Vì câu Xố quê mình
Trong hành trình phục dựng và nghiên cứu của mình, ông Đặng Ngọc Tuân luôn "xê dịch" để có cái nhìn khái
quát, toàn diện về Hò khoan Lệ Thủy. Để có những nhận định, minh chứng rõ ràng
về các phạm trù văn hóa và các mái Hò khoan Lệ Thủy, ông không những khảo sát,
tìm hiểu ở quê hương mà ông có nhiều tư liệu quý để so sánh với điệu hò của
người Quảng Trị, các điệu hò Thừa Thiên Huế. Không ngồi ở nhà nghiên cứu, suy
luận chủ quan, ông công phu, cẩn trọng, khoa học và luôn tận dụng cơ
hội giao lưu văn hóa để đối chiếu
lý luận với thực tế. Ông
luôn có sự kết hợp tìm kiếm nhiều nguồn tư liệu, tham khảo thêm các
công trình nghiên cứu của những người đi trước, đồng thời đầu tư nhiều thời gian để tiếp xúc với các nghệ nhân để lắng nghe, quan sát và tìm
hiểu, ghi chép nhiều lời cổ có giá trị cao. Những nhận định về Hò khoan Lệ Thủy
của ông vì thế có giá trị thuyết phục cao, được các nhà nghiên cứu và bà con
đồng tình hưởng ứng.
Trong
mấy năm gần đây, điều ông băn khoăn, day dứt là phân định thật rõ ràng Hò khoan
Lệ Thủy gồm mấy mái (Có người nói 05, người nói 09 mái), việc khôi phục như thế
nào cho múa Tứ linh của làng Mỹ Lộc, rồi Hò đưa linh chèo cạn bản chất của nó
như thế nào.Tất cả những điều này, ông đều chia sẻ với tôi và hai bác cháu dụng
công lần mở những nút thắt bí ẩn. Thậm chí để nghiên cứu mái Hò lỉa trâu, ông
còn lên tận Kim Thủy, Ngân Thủy để lắng nghe dân ca của người Bru - Vân Kiều
nhằm định tính không gian văn hóa trong quá trình giao lưu, hội nhập với người
ở dưới xuôi. Những khám phá mới, phát
hiện mới dần dần làm chúng tôi sáng tỏ một vài thắc mắc, hoài nghi. Ông tâm sự:
“Khi nào chân không đi được, tai không nghe được và trái tim vô cảm, có lẽ lúc
đó tôi sẽ không đến với văn nghệ dân gian. Mà kể cũng lạ, đi vào đó là chúng ta
nghiện như trầu phải có vôi, như răng phải có môi, như anh phải có em. Và tất
nhiên, người không đồng cảm sẽ bảo mình hâm hâm, dại dại…”
Tình yêu vô cùng to lớn với Hò khoan Lệ Thủy, tinh thần
cống hiến không biết
mệt mỏi đã tạo
nên công trình khảo cứu có giá trị to lớn Hò
Khoan Lệ Thủy.
Ông vừa đi vừa viết, vừa đi vừa chép để trả món nợ ân tình với quê hương. Dẫu
biết thân mang trọng bệnh nhưng ông cố gắng đến từng hơi thở để cố hoàn thành
ước nguyện của mình về một công trình hoàn hảo dành cho Hò khoan Lệ Thủy. Những
năm gần đây, ông ra quê nhiều hơn, tiếp xúc với các nghệ nhân nhiều hơn để chia
sẻ, trao trút tình yêu của mình đến mọi người. Ông quyết liệt, đam mê đề xuất
và thúc giục chúng tôi chung sức làm bằng được đêm Hò khoan Lệ Thủy mang tựa đề
Câu hò bên bến sông quê trong dịp
2/9. Hàng vạn người dân đội mưa đứng hai bên bờ sông Kiến Giang ở trung tâm
huyện lắng người trong câu hát. Không ai muốn về cả vì hồn quê được nối dài bất
tận, cháu con ở thành phố Hồ Chí Minh, ở Hà Nội, Vũng Tàu… không cầm được nước
mắt. Câu hò được xướng lên trên bến sông quê sao mà da diết đến thế, hay đến
thế.
Cũng
vì duyên nợ với Hò khoan Lệ Thủy, ông đã 03 lần lên núi rừng Ngân Thủy để gặp
gỡ các nghệ nhân Bru -Vân Kiều nhằm nghiên cứu, chia sẻ dân ca của đồng bào ở
đây. Ông có ước mơ sẽ có công trình nghiên cứu văn hóa Bru - Vân Kiều để đưa
vào hoạt động du lịch nhằm góp phần hỗ trợ, giúp đỡ bà con xóa đói, giảm nghèo.
Ước mơ chân chính ấy được bà con và chính quyền địa phương nhiệt thành ủng hộ.
