Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 210
Số lượt truy cập: 64851521

Quảng cáo
Ngôi trường mang tên một làng quê 9/9/2011 4:04:53 PM
Đại Phong là một làng quê nghèo vùng chiêm trũng phía tây bắc xã Phong Thủy, bên hữu ngạn sông Kiến Giang. Cũng như bao làng quê khác, người dân Đại Phong từ đời này sang đời khác đã đổ xuống nơi đây biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Mảnh đất ấy đã oằn mình trong đau thương của chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Với ý chí kiên cường, anh dũng trước kẻ thù, đức tính chịu thương chịu khó, cần cù trong lao động, người dân Đại Phong sẵn sàng “tay cày, tay súng” vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Bằng trí tuệ và sự sáng tạo của mình trong lao động sản xuất mà cái tên làng quê Đại Phong đã đi vào lịch sử.

Đại Phong được cả nước ngợi ca, được thế giới biết tên là làng quê tiêu biểu, điển hình trong buổi đầu miền Bắc đi lên xây dựng XHCN. Đại phong được Bác Hồ ngợi khen, được Đảng, Quốc hội, Chính phủ tặng thưởng 6 Huân chương lao động, 4 Huân chương Chiến công Lực lượng vũ trang tự vệ, được phong tặng Đơn vị anh hùngLá cờ đầu trong nông nghiệp toàn miền Bắc XHCN, được Bác Hồ gửi tặng chiếc máy kéo DT54 có đủ hệ thống tác nghiệp.

Trường Tiểu học Đại Phong được may mắn sinh ra trong lòng của ngọn cờ đầu Gió Đại Phong, sóng Duyên Hải, cờ Ba nhất. Vinh dự, tự hào thay, ngôi trường duy nhất trong toàn huyện được mang tên một làng quê có bề dày lịch sử ấy.

Được tách ra từ trường THCS Phong Thủy vào tháng 2 năm 1990,  trường Tiểu học Đại Phong gặp rất nhiều khó khăn của buổi đầu thành lập. Toàn trường chỉ có 4 phòng học cấp 4 xây dựng từ những năm 1972 - 1973 và 4 phòng học tạm nhà tranh vách đất, bàn ghế học sinh chưa có đủ

Vốn là vùng nông nghiệp độc canh cây lúa, mức sống của người dân chưa cao. Song, HTX Đại Phong đã xác định tầm quan trọng của công tác giáo dục, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai của con em mình. Năm 1990 với sức mạnh của sự đoàn kết và niềm tin vào chính mình, HTX Đại Phong đã bỏ ra 600 tấn lúa với trị giá khoảng 230 triệu đồng cùng hàng ngàn công lao động của toàn thể xã viên trong hợp tác xã để xây dựng ngôi trường 2 tầng với 8 phòng học khá khang trang, hiện đại. Đó là ngôi trường Tiểu học cao tầng đầu tiên ở vùng nông thôn huyện Lệ Thủy.

Năm học 1994-1995, để làm tròn trách nhiệm một trường trọng điểm của huyện, Đại Phong tiếp tục huy động nguồn vốn xây dựng thêm 6 phòng học cấp 4 và mua sắm trang thiết bị bên trong phục vụ cho công tác dạy học.

Năm học 1996-1997, trường được chọn thực thi Dự án Trường trọng điểm chất lượng cao giai đoạn 1996 - 2000. Đại Phong tiếp tục đi đầu trong việc dạy học chương trình 2buổi/ngày và dạy thêm hai môn tự chọn Tiếng Anh và Tin học.

Với sự đầu tư về CSVC của Đảng bộ và HTX Đại Phong, sự quan tâm của ngành giáo dục, thầy trò trường Tiểu học Đại Phong nỗ lực nâng cao chất lượng dạy học. Tháng 5/1999 trường Tiểu học Đại Phong - một trong ba đơn vị đầu tiên của giáo dục Lệ Thủy được Bộ Giáo dục cấp bằng công nhận trường Tiểu học đạt Chuẩn quốc gia giai đoạn 1996 - 2000.

Trải qua hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành, bao thế hệ thầy giáo, cô giáo tâm huyết, tận tụy với nghề đã vun đắp nên bề dày thành tích của nhà trường. Liên tục từ năm học 1990 - 1991 đến nay, nhà trường luôn giữ vững danh hiệu đơn vị tiên tiến, tiên tiến xuất sắc, tập thể lao động xuất sắc. Là một trong những đơn vị thuộc tốp dẫn đầu về chất lượng giáo dục và các mũi nhọn học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi các cấp. Nhà trường đã được Bộ Giáo dục, UBND tỉnh Quảng Bình tặng nhiều bằng khen, được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhà trường được công nhận Đơn vị Văn hoá cấp huyện năm 2006. Thầy Hiệu trưởng Trần Chính Dạ được nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, 1 đồng chí đạt Chiến sĩ thi đua toàn quốc (2006), 3 giáo viên đạt Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 9 đồng chí đạt Giáo viên dạy giỏi cấp huyện và nhiều đồng chí đạt CSTĐ các cấp  qua hàng năm.

