Từ mờ sáng (21/4/2018), ai ai đều dậy sớm để chuẩn
bị cho chuyến đi. Chúng tôi lần lượt đến
trường để lên xe theo kế hoạch, từng cặp vợ chồng đi xe máy đến trường, mọi
người thoải mái trong bộ quần áo dã ngoại. Không khí buổi sáng mùa hè giờ này
vẫn còn trong lành lắm. Trên những chiếc ghế đá, mọi người đứng ngồi túm tụm
xôn xao trò chuyện. Nét mặt ai cũng lộ vẻ vui tươi, các cháu nhỏ thì ríu ra ríu
rít, vui như Tết. Hôm nay có cả dâu hiền rể thảo lại được đi dã ngoại nên trông
ai cũng đẹp hơn, trẻ trung hơn trong chiếc áo đồng phục màu xanh của trường. Đúng 5 giờ 15 phút, đoàn xuất phát từ trường đến
Vũng Chùa – Đảo Yến, vào viếng mộ Đại tướng
Võ Nguyên Giáp – là Đại tướng đầu tiên - người anh cả của Quân đội
Nhân dân Việt Nam – người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, tổng tư lệnh chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu,
chấn động địa cầu. Năm 1984, Tân Bách khoa toàn thư Anh quốc (The new
Encyclopedia Britannica), một trong những bách khoa thư đồ sộ nhất thế giới đã
bình chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong 10 vị tướng kiệt xuất của thế giới.
Vũng Chùa - Đảo Yến nơi đất mẹ
Quảng Bình đã được Đại tướng chọn làm nơi an nghỉ cuối cùng của mình. Vũng Chùa
là khu vực có khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ, lưng tựa núi Thọ Sơn, mặt
hướng ra biển Đông hùng vĩ với nhiều đảo nhỏ như hòn La, hòn Gió, hòn Nồm (đảo
Yến). Phần mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm tại Mũi Rồng – mũi đất vươn ra biển,
đối diện với đảo Yến.

Đoàn rời khu
lăng mộ Đại tướng lúc 8 giờ 30 phút để đến tham quan và dâng hương tại Đền
Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở Đèo Ngang nằm trong cụm di tích-danh thắng Đèo Ngang
(Hoành Sơn Quan, lũy Hoàn Vương, đình Vĩnh Sơn, Hòn La…). Tương truyền Liễu
Hạnh công chúa cùng Sơn Tinh, Thánh Gióng và Chữ Đồng Tử là bốn vị thánh được
nhân dân tôn kính, gọi là “Tứ bất tử”. Trong tín ngưỡng của người dân Việt Nam,
hình tượng của “Tứ bất tử” đại diện cho chính nghĩa, khát vọng sống. Ngoài ba vị
nam thần đầu tiên có từ thời Hùng Vương và được thờ nhiều nơi từ rất lâu thì Mẫu
Liễu Hạnh là hình mẫu người phụ nữ duy nhất được đưa vào hệ thống thần thánh từ
đời hậu Lê.
Đền
nằm dưới chân núi
Đèo Ngang, ở một khu đất khá bằng phẳng, sát đường thiên
lý Bắc – Nam trước đây, phía sau đền là dãy Hoành Sơn, ngay trước mặt là hồ nước ngọt của
xã Quảng Đông, mặt đền quay hướng Nam cũng là hướng biển.
Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt cũng như một số dân tộc anh em, việc tôn thờ nữ thần, thờ mẫu là một hiện tượng khá phổ biến và có căn nguyên lịch sử xã hội sâu xa.

Thánh mẫu Liễu Hạnh
Đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh ở
Đèo Ngang, Quảng Bình vừa có sự tích riêng, vừa là hình tượng Mẫu Liễu Hạnh
chung trong đời sống tâm linh của nhân dân ta.
Vì vậy, theo sách kho tàng truyện cổ tích
Việt Nam tập IV – của Nguyễn Đổng Chi kể rằng: ’’Ngày xưa ở trên Thiên Đình,
Ngọc Hoàng có một cô con gái tên là Liễu Hạnh, tính tình phóng túng, ngang
bướng, không chịu theo khuôn phép nhà Trời. Ngọc Hoàng hết lòng dạy dỗ nhưng vô
ích, cô vẫn chứng nào tật ấy. Giận vì trong nhà có con gái hư, không thể làm
gương cho muôn họ, Ngọc Hoàng quyết định trị tội để cho con tu tỉnh.
Đền
Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang có diện tích khoảng 335m2. Từ đường thiên lý
Bắc – Nam đi vào, lần lượt qua cổng đền, bức bình phong, cổng Tam quan, hai trụ
đầu lân trước điện thờ, đền Tiền, đền Hậu.
Nhìn tổng thể kiến trúc của đền, chúng ta
thấy đây là một công trình kiến trúc tuy nhỏ, được xây dựng bằng đá, gạch, vôi
nhưng vẫn mang truyền thống mỹ quan á Đông và bảo lưu được bản sắc văn hóa dân
tộc. Điều này được thể hiện qua kết cấu cổng tam quan được bố trí một cách đối
xứng, cân đối và hài hòa, sự cân xứng và đăng đối, hài Hòa ở đây là nói lên sự
trung chính, ngay thẳng và cũng là ước mơ của con người. Mặt khác, lối cấu trúc
cân xứng, đăng đối và hài Hòa đó còn tạo ra vẽ đẹp cho kiến trúc, nghệ thuật và
thể hiện sự trang nghiêm của cả công trình kiến trúc đền.

