nón tơi tả theo sau quan tài để tỏ lòng thương tiếc hiếu thảo. Nón lam lũ thủy chung từ tinh khôi đến rách nát, là bạn của người từ thuở nằm nôi cho đến lúc trút hơi thở sau cùng.
Nón là ngôn ngữ, là biểu tượng của tình yêu và lòng tôn kính của người Việt. Chiếc nón linh thiêng cao cả làm sao !
Nón Quy Hậu bây giờ đã trở thành thương hiệu sang trọng, cùng với nón Bình Định, nón Huế, nón Hà Tây, hoặc nón Lai Châu, Cao Bằng góp một sản phẩm vào thương - trường - nón trong cả nước.
Người làm ra nón Quy Hậu và người lập trang web này đã và đang gửi đi một thông điệp quý giá với cả nước và hải ngoại : CHIẾC NÓN - LINH HỒN NGƯỜI VIỆT .
Đồng Hới, 28 / 4 / 2009
Trân trọng.
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật
Thư ngỏ gửi trang web " NGƯỜI QUY HẬU " và anh Nguyễn Thanh Khiết cùng Ban trị sự, Ban biên tập.
Địa chỉ liên lạc :
--------------------
DD: 0913.094.145
Địa chỉ : 12A, Nguyễn Đình Chiểu, Đồng Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình
Blog: hoangvuthuat.vnweblogs.com
E-mail : hoangvuthuat49@gmail.com