Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 208
Số lượt truy cập: 62443118

Quảng cáo
ĐẠI ĐỘI NỮ PHÁO BINH NGƯ THỦY - NHỮNG NGƯỜI NỮ ANH HÙNG CỦA THẾ KỶ XX. 12/15/2011 8:52:28 AM
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, xã Ngư Thủy nói riêng và huyện Lệ Thủy nói chung là địa bàn có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, là yết hầu của hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, cửa ngõ quan trọng để tiến vào miền Nam.

Vì vậy, trong cả hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Mỹ luôn chọn nơi đây làm trọng điểm bắn phá nhằm ngăn chặn, cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Giữa bom đạn, khói lửa của cuộc chiến tranh, có một đơn vị pháo binh gồm toàn là chị em phụ nữ được thành lập và đã giành được những chiến công vang dội, làm nức lòng nhân dân cả nước, bạn bè các nước phải thán phục và kẻ thù phải khiếp sợ. Đó là Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy, ra đời vào ngày 20 - 11 - 1967

1. Đơn vị nữ dân quân địa phương ra đời từ thực tiễn của cuộc kháng chiến

Hiệp định Giơ - ne - vơ được ký kết ( 21 - 7 - 1954) đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đối với ba nước Việt Nam, Lào, Cam - pu - chia. Pháp rút hết quân khỏi miền Nam, Mỹ liền nhảy vào và đưa bọn tay sai ( đứng đầu là Ngô Đình Diệm ) lên nắm chính quyền, thực hiện âm mưu chia cắt Việt Nam làm hai miền, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Dương và Đông Nam Á. Vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến quân sự tạm thời, chia cắt đất nước thành hai miền Nam, Bắc. Từ đó, vùng đất giáp ranh hai đầu cầu giới tuyến là huyện Lệ Thủy ( Quảng Bình ) và Vĩnh Linh ( Quảng Trị ) trở thành mảnh đất gối lên đầu cầu giới tuyến. Là một xã cuối cùng về phía Đông Nam của huyện Lệ Thủy, Ngư Thủy được xem là tuyến lửa đối đầu trực tiếp với kẻ thù, đồng thời là tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.  Vì vậy, trong thời gian suốt 21 năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, vùng đất rộng chưa đầy 50 km2 này đã hứng chịu hàng trăm tấn bom đạn của giặc Mỹ dội xuống, gây nên bao đau thương, mất mát cho nhân dân. Nhưng cũng từ trong máu lửa của cuộc chiến tranh, tấm lòng kiên trung, anh dũng phi thường của nhân dân Ngư Thủy đã sáng bừng lên hơn lúc nào hết. Quân dân đoàn kết chiến đấu làm nên những chiến thắng vang dội mà ngay chính kẻ thù không hiểu được.

Trong những năm 1964 - 1968, trước tình hình đế quốc Mỹ liều lĩnh leo thang bắn phá miền Bắc nhằm phá hoại công cuộc xây dựng CNXH của ta , ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc đối với miền Nam…, nhận rõ vị trí quan trọng của địa bàn, cấp ủy và chính quyền xã luôn chú trọng xây dựng lực lượng dân quân Tây Thôn ( một thôn của xã lúc bấy giờ ) vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu cao. Đặc biệt, đến năm 1967, đế quốc Mỹ liên tục đánh phá ác liệt nhằm ngăn chặn tất cả các hoạt động của ta trên biển từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 20. Vùng biển Lệ Thủy trở thành trọng điểm đánh phá mang tính hủy diệt của máy bay và tàu chiến địch. Trước tình hình đó, được sự nhất trí của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu, xuất phát từ điều kiện thực tế của cuộc kháng chiến trên địa bàn xã, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh đội Quảng Bình, " Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy"  được thành lập nhằm chiến đấu bảo vệ vùng biển quê hương, đuổi tàu chiến địch ra xa, giúp ngư dân yên tâm bám biển làm ăn.

Ngày 20 tháng 11 năm 1967, các đồng chí Trần Hoãn - Huyện đội trưởng Lệ Thủy, Nguyễn Tiếng - Trưởng ban pháo binh Tỉnh đội, Trần Xứng - Bí thư Đảng ủy xã Ngư Thủy, Trần Bổng - Xã đội trưởng, Phan Thanh Thiện - Chính trị viên và Nguyễn Xuân Thông - Đại đội trưởng Đại đội 9 pháo binh tỉnh cùng một số đồng chí cán bộ tham mưu, chính trị Tỉnh đội, Huyện đội đã đến Ngư Thủy tổ chức cho Đại đội dân quân nữ pháo binh Ngư Thủy chính thức ra mắt nhân dân địa phương. Từ đây, nhân dân Ngư Thủy có thể tự mình đứng lên đánh trả giặc Mỹ, bảo vệ quê hương.

