
Buổi ngoại khóa ý nghĩa kỷ niệm ngày 22 tháng
12
Tên gọi "Quân đội Nhân dân"
là do Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến
đấu, vì nhân dân phục vụ". Tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam là đội
Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, được thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944
tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, ban đầu gồm 34
chiến sỹ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Trong
buổi lễ thành lập, 34 cán bộ chiến sĩ đội VNTTGPQ đã long trọng tuyên đọc 10
lời thề danh dự mà lời thề thứ nhất là “ Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam,
chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít, bọn Việt gian phản
quốc cho nước Việt Nam trở lên một nước độc lập và dân chủ, sánh ngang hàng với
các nước dân chủ trên thế giới”.
Sau đó, theo
yêu cầu của anh em, đội tổ chức một bữa cơm nhạt không rau, không muối để nêu
cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hi sinh của các chiến sĩ cách mạng. Mặc dù
đội chỉ có 34 chiến sĩ với những vũ khí thô sơ nhưng họ đều là những người kiên
cường, được chọn lọc từ các đội du kích ở Cao- Bắc- Lạng, một số đã học quân sự
ở nước ngoài và hầu hết các chiến sĩ đều đã trải qua chiến đấu. Việc thành lập
Đội VNTTGPQ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với lịch sử quân đội ta. Đây là
lực lượng chủ lực của QĐNDVN đã đánh thắng ngay từ trân đầu tiên đó là trận
Phay Khắt (24/12/1944) và Nà Ngần (25/12/1944). Trong một điều kiện vô cùng khó
khăn: “Ăn mỗi ngày một bữa. Đánh mỗi ngày 2 trận” , thế mà chỉ sau một tuần lễ,
Đội VNTTGPQ đã phát triển thành ba trung đội làm nòng cốt cho công tác tuyên
truyền diệt địch, biến căn cứ Cao- Bắc- Lạng thành một căn cứ vững chắc. Tháng
4/1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định
thống nhất các lực lượng vũ trang cả nước thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày
15/5/1945, sau buổi lễ thống nhất tại Định Biên Thượng, Định Hóa, Thái Nguyên,
đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành Tư lệnh các lực lượng vũ trang thống nhất,
mang tên Việt Nam giải phóng quân. Cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa của
nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn. Việt Nam giải phóng quân được đổi tên
thành Vệ Quốc quân. Năm 1946, Vệ Quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt
Nam.
Năm 1950, đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 22/12/1944, ngày thành lập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được lấy làm
Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 17/10/1989,
Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) quyết định lấy ngày 22/12 là ngày thành
lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời là Ngày hội Quốc phòng toàn
dân.
Đó cũng chính là nội dung mà cô giáo Đặng
Thị Yến gửi đến cho các em học sinh trong buổi ngoại khóa sáng ngày 16/12 nhằm
giúp các em khắc sâu hơn nữa ý nghĩa ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Học sinh Trường THCS Xuân Thủy tham gia vệ
sinh khu vực bia tưởng niệm
Để có được cuộc sống hòa bình, đầy niềm vui
như hôm nay chúng ta đã phải đánh đổi bằng sự hi sinh xương máu của biết bao
anh hùng liệt sĩ. Để tỏ lòng tri ân, Chi đoàn và Liên đội đã tổ chức cho các em
học sinh vệ sinh khuôn viên bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, bia tưởng niệm
anh hùng Lâm Úy trên địa bàn xã Xuân Thủy. Các em thành tâm thắp nén nhang bày
tỏ tấm lòng tri ân sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ vì sự nghiệp giải phóng
dân tộc.
Chiến tranh đã trở thành quá khứ nhưng nỗi
đau, sự mất mát bởi hậu quả của chiến tranh vẫn còn. Có biết bao nhiêu người
lính đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình và không bao giờ trở về nữa. Có biết
bao nhiêu người đã để lại một phần cơ thể của mình ở lại chiến trường. Hiểu
được phần nào sự mất mát ấy, Công đoàn nhà trường đã ghé thăm, động viên ba của
thầy giáo Nguyễn Hữu Dương - bác Nguyễn
Hữu Dinh, người lính cụ Hồ năm xưa. Bác đã trở về khi chiến tranh kết thúc
nhưng một phần cánh tay của bác mãi mãi ở lại chiến trường. Dẫu bác là thương
binh hạng 2 nhưng mấy chục năm qua, bác vẫn lạc quan, yêu đời, vượt qua bao khó
khăn để chăm lo cho gia đình, tham gia các hoạt động xã hội. Bác xúc động khi
nhớ lại những tháng ngày ấy, sẵn sàng: Vì
nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh. Thề vì dân suốt đời, thề tranh đấu
không ngừng. Vì đất nước thân yêu mà hy sinh. Thề diệt hết đế quốc kia giành tự
do hòa bình. Thật đáng khâm phục những con người như bác.

Thăm động
viên thân nhân của ĐVLĐ có công với cách mạng
Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới
và khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp, quân đội nhân dân Việt Nam hơn lúc
nào hết luôn phát huy tinh thần cách mạng, phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, kiên
trì xây dựng phát triển mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với quân đội và nhân dân
các nước, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội
trong khu vực và trên toàn thế giới. Biết ơn những người lính – anh bộ đội cụ
Hồ, sáng ngày 22/12, đại diện Chi đoàn và liên đội đến cơ quan Huyện đội huyện
Lệ Thủy tặng hoa chúc mừng và tỏ lòng biết ơn sâu sắc.

Hòa chung
trong không khí ấy, ngày 21 và 22, các em học sinh đã tham gia Hội khỏe phù
đổng cấp cụm với tinh thần của người lính cụ Hồ: tự tin, bản lĩnh, đầy nhiệt
huyết để rồi đem về nhiều thành tích thật đáng tự hào.

Những hoạt
động đầy ý nghĩa ấy của Trường THCS Xuân Thủy đã góp phần giúp các học sinh
khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ra
sức học tập để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc
quê hương, Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tháng 12 năm 2019
Phạm Vương – Hữu Trung