Giảm áp lực học tập cho học sinh (HS), trang trí lớp học thân thiện, đẹp mắt, xây dựng bài giảng phong phú, sinh động, tổ chức tốt các hoạt động trải nghiệm... là những nội dung được các trường học tập trung triển khai thực hiện nhằm mang đến cho HS những trải nghiệm thú vị khi đến trường. Đó cũng là cách để các trường xây dựng THHP.
Thời gian qua, được sự hỗ trợ, tạo điều kiện
của dự án “Môi trường học tập an toàn, chất lượng” do Tổ chức Cứu trợ
trẻ em quốc tế tại Việt Nam (SC) tài trợ, ngành GD-ĐT đã triển khai các hoạt
động nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng THHP tại 12 trường học hưởng lợi dự án ở
địa bàn huyện Bố Trạch và Quảng Trạch, nổi bật là triển khai chiến dịch
“Cộng đồng giáo viên (GV) sáng tạo xây dựng lớp học hạnh phúc”, từ đó
nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh.
Chiến dịch được bắt đầu từ tháng 11/2023 đến hết
tháng 3/2024, tập trung vào những nội dung, như: Đổi mới phương pháp giảng dạy,
cách thức tổ chức lớp học và các hoạt động ngoại khóa… nhằm phát huy khả năng
sáng tạo của đội ngũ cán bộ, GV.
Không gian lớp học “mở” tạo
hứng thú cho học sinh trong học tập.
Chiến dịch đã thu hút sự quan tâm hưởng ứng của toàn thể cán bộ,
GV, tạo làn sóng đổi mới, sáng tạo trong dạy học và công tác quản lý. Từ
3 chủ đề: “Lớp học không rào cản”, “Lớp học hạnh phúc”, “Những quả ngọt đầu
tiên”, GV đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Ngoài việc đăng tải, chia
sẻ những video về hoạt động dạy học, cách tổ chức lớp học, GV đã mạnh
dạn vượt qua khuôn mẫu nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học cách làm bạn
với HS, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, tình cảm và phát hiện khả năng tiềm
ẩn của mỗi HS để có biện pháp giáo dục phù hợp.
Xác định lớp học hạnh phúc là tế
bào của THHP, GV các trường học đã bắt tay vào việc thay đổi không gian
lớp học, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, quan tâm đến những
HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, HS khuyết tật. Mặt khác, triển khai
nhiều hoạt động nhằm bảo đảm cho tất cả HS đến lớp đều có được
niềm vui, hạnh phúc.
Cô giáo Trần Thị Hoàng Lộc (Trường
TH-THCS Quảng Trường, Quảng Trạch) chia sẻ, tham gia cộng đồng GV sáng tạo
xây dựng lớp học hạnh phúc với cô là một hành trình thú vị. Từ bở
ngỡ, lạ lẫm, luôn đặt câu hỏi cho mình là phải bắt đầu từ đâu? kết
quả sẽ như thế nào?... đến “vỡ òa” niềm vui khi thấy bản thân làm được nhiều
điều mà trước đây ngỡ như không thể. Được các thành viên trong tổ tư vấn
hỗ trợ chuyên môn, được tiếp cận với nhiều điều mới lạ, bản thân cô
và mỗi GV đều cảm thấy thú vị khi mỗi ngày đến trường đều có những
dự định mới, việc làm mới mang lại hiệu quả tích cực trong giảng dạy.
Học sinh được thỏa sức
khám phá, sáng tạo qua mỗi giờ học.
Chung tâm trạng với cô giáo Hoàng Lộc, cô giáo Trần Thị Giang
(Trường TH Quảng Tiến, Quảng Trạch) bày tỏ niềm vui khi được thỏa sức
sáng tạo trong dạy học, tổ chức hoạt động trải nghiệm và hướng dẫn
cho HS vận dụng sáng tạo kiến thức đã biết vào các tình huống học tập hoặc tình
huống thực tiễn. Với việc xây dựng bài giảng phong phú, tìm tòi các
phương pháp dạy học phù hợp từng nội dung, tạo điều kiện cho HS bộc lộ
hết khả năng của mình, tăng cường tương tác giữa GV với HS, HS với HS...
mỗi giờ dạy của cô đều mang đến niềm vui, tạo không khí thoải mái cho
cả GV, HS. Giờ học nhờ thế mà trôi qua rất nhanh, HS tiếp thu bài tốt hơn.
“Hạnh phúc khi thấy mình trở
thành phiên bản tốt dần lên qua thời gian” là chia sẻ của cô giáo Trần
Thị Ngọc Huyền (Trường TH số 1 Hưng Trạch, Bố Trạch). Nhờ được tham gia cộng
đồng GV sáng tạo xây dựng lớp học hạnh phúc, cô Huyền đã có thêm kiến
thức, kỹ năng để vượt qua “vỏ bọc” an toàn của bản thân và đổi mới
cách nghĩ, cách làm. Trong tổ chức bài dạy, cô đã chú trọng đến việc tổ chức
cho HS làm việc nhóm, gắn kiến thức đã học với thực hành. Những trang giáo án
được cô đầu tư nhiều thời gian hơn theo hướng ngắn gọn, giàu hình ảnh
trực quan sinh động, lồng ghép việc liên hệ từ thực tiễn cuộc sống
vào bài học. Mối quan hệ cô trò trở nên gần gũi qua việc sẻ chia
những câu chuyện thường ngày, những bài học. Tình cảm cô trò, bè bạn càng
gắn kết.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Mai Thị Liên Giang cho hay: Lấy cảm hứng từ mô
hình “Happy School” của UNESCO, mô hình “Trường học hạnh phúc” được Bộ GD-ĐT
triển khai từ năm 2019 và nhanh chóng nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục trên
cả nước. Ngành GD-ĐT Quảng Bình đã và đang kiến tạo hành trình xây dựng những
ngôi trường hạnh phúc. Đặc biệt, năm học 2023-2024 chủ đề này được đưa vào
nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành, chú trọng vào các trường mầm non
và TH. Theo đó, các trường học tập trung triển khai nhiều hoạt động
nhằm xây dựng văn hóa học đường, phát huy những giá trị tích cực về
thuần phong mỹ tục, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết… để
một ngày đến trường, GV, HS đều cảm thấy
là một ngày vui.
Để trường học là nơi cung cấp, đáp ứng các nhu cầu giáo dục và tạo ra
giá trị hạnh phúc, các nhà trường, cơ sở giáo dục bắt đầu thực hiện từ những việc
nhỏ nhất. Những giờ học không còn bó hẹp trên bục giảng phòng học mà được triển
khai ở sân trường, thư viện hay dưới những bóng cây xanh; HS được đi tham quan,
tìm hiểu văn hóa địa phương qua tại các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử
trên địa bàn tỉnh, được quan tâm từ bữa ăn, giấc ngủ… Nhờ đó, tạo môi trường
làm việc, học tập thân thiện, mọi thành viên được quan tâm, động viên, giúp đỡ
nhau để cùng thay đổi và tiến bộ.
Tuy đã có bước khởi đầu đáng
mừng song để có được những trường học mà ở đó mang lại niềm hạnh phúc thực sự,
đòi hỏi mỗi cán bộ quản lý, GV, nhân viên, HS phải cộng đồng trách nhiệm
nhằm khắc phục khó khăn, tạo ra môi trường giáo dục thân thiện. Người đứng
đầu nhà trường và mỗi GV phải là lực lượng tiên phong trong đổi mới các
hoạt động nhằm tạo ra những phiên bản tốt nhất để lan tỏa niềm hạnh
phúc đến với mỗi HS.