Xây dựng đội ngũ Nhà giáo có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức, có trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm vững vàng;  tận tuỵ với nhà trường, với các em học sinh thân yêu. Đó là điều kiện tiên quyết để đẩy mạnh hơn nữa chất lượng dạy và học. Lấy Đổi mới phương pháp dạy học làm hạt nhân của phong trào thi đua Hai tốt chính là góp phần tạo dựng tương lai vững chắc cho mảnh đất giàu truyền thống, góp phần khẳng định tên tuổi làng Đại Phong trong thời kỳ mới. Và quả thật, những thành tích mà nhà trường đạt được trong những năm qua đã phần nào đáp ứng niềm tin, hy vọng mà Đảng bộ và nhân dân làng Đại Phong gửi gắm.

Năm học 2008-2009, thực hiện chủ đề Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào dạy học; thực hiện phong trào Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, nhà trường tiếp tục nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Đảng bộ, thôn, HTX Đại Phong hơn 22 triệu đồng để mua 03 máy vi tính, 01 máy in. UBND xã Phong Thủy đầu tư hơn 35 triệu đồng để trang bị thêm máy vi tính cho học sinh học tập; nhà trường đã tiến hành nối mạng Internet ở phòng Tin học cho học sinh, giáo viên được khai thác thông tin trên mạng nhằm nâng cao hiểu biết CNTT và áp dụng vào dạy học. Thật phấn khởi, sau hơn 6 tháng phát động, gần 90% giáo viên đã có chứng chỉ Tin học và thực hiện vi tính hoá bài soạn, hơn 65% giáo viên sử dụng thành thạo máy vi tính và biết trình chiếu trên chương trình PowerPoint, nhiều học sinh lớp 4,5 biết khai thác trên mạng và giải toán qua mạng Internet.

Những hoạt động hướng về chủ đề Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực như tìm hiểu các di tích lịch sử ở địa phương, tham quan và chăm sóc phòng truyền thống Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở thôn Đại Phong, tổ chức sưu tầm trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca Lệ Thủy, múa hát sân trường, trồng và chăm sóc bồn hoa cây cảnh của học sinh sau mỗi buổi học v.v đã thực sự tạo được môi trường thân thiện có tính giáo dục cao, để lại những ấn tượng đẹp đẽ trong lòng mỗi học sinh và người dân địa phương.

Nhìn lại chính mình trong sự nghiệp đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay, TH Đại Phong không khỏi băn khoăn, trăn trở về thực trạng cơ sở vật chất. Gần 60% bàn ghế học sinh chưa được cải tạo, 4 phòng học cấp 4 đang xuống cấp nặng, các phòng chức năng đang chật hẹp, khuôn viên trường học, sân chơi bãi tập chưa đủ, công trình vệ sinh chưa đảm bảo. Đó là những trở ngại không nhỏ của TH Đại Phong trên con đường xây dựng trường tiểu học đạt Chuẩn quốc gia mức độ 2  và đó cũng là điều để cấp uỷ Đảng, Chính quyền và nhân dân Đại Phong cùng tập thể cán bộ, giáo viên phải suy nghĩ ?

 Những ngày đầu tháng Tư năm 2009 này, thầy trò trường Tiểu học Đại Phong phấn khởi đón nhận món quà từ Chương trình kiên cố hoá trường học với 6 phòng học 2 tầng, công trình đang được khởi công xây dựng và sẽ hoàn thành vào đầu năm học mới.

Tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Phong Thủy, sự đầu tư của UBND xã, sự hỗ trợ đắc lực của Đảng bộ, thôn, HTX cùng sự nỗ lực của nhân dân Đại Phong - một làng quê giàu truyền thống cách mạng, một Làng văn hoá cấp tỉnh, Huân chương Lao động hạng Ba trong thời kỳ đổi mới - cùng tập thể sư phạm Tiểu học Đại Phong xây dựng thành công trường Chuẩn Quốc gia mức độ 2, xứng đáng với “Gió Đại Phong” đã đi vào lịch sử.

VÕ THỊ LÝ - HIỆU TRƯỞNG


DP_gioi thieu.jpg






Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com