Lúc mới thành lập, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy gồm có 37 đồng chí với đa số chị em tuổi đời còn rất trẻ, từ khoảng 16 đến 22 tuổi. Toàn Đại đội được biên chế thành ba trung đội, một trung đội chỉ huy và hai trung đội trận địa. Về vũ khí trang bị có 4 khẩu pháo 85 ly, 4 xe kéo pháo, máy móc đo đạc, thông tin, vô tuyến hữu tuyến, bàn đạc , súng bộ binh AK và CKC. Khi mới thành lập, Đại đội do đồng chí Ngô Thị The làm Đại đội trưởng, đồng chí Trần Thị Thản làm chính trị viên; trong thời kỳ 1970 - 1976, do đồng chí Trần Thị Hoanh làm Đại đội trưởng và đồng chí Ngô Thị Thới làm chính trị viên. Về sau, do điều kiện và tình hình mới của cuộc chiến đấu, quân số của Đại đội được bổ sung thêm, nâng tổng quân số lên 91 chị em. Tuy vậy, quân số này cũng không cố định bởi một số chị em do điều kiện sức khỏe hoặc gia đình đã xin nghỉ không thể tiếp tục chiến đấu.

Trong suốt 10 năm chiến đấu, chị em luôn phải sống tập trung, ăn ở cùng nhau ở dưới hầm ngay trong trận địa. Ngoài sự quan tâm, động viên của Đảng bộ và nhân dân địa phương, Đại đội còn được Huyện cấp cho một số quân trang cần thiết như chăn, màn, dụng cụ cấp dưỡng, hỗ trợ một phần lương thực, thực phầm Đặc biệt, lãnh đạo Huyện còn giao nhiệm vụ cho C361 ( Đại đội chủ lực của Huyện đội Lệ Thủy ) có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện cho Đại đội triển khai chiến đấu. Bên cạnh đó, Tiểu đoàn 7 của Trung đoàn 270 cũng đã cử  Đại đội 9 trực tiếp đỡ đầu và huấn luyện cho các chị em.Ngoài ra, Đại đội cũng được Ban pháo binh Tỉnh đội và Quân khu IV tổ chức lớp huấn luyện quân sự trong thời gian 3 tháng hoặc cử một số chị em đi học ở trường sĩ quan pháo binh Sơn Tây Có thể nói, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo và huấn luyện sát sao của lãnh đạo tỉnh, huyện, chính quyền và sự hỗ trợ, động viên của nhân dân địa phương cùng các đơn vị bộ đội khác trên địa bàn, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy ngày càng trưởng thành, sử dụng thuần thục các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, sẵn sàng chiến đấu.

2. Đến những chiến công vang dội

Cuối năm 1964 đầu năm 1965, cùng với việc đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam, Mỹ mở rộng chiến tranh không quân và hải quân phá hoại miền Bắc. Ngày 5 - 8 - 1964, sau khi dựng lên " Sự kiện vịnh Bắc Bộ ", Mỹ cho máy bay ném bom một số nơi ở miền Bắc như cửa sông Gianh (Quảng Bình), Vinh - Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa), thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh) Ngày 7 - 2 - 1965, Mỹ cho máy bay ném bom bắn phá thị xã Đồng Hới (Quảng Bình), đảo Cồn Cỏ (Vĩnh Linh - Quảng Trị) chính thức gây ra cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc (lần thứ nhất)

Cùng với nhân dân toàn miền Bắc, quân dân huyện Lệ Thủy và xã Ngư Thủy Bắc, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy đã tham gia chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ngay từ những ngày đầu và lập nên những chiến công vang dội. Trong vòng chưa đầy năm tháng của năm 1968, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy đã đánh 4 trận và được công nhận bắn cháy 3 tàu chiến Mỹ.

