Cứ đến ngày 8/3 hàng năm, phụ nữ trên toàn thế giới lại được cả nhân loại tôn vinh. Ngày Quốc tế Phụ nữ hay còn gọi là Ngày Liên Hiệp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế được Liên Hiệp Quốc chính thức hóa vào năm 1977. Trong thế kỷ qua, người phụ nữ đã giành được sự bình đẳng trước pháp luật trong hầu hết các lĩnh vực và ở hầu hết các nước trên thế giới. Và hiện nay phụ nữ vẫn không ngừng tranh đấu vì quyền bình đẳng với nam giới.

Trải qua những chặng đường vô cùng oanh
liệt dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, phụ nữ Việt Nam đã tỏ rõ
truyền thống thông minh, sáng tạo, lao
động cần cù, chiến đấu dũng cảm. Cùng với sự phản ánh về lịch sử đất nước,
lịch sử dân tộc, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đã được đưa vào trong những
nguồn tư liệu, được xây dựng và lưu truyền trong nền văn học. Cho đến ngày nay
tên tuổi của họ vẫn rạng ngời.
Hình ảnh nổi bật về người phụ nữ Việt Nam
trong truyền thống là người nữ sĩ đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Mở đầu truyền
thống “ Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”
là hai vị nữ anh hùng bà Trưng Trắc và Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi
quân Đông Hán giành lại quyền tự chủ cho đất nước. Bên cạnh Hai Bà Trưng là
hình ảnh 36 nữ tướng kiệt xuất ( Như Lê Chân, Thiều Hoa, Thánh Thiên …) cùng
đứng lên đánh giặc cứu nước. Dân tộc ta mãi ghi nhớ chiến công của họ. Sau Hai
Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu, một lần nữa khẳng định ý chí tự chủ,
tinh thần độc lập của dân tộc với câu nói đầy khí phách của Bà : “ Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp sóng dữ,
chém. cá kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi vòng chìm đắm,
chứ đâu có chịu cúi đầu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Và nhiều phụ nữ
khác ở thời Trần, Lê đã trực tiếp tham gia đánh giặc theo nhiều cách. Đó là
những người phụ nữ ở ven sông Bạch Đằng...
Nối tiếp truyền thống vốn có, người phụ
nữ Việt Nam
trong những năm kháng chiến chống Pháp, Mĩ càng thể hiện rõ tinh thần chiến đấu
kiên cường, bất khuất. Chúng ta làm sao có thể quên hình ảnh của người thiếu nữ
anh hùng Võ Thị Sáu:
“Người thiếu nữ ấy như mùa xuân.
Chị đã dâng trọn cuộc đời.
Để chiến đấu với bao niềm tin
Dù chết vẫn không lùi bước
Chị Sáu đã hi sinh rồi
Giọng hát vẫn như còn vang dội
Vào trái tim những người đang sống”
Lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm và tấm
gương hi sinh oanh liệt của chị mãi mãi bất tử như mùa xuân. Tên tuổi của những nữ anh hùng đã hy sinh xương máu của mình cho
sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do của Tổ quốc mãi mãi khắc ghi
trong con tim của mỗi người Việt Nam chúng ta: Mạc Thị Bưởi, Út Tịch, Lê Thị
Hồng Gấm, Mẹ Suốt,...Mỗi người chúng ta chắc đều xúc động khi đọc cuốn “Nhật ký
Đặng Thùy Trâm”. Và hình ảnh 10 cô gái
đã hi sinh ở ngã ba Đồng Lộc được Tổ Quốc ghi công vào bảng vàng, bia đá. Tất
cả họ thật xứng đáng là những người bất tử, xứng đáng là những người anh hùng
trong tâm trí của thế hệ thanh niên ngày nay và mai sau.
Người phụ nữ Việt Nam trong truyền thống không chỉ
giỏi việc nước mà còn đảm việc nhà. Họ là những người cần cù trong lao động: “Sớm ra ruộng lúa, tối về nương dâu”.

Ý thức lao động dần
dần đi vào tình cảm trở thành bản chất tốt đẹp của người phụ nữ. Lao động kiên trì, nhẫn nại trở thành lẽ
sống của phụ nữ vì chồng con, vì gia đình, vì đất nước. Chính từ sự tham gia
lao động sản xuất đã hình thành sức mạnh và vẻ đẹp tinh thần của người phụ nữ.