Hành
trình tiếp theo của đoàn là đến suối Mọoc. Suối
Nước Moọc thuộc phân khu dịch vụ - hành chính VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, đây là
nguồn nước trong xanh trồi lên từ chân núi và chảy về sông Chày. Phía thượng
nguồn suối là 1 hố nước rộng 80 - 90 m2 có nhiều phiến đá lớn
với những vân hoa đẹp nằm dưới những tán cây cao, phía hạ nguồn là vô số những
ghềnh, bãi đá ngầm và thác nước có cảnh quan tuyệt đẹp, phù hợp cho việc tổ
chức du lịch sinh thái hấp dẫn và diệu kỳ mà khi du khách đặt chân đến sẽ tạo
thành một ấn tượng khó quên trước một khung cảnh thiên nhiên vô cùng kỳ thú.
Xe đến địa điểm suối Mọoc thì đã trưa, đoàn nghỉ chân để điểm
tâm. Sau khi Ban lãnh đạo đoàn hoàn tấ các thủ tục đăng ký, mua vé, đoàn lên
đường, mọi đồ ăn, thức uống, vật dụng được chia đều ra cho mọi người cùng
mang xách. Đoàn người tay xách nách mang, rồng rắn nối đuôi nhau đi giữa rừng
cây xanh biếc. Những cây cổ thụ vươn cao, xòe tán che mát cho mọi người. Có
những rễ cây vươn dài từ ngọn xuống rồi cắm sâu vào lòng đất trông thật kì lạ.
Suối Mọoc đây rồi! Dòng suối nước trong vắt uốn lượn quanh co giữa núi rừng
xanh thẳm, mang theo hương thơm của cỏ cây rừng nhiệt đới. Có chỗ bị đá chắn
lại tạo nên dòng thác tung bọt trắng xóa tựa mây trời. Hai bên bờ suối, những
mỏm đá to nhỏ đủ mọi hình dạng lô nhô xếp bên nhau, đây cũng là những chiếc ghế
cho du khách ngồi tận hưởng khí trời và cảnh đẹp của thiên nhiên. Đất trời như
hòa quyện vào nhau giữa khung cảnh rừng cây suối nước vừa hùng vĩ mà cũng thật
nên thơ. Lúc này, du khách đến đây đã khá đông, đủ mọi lứa tuổi, mọi thành
phần. Chung tôi bước xuống suối, nước mát lạnh đến tê người làm mọi người như
tỉnh hẳn. Giữa dòng, mọi người mang áo phao thi nhau bơi lội, ngụp lặn.
Một số người khác thì thi nhau tạo dáng, chụp hình làm lưu niệm. Trên bờ, dưới
bóng cây rừng râm mát, từng nhóm người ngồi trò chuyện râm ran bên những đĩa gà
nướng, thịt heo rừng nướng thơm phức. Người thì tâm tình trò chuyện say sưa với
những chén rượu nồng, kẻ thì í ới gọi nhau đi tắm. Quá trưa, chúng tôi ăn uống
ngay bên bờ suối. Những nhân viên phục vụ trẻ tuổi vui vẻ nhiệt tình bưng những
con gà nướng vàng ươm đến cho chúng tôi. Hội dâu rể trường tôi thì vui vẻ hết
chỗ nói. Các chú rể lâu ngày mới có dịp hội ngộ thì vui ra phết. Chàng rể nào
cũng nói nói cười cười tíu ta tíu tít.. Hình như được ăn uống ngay giữa khung
cảnh rừng cây và suối nước, ai cũng cảm thấy ngon hơn, thư thái đến lạ. Khoảng hơn
hai giờ chiều, đoàn chúng tôi tạm biệt suối Mọoc xinh đẹp để về quán Bờ Hồ tiếp
tục cuộc vui với những món ăn ngon, đặc sản của vùng quê Lệ Thủy.
Cuộc dã ngoại đã kết thúc nhưng vẫn còn đọng
lại trong mỗi chúng tôi và có lẽ trong tất cả mọi người những cảm giác thú vị,
đầy ấn tượng. Mọi người cảm thấy gần nhau, hiểu nhau, yêu thương nhau hơn.
Những phút giây vui vẻ bên nhau đó đã làm cho ta quên đi tất cả những nỗi ưu
phiền của đời thường để thêm yêu đời, yêu cuộc sống này hơn, và chắc chắn những
ngày kế tiếp cuộc sống của chúng tôi sẽ tốt đẹp hơn.
Trần Thị Lâm