- Trận đánh thứ nhất (ngày 7 - 2 - 1968)

Ngày 7- 2 - 1968, Mỹ cùng lúc điên cuồng huy động máy bay B.52 và Hạm đội 7 trên biển bắn phá xuống Lệ Thủy mà trọng điểm là xã Ngư Thủy bởi ngoài vị trí quan trọng là tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chúng còn biết nơi đây là nơi tập kết, đóng quân của nhiều đơn vị bộ đội chủ lực sẵn sàng chi viện cho miền Nam. Với quyết tâm đánh thắng ngay từ trận đầu cùng lòng căm thù giặc Mỹ đến cao độ, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Ngô Thị The và Chính trị viên Trần Thị Thản, các chị đã bám sát trận địa, mắt không rời mục tiêu mặc cho bom rơi đạn nổ trên đầu. Khi mục tiêu vào tầm ngắm, với 3 loạt đạn Ca-nông đầu tiên, chỉ trong vòng 7 phút với 48 viên đạn được bắn ra đã có 8 viên bắn trúng tàu địch, làm cho chiếc tàu  mang số hiệu 013 đã bốc cháy dữ dội giữa tiếng reo hò vui mừng của bà con làng xóm. Khi cuộc chiến đấu kết thúc, bà con vẫn còn sửng sốt, không tin nổi vào chuyện đàn bà, con gái có thể sử dụng pháo bắn cháy tàu chiến Mỹ. Chính kẻ thù cũng không ngờ rằng ở vùng đất cát trắng này lại có một đại đội nữ pháo binh có thể bắn cháy tàu chiến của chúng.

- Trận đánh thứ hai (ngày 27 - 3 - 1968)

Năm mươi ngày sau trận thắng đầu tiên, mờ sáng ngày 27 tháng 3 năm 1968, Đại đội lại bắn cháy thêm tàu khu trục của Mỹ mang số hiệu 719

- Trận đánh thứ ba (ngày 16 - 5 - 1968)

Chiến thắng dồn dập chiến thắng đã làm nức lòng quân dân Lệ Thủy nói chung và xã Ngư Thủy nói riêng. Phát huy những thắng lợi đầu tiên đó, nhằm lập thành tích chào mừng Bác Hồ kính yêu 78 tuổi, lại thêm 50 ngày sau trận thắng thứ hai, trưa ngày 16 - 5 - 1968, chiếc tàu khu trục Mỹ mang số hiệu 742 lại bị " ăn đạn " của Đại đội, bốc cháy dữ dội, phải tháo chạy ra biển xa

- Trận đánh thứ tư (ngày 14 - 6 - 1968)

Đến ngày 14 - 6 - 1968, Đại đội tiếp tục bắn cháy thêm chiếc tàu khu trục thứ tư của Mỹ mang số hiệu 72.

Với những chiến công vang dội đó,  Đại đội được trở thành một trong những đơn vị dân quân đầu tiên trên vùng biển ở miền Bắc nước ta lập được nhiều chiến công xuất sắc và được Bác Hồ tặng cho huy hiệu của Người. Ngoài ra, Đại đội còn nhiều lần vinh dự được đón nhận những tặng thưởng xứng đáng như: Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huy hiệu " Ba đảm đang ", Huy hiệu " Nguyễn Văn Trỗi "..., được đoàn đại biểu phụ nữ Ba Lan tặng toàn Đại đội 10 huy chương vàng. Vinh dự và tự hào hơn, ngày 25 - 8 - 1970, đơn vị được Đảng, Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang, trở thành đơn vị dân quân thứ hai của Lệ Thủy vinh dự được công nhận đơn vị Anh hùng.

Bước sang những năm 1969 - 1973, sau thất bại của chiến lược " Chiến tranh cục bộ ", Mỹ chuyển sang chiến lược " Việt Nam hóa chiến tranh " ở miền Nam và mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương, thực hiện chiến lược " Việt Nam hóa chiến tranh ". Tuy nhiên, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của ta đã giáng đòn nặng nề vào chiến lược " Việt Nam hóa chiến tranh ", buộc Mỹ phải tuyên bố " Mỹ hóa " trở lại chiến tranh xâm lược. Nhằm cứu vãn cho tình thế của cuộc chiến tranh và bọn Ngụy quân, Ngụy quyền, Mỹ lại leo thang bắn phá miền Bắc lần thứ hai.

