Đúng 14 giờ ngày
18/5/2022, tất cả cán bộ, giáo viên và học sinh toàn trường đã có mặt đông đủ. Dù
không phải là lần đầu được trải nghiệm nhưng trên gương mặt các em học sinh đều
lộ rõ sự háo hức chờ đợi khi được trực tiếp tham quan tìm hiểu về truyền thống
lịch sử của quê hương Lệ Thủy anh hùng, nơi sinh ra vị tướng lừng danh Võ
Nguyên Giáp.
Điểm
đến đầu tiên của buổi trải nghiệm là Trung tâm văn hóa - Nhà
truyền thống huyện Lệ Thủy. Tại đây, các
thầy cô trong trường, các em học sinh
được nghe
cô hướng dẫn viên giới thiệu chi tiết và tận mắt xem bản đồ hành chính của huyện, của xã
mình đang sống. Ngoài ra còn có cả những hình ảnh cùng hiện vật qua các thời kì,
những người con Lệ Thủy anh hùng trong hai cuộc kháng chiến trường kì của dân
tộc. Phòng truyền thống cũng dành một
không gian trang trọng để trưng bày những hiện vật, tranh ảnh về Đại tướng Võ
Nguyên Giáp, ghi dấu ấn tuổi niên thiếu và quá trình hoạt động cách mạng; đặc
biệt là chân dung Người được ghép tỉ mỉ, ấn tượng từ 3000 bức ảnh khác nhau.
Điểm đến tiếp theo của hành trình là nhà lưu niệm Đại
tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là ngôi nhà nhỏ gần sông Kiến Giang tại làng An Xá
thuộc xã Lộc Thủy. Ngôi nhà là một địa điểm vô cùng gần gũi và thân thiết với
đồng bào, chiến sĩ cả nước, là nơi để mọi người bày tỏ lòng tri ân, ngưỡng mộ
đối với vị tướng tài ba của dân tộc. Dưới sự hướng dẫn của thầy tổng phụ trách
Đội, các em tập trung ở trước sân nhà đại tướng, lần lượt đi vào dâng hương.
Tất cả đều xúc động khi nghe cô hướng
dẫn viên kể về Đại tướng và quá trình lịch sử của ngôi nhà lưu niệm này.
Ngôi nhà là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc
chào đời và có những kỉ niệm tuổi thơ. Đại tướng đã sống tại ngôi nhà này đến
năm 13 tuổi rồi vào học ở Trường Quốc học ở Huế, nơi khởi đầu sự nghiệp cách
mạng về sau này. Trải qua các cuộc chiến tranh, ngôi nhà đã bị đốt phá, hư hỏng
nhiều. Vào năm 1977, Nhà lưu niệm được phục dựng ngay trên nền đất của ngôi nhà
cũ theo nguyên gốc kiến trúc điển hình của những ngôi nhà ở làng quê Lệ Thủy từ
xa xưa với ba gian, hai chái lợp ngói, mái hiên được lợp bằng lá cọ, cửa bức
bàn. Lúc làm nhà, địa phương muốn dùng gỗ lim để xây dựng nhưng Đại tướng kiên
quyết không đồng ý vì theo Đại tướng, làm thế sẽ trở thành tiền lệ cho mọi
người phá rừng.
Nhà được lợp mái đơn sơ, dưới mái lợp thêm chái tranh làm
cửa chống lên che mưa, che nắng. Gian chính giữa của ngôi nhà đặt bàn thờ tổ tiên, treo di ảnh hai cụ
thân sinh của Đại tướng rất trang trọng. Các vật dụng trong nhà cũng rất đơn sơ
từ bàn ghế, chiếc giường chiếu cói…đều thể hiện tính cách và tư tưởng sống rất
giản dị của Đại tướng. Xung quanh kèo nhà treo một số ảnh Đại tướng chụp chung
với Bác Hồ và với nhiều chiến sĩ. Những vật dụng ở vùng quê chiêm trũng Lệ Thuỷ
như cày, bừa, cuốc, xẻng, chum, vại… được sắp đặt ngăn nắp. Trên chiếc bàn ở một góc chính có một tập ảnh của đại
tướng và cuốn lưu bút lưu lại những dòng chữ của dòng người hành hương. Trong
vườn nhà lưu niệm có rất nhiều cây xanh, có những cây do chính tay Đại tướng
trồng mỗi lần về thăm quê, nhưng đặc biệt nhất vẫn là cây khế ngọt tỏa bóng sum
suê bên hồi nhà. Cây khế cổ thụ năm nay cũng đã hơn trăm tuổi nơi lưu giữ những
kỉ niệm tuổi thơ của Đại tướng. Cây khế vẫn đứng vững trước bão giông cũng như
Đại tướng luôn trường tồn trong lòng người dân đất Việt.
Được đến thăm nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lắng
nghe cách kể chuyện đầy xúc động của cô hướng dẫn viên, các em càng thêm yêu kính,tự hào về Đại tướng, một nhân cách cao quý nhưng
rất giản dị, gần gũi với nhân dân.
Kết thúc chuyến tham
quan Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Nhà truyền thống huyện Lệ Thủy,
các em tự tin kể cho nhau nghe về những gì mình được trải nghiệm, để cảm thấy
niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước và lòng biết ơn sâu nặng với
các thế hệ cha anh đi trước. Tin chắc rằng
qua buổi tham quan, các em sẽ sống và hành động để xứng danh người con của mảnh
đất Lệ Thủy anh hùng.
Một số hình ảnh