Menu
THÔNG BÁO
Hỗ trợ trực tuyến
Dương Văn Dũng
Dương Văn Dũng
Phạm Xuân Cường
Phạm Xuân Cường
Developed
Thống kê truy cập
Số người đang online: 541
Số lượt truy cập: 72761463

Quảng cáo
NHỮNG MÙA PHƯỢNG ĐÃ QUA 6/11/2022 11:03:39 AM
Chưa bao giờ trong chúng ta lại chộn rộn vì màu phượng đỏ như năm nay. Có lẽ, vì phượng đã trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức nhà học trò. Thử tưởng tượng, nay mai sân trường không còn bóng dáng phượng vĩ, không còn hình ảnh “những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng”, để rồi trái tim lặng thầm bật khóc “mùa hè của tôi đi đâu”. Tôi gọi tên màu hoa này bởi đây là năm học đầu tiên học sinh trong cả nước có một mùa hè ý nghĩa sau những năm gián đoạn do đại dịch Covid - 19.

* Phượng hồng là em đó

Cũng như bao thế hệ học sinh trường PTTH trên quê hương tướng Giáp, thế hệ 7X của chúng tôi đã gắn bó với nhau dưới mái trường ba mùa phượng vĩ. Phượng đã thành ký ức, một thứ quà tuổi thần tiên đã tặng cho các thế hệ học sinh. Phượng trong lòng mọi người gắn liền với tiếng ve kêu rền rã và nụ cười giòn tan mỗi ngày đến trường. Phượng rực cháy thắp lửa sân trường vào những ngày hè nóng bỏng. Bạn tôi ngắt những chùm phượng hồng bỏ vào giỏ xe các bạn nữ rồi chở nhau đi quanh sân trường. Lãng mạn hơn, các bạn nữ lấy những bông phượng ép vào quyển lưu bút ngày xanh với hình những trái tim, những con bướm đang chập chờn bay lượn.

Mà cũng kì lạ, không biết từ bao giờ phượng trở thành màu học trò, khiến trái tim của bao chàng trai, cô gái ngất ngây, rung động. Phượng rỡ ràng với màu hương khác lạ, da diết. Cánh hoa với hình thể, dáng vẻ, màu sắc riêng, đó chính là tác phẩm sáng tạo đặc biệt, tinh túy của thiên nhiên, đất trời.

Dưới hàng ghế đá trên sân trường, những tà áo dài thướt tha của các nữ sinh khiến chúng tôi chợt thức trong niềm hoan hỷ để được lặng lẽ bên hoa, nghe chậm tiếng phượng rơi, uống cả hương hoa rực hồng. Phải chăng lúc này hồn phượng như cũng lắng nghe, cảm nhận được niềm vui thuần nhiên của con người. Và tôi mong trời bớt nắng nực để những cánh hoa nhỏ tươi đẹp còn ở lại lâu thêm trên cành.


1906nmt01.jpg


Ở một góc quan trọng trong trái tim, chúng tôi thắc thỏm, tiếc nuối nghĩ đến phượng như người bạn thân thiết đã chứng kiến những chuyện tình, chuyện đời riêng, rưng rưng với tuổi học trò đến lạ. Dưới bóng phượng, bao lứa học trò đến rồi đi, để lại bâng khuâng bao kỷ niệm. Những cánh phượng đi vào văn chương, thơ ca, nhạc, họa như cất giấu một thời mộng mơ đầy khát vọng, yêu thương.

Nhà thơ Trương Anh Tú đã viết: “Hoa nở quên mình đang nở/Hoa rơi quên hoa đang rơi…”. Có lẽ, phượng đã sống trọn vẹn tuổi học trò, đâu nghĩ đến chuyện vui buồn, tan hợp. Ừ thì cũng tại học trò đã sống trọn với tình yêu phượng. Điều này thật khác xa tâm trạng tự ti mà bi quan lạ lùng của một người cao tuổi “Uống rượu xem hoa mẫu đơn” để tự thẹn trước vẻ diễm lệ ấy, khi tự cho mình không xứng hợp với hoa: “Chỉ e hoa biết mỉm cười/Nở ra đâu có vì người tuổi cao?”.

* Cánh phượng hồng ngẩn ngơ

Thời gian vừa rồi câu chuyện người ta hối hả chặt bỏ cây phượng vĩ sau một tai nạn thương tâm dẫn đến cái chết tức tưởi của cậu bé học trò khiến chúng tôi rất rung rưng. Phượng buồn. Xác phượng tả tơi. Liệu còn ai trồng phượng xanh, ai giữ phượng già? Câu trả lời đã có trong việc chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ phượng tại mái trường THPT Lệ Thủy.