Ngày 6 - 4 - 1972, Mỹ cho máy bay ném bom bắn phá một số nơi từ Thanh Hóa vào Quảng Bình. Ngày 16 - 4 - 1972, tổng thống Mỹ Ních - xơn tuyên bố chính thức tiến hành cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc ( lần thứ hai ). Đến ngày 9 - 5 - 1972, Ních - xơn tuyên bố phong tỏa cảng Hải Phòng cùng các cửa sông, luồng lạch, vùng biển miền Bắc nước ta

Quảng Bình là một trong những nơi mà địch tiến hành đánh phá dữ dội nhất. Trong tháng 4 - 1972, máy bay và tàu chiến Mỹ đã đánh trên 500 trận vào 360 điểm trên địa bàn tỉnh, sử dụng hơn 500 loạt bom các loại, 7000 quả đạn pháo đánh phá đất Quảng Bình. Chỉ riêng trong ngày 30 - 4, Mỹ bắn phá 33 mục tiêu trên tất cả các huyện của tỉnh. Tại Lệ Thủy, trong những tháng đầu, chúng tập trung đánh phá rất ác liệt, nhằm vào những mục tiêu chiến lược như các tuyến giao thông dọc đường Quốc lộ 1A, dọc đường 15, những nơi tập kết lực lượng và vũ khí, thuốc men ở miền Tây của huyện. Các vùng ven bờ biển, trong đó có xã Ngư Thủy, chúng huy động từng hải đội tàu khu trục uy hiếp và nã đạn pháo vào đất liền.

Thực chủ trương của Huyện ủy về tăng cường hơn nữa khả năng chủ động đối phó với mọi âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy được tăng cường thêm quân số. Trước khi bước vào trận đánh, có một số chị đã được cử đi học ở Trường sĩ quan Pháo binh Sơn Tây như chị Trần Thị Hoanh, Nguyễn Thị Toan, Trần Thị Lựa, Nguyễn Thị Sâm, Nguyễn Thị Thiêm, Lê Thị Nghịn. Sau 4 tháng huấn luyện trở về, các chị đã tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, sử dụng khá thành thạo các loại vũ khí hiện đại , sẵn sàng cùng các chị em khác trong Đại đội chiến đấu. Trong thời gian từ 1972 - 1976, Đại đội do chị Trần Thị Hoanh làm Đại đội trưởng, chị Ngô Thị Thới làm Chính trị viên và đã tham gia đánh bốn trận, tiếp tục làm nên những thắng lợi giòn giã làm kinh hoàng kẻ thù.

- Trận đánh thứ nhất (ngày 5 - 5 - 1972):

20 giờ ngày 5 - 5 - 1972, Đài chỉ huy phát hiện mục tiêu lập tức thông báo cho chị em sẵn sàng chiến đấu. Sau 30 phút, các khẩu đội đã sẵn sàng chiến đấu. Đài chỉ huy điện xin cấp trên và được cấp trên đồng ý. Trận đánh bắt đầu.

Đúng 21 giờ ngày hôm đó, sau khi Đài chỉ huy đo được độ hướng, thước tầm, bốn khẩu đội bắn loạt đạn đầu tiên. Mặc cho địch bắn trả quyết liệt, khó khăn do chiến đấu trong điều kiện đêm tối và một số người bị thương nhẹ, chị em vẫn bình tĩnh đứng vững trên trận địa, liên tục nã đạn vào kẻ thù. Giữa những tiếng đùng đoàng náo động của đạn pháo, mịt mù của đêm tối và khói bụi, khẩu lệnh chỉ huy của đồng chí Đại đội trưởng vẫn vang lên đanh thép, lanh lảnh, thúc giục chị em hăng hái chiến đấu. Kết quả, chỉ sau 10 phút chiến đấu quyết liệt, chị em nhận ra tàu địch đang bốc cháy giữa bầu trời đêm. Cả Đại đội ai nấy nhảy cẫng lên, ôm chầm lấy nhau vui sướng vì ta đã thắng. Bà con trong xóm cũng ùa ra reo hò khi nhìn tàu chiến của Mỹ bị Đại đội bắn cháy.

- Trận đánh thứ hai (ngày  9 - 6 - 1972)

Từ tháng 6 - 1972, Mỹ huy động càng nhiều máy bay và tàu chiến hơn tập trung đánh phá với cường độ cao vào khu vực Quảng Bình, Vĩnh Linh hòng cắt đứt tuyến chi viện của miền Bắc đối với miền Nam cả trên bộ lẫn trên biển. Huyện Lệ Thủy cũng như  xã Ngư Thủy lại trở thành trọng điểm bắn phá của chúng

Ngày 9 - 6 -1972, cũng như những lần bắn phá trước, Mỹ huy động cả máy bay B.52 và tàu chiến ném bom và bắn đạn pháo để phá hủy các cầu cống, đường sá và khu dân cư. Rút kinh nghiệm từ trận đánh trước, cũng chiến đấu trong điều kiện ban đêm nhưng Đại đội đã nhanh chóng triển khai trận địa, xác định mục tiêu, độ hướng, thước tầm và đồng loạt nổ súng. Quả nhiên, mấy phút sau khi khai hỏa, một lần nữa ở ngoài khơi, lửa lại bốc cháy trên tàu địch. Chiến công này của Đại đội cùng với chiến công của các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ đã góp phần bảo vệ vùng biển quê hương.