Ông bảo với tôi: “Cháu sẽ là người làm những phần việc bác còn dang dở. Cháu
hãy cố gắng làm nhanh chứ không kịp đâu, các nghệ nhân đã già lắm rồi. Họ sắp
về với rừng cả rồi. Họ mất là mất hẳn dân ca người Vân Kiều ở Lệ Thủy…”
Ước nguyện cuối
Những
lần đi theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Ngọc Tuân đến các làng, bản
gặp bà con tôi mới thấm thía cách sống truyền tâm, lan tỏa của ông. Đi đâu cũng
vậy ông đều lên kế hoạch trước, nhờ địa phương giới thiệu, gặp gỡ,
trò chuyện, khai thác thông tin từ các nghệ nhân. Thấy người từ xa đến, lại có tuổi, không quen biết nhưng hồ
hởi, xả thân vì mọi người xung quanh bà con rất quý mến, thân thiện. Họ coi ông
Đặng Ngọc Tuân như người quen lâu ngày gặp lại. Bà con sẵn sàng mời cơm sắn
trong ngày. Thậm chí có người tận tình dành thời gian đi với chúng tôi cả ngày
để làm cầu nối với dân bản. Tối đến có người mang cho bác Tuân vài quả bắp
nướng, lấy rượu ngâm gia truyền để cho ông xoa chân, xoa tay. Đó là một trong những niềm hạnh
phúc, đủ để tiếp thêm sức lực giúp ông tiếp tục dấn bước trên chặng đường dài
sưu tầm văn hóa dân gian.
Còn
nhớ, năm 2013 cuốn sách “Hò khoan Lệ Thủy” dày 300
trang với phần khảo cứu hơn 1000 bài hò lời cổ giá trị được công bố rộng rãi.
Đó chính là thành quả của quá trình dày công tìm kiếm, sưu tầm, khảo cứu và viết
nên cuốn sách này, tác giả như phải chạy đua với thời gian, tuổi tác vì sợ hò
khoan Lệ Thủy sẽ bị mai một trong tương lai gần. Công trình này cũng chính là bằng
chứng để lưu truyền những giá trị văn hóa của vùng quê chiêm trũng Lệ Thủy.
Ngay trong lời tựa viết cho cuốn sách, GS. TSKH Tô Ngọc Thanh đã nói rằng: “Chỉ
có những ai yêu da diết những giá trị văn hóa quê hương mới làm được như vậy”.
Vì vậy, công trình này xứng đáng là món quà lớn đối với người Lệ Thủy và các độc
giả khắp mọi miền Tổ quốc.
Cũng vào sáng ngày
14/12/2013, tại Trung tâm Văn hóa huyện Lệ Thủy, buổi “Giới thiệu và trao tặng
sách Hò khoan Lệ Thủy” đã diễn ra trong không khí hào hứng, đồng điệu giữa tác
giả và độc giả. Buổi giới thiệu này đã thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo
công chúng tham dự; đồng thời trở thành một diễn đàn giao lưu văn hóa.
Cũng tại buổi giới thiệu, những suy nghĩ, kế hoạch thời gian tới về cách lưu giữ,
phát triển hò khoan Lệ Thủy được độc giả trao đổi, bàn luận nghiêm túc. Sau buổi gặp gỡ, bác đã tặng cuốn sách làm tư liệu cho 91 thư
viện của trường học trên địa bàn huyện. Cuốn sách đã trở thành một cẩm nang quý
báu, bổ ích về hò khoan vùng quê Lệ Thủy, giúp ích hiệu quả cho Câu lạc bộ Hò
khoan của các đơn vị trường học cùng những ai quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu và
sáng tác.
Tuy
sức khỏe thời gian gần đây đã giảm sút nhưng không ngăn được
tâm huyết của bác Tuân với văn nghệ dân gian. Ông tiếp tục bổ sung, chỉnh lý sách
Hò khoan Lệ Thủy. Và trong năm 2019, hơn 500 ấn phẩm ra đời để tặng cho người
yêu hò khoan và cả những ai chưa hiểu nhiều về Hò khoan Lệ Thủy. Tất cả những
người được nhận quà đều không có những nét chữ thân thuộc của ông. Dẫu là trên
con chữ được kỹ thuật hóa nhưng mọi người ai cũng rung rung xúc động. Bởi ông
đến giờ phút cuối cùng cũng chỉ vì Hò khoan, vì quê hương xứ Lệ.
Khi
tôi ngồi vào máy tính viết những dòng chữ này, nhiều học trò của ông cùng các đồng nghiệp,
cộng sự và những người từng được quen biết đều tiếc thương sâu sắc và vô cùng kính trọng về nhân cách,
kiến văn sâu rộng cùng lối sống giản dị, khiêm nhường. Với tôi, mãi mãi không thể nào quên
được giọng nói vang vang, truyền cảm của bác khi nhắc đến văn hóa quê hương: “
Mình nói với Tình nhé, hãy cố gắng làm hết sức mình với công việc và văn hóa Lệ
Thủy. Bọn mình xa quê trông chờ vào các cậu. Mình, anh Nguyễn Anh Trí…về quê,
theo dõi trên facebook các hoạt động đang diễn ra ở nhà thấy các bạn trẻ tâm
huyết, nhiệt thành tụi mình mừng lắm. Sang năm, chúng ta tiếp tục làm Câu hò bên bến sông quê nhé. Cậu cố
gắng làm tiếp công trình văn hóa Bru - Vân Kiều mình đang dang dở….”
Tháng 12/2019
Ngô Mậu Tình