
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra giữa lúc dân
tộc Việt Nam đang sống trong cảnh lầm than tủi nhục dưới ách thống trị của thực
dân Pháp, lớp lớp sỹ phu và đồng bào yêu nước đã đứng lên chiến đấu giành lại
độc lập tự do nhưng đều thất bại. Sứ mệnh lịch sử đặt ra cho dân tộc, cho
mỗi một người dân yêu nước lúc bấy giờ là tìm ra phương sách cứu nước cứu
dân thoát khỏi ách nô lệ.
Cậu bé Nguyễn Sinh Cung lớn lên trong
một gia đình nhà nho nghèo, thanh bạch. Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh
của Người là một nhà nho yêu nước, thân mẫu Hoàng Thị Loan là người phụ nữ giàu
lòng thương yêu và tình nghĩa, thông minh, đảm đang trong mọi công việc gia
đình.
Từ thuở thiếu niên, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã tiếp thu truyền thống chống xâm lăng hàng ngàn năm của dân tộc. Người
lại được hưởng nền giáo huấn yêu nước, thương dân của gia đình, nền văn hoá và
truyền thống tốt đẹp của mảnh đất Hồng Lam. Vốn có tư chất thông minh, tư duy
độc lập, đứng trước cảnh đất nước lầm than nhân dân khốn khổ, cậu bé Nguyễn Sinh
Cung đã sớm ôm ấp hoài bão tìm đường cứu nước cứu dân. Người rất khâm phục
tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối cách mạng nhưng người đã nhìn ra những
hạn chế của các bậc sỹ phu đương thời. Người quyết chí đi tìm con đường cứu
nước mới.
Với nghị lực phi thường Người đã quyết
chí đi sang phương Tây để tận mắt chứng kiến đất nước của những kẻ đã tới thôn
tính dân tộc mình, mong tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Ngày 5/6/1911 trên
bến cảng Nhà Rồng, Người bắt đầu cuộc hành trình với cái tên là Nguyễn Văn Ba
làm nghề phụ bếp theo chuyến tàu buôn Pháp, tàu đô đốc Latuso Torevilo. Nguyễn
Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước bằng cuộc hành trình vạn dặm qua nhiều nước
nhiều châu lục: Châu Âu, châu Phi, châu Mĩ, châu Á... Từ đó, Người nhận ra được
một sự thật: ở khắp các châu lục, ở các nước giàu mạnh cũng như ở các nước
thuộc địa đói nghèo đâu đâu cũng có những người cùng khổ bị áp bức bóc lột và
những tập đoàn thống trị sống bằng bóc lột áp bức. Cùng trong những năm bôn ba
ấy, cùng sống làm việc và hoạt động với quần chúng lao khổ, Người đã mở rộng
tình thương với mọi dân tộc bị áp bức. Người đấu tranh không mệt mỏi vì giải
phóng dân tộc Việt Nam và giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Cùng
qua thực tiễn đấu tranh ở nhiều lục địa đã dần dần hình thành ở Nguyễn Ái Quốc
một luận điểm: Giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng giai cấp, giải
phóng con người, giải phóng nhân loại. Nguyễn Ái Quốc hướng cuộc hành trình của
mình tới Cách mạng Tháng Mười, đến với chủ nghĩa Mác-Lê nin và Người đã thấy ở
đó “Con đường cứu nước duy nhất đúng đắn là con đường cách mạng vô sản”. Tại Đại
hội 18 Đảng Xã hội Pháp, Người bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba và trở thành
một trong những người sáng lập Đảng cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản
Việt Nam đầu tiên, người đầu tiên tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân
tộc ta. Kể từ đó Nguyễn Ái Quốc lao vào hoạt động để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê
nin và tư tưởng cách mạng vào phong trào yêu nước và công nhân Việt Nam, chuẩn
bị mọi điều kiện để thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam.
Nguyễn Ái Quốc là người viết “Bản án
chế độ thực dân Pháp” và cũng chính là người cùng với dân tộc mình thi hành bản
án đó. Đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người
của những quyết định lịch sử ở những bước ngoặt lịch sử. Người sáng lập Đảng
cộng sản Việt Nam dẫn dắt giai cấp và dân tộc trên mọi chặng đường thắng lợi
của cách mạng. Người cùng với Trung ương quyết định tổng khởi nghĩa vũ trang
đưa cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Người cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp đưa tới
chiến thắng Điện Biên Phủ giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Người cùng với Trung
ương Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước “Không có gì quý hơn độc
lập tự do”. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã giành được thắng lợi cuối
cùng với chiến dịch Hồ Chí Minh giải phòng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất
nước mở đường cho cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành
trọn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân. Người nói: “Tôi
chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là đất nước ta được hoàn toàn độc lập,
nhân dân ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm no áo mặc ai cũng được học
hành”. Điều vĩ đại ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ của nhân dân, cuộc đời
Người đã dành tình thương vô hạn đối với chiến sỹ, với nhân dân.
Nhân dân ta vô cùng kính trọng, coi Bác
là “cha già dân tộc”, chính vì điểm nổi bật ở Người là sự tôn trọng nhân dân và
niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh vô hạn của nhân dân. Đối với người cách mạng
không phải là sự ban ơn cho nhân dân mà nhân dân là “gốc” của cách mạng, là chủ
nhân của xã hội. Cuộc đời cách mạng trong sáng của Người chỉ vì dân vì nước
không hề gợn chút riêng tư. Những lần tết đến, mỗi độ xuân về người không quên
đi chúc tết đồng bào, gửi quà cho các cháu thiếu niên, nhi đồng, cho chiến sĩ,
...
Thật cảm động biết bao, trước lúc đi xa
Người vẫn chỉ dành muôn vàn tình thương yêu đến đồng bào, chiến sỹ và toàn thể
các cháu thanh thiếu niên nhi đồng. Người nói: “Khi tôi qua đời chớ nên
tổ chức điếu cúng linh đình tốn tiền của của nhân dân”. Người chỉ
muốn: Thi hài mình được hoả táng gửi cho ba miền để vào nơi thoáng mát để cho
nhân dân tiện đến thăm. Người dặn: Đừng nên đúc bia đá tượng đồng…
Tháng Năm lại về ... mùa sen bắt đầu
nở. Đất trời khoác lên mình bộ áo mới rực rỡ với nhiều thanh âm của hơi thở
cuộc sống thời đại. Thời gian đi lên phía trước như cánh chim không bao giờ
biết mỏi. Chợt ta lắng mình nghĩ về Bác kính yêu với tất cả tình cảm nâng niu,
trìu mến nhất. Cũng như thế, ngày sinh nhật Bác năm nay, ta lại nhận
ra 130 mùa xuân và những mùa xuân tiếp theo - tên Người đã và đang trở
thành bất tử trong trái tim muôn người.
THIÊN
HƯƠNG