Cảnh tượng quen thuộc:
“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”
càng minh họa rõ hơn chân dung của người
phụ nữ. Mặt khác, họ còn là người đảm đang, giàu đức hi sinh, lòng vị tha, yêu
thương chồng con hết mực. Qua lời hát ru người mẹ dạy cho con thơ bao điều bổ
ích. Hòa với dòng sữa mẹ và tình yêu thương, tiếng ru xưa gợi lên trong đầu óc
con thơ những nhận thức và tình cảm đầu tiên mà cho mãi đến lúc lớn khôn con
vẫn còn ghi nhớ mãi.
Phụ nữ còn là những nghệ sĩ sáng tác và
hát dân ca, múa dân tộc và tham gia xây dựng nền nghệ thuật sân khấu cổ truyền
tài hoa, đặc sắc. Những trang sử và những nguồn tư liệu đã phản ánh hình tượng
người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử: Là
người chiến sĩ giữ nước kiên cường, bất khuất; Là người phụ nữ thông minh, cần
cù, đảm đang, là trụ cột gia đình, nuôi dạy con trẻ; Là nghệ sĩ tài hoa, sáng
tạo và bảo vệ văn hóa dân tộc.
Phát huy truyền thống đã có, ngày nay
khi đất nước chúng ta đang trên con đường hội nhập quốc tế phụ nữ Việt Nam đã
tự khẳng định khả năng của mình. Phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam
càng được khẳng định rõ nét hơn bao giờ hết. Trước hết chúng ta thấy rõ vai trò
vô cùng quan trọng của phụ nữ trong gia đình. Họ có ảnh hưởng to lớn tới hạnh
phúc của gia đình. Là người vợ hiền luôn hiểu chồng, sẵn sàng chia sẻ những khó
khăn cùng chồng, giúp đỡ chồng và đưa ra những lời khuyên thiết thực khiến
người chồng cảm thấy yên tâm trong công việc. Họ còn là những người mẹ hết lòng
vì con, là những tấm gương cho con cái noi theo. Là người mẹ sẵn sàng hi sinh
lợi ích của bản thân với ước nguyện cho con cái trưởng thành và thành công
trong cuộc sống. Trong cuộc sống thường nhật đầy rẫy những khó khăn chúng ta
tìm thấy ở người phụ nữ, người mẹ sự bình yên trong tâm hồn. Đúng vậy dù ta có
khôn lớn trưởng thành thì người mẹ vẫn là chỗ dựa tinh thần vững chắc, đó là
một quy luật của tình cảm có ý nghĩa bền vững, rộng lớn và sâu sắc mà nhà thơ
Chế Lan Viên đã từng khái quát:
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”
Trong thời kì công
nghiệp hóa, hiện đại hóa, người phụ nữ càng phải chịu nhiều đòi hỏi khắt khe
của xã hội hiện đại. Bên cạnh vai trò quan trọng trong gia đình, người phụ nữ
còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phụ nữ có mặt trong hầu hết các
công việc và giữ nhiều vị trí quan trọng. Ngày càng nhiều người trở thành chính
trị gia, các nhà khoa học nổi tiếng, những nhà quản lí năng động, các doanh
nhân thành đạt….Trong nhiều lĩnh vực, sự có mặt của người phụ nữ là không thể
thiếu như Ngành dệt, may mặc…Người phụ nữ ngày nay vừa tiếp nối truyền thống
ngày xưa vừa vươn lên để đáp ứng nhu cầu xã hội. Họ đúng là những con người đảm
đang, năng động, sáng tạo và tự tin. Thế kỉ XXI đang đề cao vai trò của người
phụ nữ, điều đó đòi hỏi người phụ nữ không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao
vai trò và sự đề cao của xã hội. Trước những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường
và hội nhập kinh tế quốc tế, bất cứ ở đâu trong lĩnh vực nào vai trò và hình
ảnh của người phụ nữ cũng không thể thiếu. Chúng ta tin tưởng và hi vọng rằng
người phụ nữ sẽ có một cuộc sống, một công việc, một vị thế ngày càng xứng đáng
hơn với những gì mà chị em chúng ta luôn cần mẫn, chắt chiu và cống hiến cho
cuộc đời này.
Có thể khẳng định phụ nữ Việt Nam, bằng vẻ
đẹp và cái đẹp của chính tâm hồn mình, đã góp phần đặc biệt dệt gấm, thêu hoa,
làm nên vẻ đẹp và sức sống diệu kỳ ngàn đời cho dân tộc Việt Nam, đúng như nhà
thơ Huy Cận đã viết:
“Chị em ta tỏa nắng vàng lịch sử
Nắng cho đời nên cũng nắng cho thơ”...
Bình Minh (GT)