Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 145
Số lượt truy cập: 62517031

Quảng cáo
HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI MIỀN ĐẤT LỬA 5/3/2024 5:41:42 PM
Quảng Trị "Miền đất lửa" là một trong những chiến trường khốc liệt nhất. Hai chữ “Quảng Trị” không chỉ là địa danh của một tỉnh mà đã thành một biểu tượng chung, niềm tự hào chung của người dân Việt Nam. "Miền đất lửa" đi vào lịch sử bởi lòng dũng cảm, ý chí bất khuất trước kẻ thù. Mảnh đất này với những địa danh đã trở thành Huyền thoại như: Cầu Hiền Lương vĩ tuyến 17, sông Thạch Hãn, Địa đạo Vịnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ đường 9... là những địa chỉ đỏ trong nhiều chuyến hành hương tri ân các anh hùng liệt sỹ vào ngày lễ lớn.

image004.jpg

Lắng nghe ký ức Thành cổ, sông Thạch Hãn, bức thứ người chiến sĩ Lê Văn Huỳnh 

Hôm nay, trong cái thời tiết oi bức, nắng nóng cao điểm của những ngày cuối tháng 4 lịch sử, đoàn chúng tôi là các cô giáo từ trường Mầm non Mỹ Thủy hành trình vào Quảng Trị đến với Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, với Thành cổ, địa đạo Vịnh Mốc những địa danh không thể nào quên đối với người dân đất Việt. Chúng tôi chọn chuyến đi này bởi đây là một cách để chúng tôi thể hiện lòng biết ơn các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh cho Tổ Quốc, cho dân tộc, thể hiện niềm tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam, biết sâu sắc hơn sự đánh to lớn của các thế hệ cha anh để dành lấy độc lập, tự do. Để từ đó tiếp tục thắp lên ngọn lửa lòng yêu nước, mang khí thế hào hùng, truyền lại những cảm xúc, những ý nghĩa cho cho thế hệ mai sau.

Dẫu đã được nghe nhiều về Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn nhưng khi đặt chân đến chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động với không gian rộng lớn nhưng thật yên bình và tỉnh lặng. Trời tháng tư nóng như đỏ lửa nhưng nơi đây vẫn thấy một màu xanh bát ngát, xanh của cỏ cây, xanh của trang phục người lính được các cựu chiến binh khắp nơi tụ họp về đây để cùng tri ân trong dịp lễ 30/4 tư này.

Theo đoàn vào viếng và dâng hoa, chúng tôi xếp hàng nghiêm trang trước tượng đài, ai cũng ngậm ngùi, nghẹn ngào trào dâng cảm xúc khó tả trước vong linh của các anh, trước hàng nghìn ngôi mộ cùng với bao câu chuyện cảm động.  Chúng tôi rưng rưng nước mắt, cảm thấy như đang nợ một điều gì đó, bởi đây là lầm đầu tiên đa số các cô giáo chúng tôi mới đặt chân đến để thắp nén hương thơm cho các anh trong dịp lễ kỷ niệm này. Nghĩa trang như ấm cúng hơn bởi có rất nhiều đoàn Cựu chiến binh từ các nơi đỗ về cùng nhau ôn lại kỷ niệm một thời oanh liệt nhưng hào hùng.

Khác với Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn hay các nghĩa trang khác, các chiến sĩ hi sinh dù biết tên hay chưa biết tên đều có một ngôi mộ riêng để yên nghỉ, còn ở Thành cổ Quảng Trị vẫn được ví như một nghĩa trang dù không có những nấm mồ, không có những tấm bia ghi danh tên tuổi các liệt sĩ mà chỉ có “Đài tưởng niệm trung tâm” là biểu tượng cho một nấm mộ chung cho hàng vạn chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Quảng trị  sau 81 ngày chiến đấu khốc liệt (từ 28/6 đến 16/9/1972).

    Vào Thành cổ, trong trang phục áo dài, bước chân của chúng tôi dù rất nhẹ nhưng lòng thì nặng trĩu. Trong hư không linh thiêng, nghe tiếng nhạc tri ân mà lòng tôi như nghe thấy tiếng nói của hàng ngàn tuổi trẻ dội vang, thì thầm qua tiếng gió. Nhìn thấy sức sống của tuổi xanh qua những cây xanh, tán dừa, rặng liễu, thảm cỏ ... Trong không gian tâm linh linh thiêng ấy, chúng tôi thành kính dâng hương, tĩnh lặng lòng mình để gửi lời cầu khấn tri ân vào trời đất, lắng nghe những vần thơ mà lòng se sắt:        

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ

Trời cũng tự trong xanh và lộng gió

Dẫu ồn ào đừng lay mạnh cành cây

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật

Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật

Cho hôm nay, tôi đến nghẹn ngào...

Lắng nghe câu chuyện của anh chiến sĩ Lê Văn Huỳnh quê ở tỉnh Thái Bình, vợ anh là chị Đặng Thị Sương lấy nhau chỉ được 6 ngày, chưa kịp có với nhau 1 đứa con. Anh phải vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, anh đã linh cảm trước mình sẽ hi sinh khi làm nhiệm vụ chúng tôi không ai cầm được nước mắt.

