Ở
trường tiểu học, hoạt động trải nghiệm bao gồm hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp và hoạt
động tập thể (sinh hoạt dưới cờ, SH lớp, SH Sao nhi đồng, Đội TNTP). Trong
chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục
bắt buộc với thời lượng 3t/tuần. Hoạt động này có chủ đích, có kế hoạch, do nhà giáo dục định hướng, thiết
kế, tổ chức trong và ngoài giờ học, trong và ngoài nhà trường nhằm thực hiện mục
tiêu giáo dục, hình thành ý thức, tình cảm, động cơ, phẩm chất, giá trị sống,
hay các năng lực tâm lý xã hội…
Năm học
2019-2020, Phòng GD&ĐT Lệ Thủy đã có hướng dẫn cụ thể về tổ chức hoạt động
trải nghiệm ở trường tiểu học. Nhà trường đã quán triệt sâu sắc đến đội ngũ mục
đích, yêu cầu của hoạt động giáo dục này. Trên cơ sở kế hoạch, chương trình hoạt
động trải nghiệm đã xây dựng, các phần hành đã có sự đầu tư nghiên cứu, sáng tạo
trong việc tham mưu, đề xuất với Ban giám hiệu về phương án, hình thức tổ chức
một cách hiệu quả ở trường. Phải khẳng định rằng, mới
triển khai trong thời gian ngắn nhưng đây là hoạt động thật sự bổ ích và thiết
thực.
Trước
hết, nhà trường đã làm tốt công tác bồi dưỡng đội ngũ nhằm nâng cao nhận thức,
bồi dưỡng kĩ năng tổ chức hoạt động trải nghiệm. Chuyên môn đã tổ chức sinh hoạt
chuyên đề "Tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh", tập huấn
cho toàn thể giáo viên. Sau đó, các tổ chuyên môn đã xây dựng các bài dạy minh
họa về các tiết hoạt động tập thể cuối tuần (sinh hoạt Đội, Sao) và dạy thể hiện
rất thành công. Thay bằng tiết sinh hoạt theo truyền thống, đơn điệu, giờ đây,
các em được tham gia một cách hào hứng, phát huy năng lực, sở trường của bản
thân, mạnh dạn tự tin hơn. Các em tự tập và biểu diễn các tiết mục văn nghệ hấp
dẫn, kể những mẫu chuyện về chủ đề thầy cô hay tự đóng vai, xử lý tình huống về
phòng tránh bạo lực học đường và xâm hại trẻ em rất ấn tượng. Học sinh không
còn tiếp thu thụ động nghe những lời giảng khô khan mà chính các em được thực
hành, được bày tỏ ý kiến, đưa ra cách xử lý phù hợp.
Một số
tiết sinh hoạt cuối tuần như hoạt động trại đọc, hội thi 'Vẻ đẹp tuổi hoa"
với các phần thi trang phục đội viên, hiểu biết, ứng xử và năng khiếu... là những
tiết học khó quên trong kí ức tuổi học trò. Các hoạt động mới mẻ, sinh động, học
sinh đã trải nghiệm một cách thú vị. Thông qua hoạt động đã tạo cơ hội cho học
sinh phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác và sáng tạo của bản thân.
Hoạt động có khả năng huy động sự tham gia tích cực của học sinh vào tất cả các
khâu của quá trình hoạt động: từ thiết kế hoạt động đến chuẩn bị, thực hiện và
đánh giá kết quả hoạt động phù hợp với đặc điểm lứa tuổi và khả năng của bản
thân; tạo cơ hội cho các em được trải nghiệm, được bày tỏ quan điểm, ý tưởng;
được đánh giá và lựa chọn ý tưởng hoạt động, được thể hiện, tự khẳng định bản
thân, được tự đánh giá và đánh giá kết quả hoạt động của bản thân, của nhóm
mình và của bạn bè… Từ đó hình thành và phát triển cho các em những giá trị sống
và các năng lực cần thiết mà lâu nay chưa được chú trọng.
Các
buổi hoạt động tập thể đầu tuần sinh hoạt dưới cờ thật sự thu hút các em. Những
bài tuyên truyền về ATGT, chống rác thải nhựa, phòng tránh tai nạn tai nạn
thương tích, phòng chống đuối nước, bơi an toàn, giới thiệu sách theo chủ đề...đến
các tiết mục văn nghệ hò khoan Lệ Thủy đã góp phần phát triển kĩ năng sống, giáo
dục giá trị sống, mở mang sự hiểu biết cho các em. Chúng ta thấy rằng nội dung
giáo dục rất đa dạng và mang tính tích hợp, tổng hợp kiến thức, kĩ năng của nhiều
môn học, nhiều lĩnh vực học tập và giáo dục. Điều này giúp cho các nội
dung giáo dục thiết thực hơn, gần gũi với cuộc sống thực tế hơn, đáp ứng được
nhu cầu hoạt động của HS, giúp các em vận dụng vào trong thực tiễn cuộc sống một
cách dễ dàng, thuận lợi hơn.
Qua
các buổi tổ chức hoạt động NGLL chung, các em được thực sự trải nghiệm. Buổi hoạt
động chung khối 2 với chủ đề "An toàn giao thông" giúp học sinh có
các kĩ năng tham gia giao thông an toàn. Các em biết được con đường đến trường
an toàn thông qua sơ đồ cộng đồng, được thực hành đi bộ đúng quy định. Buổi hoạt
động chung khối 2 với chủ đề "Kĩ năng an toàn dưới nước" tại bể bơi đã
trang bị cho học sinh về kiến thức an toàn dưới nước. Học sinh biết cách tự cứu
mình và người khác khi gặp nguy hiểm đuối nước thông qua sự hướng dẫn của giáo
viên và phần thực hành của chính các em. Đây là những buổi học rất lý thú và gần
gũi với học sinh, nó thực sự hiệu quả hơn rất nhiều những bài giảng lý thuyết.
Nhà
trường hướng đến tổ chức hoạt động trải nghiệm dưới nhiều hình thức khác nhau như
trò chơi, hội thi, giao lưu, diễn đàn, tham quan du lịch, sân khấu hóa, thể
dục thể thao, câu lạc bộ, tổ chức các ngày hội,... Mỗi một hình thức hoạt động
trên đều tiềm tàng trong nó những khả năng giáo dục nhất định. Thông qua các
hình thức tổ chức đa dạng, phong phú để việc giáo dục học sinh được thực hiện
một cách tự nhiên, sinh động, nhẹ nhàng, hấp dẫn, không gò bó và khô cứng,
phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý cũng như nhu cầu, nguyện vọng của học sinh.
Trong quá trình thiết kế, tổ chức, đánh giá các hoạt động giáo dục, cả giáo
viên lẫn học sinh đều có cơ hội thể hiện sự sáng tạo, chủ động, linh hoạt của
mình, làm tăng thêm tính hấp dẫn, độc đáo của các hình thức tổ chức hoạt động.
Phải nói
rằng, bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy học, nhà trường rất chú trọng việc
tổ chức các hoạt động trải nghiệm bởi đây là con đường, là cơ hội để hình thành
và phát triển năng lực, kĩ năng sống cho học sinh. Điều đó càng có ý nghĩa bởi
những gì các em học được, vận dụng được là hành trang vô cùng quý báu trong cuộc
sống hôm nay và mai sau.
Công Lý
Một số hoạt động trải
nghiệm trong năm học 2019-2020