Nhìn những bức ảnh do bạn các bạn gửi cho nhóm lớp cũ, chúng tôi vô cùng xúc động. Bởi Đoàn trường đã làm được những điều vô cùng ý nghĩa trong việc bảo vệ mái nhà văn hóa truyền thống của tuổi học trò. Đó là việc làm đẹp bảo vệ thiên nhiên, môi trường tự nhiên. Bởi suy cho cùng mọi tai họa đến đều do con người. Khi chúng ta có biện pháp khoa học và có tình yêu với thế giới xung quanh thì mọi việc tốt đẹp nhất từ đó nảy nở. Cũng có người nói rằng, nếu chỉ tiếc “phượng hồng là hoàng hậu đó”, thì đó là một tư duy cảm tính. Nghệ sĩ Bích Hạnh đã phải thốt lên: “Chặt bỏ có cái lý của chặt bỏ, nếu cây mục ruỗng. Còn khi bị chặt bỏ lúc đang “xuân”, thì nỗi đau đâu phải chỉ mình cây. Người ta trồng một cái cây luôn không phải là chuyện vô tình. Huống hồ, cây nào mục ruỗng, mục ruỗng vì đâu?”

Một gốc phượng cần được “hiểu” như con người vậy. “Xin đừng động vào cây mùa lá rụng” không phải chỉ là câu thơ về tình đời của Olga Berggoltz, mà đó là tấm biển thật treo ở những đại lộ Moskva vào mùa thu các bạn ạ.

Tất cả các loài cây trên trái đất này đều giống như những con người. Chúng phản ứng rất nhanh với sự biến đổi khí hậu và sự thay đổi tâm tính của con người. Phượng cũng vậy. Dẫu ở đâu đó phượng bị triệt hạ, héo tàn thì dưới sân trường của chúng tôi năm nào, phượng vẫn lên xanh, nở bung trên trời xanh màu đỏ thắm.

Tôi lại nhớ đến câu chuyện đã xảy ta cách đây 24 năm, ngày đó, chúng tôi là những cô cậu học trò lớp 12 chuyên ban C (chuyên Văn, Sử, Địa, Anh, Triết). Câu chuyện bắt đầu khi có bạn Bình chủ trương leo lên cây phượng to nhất ở trường để bẻ một nhánh cho các bạn nữ chụp ảnh kỷ niệm. Khi lên đến nhánh đẹp nhất, hoa nhiều nhất, Bình phát hiện ở dưới thân cây gần đó có một đôi chim sẻ đang xây tổ. Vốn tính thường ngày hay nghịch ngợm, chọc phá nhưng đột nhiên bạn ấy lặng lẽ tuột xuống và bảo nhỏ với tụi tôi: “Có tổ chim non đẹp lắm”. Trời ơi, chim đang làm tổ trên cây phượng. Cả bọn túm đầu lại bàn bạc với nhau rồi đi đến quyết định không bẻ phượng nữa đồng thời bí mật bảo vệ tổ chim để cho các con chim non rời tổ.

Thế rồi, những trang lưu bút của lớp 12 văn ngày ấy không có cánh phượng nào để ép, thay vào đó là những dòng nhật ký xúc động về nhiều kỷ niệm ba năm học tập cùng nhau. Giờ đây, khi ngoái nhìn mùa hè cách đây 24 năm, tôi vô cùng xúc động bởi những trái tim non nớt của tổ ấm 12C năm nào rất nhân văn và đẹp đẽ.    

Những con chim sẻ đã rời tổ cũng là khi chúng tôi xa trường. Rồi sau đó, chúng tôi cũng như các chú sẻ kia chập chững bước vào thế giới mênh mông rộng lớn với biết bao chơi vơi, bỡ ngỡ. Nhưng cũng như các chú sẻ, chúng tôi đã có một tổ ấm vững chắc trước khi bay xa. Điều đó vô cùng có ý nghĩa với chim và với người.  

Tôi bất chợt nghĩ đến tấm biển ở bìa rừng nước Đức trên một ấn phẩm văn học Châu Âu “Cấm vào, vì hiện đang là mùa chim làm tổ”. Người Đức đã bảo vệ thiên nhiên bằng tình yêu và bằng cả khoa học thực tế. Ở nhiều nước, khi người nào muốn chặt cây trong vườn của mình, chính quyền bắt buộc phải kiểm tra trên cây có chim làm tổ hay không nữa. Nghĩ chừng ấy thôi, nhắc lại câu chuyện nhỏ cùng các bạn khiến chúng tôi như trao lại các bạn điều gì đó ý nghĩa, thân thương.

Thời gian như những cánh chim di chở trôi bao buồn vui lặng lẽ. Giờ đây, khi trở lại sân trường trong mùa phượng đơm bông khiến tôi chợt ngộ thức bao điều phượng mang đến cho tôi và các bạn khi còn ngồi trên ghế nhà trường.  

Bây giờ, tôi chỉ biết phượng là tình yêu, là ký ức của nhà học trò hôm qua, hôm nay và mãi mãi sau này. Bao con người lam lũ vun đất, chăm tưới, tỉa cành, trừ sâu, bảo vệ và giao tình với cây, thì hiển nhiên phượng xanh tốt, nở hoa, mỉm cười đỏ rực bên dòng Kiến Giang để chở bao mùa thi qua, bao mùa thi ngẩn ngơ trong tôi và các bạn.

Ngô Mậu Tình

Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Bài viết mới nhất
Hình ảnh
Liên kết website

Quảng cáo

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ PHÒNG GD VÀ ĐT LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 052.3882625 - Email:banbientap@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường - ĐT: 0912.037911 - Email: cuonggiaoduc@yahoo.com