- Trận đánh thứ ba (ngày 14 - 7 - 1972)

Trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 - 1972, Mỹ liều lĩnh cho tàu chiến áp sát vào các vùng ven biển Quảng Bình, Quảng Trị, phong tỏa các cửa sông, cửa biển bằng ngư lôi và bom từ trường, đồng thời liên tục nã trọng pháo vào các vùng đông dân cư. Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy lúc này phải tăng cường hoạt động, cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu khi có tàu chiến Mỹ xuất hiện.

Ngày 14 - 7 - 1972, khoảng 21 giờ, tàu chiến địch lại xuất hiện và bắn trọng pháo vào đất liền. Với tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu cao độ, các chị đã nhanh chóng xác định mục tiêu và bắn trả quyết liệt. Cũng như trận đánh trước, chỉ sau vài phút, một phần tàu chiến của Mỹ đã bị bốc cháy, buộc phải tháo chạy ra khơi xa.

- Trận đánh thứ tư (ngày 29 - 7 - 1972)

Sau trận đánh thứ ba khoảng 15 ngày, đến ngày 29 - 7 - 1972, Đại đội pháo của các chị tiếp tục đánh trận thứ hai trong tháng 7 và cũng là trận đánh cuối cùng trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai của Mỹ. Trong trận này, tàu chiến Mỹ bị đạn pháo của Đại đội cùng các đơn vị pháo binh khác uy hiếp, hoảng sợ tháo chạy trong niềm hân hoan của mọi người

Như vậy, trong năm 1972, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy đã tham gia đánh bốn trận và có hai lần được trên công nhận là bắn cháy tàu chiến Mỹ (hai trận đầu). Chiến công của các chị đã cùng với nhân dân trên toàn xã, huyện, tỉnh và quân dân toàn miền Bắc đã góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai của đế quốc Mỹ

Kết thúc 8 năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, nhân dân xã Ngư Thủy trở thành tấm gương sáng của huyện Lệ Thủy trong chiến đấu và sản xuất, xứng đáng với sứ mệnh là một xã nằm ở tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Với thành tích đánh 8 trận, trong đó có 5 trận được trên công nhận bắn cháy và chìm tàu chiến Mỹ, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy xứng đáng với danh hiệu mà Đảng và Nhà nước trao tặng - Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tên tuổi và chiến công của Đại đội cũng như của các chị mãi mãi được lịch sử ghi nhận để các thế hệ sau luôn tự hào về truyền thống " Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang " của người phụ nữ Việt Nam.

Một số hình ảnh về Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy:


NPBNT_1.jpg
Sát cánh bên nhau chiến đấu bắn cháy tàu chiến Mỹ


NPBNT_2.jpg
Chính trị viên Đại đội - Ngô Thị Thới, tặng Chủ tịch Phi -đen Cax-tơ-rô vỏ đạn pháo 85 ly trong trận chiến đấu bắn cháy tàu chiến địch ngày 7 - 2 - 1968


NPBNT_3.jpg
Chính trị viên Đại đội - Trần Thị Thản (1968)


NPBNT_4.jpg
Đại đội trưởng Trần Thị Hoanh và Chính trị viên Ngô Thị Thới (thời kỳ 1970 -1976)

NPBNT_5.jpg
Bác Hồ gặp mặt các anh hùng, chiến sĩ thi đua Quân khu IV năm 1969
(O Trần Thị Thản đứng thứ hai hàng trước từ trái sang)


NPBNT_6.jpg
O Trần Thị Thản gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội (1969)


NPBNT_7.jpg
Gặp mặt các nữ pháo binh trong Đại đội tại Ngư Thủy Trung (2008)


Ngày 09 tháng 12 năm 2011
Đỗ Trọng Hưởng - GV trường THCS Ngư Thủy Bắc

Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com