Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một hoạt động giữ vai trò rất
quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông. Hoạt động này giúp cho học
sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm để vận dụng những kiến thức học được vào thực
tiễn, từ đó hình thành năng lực, phẩm chất cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo
của bản thân. Mặt khác, hoạt động này còn được coi là một bộ phận của quá trình
giáo dục, được tổ chức ngoài giờ học các môn học văn hóa ở trên lớp nhằm bổ
sung hỗ trợ cho hoạt động dạy học. Bởi thông qua các hoạt động thực hành, những
việc làm cụ thể và các hành động của học sinh nhằm phát triển, nâng cao các tố
chất và tiềm năng của mỗi học sinh, nuôi dưỡng ý thức sống tự lập, ý thức quan
tâm, chia sẻ với những người xung quanh. Việc tham gia vào các hoạt động trải
nghiệm sáng tạo sẽ là cơ hội để học sinh được phát huy vai trò chủ thể, tính
tích cực, chủ động, tự giác và sáng tạo của bản thân... Từ đó hình thành và
phát triển cho các em những giá trị sống và các năng lực, kĩ năng sống cần
thiết. Xác định rõ được vai trò quan trọng của việc tổ chức các hoạt động đó
nên ngay từ đầu năm học, trường tiểu học số 1 Kiến Giang đã chỉ đạo giáo viên
xây dựng kế hoạch cụ thể cho các hoạt động trải nghiệm. Ngoài các hoạt động
trải nghiệm theo quy mô toàn trường thì hoạt động trải nghiệm theo câu lạc bộ,
theo từng khối lớp với nhiều chủ đề, nội dung và hình thức tổ chức phong phú
cũng được ban giám hiệu và các giáo viên chú trọng.
Thực hiện kế hoạch đã được xây
dựng từ đầu năm, nhà trường đã tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh học sinh khối 3,4,5
đến tham quan làng nghề truyền thống của địa phương. Đó là làng nghề nón lá Quy
Hậu và chiếu cói An Xá.
Đến thăm làng nghề học sinh đã
có được nhiều trải nghiệm bổ ích, lý thú. Các em được tìm hiểu về làng nghề,
hiểu biết về các đặc trưng của địa phương với những nét phổ biến mang giá trị
văn hóa đặc sắc của các địa phương.
Nón Quy Hậu chủ yếu được sản
xuất theo từng hộ gia đình là chính. Bất cứ thời gian nào trong ngày mưa hay
nắng, ngày hay đêm nghề nón vẫn luôn hoạt động. Đến Quy Hậu các em biết được
cảnh nhà nhà làm nón, người người làm nón. Trong gia đình, tuy không có sự phân
công lao động rõ ràng nhưng cũng có sự phân công theo sức lao động của từng
người. Đàn ông thì chẻ tre thành những thanh nhỏ và vót tròn thành những vành
nón. Còn người mẹ, người bà, và con cái thì xây vành, xây lá và chằm nón. Nhiều
nhà có những em bé mới 9-10 tuổi cũng phụ giúp gia đình trong một số công đoạn
đơn giản.


Được đi
ngắm nhìn những sản phẩm do chính bàn tay khéo léo của các cô, bác và các em
nhỏ tạo ra, các em đều trầm trồ thán phục. Em Mai Phương chia sẻ: “Thưa
cô, để trở thành một người thợ làm nón giỏi chắc phải trải qua một thời gian
dài với nghề và cũng vất vả lắm phải không ạ?”. Cô Vân vui vẻ trả lời: “Đúng
vậy các cháu ạ, cô phải chịu khó học hỏi những người thợ già, những người thợ
giỏi trong làng, rồi đi học tập kinh nghiệm từ các nơi khác và luôn phải chịu
khó với công việc của mình. Quan trọng là phải yêu nghề các cháu ạ. Cũng như
các cháu nếu muốn học giỏi thì phải chịu khó học hỏi thầy cô bạn bè, chăm làm
bài tập và phải biết tìm tòi kiến thức qua sách vở đúng không nào?”. Tôi thấy
em nào cũng chú ý lắng nghe và tôi biết các em đều thấm thía một bài học cho
mình từ câu nói của các cô, các bác. Sau thái độ niềm nở của các cô, các bác,
các em sôi nổi đưa ra nhiều câu hỏi khác tìm hiểu về truyền thống, về sự
phát triển của làng nghề và đều được các cô, các bác giải đáp.
Các em
cũng được tham gia làm nón cùng các cô, các chị trong làng, quan sát tỷ mỷ tình
công đoạn của việc làm nón..

Học sinh tham gia chằm nón
Rời làng nghề nón lá Quy
Hậu, các em lại về với làng nghề chiếu cói An Xá- Lộc Thủy. Với
diện tích khuôn viên 2.000 m2 và khu nhà gồm 7 phòng dùng làm xưởng sản xuất.
Các em được đến thăm các công đoạn xe sợi, dệt may và vẽ màu để làm ra
một chiếc chiếu đẹp và tinh tế.

Công đoạn dệt chiếu bằng máy

Công đoạn may viền chiếu

Công đoạn vẽ màu trên chiếu
cói
Buổi trải nghiệm đã kết thúc. Các em ra về trong
lòng đầy phấn khởi. Tôi nhận thấy buổi trải nghiệm này đã giúp học
sinh hiểu hơn về làng nghề nón lá Quy Hậu và chiếu cói truyền thống An Xá. Qua
đó giúp các em cảm nhận được cuộc sống lao động cần cù, chịu thương, chịu khó
của người dân quê hương. Từ đó, các em biết quý trọng hơn những sản phẩm làng
nghề được làm nên từ những bàn tay điêu luyện, tài hoa, cảm nhận được những tấm
lòng chân chất, hồn hậu và đầy dung dị của những con người lao động hiền lành.
Mặt khác, đây cũng là một hoạt động giáo dục cho
học sinh lòng yêu quê hương, yêu lao động, kính trọng nhân dân qua nhiều thế
hệ, niềm tự hào về nghề thủ công truyền thống, nuôi dưỡng ý thức “giữ lửa” làng
nghề truyền thống; biết trân trọng và gìn giữ những di sản văn hóa của quê
hương, niềm tự hào, thái độ đúng đắn đối với nghề truyền thống. Bồi dưỡng thêm
tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh ./.
Tiểu học số 1 Kiến Giang