Bức thư của anh chiến sĩ Lê Văn Huỳnh, dòng sông mang tên Thạch Hãn, Thành cổ là minh chứng cho ý chí đấu tranh chống giặc bảo vệ thành cổ, bảo vệ từng tấc đất của quê hương, là khát vọng hòa bình, khát vọng tự do, sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nơi đây mãi mãi là những địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Nằm trong hành trình chuyến tham quan ý nghĩa, địa điểm cuối cùng đó là Địa đạo Vịnh Mộc - Di tích lịch sử văn hóa mang nhiều giá trị lịch sử, một công trình kỳ vĩ dưới lòng đất.

Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên dẫn đoàn tham quan: “Địa đạo Vịnh Mốc là một trong 114 địa đạo lớn nhỏ được đào trên toàn huyện Vĩnh Linh, tuy nhiên đây là công trình tiêu biểu nhất so với 113 địa đạo khác. Địa đạo Vịnh Mốc không chỉ là nơi phòng tránh an toàn cho hàng trăm con người mà còn là trạm trung chuyển lương thực và vũ khí rất quan trọng cho đảo Cồn Cỏ và chiến trường miền Nam.”

Nhiệt độ ngoài trời lúc này tầm 43 độ, trời đưng gió, nóng nực, gay gắt, đến ngột thở. Nhưng khi bước chân vào địa đạo lại có cảm giác mát mẻ vô cùng. Lối vào địa đạo rợp bóng những hàng tre hai bên. Những cây tre cao vút, vươn thẳng lên. Có cả đường giao thông hào nối dài, nhưng có lẽ thời gian đã làm các rãnh hào nông hơn so với trước. Toàn bộ đường hầm địa đạo Vịnh Mốc được chia thành 3 tầng và được nối thông với nhau qua trục chính và 3 giếng thông hơi. Giếng thông hơi có sâu hơn các tầng hầm, theo tài liệu nhờ có giếng thông hơi mới có đủ không khí cho địa đạo, cũng nhờ độ sâu của giếng nên địa đạo không bị ngập nước khi mưa lũ, và cung cấp nước cho sinh hoạt trong địa đạo. Đi sâu vào lòng địa đạo, dưới ánh đèn chiếu đủ sáng, chúng tôi nhìn thấy rõ màu đất đỏ của vùng đất huyền thoại, thấy rõ sự phân bố khu vực chính xác và khoa học. Đường hầm địa đạo có dạng hình vòm, dọc hai bên đường hầm người dân cho khoét sâu vào bên trong để tạo ra các ô nhỏ (căn hộ gia đình) đủ chỗ cho từ 2-4 người có thể sinh hoạt trong đó. Chúng tôi, lần đầu trải nghiệm, ai cũng ngỡ ngàng, ngạc nhiên và thán phục trước sự thông minh, sáng tạo của thế hệ trước. Những câu nói được lặp lại không biết bao nhiêu lần "Thán phục, thán phục". Đến với địa đạo Vịnh Mốc tự mình chạm tay và trải nghiệm công trình kỳ vĩ trong lòng đất để cảm nhận được trí thông minh, sức sáng tạo không ngừng và tinh thần chiến đấu quả cảm của quân và dân Vĩnh Linh trong những năm chiến tranh.     

       Chợt nghĩ, có những lúc chúng tôi nản chí vì áp lực công việc, những khi gặp khó khăn trong cuộc sống muốn chùn bước… thì nay chúng tôi lại muốn cố gắng nhiều hơn, muốn được đóng góp nhiều hơn cho đơn vị, cho quê hương mình. Chúng tôi, ai cũng ý thức vai trò trách nhiệm của mình, hăng say trong công việc, không ngừng rèn luyện chuyên môn, đoàn kết với đồng nghiệp, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh, bảo vệ thành quả cách mạng đã được đổi bằng xương máu của biết bao thế hệ đi trước.

    Chiều cũng đã dần buông xuống, rời xa sự choáng ngợp trước hàng ngàn ngôi mộ ở Nghĩa trang Trường Sơn, chia tay Thành cổ, chia tay trong tĩnh lặng của thinh không, tạm biệt công trình độc đáo, kỳ vĩ của địa đạoVịnh Mốc, tạm biệt Miền đất lửa - Quảng Trị, chúng tôi lên xe trở về Quảng Bình. Qua ô cửa kính, màu xanh của cây cỏ, sắc thắm của muôn hoa chạy dài theo con đường, đâu đó tiếng chim ca, tiếng nhạc hòa vào tiếng gió và hoà thành bản hùng ca cuộc sống mới đang tươi sắc và vươn lên. Trong lòng mỗi chúng tôi đều thầm cảm thấy tự hào vì mình là người được lựa chọn trong chuyến đi này. Chúng tôi thầm hứa sẽ cố gắng hơn, không nản chí, không ngại khó, ngại khổ để đi đến thành công. Dẫu biết rằng sức của chúng tôi là nhỏ bé, là hạt cát giữa biển khơi, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để làm đẹp thêm cho bản thân, cho làng xóm, đơn vị mình. Hẹn một ngày chúng tôi sẽ trở lại, tri ân, ghi nhớ và báo công. Cầu chúc cho hương hồn các anh, các chị đời đời yên nghỉ./.

Trương Thị Giang – Công đoàn MN Mỹ Thủy

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CHUYẾN HÀNH TRÌNH


image001.jpg

Dâng hương tưởng niệm tại Thành cổ Quảng Trị

image002.jpg

Thành kính dâng hương trước linh hồn các anh

  image003.jpg

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Nghĩa Trang Trường Sơ

image005.jpg

Cửa số 3 địa đạo Vịnh Mốc

image006.jpg

Lối vào địa đạo rợp bóng hàng tre

Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com